Bài 22. Phát triển kinh tế biển ở duyên hải Nam Trung Bộ - SGK Địa lí 12 Cánh diềuDựa vào thông tin và hình 22.1, hãy Trình bày đặc điểm vị trí địa lí của Duyên hải Nam Trung Bộ.
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
? mục I 1 Câu hỏi mục 1 trang 115 SGK Địa lí 12, Cánh diều Dựa vào thông tin và hình 22.1, hãy - Trình bày đặc điểm vị trí địa lí của Duyên hải Nam Trung Bộ. - Trình bày về phạm vi lãnh thổ của Duyên hải Nam Trung Bộ. Phương pháp giải: Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 115. Lời giải chi tiết: - Là một bộ phận lãnh thổ của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. - Tiếp giáp: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Lào và Biển Đông rộng lớn. - Lãnh thổ nằm gần tuyến hàng hải quốc tế → phát triển các ngành kinh tế biển. - Bao gồm các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận. - Diện tích tự nhiên khoảng 44,5 nghìn km2, có vùng biển rộng lớn, nhiều đảo và quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; có 4 huyện đảo: Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hoà), Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Phú Quý (Bình Thuận). ? mục I 2 Câu hỏi mục 2 trang 116 SGK Địa lí 12, Cánh diều Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày khái quát về dân số của Duyên hải Nam Trung Bộ. Phương pháp giải: Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 116. Lời giải chi tiết: - Năm 2021, vùng có hơn 9,4 triệu người; tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 0,96 %. - Mật độ dân số là 211 người/km2; tỉ lệ dân số thành thị chiếm 40,7 % tổng số dân (2021). - Có nhiều dân tộc sinh sống: Kinh, Chăm, Ra Glai, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Cơ Tu, Tày,... cùng với lịch sử hình thành lâu đời đã tạo nên nét đặc sắc về văn hoá và truyền thống sản xuất đặc trưng của lãnh thổ. ? mục II Câu hỏi mục II trang 118 SGK Địa lí 12, Cánh diều Dựa vào thông tin và hình 22.1, hãy phân tích thế mạnh và hạn chế để phát triển các ngành kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ. Phương pháp giải: Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 117 – 118. Lời giải chi tiết: *Thế mạnh về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên: - Vùng biển rộng, nguồn lợi thủy sản phong phú; nhiều bãi cá, bãi tôm và ngư trường lớn; hệ sinh thái vùng biển, đảo đa dạng; nhiều vũng vịnh, đầm phá → tiềm năng lớn phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. - Đường bờ biển dài, khúc khuỷu, các bán đảo, vũng vịnh kín gió, gần với tuyến đường biển quốc tế → xây dựng cảng biển → giao thông vận tải biển. - Nhiều bãi biển đẹp, vịnh biển nổi tiếng, các đảo → phát triển du lịch biển đảo. - Dầu mỏ và khí tự nhiên ở vùng thềm lục địa; cát thủy tinh, ti-tan ven biển; sản xuất muối → công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. - Tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo: điện gió và điện mặt trời. *Thế mạnh về điều kiện kinh tế - xã hội: - Quy mô dân số lớn, nguồn lao động khá dồi dào, cần cù, chịu khó và trình độ ngày càng được nâng cao. - Cơ sở hạ tầng, kĩ thuật ngày càng hiện đại; khoa học – công nghệ được đổi mới theo hướng chuyên môn hóa phục vụ sản xuất, đời sống. - Nhiều chủ trương, đường lối chính sách đầu tư phát triển được chú trọng gắn với các hoạt động kinh tế của người dân tại địa phương. - Tỉ lệ dân thành thị cao, đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh, hình thành các đô thị ven biển → hấp dẫn đầu tư trong và ngoài nước. - Lịch sử hình thành lãnh thổ lâu đời với nhiều nét đặc sắc về văn hóa và truyền thống sản xuất của cộng đồng các dân tộc, các tài nguyên văn hóa vùng biển, đảo có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. *Hạn chế: - Có nhiều thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán) gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất và đời sống. - Cơ sở hạ tầng, kĩ thuật chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế, xã hội. ? mục III Câu hỏi mục III trang 130 SGK Địa lí 12, Cánh diều Dựa vào thông tin và hình 22.2, hãy phân tích sự phát triển của các ngành kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ. Phương pháp giải: Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 118 – 120. Lời giải chi tiết: *Khai thác tài nguyên sinh vật biển: - Là ngành phát triển sớm và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, nổi bật nhất là khai thác hải sản. Giá trị sản xuất và sản lượng khai thác liên tục tăng lên. + Cá biển chiếm tỉ trọng lớn trong sản lượng hải sản khai thác. + Một số loài có giá trị kinh tế cao như: cá thu, cá ngừ, cá hồng, cá mú. + Các tỉnh có sản lượng khai thác lớn: Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận. + Một số hoạt động khác như chế biến và bảo quản hải sản đông lạnh, hải sản khô, nước mắm,... được phát triển ở hầu khắp các địa phương. - Người dân đã đầu tư đội tàu công suất lớn với máy móc, thiết bị hiện đại có cả hệ thống giám sát, truy xuất nguồn gốc cùng cải tiến công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm. → Giúp khai thác tốt hơn nguồn lợi hải sản, bảo vệ môi trường và có ý nghĩa trong bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa; góp phần thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. *Giao thông vận tải biển: - Giữ vai trò quan trọng, tạo ra các quan hệ kinh tế trong nước và quốc tế. - Có nhiều cảng biển được xây dựng, các cảng biển quan trọng: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà,.. Trong tương lai, cảng Vân Phong (Khánh Hoà) sẽ là cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất cả nước. - Khối lượng hàng hoá của giao thông vận tải biển rất lớn (khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 1,3 triệu tấn, khối lượng hàng hoá luân chuyển đạt 666,8 triệu tấn.km – năm 2021). - Hình thành các tuyến đường biển nội địa đến các vùng của nước ta, các tuyến đường biển quốc tế đến các quốc gia trong khu vực và thế giới. *Du lịch biển đảo: - Rất phát triển với nhiều hoạt động du lịch gắn với khai thác tài nguyên vùng biển đảo. - Các sản phẩm nổi bật: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hoá biển, ẩm thực biển,... - Lượng khách du lịch tăng lên khá nhanh, hằng năm du lịch biển đảo thu hút khoảng 11,4 % lượt khách quốc tế và khoảng 19,4% lượt khách nội địa so với cả nước. - Doanh thu du lịch lữ hành chiếm khoảng 12,5 % của cả nước (năm 2021). - Một số điểm, khu du lịch biển đảo nổi tiếng: Sơn Trà, Mỹ Khê (Đà Nẵng); Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Lý Sơn (Quảng Ngãi). Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hoà); Mũi Né (Bình Thuận).... - Thành phố Đà Nẵng và Nha Trang là hai trung tâm du lịch biển đảo lớn. *Khai thác khoáng sản biển: - Nổi bật là muối với sản lượng đứng dầu cả nước và đã hình thành các cánh đồng muối nổi tiếng: Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cà Ná (Ninh Thuận)... - Ngoài ra, một số khoáng sản khác: cát thuỷ tinh, ti-tan (ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định) và khí tự nhiên (ở Bình Thuận) được khai thác và bước đầu đạt hiệu quả. - Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) là trung tâm chế biến dầu khí lớn của nước ta và có ý nghĩa rất quan trọng trong tiêu thụ nguyên liệu tại chỗ khi tài nguyên khí tự nhiên ở vùng thềm lục địa Duyên hải Nam Trung Bộ được khai thác. ? mục IV Câu hỏi mục IV trang 121 SGK Địa lí 12, Cánh diều Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày hướng phát triển kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ. Phương pháp giải: Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 120 – 121. Lời giải chi tiết: - Phương hướng chung:phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh quốc phòng và hợp tác quốc tế. - Cụ thể: + Tập trung phát triển các ngành kinh tế biển để trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế biển xanh và bền vững. + Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển. + Đẩy mạnh liên kết vùng, mở rộng quan hệ đối ngoại, đặc biệt với nước láng giềng Lào và các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công. + Đảm bảo cân bằng, hài hoà giữa phát triển và bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hoá biển đảo; xây dựng môi trường văn hoá, xã hội vùng biển đảo gắn bó, thân thiện; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm vững chắc an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo. + Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng và biển, chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. ? mục V Câu hỏi mục V trang 121 SGK Địa lí 12, Cánh diều Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày ý nghĩa của phát triển kinh tế biển đối với an ninh quốc phòng ở Duyên hải Nam Trung Bộ. Nêu ví dụ cụ thể. Phương pháp giải: Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 121. Lời giải chi tiết: - Góp phần tăng cường tiềm lực nền kinh tế quốc gia, nâng cao vị thế trong đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định. - Cơ sở để khẳng định chủ quyền vùng biển đảo, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; đảm bảo độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. - Nền tảng quan trọng trong việc củng cố, hoàn thiện và phát triển an ninh quốc phòng của Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. VD: Hai quần đảo lớn của nước ta là Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đều thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nên việc khai thác tiềm năng kinh tế ở khu vực biển đảo của vùng có ý nghĩa quan trọng, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của nước ta với hai quần đảo này và vùng biển của đất nước. Luyện tập 1 Câu hỏi 1 trang 121 SGK Địa lí 12, Cánh diều Dựa vào bảng 22, hãy vẽ biểu đồ cột chồng thể hiện sản lượng cá biển trong tổng sản lượng hải sản khai thác ở Duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2010 – 2021 và nêu nhận xét. Phương pháp giải: Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 118. Lời giải chi tiết: *Vẽ biểu đồ:
Biểu đồ thể hiện sản lượng cá biển trong tổng sản lượng hải sản khai thác ở Duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2010 – 2021 *Nhận xét: Nhìn chung tổng sản lượng hải sản khai thác ở Duyên hải Nam Trung Bộ trong giai đoạn 2010 – 2021 tăng liên tục. Trong đó: cá biển luôn chiếm sản lượng nhiều nhất và cũng tăng liên tục trong giai đoạn này, cụ thể: - Tổng sản lượng hải sản khai thác tăng từ 707,1 nghìn tấn năm 2010 lên 1167,9 nghìn tấn năm 2021, tăng 460,8 nghìn tấn. - Sản lượng cá biển tăng từ 516,9 nghìn tấn năm 2010 lên 966 nghìn tấn năm 2021, tăng 449,1 nghìn tấn. Luyện tập 2 Câu hỏi 2 trang 121 SGK Địa lí 12, Cánh diều Thu thập tài liệu, viết đoạn văn ngắn giới thiệu về một điểm du lịch hoặc một cảng biển của Duyên hải Nam Trung Bộ. Phương pháp giải: Phân tích thông tin SGK Địa lí 12 và liên hệ thực tiễn. Lời giải chi tiết: VD: Bãi biển Mỹ Khê Bãi biển Mỹ Khê ngay cạnh quốc lộ 24B, cách thành phố Quảng Ngãi 15km, cách cảng Dung Quất 16km và gần cảng Sa Kỳ (cảng đi Lý Sơn), thuộc địa phận thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh,thành phố Đà Nẵng. Biển Mỹ Khê dài 7km, không gian rộng, bãi cát mịn, độ dốc thoải, được che chắn kín đáo, phía sau là rừng dương xanh thẳm, bên cạnh là con sông Kinh từ thượng nguồn đổ về, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.Hiện nay, khu nhà hàng, khách sạn tại bãi biển Mỹ Khê đã đi vào hoạt động, với thiết kế hài hòa, đẹp mắt, cung cấp khá đầy đủ tiện nghi, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, ăn uống, tắm biển... của du khách.
|