Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Ngôi sao năm 2022

Tải về

I. Đọc và chọn phương án trả lời đúng cho các câu hỏi bên dưới: Tôi là đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai trong rừng già, trên sườn núi cao cheo leo.

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 5 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

ĐỀ THI HỌC BỔNG NGÔI SAO HÀ NỘI

Năm học: 2022 – 2023

Môn: Tiếng Việt

Thời gian làm bài: 60 phút

I. Đọc và chọn phương án trả lời đúng cho các câu hỏi bên dưới:

Tôi là đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai trong rừng già, trên sườn núi cao cheo leo.

Mùa xuân đến, từ trên cánh tay và mái tóc của mẹ, từng nụ hoa dẻ nhú ra như quả cầu xanh có tua gai nhỏ. Rồi hoa lớn dần thành những trái dẻ xù xì gai góc. Anh chị em chúng tôi ra đời như thế đó.

Chúng tôi lớn lên trong mùa hè nắng lửa, mưa dông. Những cơn mưa ào đến gội ướt đẫm tóc mẹ và tắm mát cho chúng tôi. Nắng làm bỏng rát cả làn da và mái tóc của mẹ.

Khi thu về, trái dẻ khô đi, lớp áo gai đã chuyển sang màu vàng cháy. Hạt dẻ căng tròn làm nứt bung cả tấm áo gai xù đã quá chật chội. Tôi vẫn nằm im trong lớp áo gai xù, nép vào một cánh tay của mẹ. Tôi chẳng muốn chui khỏi tấm áo ấm áp, an toàn đó chút nào.

Khi mùa đông đến, tôi cứ thu mình mãi trong tấm áo gai xù ấm áp của họ nhà dẻ gai và nép mãi vào tay mẹ, tóc mẹ. Tôi sợ phải xa mẹ, sợ phải tự sống một mình. Tôi sợ những gì lạ lẫm trong rừng già. Nhưng tôi nghe tiếng mẹ thì thầm:

- Bé Út của mẹ, con nhỏ nhất nhà so với các anh chị nhưng con cũng đã lớn rồi đấy. Con là một bé dẻ gai rất khoẻ mạnh. Hãy dũng cảm lên nào, con sẽ bay theo gió và sẽ trở thành một cây dẻ cường tráng trong cánh rừng này nhé!

Tôi cố quẫy mình... Tấm áo gai dày và ấm bất chợt bung ra. Và tôi nhìn rõ cả cánh rừng già, cả sườn núi cao, cả bầu trời mây gió lồng lộng ào ạt trôi trên đầu mẹ. Hóa ra tôi là trái dẻ cuối cùng đang nép trên cánh tay vươn cao nhất của mẹ. Mẹ đưa tay theo chiều gió và thì thầm với riêng tôi: “Tạm biệt con yêu quý, hạt dẻ bé bỏng nhất của mẹ. Dù thế nào con cũng sẽ lớn lên, hãy dũng cảm và đón nhận cuộc sống mới nhé!”

Tôi bỗng thấy mình bay nhẹ theo làn gió, tung mình vào khoảng không bao la rồi rơi êm xuống thảm lá ấm sực của rừng già… “Tạm biệt mẹ! Con yêu mẹ!” - tôi gọi với theo gió trước khi chìm vào giấc ngủ đông ấm áp. Và tôi mơ...

(Theo Phương Thanh Trang, trích Câu chuyện của hạt dẻ gai, tạp chí Văn học và tuổi trẻ)

Chọn phương án trả lời đúng cho các câu hỏi sau:

Câu 1. Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật nào?

A. Mẹ Dẻ Gai

B. Một cây dẻ trong rừng già

C. Một nhân vật trong câu chuyện

D. Nhân vật “tôi” - đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai

Câu 2. Từ “chúng tôi” trong câu chuyện được dùng để chỉ những nhân vật nào?

A. Mẹ, hạt dẻ gai và các anh chị em

B. Nhân vật “tôi” và các anh chị em

C. Nhân vật “tôi” và các bạn trong rừng già

D. Những hạt dẻ gai trong rừng già

Câu 3. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu: “Mùa xuân đến, từ trên cánh tay và mái tóc của mẹ, từng nụ hoa dẻ nhú ra như quả cầu xanh có tua gai nhỏ.”

A. Nhân hóa B. Điệp ngữ

C. So sánh   D. So sánh và nhân hóa

Câu 4. Vì sao khi mùa đông đến, “tôi” cứ mãi thu mình trong tấm áo gai xù ấm áp?

A. Vì “tôi” nhỏ nhất nhà và chưa đủ lớn.

B. Vì “tôi” rất thích tấm áo gai xù ấm áp.

C. Vì "tôi" sợ gió lạnh, sợ mùa đông đến.

D. Vì “tôi” sợ xa mẹ, sợ tự lập và những gì lạ lẫm.

Câu 5. Câu nói “Tôi cố quẫy mình... Tấm áo gai dày và ấm bất chợt bung ra.” chứng tỏ điều gì?

Câu 6. “Bé Út của mẹ, con nhỏ nhất nhà so với các anh chị nhưng con cũng đã lớn rồi đấy. Con là một bé dẻ gai rất khoẻ mạnh. Hãy dũng cảm lên nào, con sẽ bay theo gió và sẽ trở thành một cây dẻ cường tráng trong cánh rừng này nhé!”

Hãy nêu cảm nhận của em khi đọc câu nói của mẹ dành cho bé Dẻ Gai (khoảng 3-5 câu)

Câu 7. Tìm 2 từ đồng nghĩa và trái nghĩa với khoẻ mạnh trong câu sau:

“Con là một bé dẻ gai rất khoẻ mạnh. Hãy dũng cảm lên nào, con sẽ bay theo gió và sẽ trở thành một cây dẻ cường tráng trong cánh rừng này nhé!”

Câu 8. Cho đoạn văn sau:

Khi thu về, trái dẻ khô đi, lớp áo gai đã chuyển sang màu vàng cháy (1). Hạt dẻ căng tròn làm nứt bung cả tấm áo gai xù đã quá chật chội (2). Tôi vẫn nằm im trong lớp áo gai xù, nép vào một cánh tay của mẹ (3).

a. Tìm câu ghép trong đoạn văn trên, phân tích chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ (nếu có) trong câu.

b. Câu (2) và (3) được liên kết với nhau bằng cách nào? Chỉ ra từ ngữ thể hiện mối quan hệ đó.

Câu 9. Hãy sử dụng biện pháp nhân hóa hoặc so sánh để cho các câu văn sau thêm hay và gợi hình:

a. Những cơn mưa ào đến....

b. Tấm áo gai dày và ấm bất chợt bung ra......

Câu 10.

“Tôi bỗng thấy mình bay nhẹ theo làn gió, tung mình vào khoảng không bao la rồi rơi êm xuống thảm lá ấm sực của rừng già… “Tạm biệt mẹ! Con yêu mẹ!” - tôi gọi với theo gió trước khi chìm vào giấc ngủ đông ấm áp. Và tôi mơ...”

Hãy tưởng tượng em là bé dẻ gai nhỏ. Hãy kể lại giấc mơ đó.

--------- Hết ----------

Đáp án

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

1. D

2. B

3. D

4. D

 Câu 1. Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật nào?

A. Mẹ Dẻ Gai

B. Một cây dẻ trong rừng già

C. Một nhân vật trong câu chuyện

D. Nhân vật “tôi” - đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai

Phương pháp giải:

Đọc câu văn đầu tiên: Tôi là đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai trong rừng già, trên sườn núi cao cheo leo

Lời giải chi tiết:

Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật tôi – đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai

Đáp án D. Nhân vật “tôi” – đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai

Câu 2. Từ “chúng tôi” trong câu chuyện được dùng để chỉ những nhân vật nào?

A. Mẹ, hạt dẻ gai và các anh chị em

B. Nhân vật “tôi” và các anh chị em

C. Nhân vật “tôi” và các bạn trong rừng già

D. Những hạt dẻ gai trong rừng già

Phương pháp giải:

Đọc các câu văn sau để tìm đáp án đúng:

Mùa xuân đến, từ trên cánh tay và mái tóc của mẹ, từng nụ hoa dẻ nhú ra như quả cầu xanh có tua gai nhỏ. Rồi hoa lớn dần thành những trái dẻ xù xì gai góc. Anh chị em chúng tôi ra đời như thế đó.

Chúng tôi lớn lên trong mùa hè nắng lửa, mưa dông. Những cơn mưa ào đến gội ướt đẫm tóc mẹ và tắm mát cho chúng tôi. Nắng làm bỏng rát cả làn da và mái tóc của mẹ.

Lời giải chi tiết:

Từ “chúng tôi” trong câu chuyện dùng để chỉ nhân vật tôi và các anh chị em

Đáp án B. Nhân vật “tôi” và các anh chị em

Câu 3. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu: “Mùa xuân đến, từ trên cánh tay và mái tóc của mẹ, từng nụ hoa dẻ nhú ra như quả cầu xanh có tua gai nhỏ.”

A. Nhân hóa

B. Điệp ngữ

C. So sánh  

D. So sánh và nhân hóa

Phương pháp giải:

Đọc kĩ câu văn và xác định các biện pháp

Lời giải chi tiết:

Mùa xuân đến, từ trên cánh tay và mái tóc của mẹ, từng nụ hoa dẻ nhú ra như quả cầu xanh có tua gai nhỏ

Các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn là:

- Nhân hóa: từ trên cánh tay và mái tóc của mẹ

- So sánh: từng nụ hoa dẻ nhú ra như quả cầu xanh có tua gai nhỏ

Đáp án D. So sánh và nhân hóa

Câu 4. Vì sao khi mùa đông đến, “tôi” cứ mãi thu mình trong tấm áo gai xù ấm áp?

A. Vì “tôi” nhỏ nhất nhà và chưa đủ lớn.

B. Vì “tôi” rất thích tấm áo gai xù ấm áp.

C. Vì "tôi" sợ gió lạnh, sợ mùa đông đến.

D. Vì “tôi” sợ xa mẹ, sợ tự lập và những gì lạ lẫm.

Phương pháp giải:

Đọc các câu văn sau để trả lời câu hỏi:

Khi mùa đông đến, tôi cứ thu mình mãi trong tấm áo gai xù ấm áp của họ nhà dẻ gai và nép mãi vào tay mẹ, tóc mẹ. Tôi sợ phải xa mẹ, sợ phải tự sống một mình. Tôi sợ những gì lạ lẫm trong rừng già.

Lời giải chi tiết:

Khi mùa đông đến, nhân vật “tôi” cứ mãi thu mình trong tấm áo gai xù xì ấm áp vì sợ phải xa mẹ, sợ phải tự sống một mình, sợ những gì lạ lẫm trong rừng già

Đáp án D. Vì tôi sợ xa mẹ, sợ tự lập và những gì lạ lẫm

Câu 5. Câu nói “Tôi cố quẫy mình... Tấm áo gai dày và ấm bất chợt bung ra.” chứng tỏ điều gì?

Lời giải chi tiết:

Câu nói trên thể hiện sự cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, thoát ra khỏi tấm áo bảo vệ yên ấm, đón nhận một thế giới mới, rộng lớn hơn. Được mẹ động viên, bé Dẻ Gai đã thật dũng cảm vươn mình, bung ra để trưởng thành.

Câu 6. “Bé Út của mẹ, con nhỏ nhất nhà so với các anh chị nhưng con cũng đã lớn rồi đấy. Con là một bé dẻ gai rất khoẻ mạnh. Hãy dũng cảm lên nào, con sẽ bay theo gió và sẽ trở thành một cây dẻ cường tráng trong cánh rừng này nhé!”

Hãy nêu cảm nhận của em khi đọc câu nói của mẹ dành cho bé Dẻ Gai (khoảng 3-5 câu)

Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

Câu nói của mẹ dành cho bé Dẻ Gai trong “Câu chuyện của hạt dẻ gai” thật tình cảm và ý nghĩa. Trước hết, câu nói thể hiện mẹ yêu bé Dẻ Gai vô cùng.  Trong lòng của mẹ, Dẻ Gai luôn là “Bé Út” bé bỏng và đáng yêu. Nhưng mẹ cũng rất tin tưởng, hi vọng vào những phẩm chất tốt đẹp và sự trưởng thành mạnh mẽ của Dẻ Gai. Niềm tin ấy được thể hiện qua những lời động viên, cổ vũ, đầy yêu mến, tha thiết mà mẹ dành cho Dẻ Gai. Tình yêu của mẹ dành cho bé Dẻ Gai thật thiêng liêng, bao la, vĩ đại, dường như đó chính là nguồn động lực để Dẻ Gai tin vào bản thân mình.

Câu 7. Tìm 2 từ đồng nghĩa và trái nghĩa với khoẻ mạnh trong câu sau:

“Con là một bé dẻ gai rất khoẻ mạnh. Hãy dũng cảm lên nào, con sẽ bay theo gió và sẽ trở thành một cây dẻ cường tráng trong cánh rừng này nhé!”

Lời giải chi tiết:

- Từ đồng nghĩa với khỏe mạnh: khỏe khoắn, lực lưỡng, cường tráng,…

- Từ trái nghĩa với khỏe mạnh: yếu ớt, yếu đuối, ốm yếu, yếu xìu,…

Câu 8. Cho đoạn văn sau:

Khi thu về, trái dẻ khô đi, lớp áo gai đã chuyển sang màu vàng cháy (1). Hạt dẻ căng tròn làm nứt bung cả tấm áo gai xù đã quá chật chội (2). Tôi vẫn nằm im trong lớp áo gai xù, nép vào một cánh tay của mẹ (3).

a. Tìm câu ghép trong đoạn văn trên, phân tích chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ (nếu có) trong câu.

b. Câu (2) và (3) được liên kết với nhau bằng cách nào? Chỉ ra từ ngữ thể hiện mối quan hệ đó.

Lời giải chi tiết:

a. Câu ghép trong đoạn văn là:

Khi thu về, trái dẻ / khô đi, // lớp áo gai / đã chuyển sang màu vàng cháy

                    CN1      VN1          CN2                VN2

b. Câu (2) và (3) được liên kết với nhau bằng cách lặp lại từ ngữ: lặp cụm từ “áo gai xù”

Câu 9. Hãy sử dụng biện pháp nhân hóa hoặc so sánh để cho các câu văn sau thêm hay và gợi hình:

a. Những cơn mưa ào đến .....................................................................................................................

b. Tấm áo gai dày và ấm bất chợt bung ra .....................................................................................................................

Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

a.

- So sánh: Những cơn mưa ào đến như lũ trẻ tinh nghịch, hồn nhiên

- Nhân hóa: Những cơn mưa ào đến, nhảy múa, hát ca trong khu vườn.

b.

- So sánh: Tấm áo gai dày và ấm bất chợt bung ra tựa như chiếc ô tí hon xòe tung giữa khoảng không ngập nắng.

- Nhân hóa: Tấm áo gai dày và ấm bất chợt bung ra mạnh mẽ trên cánh tay của mẹ Dẻ Gai.

Câu 10.

“Tôi bỗng thấy mình bay nhẹ theo làn gió, tung mình vào khoảng không bao la rồi rơi êm xuống thảm lá ấm sực của rừng già… “Tạm biệt mẹ! Con yêu mẹ!” - tôi gọi với theo gió trước khi chìm vào giấc ngủ đông ấm áp. Và tôi mơ...”

Hãy tưởng tượng em là bé dẻ gai nhỏ. Hãy kể lại giấc mơ đó.

Gợi ý:

Hình thức:

- Bài văn

- Ngôi kể: ngôi thứ nhất: đóng vai nhân vật bé Dẻ Gai + Xưng “tôi”

Nội dung:

1. Mở bài

- Giới thiệu bản thân

- Giới thiệu giấc mơ

2. Thân bài

- Hoàn cảnh có giấc mơ đó

- Kể lại chi tiết giấc mơ

+ Mơ được bay tới một nơi rất xa theo làn gió, được nhìn ngắm thế giới rừng xanh, tâm trạng vừa nhớ mẹ, nhớ khu rừng yêu dấu, vừa lo lắng, vừa náo nức, hồi hộp.

+ Mơ được cơn gió thả xuống cạnh một dòng suối mát lành

+ Quá trình nảy mầm, lớn dần, vươn mình thành cây xanh (kể thêm về những khó khăn, cảm nhận về sự chuyển mình của cơ thể...)

3. Kết bài

- Cảm nghĩ và bài học về sự trưởng thành, tự lập.

Tải về

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close