Đề thi học kì 1 Văn 8 - Đề số 7

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: THƯƠNG VỢ

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

THƯƠNG VỢ

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên, hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không!

Câu 1 (0.5 điểm): Bài thơ trên thuộc thể thơ gì?

Câu 2 (0.5 điểm): Xác định chủ đề của bài thơ trên.

Câu 3 (1.0 điểm): Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Câu 4 (1.0 điểm): Từ ngữ nào trong câu thơ “Lặn lội thân cò khi quãng vắng” có giá trị miêu tả ngoại hình bà Tú? Ý nghĩa của hình ảnh đó?

Câu 5 (1.0 điểm): Từ hình tượng bà Tú trong văn bản Thương vợ em có suy nghĩ gì về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của em về hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương.

Câu 2 (4.0 điểm) Hãy viết bài văn nghị luận về tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta.

Đáp án

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Câu 1.

Bài thơ trên thuộc thể thơ gì?

Phương pháp:

Dựa vào đặc trưng thể loại

Lời giải chi tiết:

Bài thơ thuộc thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật

Câu 2.

Xác định chủ đề của bài thơ trên.

Phương pháp:

Đọc kĩ bài thơ và xác định nội dung chính

Lời giải chi tiết:

Thương vợ là bức chân dung chân thực về người vợ đảm đang, chịu thương, chịu khó, là hình tượng tiêu biểu cho người phụ nữ truyền thống Việt Nam: tháo vát, cần cù, lam lũ và giàu đức hy sinh. Đồng thời thể hiện tình cảm thương quý, biết ơn của nhà thơ đối với vợ.

Câu 3.

Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Phương pháp:

Vận dụng kiến thức đã học về các biện pháp nghệ thuật

Lời giải chi tiết:

Nghệ thuật của 2 câu thơ

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

- Sử dụng lối nói dân gian một cách sáng tạo.

- Sử dụng từ láy giàu giá trị gợi hình biểu cảm.

- Sử dụng biện pháp đảo ngữ và nghệ thuật đối.

→ Tác dụng: Thể hiện sự hoá thân của đối tượng trữ tình thành “thân cò”, làm nổi bật cái vất vả đảm đang của bà Tú và ẩn sau câu chữ vẫn là tấm lòng nhà thơ với cái nhìn ái ngại, cảm thông.

Câu 4.

Từ ngữ nào trong câu thơ “Lặn lội thân cò khi quãng vắng” có giá trị miêu tả ngoại hình bà Tú? Ý nghĩa của hình ảnh đó?

Phương pháp:

Đọc và xác định từ miêu tả ngoại hình bà Tú

Lời giải chi tiết:

- Từ ngữ có giá trị miêu tả ngoại hình bà Tú: thân cò (lam lũ, vất vả, chịu thương, có phần xót xa, tội nghiệp xuất hiện trong cái rợn ngợp của cả không gian và thời gian).

- Trong ca dao hình ảnh con cò thường dùng để chỉ người phụ nữ trong xã hội cũ. Ở đây Tú Xương đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ để chỉ sự lam lũ cực nhọc của bà Tú.

Câu 5.

Từ hình tượng bà Tú trong văn bản Thương vợ em có suy nghĩ gì về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Phương pháp:

Kết hợp với hiểu biết về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến và nêu suy nghĩ của em

Lời giải chi tiết:

Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến qua hình ảnh bà Tú:

- Người phụ nữ Việt Nam luôn cần cù, chăm chỉ lao động trong cuộc sống dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, có khó khăn đến đâu.

- Dù cuộc sống, công việc của họ có gặp phải nhiều khó khăn nhưng ở họ vẫn luôn giữ được tinh thần lạc quan, sự cần mẫn, chăm chỉ vốn có của mình.

- Họ là những người không được lựa chọn cuộc đời, số phận cho mình, họ chỉ được cách chấp nhận số phận của mình được người khác sắp đặt và cố gắng hòa nhập với cuộc sống ấy.

- Người phụ nữ Việt Nam dù có gặp phải người chồng hờ hững hay tệ bạc cũng vẫn luôn giữ cho mình nhân phẩm cao đẹp vốn có để chấp nhận và cùng chung sống.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1.

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của em về hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương.

Phương pháp:

Đọc kĩ bài thơ, chú ý các từ ngữ miêu tả bà Tú, các biện pháp nghệ thuật đặc sắc

Chú ý hình thức của đoạn văn khoảng 200 chữ

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

1. Mở đoạn

- Giới thiệu khái quát về bài thơ Thương vợ và hình ảnh bà Tú.

- Khẳng định hình ảnh bà Tú là biểu tượng của đức hy sinh và sự tần tảo.

2. Thân đoạn

a) Hình ảnh bà Tú qua công việc lao động vất vả

- Câu thơ: "Quanh năm buôn bán ở mom sông"

+ Bà Tú gắn bó với công việc buôn bán, không quản thời gian, không gian.

+ Hình ảnh “mom sông” gợi sự nguy hiểm, bấp bênh của công việc mưu sinh.

- Câu thơ: "Nuôi đủ năm con với một chồng"

+ Bà Tú đảm đang, gánh vác trách nhiệm gia đình.

+ Con số “năm con với một chồng” vừa cụ thể, vừa hài hước, thể hiện sự nặng nề của gánh nặng trên vai bà Tú.

b) Đức hy sinh của bà Tú

- Câu thơ: "Lặn lội thân cò khi quãng vắng"

+ Hình ảnh "thân cò" là biểu tượng cho người phụ nữ lam lũ, nhỏ bé nhưng đầy nghị lực.

+ Từ "lặn lội" nhấn mạnh sự vất vả, dãi dầu mưa nắng.

- Câu thơ: "Eo sèo mặt nước buổi đò đông"

+ Bà Tú phải đối mặt với sự chen lấn, tranh giành, vừa nhọc nhằn, vừa mệt mỏi.

c) Sự trân trọng và lòng biết ơn của Tú Xương dành cho bà Tú

- Câu thơ: "Một duyên hai nợ âu đành phận"

+ Tú Xương thấu hiểu nỗi khổ của vợ, coi sự chịu đựng ấy như một “duyên nợ”.

+ Sự trách móc xã hội phong kiến bất công đã đẩy người phụ nữ vào cảnh khổ cực.

3. Kết đoạn

- Khẳng định hình ảnh bà Tú là đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa: cần cù, giàu đức hy sinh.

- Thể hiện lòng cảm phục đối với nhân vật bà Tú cũng như tài năng của Tú Xương trong việc khắc họa nhân vật.

Bài tham khảo

Hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương hiện lên với vẻ đẹp của một người phụ nữ tần tảo, hy sinh. Bà là trụ cột chính trong gia đình, ngày ngày “quanh năm buôn bán ở mom sông,” bất chấp hiểm nguy và khó khăn để nuôi sống “năm con với một chồng.” Công việc của bà không chỉ vất vả về thể chất mà còn áp lực tinh thần khi phải đối mặt với “eo sèo mặt nước buổi đò đông.” Hình ảnh “thân cò” lặn lội là biểu tượng cho sự chịu thương chịu khó, đức hy sinh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Qua lời thơ, Tú Xương không chỉ bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng với vợ mình mà còn ngầm phê phán xã hội bất công đã đẩy người phụ nữ vào cảnh khổ cực. Bằng sự khéo léo trong việc chọn lọc hình ảnh và ngôn ngữ, Tú Xương đã khắc họa thành công bà Tú – một người phụ nữ tuy nhỏ bé nhưng lại mang trong mình sức mạnh phi thường, khiến người đọc không khỏi cảm phục và xúc động.

Câu 2.

Hãy viết bài văn nghị luận về tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta.

Phương pháp:

Mở bài giới thiệu được vấn đề cần nghị luận. Thân bài phân tích làm rõ vấn đề. Kết bài khái quát ý kiến, rút ra bài học bản thân

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta

2. Thân bài

a. Giải thích

Tương thân tương ái: là tình yêu thương giữa con người với con người, sự sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Rộng hơn nữa chính là tình đồng bào, tinh thần đoàn kết.

Tương thân tương ái là một trong những tình cảm, hành động cao đẹp của con người mà mỗi chúng ta cần có để giúp cho xã hội phát triển bền vững, tốt đẹp hơn.

b. Phân tích

- Biểu hiện của người có tinh thần tương thân tương ái:

+ Luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn, hoạn nạn mà không mưu cầu lợi ích cho bản thân.

+ Sống chan hòa, yêu thương với mọi người xung quanh, cho đi mà không cần mong nhận lại.

+ Bỏ qua cái tôi cá nhân, hướng đến lợi ích chung của mọi người, biết bỏ qua tư lợi cá nhân để phát triển tốt đẹp cái chung.

- Ý nghĩa, vai trò của tinh thần tương thân tương ái trong cuộc sống:

+ Khi chúng ta sống với tinh thần tương thân tương ái thì không chỉ người được chúng ta giúp đỡ trở nên tốt hơn mà chính bản thân ta cũng trở nên tốt hơn, vui vẻ hơn.

+ Một con người có tâm thiện, có tinh thần tương thân tương ái sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Nếu xã hội ai cũng có tấm lòng “tương thân tương ái” thì xã hội sẽ được lan tỏa nhiều điều tốt đẹp.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống có lòng thương người, tinh thần tương thân tương ái để minh họa cho bài làm của mình.

d. Phản đề

Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người sống với thái độ thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, chỉ biết đến bản thân mình. Lại có những người ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình,… những người này khó cảm nhận được tình cảm ấm áp của con người và cần phải sửa đổi nếu muốn cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.

3. Kết bài

Khái quát lại ý nghĩa và tầm quan trọng của tinh thần tương thân tương ái; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Bài tham khảo

Có một câu nói rất hay: “Con người vốn sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát, mà là để lưu dấu trên mặt đất và sống mãi trong trái tim người khác”. Và đó chính là minh chứng cho tinh thần tương thân tương ái giữa người với người.

Tương thân tương ái là tình yêu thương giữa con người với con người, sự sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Rộng hơn nữa chính là tình đồng bào, tinh thần đoàn kết. Từ xưa đến nay, tương thân tương ái được xem như một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Những lúc ta sẵn sàng giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn, hoạn nạn mà không mưu cầu lợi ích cho bản thân, đó chính là tinh thần cao đẹp ấy. Tinh thần ấy cũng chính là sự tôn trọng và quan tâm đến mọi người xung quanh hay những giây phút chia sẻ và đồng cảm với mọi người trong cuộc sống. Và khi chúng ta trao đi tấm lòng cũng là lúc những mảnh đời khó khăn cảm thấy được an ủi và có thêm niềm tin để vượt qua khó khăn bởi “không ai bị bỏ lại phía sau”. Không chỉ vậy, người cho đi yêu thương cũng sẽ cảm thấy vui vẻ, yêu cuộc sống này khi mang đến hạnh phúc và niềm vui cho người khác. Tình yêu thương chính là sợi dây gắn kết và thu hẹp khoảng cách với nhau.

Chắc hẳn chúng ta chưa thể quên khoảnh khắc kinh hoàng khi đồng bào các tỉnh miền Trung phải gồng mình vượt qua bao nỗi khó khăn bởi cơn bão số mười hai với sức tàn phá khủng khiếp. Nhưng với tinh thần “tương thân tương ái”, tất cả đồng bào, đồng chí đều hướng về miền Trung bằng những hành động ý nghĩa, thiết thực nhất.

Tuy nhiên, ngày nay vẫn còn có nhiều người sống với thái độ thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, chỉ biết đến bản thân mình. Hay thậm chí có kẻ còn lấy sự khó khăn của người khác để biến nó thành một chiêu trò giật tít, câu view. Những kẻ ích kỷ, vô cảm ấy thật đáng chê trách và cũng thật cảm thông có những ai đánh mất niềm tin khi bị lợi dụng tình thương. Hãy trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương để có thể “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày mới để yêu thương.” Có ai đó từng nói rằng “Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ có tình người là ở lại”. Theo guồng quay của xã hội, mọi giá trị vật chất dù hào nhoáng, bóng bẩy đến đâu rồi cũng sẽ bị quên lãng, đổi thay, duy chỉ có tình người là mãi mãi chẳng thể đổi thay, bởi nó được lưu lại trong trái tim mỗi người.

Bởi vậy có thể nói, tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái giữa con người với con người là thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất, nó như bông hoa tỏa rạng giữa cuộc đời.

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close