Đề thi học kì 1 Văn 8 - Đề số 8Tải về Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới: Tam đại con gà
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Đề thi Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới: Tam đại con gà Xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời “Xấu hay làm tốt, dốt hay chơi chữ”, đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt. Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy trẻ. Một hôm, dạy sách Tam thiên tự, sau chữ “tước” là chim sẻ, đến chữ “kê” là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: “Dủ dỉ là con dù dì”. Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai, người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ, tuy vậy, trong lòng thầy vẫn thấp thỏm. Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới đến khấn thầm xin ba đài âm dương để xem chữ ấy có phải thật là “dù dì” không. Thổ công cho ba đài được cả ba. Thấy vậy, thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào: – Dủ dỉ là con dù dì! Dủ dỉ là con dù dì… Bố chúng đang cuốc đất ngoài vườn, nghe tiếng học, ngạc nhiên bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem, hỏi thầy: – Chết chửa! Chữ “kê” là gà, sao thầy lại dạy ra “dủ dỉ” là con “dù dì”? Bấy giờ thầy mới nghĩ thầm: “Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa”, nhưng – Tôi vẫn biết chữ ấy là chữ “kê” mà “kê” nghĩa là “gà” nhưng tôi dạy cháu thế là dạy cho cháu nó biết tận tam đại con gà kia. Chủ nhà càng không hiểu, hỏi: – Tam đại con gà là nghĩa ra làm sao? – Thế này nhé! Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà! Câu 1 (0.5 điểm): Truyện Tam đại con gà thuộc thể loại nào? Câu 2 (0.5 điểm): Xác định ngôi kể của văn bản trên. Câu 3 (1.0 điểm): Hãy cho biết nội dung cười và tình huống gây cười của truyện. Câu 4 (1.0 điểm): Hãy nêu bài học ý nghĩa nhất đối với em rút ra từ văn bản trên. Câu 5 (1.0 điểm): Qua câu chuyện, tác giả dân gian đã phê phán kiểu người nào trong xã hội bấy giờ? PHẦN VIẾT (6.0 điểm) Câu 1 (2.0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích ý nghĩa của tiếng cười trong truyện Tam đại con gà. Câu 2 (4.0 điểm) Viết bài văn nêu suy nghĩ của em về vấn đề tuổi trẻ cần có trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường sống. Đáp án PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) Câu 1.
Phương pháp: Dựa vào đặc trưng thể loại Lời giải chi tiết: Truyện Tam đại con gà thuộc thể loại truyện cười Câu 2.
Phương pháp: Chú ý lời của người kể chuyện Lời giải chi tiết: Văn bản sử dụng ngôi kể thứ ba Câu 3.
Phương pháp: Đọc kĩ nội dung đoạn trích Lời giải chi tiết: Nội dung cười: cái dốt không che đậy được, càng giấu càng lộ ra, càng làm trò cười cho thiên hạ. Tình huống gây cười: có 2 tình huống gây cười +Tình huống 1: Thầy giáo thấy chữ “kê” nhưng không biết chữ gì và dạy học sinh đọc sai. +Tình huống 2: Bị phụ huynh lật tẩy. Câu 4.
Phương pháp: Rút ra bài học em học được từ văn bản Chú ý bài học phù hợp với chuẩn mực đạo đức Lời giải chi tiết: Gợi ý: luôn học hỏi, không nên che dấu cái dốt của mình, không nên sĩ diện hão,… Câu 5.
Phương pháp: Từ nội dung văn bản, xác định đối tượng mà tác giả dân gian muốn phê phán Lời giải chi tiết: Tác giả phê phán thói dốt nát và sĩ diện hão của những ông thầy đồ ngày xưa. PHẦN VIẾT (6.0 điểm) Câu 1.
Phương pháp: Dựa vào đặc trưng thể loại truyện cười, xác định yếu tố tiếng cười trong truyện Lời giải chi tiết: Dàn ý 1. Mở đoạn - Tổng quan về thể loại truyện cười: Được tạo ra từ trí óc hài hước và là công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự ngớ ngẩn của chúng ta. - Giới thiệu về truyện Tam đại con gà: Là một tác phẩm hài hước, sử dụng tiếng cười để chỉ trích sự ngớ ngẩn nhưng kiêu căng của thầy giáo. 2. Thân đoạn a. Hành động gây cười - Thầy đồ che giấu sự ngu dốt bằng cách giải thích vô căn cứ và mê tín cầu thần thánh. - Thầy xem dạy học như trò may rủi, tự mãn trong sự ngớ ngẩn. b. Câu nói gây cười - Lời giải thích "dủ dỉ là con dù dì" phi lý và lố bịch. - Đổ lỗi cho thổ công thay vì nhận sai. - Ngụy biện láu cá khiến người đọc bật cười, bộc lộ sự xảo trá và huênh hoang. c. Ý nghĩa của tiếng cười - Chỉ trích những kẻ ngu dốt nhưng tự tin khoe khoang. - Phê phán tình hình xã hội thực: Người dốt lại làm thầy. - Khuyên bảo mọi người không nên che giấu sự ngu dốt mà hãy can đảm học hỏi. 3. Thân đoạn - Tóm tắt lại nội dung và nghệ thuật tạo tiếng cười trong câu chuyện tam đại con gà. - Diễn đạt ý kiến cá nhân về những tiếng cười đó: Tiếng cười trong câu chuyện không chỉ mang lại niềm vui mà còn là bài học để mỗi người tự suy ngẫm và tự đánh giá. Bài tham khảo Truyện cười Tam đại con gà là một tác phẩm tiêu biểu, sử dụng tiếng cười để phê phán thói ngu dốt nhưng lại kiêu căng, huênh hoang của thầy đồ. Thầy đồ trong câu chuyện gây cười bằng những hành động và lời nói phi lý. Khi không biết chữ “kê” nghĩa là gì, thầy không dám thừa nhận mà còn cầu khấn thổ công để che giấu sự dốt nát. Đỉnh điểm là lời giải thích “kê là dủ dỉ là con dù dì,” vừa vô căn cứ vừa lố bịch. Khi bị phát hiện sai lầm, thay vì nhận lỗi, thầy đổ lỗi cho thổ công, ngụy biện láu cá bằng cách viện dẫn bài đồng dao để biện hộ. Tiếng cười trong truyện không chỉ phát ra từ sự phi lý trong hành động và lời nói của thầy mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc. Nó phê phán những kẻ dốt nhưng tự tin khoe khoang, đồng thời phản ánh thực trạng xã hội khi người thiếu năng lực lại làm thầy. Qua đó, truyện gửi gắm bài học: thay vì che giấu sự thiếu hiểu biết, con người cần biết khiêm tốn học hỏi để hoàn thiện bản thân. Tiếng cười trong Tam đại con gà không chỉ mang lại niềm vui mà còn để lại những suy ngẫm ý nghĩa về cuộc sống. Câu 2.
Phương pháp: Vận dụng hiểu biết của em về vấn đề Chú ý hình thức một bài văn gồm 3 phần: mở bài – thân bài – kết bài Lời giải chi tiết: Dàn ý 1. Mở bài Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: trách nhiệm của tuổi trẻ đối với việc bảo vệ môi trường sống 2. Thân bài - Giải thích vì sao tuổi trẻ cần có trách nhiệm với vấn đề bảo vệ môi trường sống: + Tuổi trẻ là lực lượng lao động chính của xã hội, có nhiều sức lực, tâm huyết và khả năng làm việc tốt hơn các thế hệ khác (còn nhỏ tuổi hoặc đã lớn tuổi) + Thế hệ trẻ ngày nay được đào tạo bài bản, chỉn chu, tiếp xúc nhiều với khoa học kĩ thuật, có khả năng áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào cong cuộc bảo vệ môi trường sống, giúp hoạt động này có một bước tiến xa hơn thế hệ trước đã làm - Biểu hiện và kết quả khi thế hệ trẻ thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường sống: + Tham gia các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường sống không chỉ qua các buổi gặp mặt, phát tờ rơi, mà còn thông qua các trang mạng xã hội dành cho người trẻ như instagram, facebook, tiktok…, giúp lan tỏa mạnh mẽ + Tham gia các hoạt động dọn dẹp vệ sinh xung quanh môi trường sống, cắt tỉa cây cối… với hiệu suất cao nhờ sức trẻ và tinh thần cống hiến, nhiệt huyết tuổi trẻ… + Đẩy mạnh các phong trào bảo vệ môi trường sống như dọn vệ sinh, tiết kiệm điện, chạy bộ vì môi trường… giúp dâng cao làn sóng bảo vệ môi trường trong cộng đồng… - Mặt trái của việc thế hệ trẻ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường sống: + Nhiều người trẻ chưa có ý thức tham gia các hoạt động tập thể bảo vệ môi trường sống, thậm chí còn cố tình gây ra các hành vi phá hoại môi trường + Một bộ phận người trẻ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm đánh bóng tên tuổi, hoặc vì mục đích riêng, không chú tâm vào hoạt động chính, thậm chí gây nên các tác động tích cực → Đây chỉ là một bộ phận nhỏ, không đại diện cho toàn bộ giới trẻ ngày nay và dần được chấn chỉnh, thay đổi tác phong, cách suy nghĩ theo thời gian - Liên hệ bản thân: + Là một người trẻ, em có thái độ, suy nghĩ như thế nào về việc tham gia bảo vệ môi trường sống của giới trẻ xung quanh mình? + Bản thân em đã tham gia những hoạt động nào để bảo vệ môi trường sống xung quanh mình? Cảm nghĩ của em về hoạt động đó và những người tham gia cùng mình? 3. Kết bài Suy nghĩ của em về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với việc bảo vệ môi trường sống Bài tham khảo Bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Tuy nhiên, với sức trẻ, sự năng động và nhiệt huyết, thế hệ trẻ tuổi vẫn luôn đóng vai trò là ngọn cờ tiên phong cho phong trào này. Theo đó, không phải chỉ những người trẻ mới có trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường. Mà là trong các lứa tuổi, tuổi trẻ là giai đoạn con người có nhiều sức khỏe, tinh thần nhất cho việc này. Nếu trẻ em là ngày mai của đất nước, người già là ngày hôm qua thì những người trẻ tuổi chính là ngày hôm nay của tổ quốc. Vì thế, chúng ta phải làm sao cho ngày hôm nay thật rực rỡ, thật thành công để kế thừa những gì “ngày hôm qua đã làm được”. Và chuẩn bị một nền tảng tốt cho “ngày mai” tiếp bước. Thế nên, là một người trẻ, chúng ta cần cống hiến hết sức mình cho tổ quốc, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Đó không phải là việc gì quá to lớn, khó khăn, mà có thể làm được ngay từ các hành động nhỏ nhặt nhất. Như quét dọn vệ sinh nơi ở, trường lớp, đường phố thật sạch sẽ. Phân loại rác trước khi vứt, và vứt rác đúng nơi quy định. Hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa chỉ sử dụng một lần. Tiết kiện điện, nước và các tài nguyên thiên nhiên khác. Đó chính là bảo vệ môi trường sống của chúng ta rồi. Ngoài ra, chúng ta còn có thể tham gia các hoạt động tập thể như trồng cây gây rừng, tuyên truyền bảo vệ môi trường, đấu tranh chống nạn khai thác gỗ trái phép… Chỉ cần mỗi người trẻ chúng ta có ý thức hơn một chút về trách nhiệm của mình, cố gắng hơn một chút trong từng hành động, quyết liệt hơn một chút trong suy nghĩ, thì khi đó công cuộc bảo vệ môi trường sống sẽ trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết. Và tất nhiên, khi môi trường sống được bảo vệ và nâng cao hơn mỗi ngày thì chính bản thân chúng ta là người được tận hưởng nó. Thử nghĩ mà xem, việc được bước đi trên con đường sạch sẽ, có bóng cây mát rượi, không khí trong lành, có tiếng chim hót líu lo và chẳng có bóng dáng mẩu rác nào ven đường. Như vậy, chẳng phải thật quá tuyệt vời hay sao? Vì vậy, là một người trẻ, chúng ta hãy cùng nhau đứng dậy, gánh trên vai trọng trách bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta ngay hôm nay!
|