Đề thi học kì 1 Văn 8 - Đề số 9Tải về Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: KHÔNG CẦN HỌC NỮA Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 8 tất cả các môn - Kết nối tri thức Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Đề thi PHẦN ĐỌC HIỂU (6.0 điểm) Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: KHÔNG CẦN HỌC NỮA Một lão nhà giàu đã dốt lại hà tiện. Con đã lớn mà không cho đi học, sợ tốn tiền. Một ông khách thấy vậy, hỏi: - Sao không cho thằng nhỏ đi học trường? - Cho cháu đến trường, sợ học trò lớn bắt nạt. - Thì rước thầy về nhà cho cháu học vậy! - Nó chưa có trí, biết nó có học được hay không? - Có khó gì, thầy sẽ tuỳ theo sức nó mà dạy. Nay dạy chữ nhất là một, một gạch, qua ngày mai, dạy nó chữ nhị là hai, hai gạch, qua bữa mốt, dạy nó chữ tam là ba, ba gạch, lần lần như vậy thì cháu phải biết chữ. Khách ra về, thằng con mới bảo cha: - Thôi, cha đừng rước thầy về tốn kém. Mấy chữ ấy con không học cũng biết rồi ... Con nghe qua là đã thuộc! Người cha bảo nó viết chữ nhất, chữ nhị, chữ tam, nó viết được cả, ông ta khen con sáng dạ, không mời thầy về nữa. Một hôm, người cha bảo nó viết chữ vạn. Nó thủng thẳng ngồi viết, viết mãi đến chiều tối cũng chưa xong. Người cha mắng: - Viết gì mà lâu thế? Nó thưa. - Chữ vạn dài lắm bố ạ! Con viết hơn nửa ngày mà được nửa chữ thôi! (Trích Bình giảng truyện cười, Nguyễn Việt Hùng, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr.99 – 100) Câu 1 (0.5 điểm): Nhân vật chính trong truyện cười trên là ai? Câu 2 (0.5 điểm): Vì sao người con trong truyện cười trên đã lớn mà người cha không cho đi học? Câu 3 (1.0 điểm): Yếu tố gây cười của câu chuyện thể hiện rõ nhất ở câu nói nào? Câu 4 (1.0 điểm): Từ “hà tiện” trong câu văn: “Một lão nhà giàu đã dốt lại hà tiện” có nghĩa như thế nào? Câu 5 (1.0 điểm): Tại sao cậu bé trong truyện mất nhiều thời gian vẫn viết chưa xong chữ “vạn”? Câu 6 (1.0 điểm): Qua câu chuyện, tác giả dân gian muốn phê phán thói xấu nào của con người? Câu 7 (1.0 điểm): Giả sử là một người trực tiếp chứng kiến cuộc đối thoại của hai cha con trong câu chuyện trên, em sẽ nói gì để người cha hiểu được tầm quan trọng của việc cho con đến trường học tập? (Trả lời khoảng 5 – 7 dòng) PHẦN VIẾT (4.0 điểm) Là con thì phải tuyệt đối nghe lời mẹ cha Là một người con, em suy nghĩ thế nào về quan điểm trên? Hãy viết một bài văn nghị luận để bày tỏ ý kiến của mình. Đáp án PHẦN ĐỌC HIỂU (6.0 điểm) Câu 1.
Phương pháp: Đọc kĩ văn bản, xác định nhân vật chính Lời giải chi tiết: Nhân vật chính trong văn bản là lão nhà giàu Câu 2.
Phương pháp: Chú ý đặc điểm tính cách của lão nhà giàu được nêu ở phần mở đầu văn bản Lời giải chi tiết: Vì người cha là một lão nhà giàu nhưng lại dốt nát, hà tiện. Câu 3.
Phương pháp: Xác định câu nói gây cười trong truyện Lời giải chi tiết: Yếu tố gây cười của câu chuyện thể hiện rõ nhất ở câu nói: “Chữ vạn dài lắm bố ạ! Con viết hơn nửa ngày mà được nửa chữ thôi!” Câu 4.
Phương pháp: Dựa vào ngữ cảnh, xác định nghĩa của từ Lời giải chi tiết: Từ “hà tiện” trong câu văn có nghĩa là keo kiệt, bủn xỉn, dù có điều kiện kinh tế nhưng không muốn bỏ ra. Câu 5.
Phương pháp: Chú ý câu nói của người khách và người con để hiểu hàm ý sâu xa Lời giải chi tiết: Cậu bé trong truyện mất nhiều thời gian nhưng vẫn chưa viết xong chữ “vạn” vì cậu đã hiểu chữ “vạn” theo nghĩa đen, rằng nó bao gồm một số lượng rất lớn các nét gạch thay vì nhận thức đó là một ký tự chữ Hán. Do đó, cậu đã ngồi viết hàng ngàn nét gạch liên tiếp, dẫn đến việc “viết mãi không xong”. Câu 6.
Phương pháp: Chú ý lối sống, hành động của lão nhà giàu và đứa con Lời giải chi tiết: Qua câu chuyện, tác giả dân gian muốn phê phán thói keo kiệt, dốt nát và tư duy bảo thủ của con người Câu 7.
Phương pháp: Tưởng tượng bối cảnh và nêu suy nghĩ Lời giải chi tiết: Em sẽ nói với ông lão rằng việc cho con đến trường học tập không chỉ giúp nó biết chữ mà còn giúp mở mang trí tuệ và có khả năng tự lập trong tương lai. Dù ban đầu có tốn kém, nhưng tri thức là tài sản lâu dài, không ai có thể lấy đi được. Nếu con ông được học, sau này nó có thể làm việc tốt hơn, giúp gia đình ngày càng phát triển. Ông đầu tư cho con học hôm nay chính là tạo dựng tương lai tốt đẹp cho cả nhà mình. PHẦN VIẾT (4.0 điểm)
Phương pháp: - Xác định vấn đề cần bàn luận: nghị luận về quan điểm: “Là con thì phải tuyệt đối nghe lời mẹ cha” - Xác định hình thức bài văn nghị luận gồm 3 phần: mở bài - thân bài - kết bài - Nêu luận điểm: đồng tình/ không đồng tình hoặc đồng tình một phần Lời giải chi tiết: Dàn ý I. Mở bài - Giới thiệu về vai trò của cha mẹ trong cuộc sống của mỗi người. - Dẫn dắt đến quan điểm: “Là con thì phải tuyệt đối nghe lời mẹ cha” - Đặt vấn đề: Quan điểm này có thực sự đúng trong mọi hoàn cảnh? II. Thân bài 1. Giải thích vấn đề - "Tuyệt đối nghe lời mẹ cha”: Là luôn làm theo mọi điều cha mẹ dạy bảo, không phản kháng, không tự ý làm trái lời cha mẹ. - Quan điểm này thể hiện lòng kính trọng, biết ơn cha mẹ vì công lao sinh thành, dưỡng dục. 2. Bàn luận a. Mặt đúng của quan điểm - Cha mẹ thường có kinh nghiệm sống phong phú, hiểu biết và tình yêu thương dành cho con. - Những lời dạy bảo của cha mẹ thường xuất phát từ mong muốn tốt đẹp, giúp con cái trưởng thành và tránh sai lầm. - Nghe lời cha mẹ là cách thể hiện lòng hiếu thảo và đạo làm con. b. Hạn chế của quan điểm - Không phải lúc nào cha mẹ cũng đung, vì tư duy, quan điểm của cha mẹ đôi khi bị ảnh hưởng bởi thời đại và hoàn cảnh sống. - Nếu cha mẹ áp đặt, không lắng nghe ý kiến của con cái, quan điểm này có thể làm mất đi sự tự lập và sáng tạo của con. - Trong một số trường hợp, việc “tuyệt đối nghe lời” có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực nếu lời khuyên không phù hợp với tình hình thực tế. c. Liên hệ bản thân - Làm con cần lắng nghe và cân nhắc ý kiến của cha mẹ, nhưng cũng cần có chính kiến và sự tự chủ. - Trong những trường hợp cha mẹ không đúng, con cái cần khéo léo bày tỏ ý kiến và thuyết phục thay vì chỉ tuân theo một cách máy móc. 3. Bài học rút ra - Cần xây dựng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau. - Một người con hiếu thảo không chỉ biết vâng lời mà còn biết góp ý và làm điều đúng đắn, ngay cả khi điều đó trái với ý cha mẹ. III. Kết bài - Khẳng định tầm quan trọng của việc lắng nghe lời cha mẹ nhưng cũng cần linh hoạt trong việc áp dụng. - Kêu gọi mọi người trân trọng và tôn trọng cha mẹ, đồng thời phát huy tinh thần tự lập để trở thành người con có trách nhiệm với chính mình và gia đình. Bài tham khảo Cha mẹ là người có công lao sinh thành, dưỡng dục, dành cả đời để yêu thương và dạy bảo con cái. Chính vì thế, trong xã hội Việt Nam, quan điểm “Là con thì phải tuyệt đối nghe lời mẹ cha” từ lâu đã trở thành một chuẩn mực đạo đức. Tuy nhiên, liệu rằng quan điểm này có đúng trong mọi hoàn cảnh, hay cần được xem xét linh hoạt hơn? Trước hết, "tuyệt đối nghe lời mẹ cha" có nghĩa là con cái cần làm theo mọi lời dạy bảo của cha mẹ, không phản kháng, không đặt câu hỏi. Quan điểm này xuất phát từ lòng hiếu thảo, thể hiện sự kính trọng và biết ơn đối với cha mẹ. Bởi cha mẹ thường là người từng trải, có nhiều kinh nghiệm sống, nên những lời dạy bảo thường xuất phát từ tình yêu thương và mong muốn tốt đẹp cho con cái. Nghe lời cha mẹ là cách thể hiện đạo làm con, giúp con cái tránh được những sai lầm và định hướng tốt hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, quan điểm này không phải lúc nào cũng đúng đắn. Cuộc sống hiện đại ngày nay thay đổi nhanh chóng, có những vấn đề mà tư duy của cha mẹ đôi khi không còn phù hợp với thực tế. Nếu cha mẹ áp đặt quan điểm mà không lắng nghe ý kiến của con, điều này có thể làm mất đi sự tự lập, sáng tạo của con cái. Đặc biệt, trong một số trường hợp, lời khuyên của cha mẹ không chính xác có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực nếu con cái tuân theo một cách mù quáng. Là con, chúng ta cần lắng nghe và trân trọng lời dạy của cha mẹ, nhưng cũng cần suy nghĩ kỹ lưỡng và cân nhắc áp dụng vào thực tế. Trong trường hợp nhận thấy cha mẹ chưa hoàn toàn đúng, chúng ta cần bày tỏ ý kiến một cách khéo léo, nhẹ nhàng để cha mẹ hiểu và đồng thuận. Đây không chỉ là sự thể hiện lòng hiếu thảo mà còn là trách nhiệm của một người con đối với chính mình và gia đình. Tóm lại, việc lắng nghe lời cha mẹ là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh. Một người con hiếu thảo là người biết tôn trọng cha mẹ, nhưng cũng có chính kiến và hành động phù hợp với thực tế. Sự kết hợp hài hòa giữa lắng nghe và tự chủ chính là chìa khóa để xây dựng một gia đình hạnh phúc và phát triển.
|