Quan điểm của Hồ Chí Minh về nội dung dân chủ trong các lĩnh vực đời sống xã hội

Dân chủ trong quan niệm Hồ Chí Minh được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị. kinh tế, văn hóa, xã hội... mà hạt nhân là quyền con người, quyền công dân.

Câu hỏi. Quan điểm của Hồ Chí Minh về nội dung dân chủ trong các lĩnh vực đời sống xã hội?

Trả lời:

Dân chủ trong quan niệm Hồ Chí Minh được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị. kinh tế, văn hóa, xã hội... mà hạt nhân là quyền con người, quyền công dân. Trong các lĩnh vực của đời sống xã hội thì dân chủ thể hiện trên lĩnh vực chính trị là quan trọng nhất, nổi bật nhất, được biểu hiện tập trung trong hoạt động của Nhà nước, bởi vì quyền lực của nhân dân được thể hiện trong hoạt động của Nhà nước với tư cách nhân dân có quyền lực tối cao. Hồ Chí Minh khẳng định: Nước ta là nước dân chủ. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Nhân dân tổ chức nên bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị.

Trong di sản Hồ Chí Minh nổi lên một quan điểm sáng suốt: “chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ". Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy.

Thế là dân chủ. Có thể nêu ra một trong nhiều minh chứng cụ thể khi Hồ Chí Minh nói về chức Chủ tịch nước. Chúng ta đều biết Chủ tịch nước là do Quốc hội bầu ra. Quốc hội là do nhân dân bầu ra. Như vậy, quyền hành không phải trong tay Chủ tịch nước mà trong tay nhân dân. nhân dân ủy thác quyền lực đó cho Chủ tịch . Vì vậy Chủ tịch nước phải hết sức làm như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận, bao giờ đồng bào cho lui thì vui lòng lui.

Dân chủ trên lĩnh vực chính trị là bao nhiêu quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Nhân dân là nguồn gốc và lực lượng tạo ra quyền hành của xã hội. Trong thế giới này không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Mọi việc đều do người làm ra. Theo Hồ Chí Minh

Dễ mười lần không dân cũng chịu.

Khó trăm lần dân liệu cũng xong.

Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm dược. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không xong.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, nhân dân là người làm ra lịch sử. Nhân dân không chỉ sáng tạo ra của cải vật chất mà còn sáng tạo ra của cải tinh thần. Chính vì vậy, công cuộc đổi mới, xây dựng kháng chiến, kháng chiến kiến quốc là trách nhiệm và công việc của dân.

Dân chủ theo quan niệm của Hồ Chí Minh là một thiết chế xã hội, một giá trị của nền văn minh nhân loại, vừa là lý tưởng phấn đấu, vừa là động lực trong sự nghiệp cách mạng của các dân tộc. Trong thiết chế xã hội đó, Hồ Chí Minh đã làm rõ cấu tạo quyền lực của xã hội là người dân.

Nhận thức và thực hành tốt nội dung quyền lực xã hội là người dân trên cả phương diện quyền lực trực tiếp và gián tiếp thì đó là một xã hội văn minh.

Từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến tận cuối đời, Hồ Chí Minh quan tâm tới việc thực hiện quyền con người (nhân quyền). Như đã nói ở trên, nhân quyền là hạt nhân trong lĩnh vực dân chủ của mọi lĩnh vực hoạt động trong đời sống xã hội. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, nhân quyền và quyền làm người hòa quyện với nhau. Và điều này phải được thể hiện rõ nhất trong kết quả của những giải pháp dân trí, dân sinh, dân quyền. Đó là ba mặt cơ bản của dân chủ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quyền con người phải được bảo đảm bằng pháp luật Pháp luật phải bảo vệ quyền làm người, thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất chính. Bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào và làm nghề nghiệp gì, đồng thời phải góp phần cải tạo những người phạm pháp, giúp họ trở nên những người lương thiện.

Quyền dân chủ trong kinh tế gắn với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mà mục tiêu cao nhất là làm cho nhân dân thoát nạn bần cùng, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, làm cho mọi người có công ăn, việc làm, ấm no, có cuộc đời hạnh phúc. Thực hiện giảm tô, cải cách ruộng đất, làm cho người cày có ruộng, khẳng định sự tồn tại và vai trò, vị trí của nhiều thành phần kinh tế. Quyền làm chủ tư liệu sản xuất, công bằng trong phân phối sản phẩm xã hội... là những khía cạnh đặc trưng trong dân chủ kinh tế. Đặc biệt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít, hưởng ít, không làm, không hưởng.

Dân chủ trong lĩnh vực văn hóa theo quan điểm Hồ Chí Minh là giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa kinh tế chính trị văn hóa, xã hội. Khi trình độ văn hóa được nâng cao sẽ giúp đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ, xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Dân chủ trong văn hóa là nâng cao dân trí, ai cũng phải biết đọc. biết viết, ai cũng được học hành.

  • Quan điểm của Hồ Chí Minh về phương pháp và các điều kiện bảo đảm thực hành dân chủ ở nước ta

    Trước hết, xây dựng và hoàn thiện chế độ dân chủ rộng rãi. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 3-9-1945. trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ trong 6 nhiệm vụ cấp bách.

  • Giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết

    Khi nói về đại đoàn kết chủ yếu là bàn tới đại đoàn kết dân tộc với một hàm ý đoàn kết lớn. đoàn kết rộng, đoàn kết sâu sắc, bền vững. Trong phạm vi quốc tế, thông thường chỉ nói tới đoàn kết ít hoặc không nói đại đoàn kết. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây chủ yếu ở phạm vi dân tộc.

  • Quan niệm của Hồ Chí Minh về dân chủ

    Toàn bộ di sản Hồ Chí Minh xét cho cùng là những di sản văn hóa, trong đó một giá trị to lớn, đáng tự hào là dân chủ. Hồ Chí Minh là nhà dân chủ nổi bật ở Việt Nam thế kỷ XX. Dưới sự lãnh đạo của Người, dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người chủ, làm chủ đất nước, xã hội và bản thân. Hồ Chí Minh không những xây dựng một hệ thống quan điểm dân chủ mà còn ra sức thực hành dân chủ.

  • Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

    Trước hết, Hồ Chí Minh nhận thức rõ vị trí, vai trò của đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng. Đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là một thủ đoạn chính trị nhất thời, sách lược mà là một chiến lược. Theo Người, “đoàn kết là lẽ sinh tồn của dân tộc Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do.

  • Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết

    Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết nằm trong nhận thức chung của cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh được tiếp cận về phương diện đoàn kết.

close