Bài 6. Hô hấp ở thực vật trang 20, 21, 22 SBT Sinh học 11 Chân trời sáng tạo

Ghép nội dung cột A với cột B cho phù hợp.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

6.1

Ghép nội dung cột A với cột B cho phù hợp.

A

B

1. Phân giải hiếu khí

a. Bào quan thực hiện quá trình hô hấp.

2. Lên men

b. Có cường độ hô hấp mạnh.

3. NADH và FADH2

c. Chất cho electron trong chuỗi chuyền electron.

4. Hạt đang nảy mầm

d. Diễn ra khi có O2.

5. Ti thể

e. Diễn ra khi không có O2.

Phương pháp giải:

Lý thuyết hô hấp ở thực vật

Lời giải chi tiết:

1 – d: Phân giải hiếu khí diễn ra khi có O2.

2 – e: Lên men diễn ra khi không có O2.

3 – c: NADH và FADH2 là chất cho electron trong chuỗi chuyền electron.

4 – b: Hạt đang nảy mầm có cường độ hô hấp mạnh.

5 – a: Ti thể là bào quan thực hiện quá trình hô hấp.

6.2

Kết thúc giai đoạn đường phân, tế bào thu được bao nhiêu phân tử ATP từ một phân tử glucose?

A. 1.

B. 2.

C. 3.

D. 4.

Phương pháp giải:

Trong giai đoạn đường phân, phân tử glucose bị oxi hoá thành 2 phân tử pyruvic acid, năng lượng giải phóng được tích luỹ trong 2 phân tử NADH và 2 phân tử ATP.

Lời giải chi tiết:

Đáp án đúng là: B

6.3

Hô hấp ở thực vật có những vai trò nào sau đây?

☐ Cung cấp ATP để duy trì các hoạt động sống

☐ Duy trì nhiệt độ thuận lợi cho các hoạt động sống của cơ thể

☐ Giúp thực vật có khả năng chịu lạnh, chịu hạn

☐ Tăng khả năng chống bệnh của thực vật

☐ Tạo ra các thực phẩm trung gian cung cấp nguyên liệu để tổng hợp các chất hữu cơ khác trong cơ thể

Phương pháp giải:

Vai trò của hô hấp ở thực vật

Lời giải chi tiết:

Hô hấp ở thực vật có tất cả những vai trò trên:

- Cung cấp ATP để duy trì các hoạt động sống.

- Duy trì nhiệt độ thuận lợi cho các hoạt động sống của cơ thể.

- Giúp thực vật có khả năng chịu lạnh, chịu hạn.

- Tăng khả năng chống bệnh của thực vật.

- Tạo ra các sản phẩm trung gian cung cấp nguyên liệu để tổng hợp các chất hữu cơ khác trong cơ thể.

6.4

Quá trình phân giải hiếu khí ở thực vật gồm các giai đoạn nào sau đây?

A. Đường phân → chu trình Krebs → chuỗi chuyền electron.

B. Đường phân → lên men.

C. Đường phân → oxi hoá pyruvic acid → chu trình Krebs → chuỗi chuyền electron.

D. Đường phân → chu trình Krebs → lên men.

Phương pháp giải:

Quá trình phân giải hiếu khí ở thực vật gồm các giai đoạn là: đường phân → oxi hoá pyruvic acid → chu trình Krebs → chuỗi chuyền electron.

Lời giải chi tiết:

Đáp án đúng là: C

6.5

Nhiệt độ tối ưu cho quá trình hô hấp trong khoảng

A. 30 – 35 °C.

B. 40 – 45 °C.

C. 50 – 55 °C.

D. 25 – 30 °C.

Phương pháp giải:

Nhiệt độ tối ưu cho quá trình hô hấp trong khoảng 30 – 35 °C. Nhiệt độ cực đại mà hô hấp có thể diễn ra được khoảng 40 – 45 °C.

Lời giải chi tiết:

Đáp án đúng là: A

6.6

Cây sẽ chuyển sang phân giải kị khí trong trường hợp nào sau đây?

A. Nồng độ O2 khoảng 21 %.

B. Nồng độ CO2 khoảng 0,03 %.

C. Nồng độ CO2 trên 0,2 %.

D. Nồng độ O2 dưới 5 %.

Phương pháp giải:

Nếu nồng độ O2 dưới 5 %, cường độ hô hấp giảm và cây chuyển sang phân giải kị khí.

Lời giải chi tiết:

Đáp án đúng là: D

6.7

Trong các phát biểu sau đây, có bao nhiêu phát biểu đúng khi nói về quá trình phân giải kị khí ở thực vật?

(1) Xảy ra khi rễ bị ngập úng, hạt bị ngâm vào nước.

(2) Xảy ra khi cây ở trong điều kiện thiếu oxygen.

(3) Xảy ra ở tế bào chất của tế bào.

(4) Gồm ba giai đoạn là đường phân, lên men và chu trình Krebs.

A. 1.

B. 2.

C. 3.

D. 4.

Phương pháp giải:

(4) Sai. Quá trình phân giải kị khí ở thực vật gồm 2 giai đoạn là đường phân, lên men.

Lời giải chi tiết:

Đáp án đúng là: C

Các phát biểu đúng là: (1), (2), (3).

6.8

Khi nói về quang hợp và hô hấp ở thực vật, có bao nhiêu phát biểu sau đây là đúng?

(1) Quang hợp xảy ra ở lục lạp, hô hấp xảy ra ở tế bào chất và ti thể.

(2) Hô hấp là quá trình tổng hợp các chất còn quang hợp là quá trình phân giải các chất.

(3) Sản phẩm của quang hợp là nguồn nguyên liệu cho hô hấp và ngược lại.

(4) NADH được tạo ra từ hô hấp là chất cung cấp electron cho chuỗi chuyền electron quang hợp.

(5) Cả quang hợp và hô hấp đều tổng hợp ATP.

A. 2.

B. 3.

C. 4.

D. 5.

Phương pháp giải:

(2) Sai. Hô hấp là quá trình phân giải các chất còn quang hợp là quá trình tổng hợp các chất.

(4) Sai. Trong quá trình quang hợp, các photon ánh sáng đập vào các diệp lục làm electron cao năng của chúng bật ra và chuyển qua chuỗi truyền electron tạo ra ATP và NADPH.

Lời giải chi tiết:

Đáp án đúng là: B

Các phát biểu đúng là: (1), (3), (5).

6.9

Để bảo quản hạt và nông sản trong thời gian dài mà vẫn giữ được tối đa về số lượng và chất lượng, người ta có thể thực hiện bao nhiêu biện pháp sau đây?

(1) Bảo quản trong các kho lạnh.

(2) Bảo quản trong túi polyethylene.

(3) Bảo quản trong các túi được hút chân không.

(4) Sấy khô hoặc phơi khô.

A. 2.

B. 3.

C. 4.

D. 1.

Phương pháp giải:

Để bảo quản hạt và nông sản trong thời gian dài mà vẫn giữ được tối đa về số lượng và chất lượng, người ta có thể thực hiện cả 4 biện pháp trên:

(1) Bảo quản trong các kho lạnh (nhiệt độ thấp trong kho lạnh làm giảm cường độ hô hấp tế bào).

(2) Bảo quản trong túi polyethylene (nồng độ CO2 cao làm giảm cường độ hô hấp tế bào).

(3) Bảo quản trong các túi được hút chân không (nồng độ O2 thấp làm giảm cường độ hô hấp tế bào).

(4) Sấy khô hoặc phơi khô (hàm lượng nước thấp làm giảm cường độ hô hấp tế bào).

Lời giải chi tiết:

Đáp án đúng là: C

6.10

Vai trò của NADH trong hô hấp hiếu khí và quá trình lên men có gì khác nhau?

Phương pháp giải:

Vai trò của NADH trong hô hấp

Lời giải chi tiết:

- Trong hô hấp tế bào, NADH cung cấp electron cho chuỗi chuyển electron để tổng hợp ATP, chất nhận H+ và electron cuối cùng là phân tử oxygen.

- Trong quá trình lên men, NADH không đi vào chuỗi chuyền electron mà nhường H+ và electron cho sản phẩm trung gian (pyruvic acid hoặc acetaldehyde) để hình thành lactic acid hoặc rượu ethanol.

6.11

Tại sao trong bảo quản hạt giống lúa, người nông dân phải phơi khô hạt trước khi cho vào kho bảo quản (độ ẩm còn khoảng 13 – 16 %)? Tại sao trước khi ủ để hạt nảy mầm, người ta thường ngâm hạt trong nước một thời gian?

Phương pháp giải:

Phơi khô làm giảm hàm lượng nước trong hạt

Lời giải chi tiết:

- Trong bảo quản hạt giống lúa, người nông dân phải phơi khô hạt trước khi cho vào kho bảo quản vì phơi khô làm giảm hàm lượng nước trong hạt, từ đó giảm cường độ hô hấp của hạt, giúp kéo dài thời gian bảo quản mà ít ảnh hưởng đến chất lượng hạt giống.

- Trước khi ủ để hạt nảy mầm, người ta thường ngâm hạt trong nước một thời gian vì: Ngâm hạt trong nước để hạt hấp thụ nước → kích thích tăng cường độ hô hấp → tăng phân giải chất hữu cơ tạo vật chất và năng lượng cung cấp cho hoạt động nảy mầm.

6.12

Hãy tính số phân tử ATP được tạo ra từ quá trình phân giải hiếu khí một phân tử glucose.

Phương pháp giải:

Quá trình hô hấp hiếu khí

Lời giải chi tiết:

- Đường phân tạo 2 phân tử ATP.

- Chu trình Krebs tạo 2 phân tử ATP.

- Chuỗi chuyền electron: oxi hoá NADH và FADH. Khi oxi hoá 1 phân tử NADH sẽ tạo được 2,5 phân tử ATP; 1 phân tử FADH2 sẽ tạo được 1,5 phân tử ATP. Mà:

+ Đường phân tạo 2 phân tử NADH → 2 × 2,5 = 5 phân tử ATP.

+ Oxi hoá pyruvic acid tạo 2 phân tử NADH → 2 × 2,5 = 5 phân tử ATP.

+ Chu trình Krebs tạo 6 phân tử NADH và 2 phân tử FADH2 → 6 × 2,5 + 2 × 1,5 = 18 phân tử ATP.

→ Số phân tử ATP được tạo ra từ quá trình phân giải hiếu khí một phân tử glucose là: 2 + 2 + 5 + 5 + 18 = 32 ATP.

6.13

Một thực nghiệm được tiến hành tại một khu rừng để đo nồng độ CO2ở hai vị trí A và B ở các thời điểm khác nhau trong ngày (Hình 6.1). Nồng độ CO2ở hai vị trí trên có gì khác nhau? Giải thích.

 

Phương pháp giải:

Quan sát hình 6.1

Lời giải chi tiết:

- Nồng độ CO2 ở vị trí B luôn cao hơn so với vị trí A.

- Giải thích: Ở vị trí A tập trung các tầng tán lá của cây ưa sáng → có nhiều mô quang hợp hơn tầng B, còn tầng B hoạt động quang hợp yếu hơn do nhận được lượng ánh sáng ít hơn. Bên cạnh đó, do hoạt động hô hấp của động vật, sự phân giải của vi sinh vật đất,... nên nồng độ CO2 ở vị trí B luôn cao hơn so với vị trí A.

6.14

Phát biểu sau đây là đúng hay sai? Nếu sai hãy giải thích.

a) Trong chuỗi truyền electron hô hấp, chất nhận electron cuối cùng là O2.

b) Hô hấp có tác dụng ức chế quá trình hấp thụ nước và khoáng ở rễ.

c) Cường độ hô hấp ở thực vật tỉ lệ nghịch với hàm lượng nước trong mô, cơ quan, cơ thể thực vật.

d) Phân tử glucose bị oxi hoá hoàn toàn trong giai đoạn đường phân.

Phương pháp giải:

Lý thuyết hô hấp ở thực vật

Lời giải chi tiết:

a) Đúng. Trong chuỗi truyền electron hô hấp, chất nhận electron cuối cùng là O2.

b) Sai. Hô hấp tạo ATP cung cấp cho quá trình hấp thụ khoáng chủ động ở rễ → tăng áp suất thẩm thấu trong dịch bào của rễ → tăng hút nước.

c) Sai. Cường độ hô hấp ở thực vật tỉ lệ thuận với hàm lượng nước trong mô, cơ quan, cơ thể thực vật vì nước là nguyên liệu, dung môi và môi trường diễn ra các phản ứng hoá học trong quá trình hô hấp. Bên cạnh đó, nước còn ảnh hưởng đến hoạt động của các enzyme hô hấp.

d) Sai. Sau khi kết thúc đường phân, glucose bị oxi hoá thành hai phân tử pyruvic acid, chỉ sau khi kết thúc chu trình Krebs thì phân tử glucose mới bị oxi hoá hoàn toàn thành CO2 và H2O.

6.15

Tại sao khi cường độ hô hấp giảm, thực vật có thể bị ngộ độc NH3?

Phương pháp giải:

Quá trình hô hấp tạo ra các sản phẩm trung gian cung cấp nguyên liệu để tổng hợp các chất hữu cơ khác trong cơ thể.

Lời giải chi tiết:

Quá trình hô hấp tạo ra các sản phẩm trung gian cung cấp nguyên liệu để tổng hợp các chất hữu cơ khác trong cơ thể, trong đó có các keto acid tham gia quá trình đồng hoá NH+4 tạo nên một số amino acid. Khi cường độ hô hấp giảm → lượng keto acid tạo ra ít → giảm quá trình đồng hoá NH3 thành amino acid → cây tích luỹ nhiều NH3 → cây bị ngộ độc.

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close