Tác giả Thạch LamTìm hiểu tác giả Thạch Lam gồm các nội dung tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, phong cách văn học và đóng góp cho nền văn học. 1. Tiểu sử - Thạch Lam (1910 – 1942), tên thật là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Nguyễn Tường Lân) - Ông sinh ra tại Hà Nội, trong một gia đình công chức, gốc quan lại đã đến hồi sa sút. - Cha Thạch Lam là Nguyễn Tường Nhu, thông thạo chữ Hán và chữ Pháp, làm Thông Phán Tòa sứ. - Mẹ là bà Lê Thị Sâm, người gốc Huế đã ba đời ra Bắc. - Ông bà Nhu có tất cả bảy người con (6 trai, 1 gái): Tường Thụy, Tường Cẩm, Tường Tam, Tường Long, Thị Thế, Tường Vinh và Tường Bách. Trừ Tường Thụy, làm công chức, các người con còn lại đều đã ít nhiều dự vào nghiệp văn chương. Trong số đó, nổi bật là Tường Tam (Nhất Linh), Tường Long (Hoàng Đạo) và Tường Vinh (Thạch Lam). - Một lần từ Cẩm Giàng lên Hà Nội tiếp tế tiền gạo cho hai con học tập, ông Nhu gặp lại người lãnh đạo cũ là viên Công sứ Hải Tường, mời sang Sầm Nứa (Lào) để làm thông ngôn cho ông. Gặp năm lũ lụt, mất mùa, buôn bán ế ẩm nên ông Nhu nhận lời ngay. Ngày 31 tháng 7 năm 1917, ông Nhu đi nhưng chỉ làm được tám tháng, thì ông mắc bạo bệnh qua đời (1918). Kể từ đó, mẹ Thạch Lam phải một mình mua bán tảo tần nuôi một mẹ chồng và bảy người con… - Ở Cẩm Giàng, Thạch Lam học tại trường Nam (tiểu học Hải Dương, nay là trường tiểu học Tô Hiệu). Đến khi người anh cả là Nguyễn Tường Thụy ra trường dạy học ở Tân Đệ (Thái Bình), mẹ ông đã đưa cả nhà đi theo người con này, nên Thạch Lam đến học ở Tân Đệ. - Nhưng ở đây được một năm, làm vẫn không đủ cho các miệng ăn, mẹ ông dẫn các con (trừ Nguyễn Tường Thụy) về Hà Nội ở nhà thuê, rồi cứ thế lúc thì ở Hà Nội, lúc thì ở Cẩm Giàng… - Muốn sớm đỡ đần cho mẹ, Thạch Lam đã nhờ mẹ nói khéo với ông Lý trưởng cho đổi tên và khai tăng tuổi để học ban thành chung. Tiếp theo, ông thi đỗ vào Cao đẳng Canh Nông ở Hà Nội, nhưng chỉ học một thời gian, rồi vào trường Trung học Albert Sarraut để học thi Tú tài. - Khi đã đỗ Tú tài phần thứ nhất, Thạch Lam thôi học để làm báo với hai anh. - Buổi đầu, ông gia nhập Tự Lực văn đoàn do anh là Nguyễn Tường Tam sáng lập, rồi được phân công lo việc biên tập tuần báo Phong hóa và tờ Ngày nay của bút nhóm này. - Đến tháng 2 năm 1935, thì ông được giao làm Chủ bút tờ Ngày nay. - Khoảng năm 1935, Thạch Lam lấy vợ và được người chị (Nguyễn Thị Thế) nhường lại căn nhà nhỏ tại đầu làng Yên Phụ, ven Hồ Tây (Hà Nội) cho vợ chồng ông ở. - Tuy chỉ là một mái tranh vách đất, thế nhưng “nhà cây liễu” là nơi thường lui tới của các văn nghệ sĩ. Ngoài các thành viên trong Tự Lực văn đoàn, còn có: Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Tuân, Huyền Kiêu, Nguyễn Xuân Khoát… - Và Thạch Lam mất tại đây vào ngày 27 tháng 6 năm 1942 vì căn bệnh lao phổi, năm ông 32 tuổi. - Ông ra đi để lại người vợ trẻ cùng với ba đứa con thơ (hai trai, một gái) trong cảnh nghèo. Gia đình đã an táng ông nơi nghĩa trang Hợp Thiện, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. 2. Sự nghiệp văn học a. Quan điểm sáng tác Theo Thạch Lam văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực, nó tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của con người. Ông quan niệm: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn". b. Tác phẩm chính - Ông để lại các tác phẩm tiêu biểu như: Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942), Ngày mới (1939), Theo dòng (1941), Hà Nội băm sáu phố phường (1943), ... c. Phong cách nghệ thuật - Sáng tác thường hướng vào cuộc sống cơ cực của những người dân thành thị nghèo và vẻ đẹp nên thơ của cuộc sống thường nhật. Thạch Lam đã hướng ngòi bút về phía lớp người lao động bần cùng trong xã hội đương thời: + Khung cảnh thường thấy trong truyện ngắn Thạch Lam là những làng quê bùn lầy nước đọng, những phố chợ tồi tàn với một bầu trời ảm đạm của tiết đông mưa phùn gió bấc, những khu phố ngoại ô nghèo khổ, buồn, vắng… + Trong khung cảnh ấy, các nhân vật cũng hiện lên với cái vẻ heo hút, thảm đạm của số kiếp lầm than – Đó là mẹ Lê, người đàn bà nghèo khổ, đông con, góa bụa ở phố chợ Đoàn Thôn, là bác Dư phu xe ở phố Hàng Bột, là Thanh, Nga với bà nội và cây hoàng lan trong một làng quê vùng ngoại ô, là cô Tâm hàng xén với lối đường quê quen thuộc trong buổi hoàng hôn… + Tất cả những cảnh, những người ấy đều được mô tả bằng một số đường nét đơn sơ, thưa thoáng nhưng vẫn hết sức chân thực… - Tác phẩm của Thạch Lam vì thế có nhiều yếu tố hiện thực tuy nhân vật không dữ dội như Chí Phèo, lão Hạc của Nam Cao, hay bị đày đọa như chị Dậu của Ngô Tất Tố… - Cái riêng, cái độc đáo, cái mạnh của Thạch Lam, chính là ở lòng nhân ái, và vẻ đẹp tâm hồn quán xuyến trong mọi tác phẩm của ông. - Nhân vật Thạch Lam, bất luận ở hoàn cảnh nào, vẫn ánh lên trong tâm hồn cái chất nhân ái Việt Nam… - Đọc truyện ngắn Thạch Lam rõ ràng ta thấy yêu con người, quý trọng con người hơn. Và cũng từ đó ta thương cảm, nâng niu, chắt gạn từng chút tốt đẹp trong mỗi một con người. - Cốt truyện đơn giản thuộc hoặc không có cốt truyện. - Thạch Lam đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật. - Có sự hòa quyện tuyệt vời giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn, tự sự và trữ tình. Thạch Lam là người khai sinh ra kiểu truyện ngắn trữ tình. Sơ đồ tư duy - Tác giả Thạch Lam HocTot.Nam.Name.Vn
|