Bài 2. Trao đổi khoáng ở thực vật trang 6, 7, 8 SBT Sinh học 11 Chân trời sáng tạoCó khoảng bao nhiêu nguyên tố thiết yếu trực tiếp tham gia quá trình chuyển hoá vật chất ở thực vật?
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
2.1 Có khoảng bao nhiêu nguyên tố thiết yếu trực tiếp tham gia quá trình chuyển hoá vật chất ở thực vật? A. 10. B. 50. C. 17. D. 25. Phương pháp giải: Trong cơ thể thực vật, người ta phát hiện hơn 50 nguyên tố hoá học; trong đó có khoảng 17 nguyên tố thiết yếu trực tiếp tham gia quá trình chuyển hoá vật chất, nếu thiếu các nguyên tố này, cây không thể hoàn thành được chu trình sốn Lời giải chi tiết: Đáp án đúng là: C 2.2 Biểu hiện của cây khi thiếu Zinc (Zn) là gì? A. Cây sinh trưởng chậm. Lá bị biến dạng, ngắn, nhỏ và xoăn. Thân có đốt ngắn. B. Phiến lá màu trắng, gân lá úa vàng. C. Chồi không phát triển. Lá non và đỉnh sinh trưởng có nhiều vết đốm đen. Ít hoa, quả rụng. D. Mô phân sinh bị ức chế, thân rễ ngắn, lá mềm, chồi đỉnh bị chết; quả bị héo khô. Phương pháp giải: Lý thuyết dinh dưỡng khoáng cho cây trồng Lời giải chi tiết: Biểu hiện của cây khi thiếu Zinc (Zn) là: Cây sinh trưởng chậm. Lá bị biến dạng, ngắn, nhỏ và xoăn. Thân có đốt ngắn. 2.3 Có bao nhiêu phát biểu sau đây là không đúng khi nói về quá trình hấp thụ nước và khoáng ở rễ? (1) Nước và các chất khoáng từ đất được hấp thụ chủ yếu qua các tế bào biểu bì của rễ. (2) Nước có thể xâm nhập vào cây qua lá, thân non với lượng ít khi gặp mưa hoặc tưới nước cho cây. (3) Rễ hấp thụ nước và khoáng từ đất theo cơ chế thẩm thấu. (4) Các ion khoáng từ môi trường đất có nồng độ thấp di chuyển vào dịch bào có nồng độ cao hơn nhờ các chất vận chuyển và cần cung cấp năng lượng. (5) Các nguyên tố khoáng còn có thể được lá cây hấp thụ qua bề mặt lá. A. 2. B. 3. C. 1. D. 5. Phương pháp giải: (1) Sai. Nước và các chất khoáng từ đất được hấp thụ chủ yếu qua các tế bào lông hút của rễ. Lông hút được hình thành từ tế bào biểu bì rễ, có thành tế bào mỏng, bề mặt không phủ lớp cutin, có không bào lớn. (3) Sai. Rễ hấp thụ nước từ đất theo cơ chế thẩm thấu, còn hấp thụ khoáng theo cả 2 cơ chế là cơ chế thụ động và cơ chế chủ động. Lời giải chi tiết: Các phát biểu đúng là: (2), (4), (5). 2.4 Trong các nhân tố sau, có bao nhiêu nhân tố ảnh hưởng đến quá trình đóng, mở khí khổng? (1) Hàm lượng nước trong tế bào khí khổng. (2) Độ dày, mỏng của lớp cutin. (3) Nhiệt độ môi trường. (4) Nồng độ ion khoáng trong tế bào khí khổng. (5) Độ pH của đất. (6) Gió. A. 2. B. 3. C. 4. D. 1. Phương pháp giải: Các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình đóng, mở khí khổng gồm: (1) Hàm lượng nước trong tế bào khí khổng. (3) Nhiệt độ môi trường. (4) Nồng độ ion khoáng trong tế bào khí khổng. (6) Gió. Lời giải chi tiết: Trong các nhân tố trên, các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình đóng, mở khí khổng gồm: (1) Hàm lượng nước trong tế bào khí khổng. (3) Nhiệt độ môi trường. (4) Nồng độ ion khoáng trong tế bào khí khổng. (6) Gió. 2.5 Có bao nhiêu phát biểu sau đây là không đúng khi nói về hậu quả của việc bón phân với liều lượng cao quá mức cần thiết cho cây? (1) Gây độc cho cây trồng và người sử dụng. (2) Gây ô nhiễm nông phẩm và môi trường. (3) Làm cho đất đai màu mỡ nhưng cây không hấp thụ được chất dinh dưỡng. (4) Lượng phân bón dư thừa sẽ làm thay đổi tính chất của đất, giết chết các vi sinh vật có lợi trong đất. A. 1. B. 2. C. 3. D. 4. Phương pháp giải: Bón phân với liều lượng cao quá mức cần thiết sẽ dẫn đến dư thừa và gây độc cho cây. Dư thừa phân bón có thể tiêu diệt các sinh vật có lợi trong đất (vi sinh vật cố định đạm, phân giải chất hữu cơ,…), làm ô nhiễm đất và nước ngầm, tồn dư trong mô thực vật gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người và vật nuôi khi sử dụng thực vật làm thức ăn. Lời giải chi tiết: Các phát biểu đúng là: (1), (2), (4). 2.6 Sự khác nhau cơ bản giữa cơ chế hấp thụ nước với cơ chế hấp thụ ion khoáng ở rễ cây là A. nước và các ion khoáng đều được đưa vào rễ cây theo cơ chế chủ động và khuếch tán. B. nước được hấp thụ vào rễ cây theo cơ chế chủ động và thụ động còn các ion khoáng di chuyển từ đất vào tế bào rễ theo cơ chế thụ động. C. nước và ion khoáng đều được đưa vào rễ cây theo cơ chế khuếch tán hoặc thẩm thấu. D. nước được hấp thụ vào rễ cây theo cơ chế thẩm thấu còn các ion khoáng di chuyển từ đất vào tế bào rễ một cách có chọn lọc theo hai cơ chế thụ động và chủ động. Phương pháp giải: Sự khác nhau cơ bản giữa cơ chế hấp thụ nước với cơ chế hấp thụ ion khoáng ở rễ cây là: nước được hấp thụ vào rễ cây theo cơ chế thẩm thấu còn các ion khoáng di chuyển từ đất vào tế bào rễ một cách có chọn lọc theo hai cơ chế thụ động và chủ động. Lời giải chi tiết: Đáp án đúng là: D 2.7 Khi bón phân quá liều lượng, cây bị héo và chết là do A. lượng phân bón dư thừa làm cho cây nóng và héo lá. B. nồng độ dịch đất cao hơn nồng độ dịch bào, tế bào lông hút không hút được nước bằng cơ chế thẩm thấu. C. các nguyên tố khoáng vào tế bào nhiều, làm thay đổi thành phần chất nguyên sinh của tế bào lông hút. D. thành phần khoáng chất làm thay đổi tính chất lí hoá của keo đất. Phương pháp giải: Khi bón phân quá liều lượng, nồng độ dịch đất cao hơn nồng độ dịch bào (thế nước trong đất thấp) → tế bào lông hút không hút được nước bằng cơ chế thẩm thấu → cây bị thiếu nước → cây bị héo và chết. Lời giải chi tiết: Đáp án đúng là: B 2.8 Phát biểu nào sau đây là đúng về dòng mạch gỗ? A. Mạch gỗ được tạo thành do các tế bào hình ống không có thành tế bào nối liền với nhau. B. Mạch gỗ vận chuyển nước, các chất khoáng hoà tan và một số chất hữu cơ tổng hợp từ rễ lên thân và lá. C. Động lực chủ yếu làm cho các chất di chuyển trong dòng mạch gỗ là lực đẩy của rễ. D. Trong mạch gỗ, lực liên kết giữa các phân tử nước và lực bám giữa phân tử nước với thành mạch dẫn có tác dụng kéo nước từ rễ lên lá. Phương pháp giải: A. Sai. Mạch gỗ được tạo thành do các tế bào hình ống có thành hoá gỗ cứng chắc nối liền với nhau. B. Đúng. Mạch gỗ vận chuyển nước, các chất khoáng hoà tan và một số chất hữu cơ tổng hợp từ rễ lên thân và lá. C. Sai. Động lực chủ yếu làm cho các chất di chuyển trong dòng mạch gỗ là lực kéo của lá (do thoát hơi nước). D. Sai. Trong mạch gỗ, để kéo nước từ rễ lên lá có sự tham gia của 3 động lực gồm: lực đẩy của rễ (do áp suất rễ), lực kéo của lá (do thoát hơi nước), lực liên kết giữa các phân tử nước và lực bám giữa phân tử nước với thành mạch dẫn Lời giải chi tiết: Đáp án đúng là: B 2.9 Phát biểu nào sau đây là đúng về dòng mạch rây? A. Mạch rây được tạo thành do các tế bào rây nối liền với nhau, phần đầu của ống rây là các tế bào kèm. B. Dịch vận chuyển theo mạch rây có thành phần chủ yếu là các chất hữu cơ được tổng hợp từ lá, một số chất được tổng hợp từ rễ. C. Nước có thể vận chuyển ngang từ mạch gỗ sang mạch rây và ngược lại tuỳ theo nhu cầu của cây. D. Các chất vận chuyển trong mạch rây chỉ có thể theo một chiều từ trên xuống. Phương pháp giải: A. Sai. Mạch rây được tạo thành do các tế bào rây nối liền với nhau, xung quanh của ống rây là các tế bào kèm. B. Sai. Dịch vận chuyển theo mạch rây có thành phần chủ yếu là các chất hữu cơ được tổng hợp từ lá, ngoài ra còn có các hormone, vitamin và các ion khoáng di động để cung cấp cho các hoạt động sống của cây. C. Đúng. Nước có thể vận chuyển ngang từ mạch gỗ sang mạch rây và ngược lại tuỳ theo nhu cầu của cây. D. Sai. Các chất vận chuyển trong mạch rây có thể theo hai chiều: đi từ cơ quan nguồn (lá, là nơi quang hợp tạo các chất hữu cơ) đến cơ quan chứa (rễ, củ, quả, hạt; là nơi tích luỹ các sản phẩm dự trữ) hoặc theo chiều ngược lại từ cơ quan dự trữ đến cơ quan sử dụng (chồi non, lá non). Lời giải chi tiết: Đáp án đúng là: C 2.10 Khi cây bị hạn, loại hormone nào sau đây sẽ có tác dụng điều tiết quá trình đóng khí khổng? A. Auxin. B. Abscisic acid. C. Ethylene. D. Cytokinine. Phương pháp giải: Khi cây bị hạn, trong cây sẽ tăng cường tổng hợp abscisic acid thúc đẩy bơm ion vận chuyển K+ ra khỏi tế bào khí khổng; tế bào mất sức trương nước làm khí khổng đóng, hạn chế sự mất nước. Lời giải chi tiết: Đáp án đúng là: B 2.11 Có bao nhiêu phát biểu sau đây không đúng khi nói về ý nghĩa của quá trình thoát hơi nước và con đường thoát hơi nước ở thực vật? (1) Sự thoát hơi nước và quang hợp ở lá có mối quan hệ mật thiết với nhau. (2) Thoát hơi nước sẽ tạo nên một động lực quan trọng nhất cho sự hút và vận chuyển của dòng nước đi trong cây. (3) Ở những cây trưởng thành, cường độ thoát hơi nước qua cutin gần tương đương với cường độ thoát hơi nước qua khí khổng. (4) Không phải tất cả các bộ phận của cây đều có khả năng thoát hơi nước. (5) Các thực vật trong bóng râm, thực vật thuỷ sinh thoát hơi nước chủ yếu qua cutin. A. 1. B. 2. C. 3. Phương pháp giải: (3) Sai. Ở những cây trưởng thành, cường độ thoát hơi nước qua cutin giảm dần do lớp cutin dày thêm, lúc này, thoát hơi nước được thực hiện chủ yếu qua khí khổng. (4) Sai. Thoát hơi nước có thể thực hiện ở bề mặt nhiều cơ quan của cây như lá, cánh hoa, thân non, quả non,… nhưng chủ yếu xảy ra ở lá. (5) Sai. Các thực vật trong bóng râm, các thực vật thủy sinh thoát hơi nước qua cutin chỉ xấp xỉ 10 % lượng nước thoát đi. Lời giải chi tiết: Đáp án đúng là: C Các phát biểu đúng là: (1), (2). 2.12 Thực vật hấp thụ nitrogen dưới dạng A. N2. B. NO và NO2. C. NO3- và NH4+. D. NH4+ và N2. Phương pháp giải: Thực vật hấp thụ nitrogen dưới dạng NO3- và NH4+ được tạo ra từ hoạt động cố định nitrogen khí quyển của các vi sinh vật, tác dụng của sấm chớp, sự phân huỷ xác động, thực vật và phân bón do con người cung cấp. Lời giải chi tiết: Đáp án đúng là: C 2.13 Khi dư thừa ammonium, cây sẽ thực hiện quá trình nào sau đây để tránh bị ngộ độc? A. Amin hoá các keto acid và chuyển vị amin. B. Bài tiết ammonium qua rễ và lá. C. Phân giải ammonium, sau đó bài tiết sản phẩm thải ra ngoài. D. Chuyển hóa ammonium thành amide. Phương pháp giải: Khi dư thừa ammonium, cây sẽ thực hiện quá trình chuyển hóa ammonium thành amide. Sự hình thành amide được xem là con đường khử độc ammonium dư thừa, đồng thời tạo ra nguồn dự trữ ammonium cho quá trình tổng hợp amino acid khi cần thiết. Lời giải chi tiết: Đáp án đúng là: D 2.14 Các nguyên tố khoáng có những vai trò gì trong đời sống thực vật? Phương pháp giải: Lý thuyết vai trò của các nguyên tố khoáng trong đời sống thực vật. Lời giải chi tiết: Vai trò của các nguyên tố khoáng trong đời sống thực vật: - Tham gia xây dựng cấu trúc cơ thể. - Tham gia các hoạt động sinh lí trao đổi chất trong cơ thể (làm thay đổi đặc tính lí, hoá của keo nguyên sinh chất, làm thay đổi tốc độ và chiều hướng quá trình trao đổi chất; hoạt hoá các enzyme xúc tác các phản ứng sinh hoá trong tế bào; là thành phần của các phytohormone điều chỉnh các quá trình sinh trưởng và phát triển của cây). - Làm tăng tính chống chịu của cây. 2.15 Điền từ/cụm từ thích hợp vào chỗ trống. Đối với thực vật, nước đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sống và ảnh hưởng đến ...(1)... của thực vật trên Trái Đất. Nước là thành phần cấu tạo của tế bào, chiếm tỉ lệ trên ...(2)... khối lượng cơ thể. Nhờ có sức trương, nước đảm bảo cho tế bào và cơ thể thực vật có một ...(3)... nhất định. Nước là ...(4)... của thực vật thuỷ sinh. Nước là ...(5)... hoà tan các ...(6)... và các ...(7)... trong cây, ...(8)... các chất hoà tan trong nước đi khắp cơ thể. Nước tham gia vào các ...(9)..., trao đổi chất trong tế bào (như phản ứng quang phân li nước trong quang hợp, các phản ứng thuỷ phân,...). Nước có vai trò ...(10)... giúp cây chống nóng, bảo vệ cây không bị tổn thương ở nhiệt độ cao. Quá trình ...(11)... ở lá và các bộ phận non làm giảm nhiệt độ trong cây, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sinh lí và quá trình ...(12)... diễn ra bình thường. Phương pháp giải: Lý thuyết vai trò của nước đối với thực vật. Lời giải chi tiết: Từ/cụm từ thích hợp vào chỗ trống: (1) sự phân bố; (2) 70 %; (3) hình dạng; (4) môi trường sống; (5) dung môi; (6) muối khoáng; (7) chất hữu cơ; (8) vận chuyển; (9) phản ứng sinh hoá; (10) điều hoà nhiệt độ; (11) thoát hơi nước; (12) trao đổi chất.
|