Chí Phèo - Nam CaoChí Phèo - Nam Cao bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 11
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
I. Tác giả 1. Tiểu sử - Nam Cao (1915/1917 – 1951), tên thật là Trần Hữu Tri. - Quê ông ở Lý Nhân, Hà Nam. - Ông sinh ra trong một gia đình công giáo bậc trung. - Thuở nhỏ ông học ở trường làng, sau đó được gửi xuống Nam Định học. - Sau đó do thể chất yếu nên ông về nhà chữa bệnh rồi cưới vợ. - Năm 18 tuổi ông vào Sài Gòn nhận làm thư kí cho một hiệu may. - Khi trở ra Bắc ông dạy học tại Hà Nội. - Năm 1943 ông gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. - Năm 1945 ông tham gia cướp chính quyền ở Lý Nhân và được cử làm chủ tịch xã. - Năm 1946 ông gia Hà Nội hoạt động Hội Văn hóa cứu quốc - Năm 1948 ông gia nhập Đảng Cộng Sản Việt Nam. - Năm 1950 ông làm việc cho Hội Văn nghệ Việt Nam, tại tạp chí văn nghệ. 2. Sự nghiệp văn học a. Quan điểm sáng tác - Ông theo quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh": “Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” - Ông quan niệm: Tác phẩm "phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi; ca tụng tình yêu, bác ái, công bằng” và "Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có”. b. Tác phẩm chính Ông để lại khối lượng tác phẩm lớn với nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, truyện ký như các tác phẩm: Sống mòn, Lão Hạc, Chí Phèo, Giăng sáng, Đôi mắt,... c. Phong cách nghệ thuật - Đề cao tư tưởng con người : Quan tâm tới đời sống tinh thần của con người, luôn hứng thú khám phá "con người trong con người". - Đi sâu khám phá nội tâm nhân vật - Thường viết về những cái nhỏ nhặt nhưng lại mang ý nghĩa triết lý sâu sắc - Ông có phong cách triết lý trữ tình sắc lạnh. 3. Vị trí và tầm ảnh hưởng - Là nhà văn lớn, một cây bút xuất sắc của nền văn học hiện đại. - Là nhà văn hiện thực nhân đạo xuất sắc của thế kỉ XX. Nam Cao đã đưa chủ nghĩa hiện thực lên một bước đột phá: chủ nghĩa hiện thực tâm lý - Ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996. Sơ đồ tư duy - Tác giả Nam Cao II. Tác phẩm 1. Tóm tắt tác phẩm Truyện xoay quanh nhân vật Chí Phèo - đứa trẻ bị bỏ hoang trong một lò gạch cũ và được nhặt về nuôi. Lớn lên hắn đi ở hết nhà này nhà khác. Năm 20 tuổi, hắn làm canh điền cho nhà Bá Kiến, bị Bá Kiến vu oan và bắt bỏ tù. Hắn ở tù bảy tám năm rồi trở về với bộ dạng khác hẳn ngày xưa. Hắn lúc nào cũng say và cứ say là hắn lại đến nhà Bá Kiến để chửi bới, rạch mặt ăn vạ. Bá Kiến đã biến Chí Phèo thành kẻ tay sai chuyên đâm thuê chém mướn cho lão. Chí Phèo trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, ai cũng khiếp sợ. Cuộc đời hắn không lúc nào tỉnh. Nhưng vào một đêm trăng, hắn gặp Thị Nở, họ ăn nằm với nhau. Nửa đêm hắn đau bụng, nôn mửa và sáng hôm sau, Thị Nở nấu cho hắn một bát cháo hành. Cũng từ đó hắn khao khát trở về cuộc sống lương thiện và muốn được sống cùng Thị Nở. Nhưng một lần nữa hắn bị đạp xuống vực vì bà cô của Thị không đồng ý. Chí Phèo tuyệt vọng, lại uống và cầm dao đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện. Hắn đâm chết Bá Kiến rồi tự tử. Thị Nở nghe tin hắn chết nhìn xuống bụng và nghĩ đến cái lò gạch. 2. Tìm hiểu chung a. Xuất xứ và hoàn cảnh ra đời - Chí Phèo là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao viết vào tháng 2 năm 1941 - Lúc đầu truyện có tên là Cái lò gạch cũ; khi in sách lần đầu, nhà xuất bản đổi tên là Đôi lứa xứng đôi - Sau khi in lại trong tập Luống cày, tác giả đặt tên là Chí Phèo. b. Bố cục - Phần 1 (từ đầu đến "cả làng Vũ Đại cũng không ai biết"): Chí Phèo xuất hiện cùng tiếng chửi - Phần 2 (tiếp đến "không bảo người nhà đun nước mau lên"): Chí Phèo mất hết nhân tính - Phần 3 (còn lại): Sự thức tỉnh, ý thức về bi kịch của cuộc đời Chí Phèo 3. Tìm hiểu chi tiết a. Nhân vật Chí Phèo * Từ khi ra đời đến trước khi vào tù - Xuất thân: + Là đứa con hoang bị bỏ rơi, không cha, không mẹ, không người thân thích + Bị bán trao tay không biết bao nhiêu người, phải đi ở - Lớn lên: + Hiền lành, cần cù chất phác + Có lòng tự trọng + Có ước mơ giản dị một mái ấm bình yên “chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải” như bao người nông dân khác * Bị đẩy vào nhà tù, bị tha hóa khi ra tù - Nguyên nhân: + Cơn ghen của Bá Kiến đã đẩy Chí vào tù + Nhà tù thực dân phong kiến đã nhào nặn nên con người Chí, biến hắn thành người khác hẳn - Ra tù chí sa đọa vào con đường lưu manh hóa + Chí bị hủy hoại nhân hình: mặt hắn ngang dọc không biết bao nhiêu là sẹo, đầy mình xăm trổ,.... + Hủy hoại nhân tính: Chí trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến, con quỷ dữ của làng Vũ Đại: - Dọa nạt, chửi bới, đập đầu rạch mặt ăn vạ, đâm chém cướp phá đó đều là kì tích bất hảo của Chí - Chí chìm trong cơn say liên miên - Chí từng bước bán linh hồn cho quỷ dữ - Bị xã hội loài người chối bỏ + Tiếng chửi của Chí đầu đoạn trích là minh chứng, hắn chửi nhưng không ai đáp lại mà chỉ có tiếng chó sủa + Chí Phèo tiêu biểu cho cả một hiện tượng bi thảm trong xã hội cũ có tính quy luật: hiện tượng lưu manh hóa, bị hủy diệt những giá trị của con người. → Tiếng chửi có sức mạnh tố cáo xã hội, mang giá trị hiện thực sâu sắc. * Chí Phèo thức tỉnh khi gặp Thị Nở - Thị Nở: xấu xí, ngẩn ngơ, ế chồng, nghèo lại là con nhà ma hủi. - Cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên trong đêm trăng đã thay đổi cuộc đời đen tối của Chí. - Lòng yêu thương, mộc mạc chân thành của người đàn bà ấy đã khiến bản chất lương thiện bị vùi dập bấy lâu của Chí có cơ hội hồi sinh. - Sáng hôm sau Chí thức dậy muộn, tỉnh rượu, Chí thấy bâng khuâng buồn. - Bỗng Chí ngẫm ra bao điều về cuộc đời mình, hiện tại của Chí là con số không tròn trĩnh: không vợ, không con, không nhà, không cửa, tương lai chỉ có sự đơn độc. - Bát cháo hành là hương vị đầu tiên của tình yêu chân thành, hạnh phúc giản dị mà Chí được hưởng. → Ngòi bút tài tình của Nam Cao đã nhìn thấy bản chất lương thiện ẩn sâu trong lớp vỏ quỷ dữ của Chí Phèo. Khi có tình người chạm tới nó sẽ thức tỉnh, qua đó Nam Cao đã khẳng định niềm tin sâu sắc vào con người. * Sự bế tắc trên con đường trở về làm người lương thiện - Mối tình với Thị Nở tan vỡ + Nguyên nhân: định kiến xã hội, bà cô thị không đồng ý. + Đến một con người như thị mà Chí cũng không được phép yêu. → Có thể nói trong cái xã hội ấy Chí đã hoàn toàn bị vứt bỏ, Chí rơi vào bi kịch đau đớn khi nhận ra mình không trở trở về cái xã hội bằng phẳng của những người lương thiện được nữa. - Đến nhà Bá Kiến + Chí đến đòi lương thiện. + Với Chí những khao khát cuộc sống lương thiện lúc này còn quan trọng hơn tính mạng và Chí giết Bá Kiến rồi tự sát. + Cái chết của Chí Phèo mang tính tố cáo xã hội: không những đẩy con người vào bước đường tha hóa, lưu manh hóa mà còn đẩy họ đi tới cái chết. + Cho thấy cảm quan hiện thực sâu sắc của nhà văn Nam Cao: thực trạng mâu thuẫn xung đột ở nông thôn Việt Nam lúc bấy giờ chỉ có thể giải quyết bằng đấu tranh. → Chí Phèo điểm hình cho những gì tủi hổ nhất của người nông dân nhưng ở họ vẫn lấp lánh ánh sáng lương thiện. b. Nhân vật Thị Nở * Ngoại hình - Miêu tả khách quan, trần trụi: một người “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn” + Ngẩn ngơ: hành động theo bản năng. + Xấu ma chê quỷ hờn: từng đường nét trên khuôn mặt không giống với những gì nên có trên khuôn mặt con người. + Đã vậy, Thị còn nghèo và là con nhà có ma hủi. → Thị khó có được hạnh phúc bởi một con người mang trên mình toàn những điều bất lợi * Vẻ đẹp - Là con người với phẩm chất tốt đẹp, giàu tình người + Nam Cao xây dựng hình tượng nhân vật Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn không phải để miệt thị mà nhằm làm nổi bật nội tâm đầy tình thương của Thị Nở + Sau cuộc gặp gỡ vào đêm định mệnh, Thị Nở dành sự quan tâm cho Chí Phèo + Thị Nở quan tâm đến Chí Phèo, nấu cháo hành cho Chí ăn khi hắn bị ốm. Bưng bát cháo hành thị Nở đưa cho “hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho” + Chính thị Nở đã suy nghĩ về Chí Phèo: “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người” ⇒ một cái nhìn khác với những cái nhìn của người làng Vũ Đại + Tình cảm và sự quan tâm của Thị Nở với Chí Phèo đã như một liều thuốc chữa lành bao nhiêu “vết thương, vết rạch” để Chí Phèo quay trở lại thành một người với sự lương thiện trong căn tính. → Chính tình thương và sự quan tâm khiến Thị trở nên có duyên trong mắt Chí - Thị Nở còn là người có khát khao hạnh phúc gia đình + Thị Nở thích cuộc sống gia đình có vợ có chồng + Suy nghĩ rất nghiêm túc về mối quan hệ với Chí + Đối với Chí, cảm giác “ngượng ngượng mà thinh thích” + Bởi khát khao và suy nghĩ nghiêm túc về hạnh phúc gia đình nên Thị đã trở về xin phép bà cô và thái độ tức giận khi bà cô từ chối - Là nhân vật góp phần làm nổi bật chủ đề tác phẩm: bi kịch cuộc đời Chí Phèo + Xây dựng nhân vật Thị Nở, Nam Cao muốn làm trọn vẹn thêm vấn đề trung tâm của tác phẩm: sự bi thảm trong bi kịch cuộc đời Chí Phèo + Ban đầu, Thị Nở và Chí Phèo đến với nhau chỉ bởi sự chung đụng về mặt thể xác + Sau đó, chính tình thương của Thị Nở đã làm thức dậy sự lương thiện vốn có trong Chí + Khi Thị Nở từ chối Chí, Chí Phèo từ chỗ khát khao và hạnh phúc đến tột cùng bị đẩy xuống tận cùng của nỗi tuyệt vọng → đẩy Chí đến những hành động sau này: uống rượu, xách dao đi giết Bá Kiến và tự sát → Thị Nở là nhân vật thúc đẩy sự phát triển của câu chuyện, đồng thời cho người ta cảm nhận sâu sắc hơn bi kịch của nhân vật chính: Chí Phèo c. Nhân vật Bá Kiến - Xuất thân trong một gia đình từng làm bốn đời lý trưởng. Bản thân hắn mưu mô, thủ đoạn, khôn khéo leo lên đỉnh cao danh vọng “khét tiếng đến cả trong hàng huyện”. - Điển hình cho bộ mặt cường hào ác bá: bất nhân, vô lương tâm, nham hiểm, gian hùng, thối nát, bỉ ổi, là “kẻ già đời trong nghề đục khoét” + “Cái giọng quát rất sang”, bao giờ cũng quát để thử dây thần kinh của người khác. + Bá Kiến có cái giọng cười “Tào Tháo”, và giọng nói ngọt nhạt mà thâm hiểm chết người. + Có những thủ đoạn rất khôn ngoan và hiệu quả: “không trị được thì cụ dùng”, “dùng những thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò”, “mềm nắn rắn buông”, “thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân”,... c. Giá trị nội dung - Tác phẩm là lời tố cáo đanh thép của Nam Cao về xã hội đương thời tàn bạo, thối nát đã đẩy người dân lương thiện vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của con người ngay cả khi bị vùi dập mất hết cả nhân hình, nhân tính. - Tác phẩm mang giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. d. Giá trị nghệ thuật - Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình bất hủ vừa có tính chung tiêu biểu vừa có những điểm riêng biệt không trộn lẫn - Nam Cao có biệt tài phân tích tâm lý nhân vật khiến nhân vật của ông thật hơn con người thật - Nghệ thuật trần thuật hết sức linh hoạt phóng túng nhưng nhất quán và chặt chẽ - Ngôn ngữ giàu có đậm hơi thở cuộc sống - Giọng văn biến hóa đa dạng Sơ đồ tư duy - Tác phẩm Chí Phèo Nhận định Một số nhận định về tác giả, tác phẩm 1. Dù viết về đề tài nào, truyện của Nam Cao cũng thể hiện một tư tưởng chung: nỗi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị hủy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới”, “Viết về người trí thức tiểu tư sản nghèo, Nam Cao đã mạnh dạn phân tích và mổ xẻ tất cả, không né tránh như Thạch Lam; không cực đoan, phiến diện như Vũ Trọng Phụng, cũng không thi vị hóa như Nhất Linh, Khái Hưng, ngòi bút của Nam Cao luôn luôn tỉnh táo đúng mực. (Hà Minh Đức) 2. Trong các trang truyện của Nam Cao, trang nào cũng có những nhân vật chính hoặc phụ đang đối diện với cái chỗ kiệt cùng với đời sống con người để rồi từ đó bắt buộc người ta phải bộc lộ mình ra, trước hết là tâm lý, nhân cách rồi tiếp đến sau cùng là cái nỗi đau khôn nguôi của con người.
(Nguyễn Minh Châu) HocTot.Nam.Name.Vn
|