Đề thi học kì 1 Văn 12 Cánh diều - Đề số 3Tải về Đề thi học kì 1 Văn 12 bộ sách Cánh diều đề số 3 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Đề thi I. ĐỌC HIỂU (4đ) MỘT ĐÁM VÀO NGÔI (Việc làng, Ngô Tất Tố) Nhà bác Cả Mão mọi ngày thường im phăng phắc, hôm nay bỗng nhiên linh đình như đám giỗ nhỏ. Dưới cầu ao, hai người đàn ông lực lưỡng đang châu đầu trên chiếc rổ thưa, tỉ mỉ nhổ từng sợi lông tơ cho một con gà trong rổ. Trên bờ con chó xóm bị trói bốn chân, nhe răng nằm trên vũng máu lênh láng. Cạnh nó, một nồi nước sôi khói bốc nghi ngút và bốn năm người, cũng hạng đàn ông lực lưỡng, kẻ cầm gáo múc nước, người cầm dao sắp sửa cạo lông. Từ cổng đến thềm, tập nập những người đi lại. Tôi mới nhô vào đến sân, bác Cả lật đật chạy ra đón lên nhà trên với một bộ điệu vui vẻ. Ở gian bên kia, độ bảy tám ông ngôn ngang nằm vây một chiếc khay đèn thuốc phiện. Với những cặp môi thâm xịt và dài vều, và những chiếc quần cháo lòng, áo ba-đờ-xúa rách lòi khố tải, các ông ấy như muốn bảo cho tôi biết đây toàn là hạng kì dịch kiêm tín đồ của đức chúa Phù dung. Dãy phản bên này, hai bàn tổ tôm kế nhau. Bàn trong vang những tiếng ăn, tiếng phỗng, bàn ngoài đương ỏm tỏi cãi nhau về sự đánh thấp đánh cao. Chủ nhân lễ phép mời tôi vào ngôi trong chiếc tràng kỉ kê ở gian giữa, đối mặt với toà bàn thờ hương khói vắng tanh. Mấy ông trong bàn tổ tôm thi nhau nhìn tôi bằng nửa con mắt trong nghiêng giữa khi vài ông ở bàn thuốc phiện lần lượt ngóc cổ như đàn rắn lửa. Rồi thì ai nấy lại cùng theo đuổi công việc của họ, người hút cứ hút, người đánh bài cử đánh bài. - Ông có lòng đến đây mừng cho nhà cháu, thật là quý hoá! Xin mời ông xơi tạm chén nước. Bác Cả Mão đương một tay gãi tai, một tay bưng chén chè nụ đặt trước mặt tôi, bên bàn tổ tôm bỗng có tiếng gọi: - Anh Cả đâu! Cho mượn hai đồng đánh thêm hội nữa. Đen quá, cả hội chẳng ù ván nào! Bằng một tiếng vâng đầy giọng thành tâm, bác Cả Mão nhanh nhẩu chạy xuống nhà dưới, để tôi ngồi đó với bác Hai Thìn, một người em ruột bác ấy. Thơ thần chưa biết nên nói chuyện gì, tôi có dịp nghĩ đến cái câu của bác Cả Mão mới nói. Với bác, tôi chỉ là người trọ học ở nhà láng giềng. Vì năng gặp bác, thành ra quen biết. Hôm nay là ngày “vào ngôi” cho thằng con bác mới đẻ được ba tháng nay, bác vẫn mến tôi nên cố mời tôi sang chơi. Ở làng khác, vào ngôi chỉ là một lệ rất thường, người ta phí tổn độ vài ba chục, hay vài ba trăm quả cau là xong. Sao trong đám này lại có cỗ bàn linh đình, và sao ở trước mặt khách, ông chủ lại nói đến câu “mừng cho nhà cháu”? Hay là riêng với làng này, vào ngôi là một việc hỉ? Nếu vậy, có lẽ mình phải mất một món tiền mừng. Óc tôi còn đương vẩn vơ, bác Cả Mão đã ở nhà dưới chạy lên. Cung kính trao hai đồng bạc cho một ông trong bàn tổ tôm, bác ấy tung tăng ra sân, khiến tôi không kịp nói chuyện. Dưới bếp, có tiếng dao thớt kí cốc, mùi xôi ngào ngạt đưa lên nhà trên. Một ông trong đám thuốc phiện dõng dạc cất cái giọng khàn khàn - Anh Cả đâu! Lên đây tôi bảo! Một tiếng dạ lớn, bác Cả Mão từ sân vào thềm, rồi khoanh tay đứng tựa vào cột: - Bẩm cụ dạy gì con ạ? - Trưa lắm rồi đấy! Liệu mà giục bảo chúng nó sắp đồ lễ mau lên! Rồi anh phải thân hành đến mời cụ Điền lại chơi, kẻo cụ lại ăn cơm nhà Lại một tiếng “dạ” rất lễ phép, bác Cả rón rén lui ra. Tiện dịp, tôi bảo bác ngồi xuống chỗ tôi ngồi và móc ví lấy một đồng bạc mừng bác. Nhưng bác khăng khăng từ chối, nói rằng việc này không có lệ mừng. Ngoài thềm có tiếng lẻng kẻng. Một người xách chiếc mâm đồng sáng choang đặt lên cái bàn ở trước mặt tôi. Rồi một người khác để luôn thúng xôi vào đó. Bác Cả Mão núc hai bàn tay như thầy phù thuỷ bắt quyết và nói với tôi: - Bên này chật quá, mời ông sang nhà chú cháu. Ông nhạc tôi cũng ở bên ấy. May quá, tôi đang muốn tránh cái bầu không khí khó chịu. Nghe lời chủ nhân, tôi liền theo bác Hai Thìn đi luôn. Nhà này cũng thấy lố nhố những người, nhưng toàn là người tôi quen. Qua một tuần trà, bác Hai Thìn nhìn tôi và nói bằng giọng sung sướng: - Anh tôi lo công việc này cho cháu tất cả cũng hết đến trăm rưỡi bạc. Ấy là chúng tôi khôn khéo, xoay xở thì việc mới xong, người khác ở vào địa vị chúng tôi, dù có mấy trăm, vị tất đã lo nổi! Câu nói của bác khiến tôi hết sức ngạc nhiên: - Sao nhà các ông hoang quá như vậy? Tôi thấy người ta “vào ngôi” cho con chỉ tốn độ vài đồng bạc là cùng! Bác Hai xua tay và nói bằng giọng thì thầm: - Nào có phải hoang! Ông tính ở đời ai muốn mất tiền! Đó là sự bất đắc dĩ. Nói giấu gì ông, nhà tôi không phải gốc gác ở làng này. Ông thân chúng tôi ở vùng Nam lên đây sinh cơ lập nghiệp, rồi mới đẻ ra anh tôi và tôi. Thế là tới ở làng này, nhà tôi mới ở có hai đời. Theo lệ nhà quê, những người ngụ cư ba đời mới được “thành tổ”. Nghĩa là được ngang hàng với mọi người khác. Làng này lại ngặt hơn nữa, từ xưa đến giờ họ không cho một người ngoài nào nhập bạ. Vì thế, anh tôi và tôi cũng như ông thân chúng tôi, đều không có ngôi ở đình. Chắc ông cũng biết ở làng mà không có ngôi, thật là một sự nhục nhã. - Người ta không nhận thì càng khỏi mất. Việc gì mà cực! Tôi mỉm cười và đáp một câu khôi hài như vậy. Bác Hai vẫn nói một cách thật thà: – Thế được còn nói gì nữa! Anh em chúng tôi, trời cho trong nhà cũng đủ bát ăn, mỗi người cũng có được con trâu cày và dăm mẫu ruộng. Thế mà không thể nộp được lệ làng cho cha và mẹ, tức là tiếng xấu để đời... Mỗi khi nghĩ lại những nông nỗi ấy, anh tôi và tôi tức chết người đi được. Trước đây, chúng tôi đã cố luồn lọt mấy ông đàn anh, để xin nhập bạ, nhưng mà bấy giờ hãy còn cụ Bá, cụ ấy nghiệt lắm, nhất định bảo nhà tôi đến ở làng này chưa được ba đời, không thể nhận lời. Chúng tôi đành phải cắn răng mà chịu. Bởi vậy lần này anh tôi sinh được mụn cháu, lại may gặp lúc cụ Bá đã mất, chúng tôi phải cố vào ngôi cho nó. - Nhưng mà các ông tiêu những món gì mà hết đến hơn trăm bạc Bác Hai càng hạ giọng xuống, sau khi liếc mắt ngó qua những người chung quanh: - Ông bảo những công việc ấy, nói bằng miệng không được ư? Phải mất tiền cả đấy! Cụ chưởng lễ ba chục, ông chánh hội hai chục, cụ lí trưởng mười lăm đồng, ông phó lí và ông phó hội mỗi người mười hai đồng, thư kí, trưởng bạ, mỗi người mươi đồng, hương trưởng, lí cựu, tộc biểu, trương tuần mỗi người năm đồng. Những số tiền ấy hết ngoài trăm đồng rồi. Lại còn ăn uống từ chiều hôm qua đến giờ... - Nếu đã mất tiền cho họ thì thôi bữa ăn uống được không? Bày vẽ làm gì cho tốn Bác Hai lắc đầu: - Không được ông ạ! Ở chốn thôn quê, ăn uống là sự đầu tiên, hễ không có ăn thì việc không thành. Lúc trước, anh tôi cũng nghĩ như ông, đã định chước sự ăn uống vì đã rắc tiền khắp mặt chức dịch. Nhưng ông chánh hội không nghe. Ông ấy nói rằng thế nào cũng phải đấm miệng cho các bô lão, và bọn trai đinh bò bướu một bữa. Nếu không họ sẽ phá ngang, tất nhiên sẽ có cản trở. Bác Hai ngừng lại một lát chờ cho một người ấy đi qua, rồi tiếp: - Một bữa ăn này, ít ra anh tôi cũng phải tiêu đến năm, sáu chục đồng. Vì kiêng tiếng làm thịt lợn, sợ rằng làng nước cho là hứng mỡ, nên mới đi chợ mua thịt. Sự thực, mua thịt lại quá giết lợn. Sáng ngày đi lấy vừa lòng lợn vừa thịt lợn tất cả mười một đồng bạc, đáng lẽ cũng đủ chan chát, nhưng cụ chưởng lễ thích ăn thịt cầy, nên ông lí trưởng bắt phải giết thêm con cầy. Chẳng nhẽ mời dẫn mời làng ăn uống trong nhà, ngoài đình lại khổng có gì. Bởi thế chúng tôi phải sửa cỗ xôi, con gà để ra lễ thờ. Bấy nhiêu món hết ngót hai chục rồi. Còn tiền rượu, tiền thuốc phiện, còn tiền cung đốn họ đánh tổ tôm. Ông đã biết rõ, mọi khi làng tôi có ai dám đánh “góp một”? Lớn lắm chỉ “góp năm hào”. Hôm nay vì tiền nhà chủ bỏ ra, được thì ăn, thua không phải trả, nên họ hò nhau đánh góp hai đồng. Rồi đấy ông xem, đến lúc đứng dậy, ai cũng thu hết, anh tôi đưa ra bao nhiêu mất hút bấy nhiêu, chẳng lấy lại được đồng nào hết... Lúc nãy tôi nói trăm rưỡi, còn là hà tiện, xong việc có lẽ hết hơn, chứ bấy nhiêu tiền không thể nào đủ. Bác Hai còn muốn nói nữa. Bên nhà bác Cả chợt nghe có tiếng ầm ầm, bác ấy lật đật xin lỗi đứng dậy: - Mời ông ngồi chơi với các cụ tôi. Tôi phải chạy sang bên kia. Làng đã vào rồi! Tiếng ầm ầm bên nhà bác Cả mỗi lúc một to, trước còn cười nói, sau đến quát tháo, cuối cùng thì đến những tiếng mách tục mách qué. Lâu lâu cuộc xô xát lại dữ dội thêm, bác Hai Thìn hốt hoảng chạy về, vừa thở vừa nói: - Khổ quá, mấy ông bô lão lại còn bẻ vành bẻ vẻ, nhất định nói rằng: hương ước không có chỗ nào nói cho người ngoài vào ngôi. Cụ Điền hết sức dàn xếp không được. Ông chánh hội và ông lí trưởng bảo anh tôi phải chồng hai chục đồng bạc – tiền ngay cốc cốc – để cúng vào nóc các lão, thì việc mới yên. Thôi thế cũng còn là may. Cuộc ăn uống kéo dài mãi đến gần tối, nhưng không xảy ra sự gì nữa. Cách ba bữa sau, bác Cả Mão sang nhà tôi trọ, dạm bán cho ông chủ nhà một mẫu hai ruộng, lấy trăm đồng bạc để trang công nợ. Vui vẻ bác khoe với tôi: - Tất cả, tôi lo hết gần hai trăm. Của nhà có non một trăm, còn thì đều phải đi vay. Nhưng tôi cũng lấy làm hả. Từ nay trở đi, cháu đã có ngôi đình, chúng tôi sẽ được ăn miếng thịt phần việc làng của nó.... (Ngô Tất Tố, Tuyển tập. NXB Văn học 2016) * Ngô Tất Tố (1893 – 1954) là một nhà văn, nhà báo, nhà nho học, dịch giả và nhà nghiên cứu có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam giai đoạn trước 1954. Ngô Tất Tố viết nhiều thể loại báo chí, trong đó tiểu phẩm và phóng sự là hai thể loại đã giúp ông thành danh. Di sản báo chí của Ngô Tất Tố trở thành những tư liệu phong phú, chi tiết, phản ánh toán diện và trung thực xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX, tiêu biểu là tiểu thuyết Tắt đèn, Lều chõng và phóng sự Việc làng. Câu hỏi Câu 1. Nhan đề Một đám vào ngôi của văn bản có thể gợi lên những suy luận, phán đoán gì về những khía cạnh nào của bài phóng sự? (1.0 điểm) Câu 2. Liệt kê các sự việc chính theo trình tự được thuật lại trong văn bản. Từ đó nhận xét về nghệ thuật viết phóng sự của tác giả (sử dụng ngôi kể, điểm nhìn, thủ pháp miêu tả, trần thuật, cách sắp xếp sự kiện chi tiết, ngôn ngữ,..) trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng, thông điệp của văn bản. (1.0 điểm) Câu 3. Qua văn bản Một đám vào ngôi, tác giả đã nêu vấn đề gì? Thái độ của tác giả trước vấn đề đó như thế nào? (1.0 điểm) Câu 4. Tính khách quan, xác thực của thông tin thể hiện qua những yếu tố nào? Điều đó cho độc giả hiểu thêm gì về tác giả? (1.0 điểm) Câu 5. Nêu cảm nhận của em về nhân vật bác Cả Mão. Từ đó cho biết thái độ của tác giả Ngô Tất Tố đối với nhân vật này. (Trả lời tối thiểu bằng 2/3 trang giấy thi /trang vở) (1.5 điểm) II. VIẾT (6đ) Câu 1. Theo bạn, những nội dung được đề cập trong văn bản còn có ý nghĩa đối với thực tiễn hiện nay không? Lí giải ý kiến của bạn. (viết đoạn 200 chữ) (2.0 điểm Câu 2. Địa phương nơi em sinh sống (phường/xã) tổ chức phát động Phong trào xây dựng địa phương/gia đình văn hoá, em được đề nghị phát biểu trong buổi lễ đó. Hãy viết bài phát biểu (600 chữ) để phát biểu trong buổi lễ đó. -----Hết----- - Học sinh không được sử dụng tài liệu. - Giám thị không giải thích gì thêm. Đáp án Đáp án Câu 1 (0,5 điểm)
Phương pháp giải: Đọc kĩ nhan đề Nhớ lại kiến thức về thể loại phóng sự Lời giải chi tiết: - Gợi nội dung phản ánh về một tục lệ/hủ tục ở nông thôn Việt Nam. - Gợi suy luận về vấn đề (đặt ra trong tác phẩm), thái độ tác giả đối với vấn đề đó - Vấn đề: hủ tục ở nông thôn nặng nề, gây tốn kém, nhũng nhiễu đời sống dân nghèo. + Thái độ của tác giả: lên án, phê phán... Câu 2 (0,5 điểm)
Phương pháp giải: Đọc kĩ văn bản Lời giải chi tiết: - Văn bản Một đám vào ngôi với các sự việc chính: + Chuẩn bị cỗ. + Các đám đánh bạc, hút thuốc phiện. + Không chấp nhận việc vào ngôi, chủ nhà phải nộp thêm 20 đồng. + Việc chi tiêu và việc vay tiền chi trả. - Nghệ thuật viết phóng sự của tác giả: + Sử dụng ngôi kể thứ nhất và kết hợp điểm nhìn bên trong, bên ngoài. + Kết hợp miêu tả, trần thuật, bình luận rất hiệu quả. + Sắp xếp sự kiện, chi tiết hợp lý (đảo trình tự thời gian việc: không được vào ngôi khi cụ Bá còn sống; gốc 2 đời nhà bác Cả Mão xuống dưới để lý giải việc nhà bác Cả Mão tưng bừng đón đám vào ngôi). → Tất cả các yếu tố trên đã kết nối các sự việc làm nổi bật chủ đề: Một đám vào ngôi – hủ tục ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng 8/1945; thể hiện tư tưởng tiến bộ, cấp tiến của tác giả: lên án hủ tục khiến đời sống nông dân ngày càng nghèo khó hơn thể hiện thông điệp: xóa bỏ hủ tục nơi thôn quê, giải phóng tư tưởng lạc hậu u mê cho người nông dân (miếng ăn nơi góc chiếu, sân đình). Câu 3 (1 điểm)
Phương pháp giải: Đọc kĩ văn bản và rút ra nội dung chính Chú ý các chi tiết thể hiện thái độ của tác giả Lời giải chi tiết: – Nêu vấn đề nhức nhối ở nông thôn: + Bất bình đẳng, thiếu tôn trọng người dân ngụ cư (phải 3 đời mới được nhập bạ; không có ngôi, thật là một sự nhục nhã) + Quan chức ở nông thôn chèn ép, bòn rút tiền bạc của nông dân (phải sửa cổ xôi, con gà để ra lễ thờ; tiền rượu, tiền thuốc phiện, còn tiền cung đón họ đánh tổ tôm; chồng hai chục đồng bạc – tiền ngay cốc cốc – để cúng vào nóc các lão, thì việc mới yên) - Thái độ tác giả: bất bình, lên án (qua thái độ của nhân vật “tôi” – người kể chuyện) Câu 4 (1 điểm)
Phương pháp giải: Nhớ lại kiến thức về tính phi hư cấu của phóng sự Liên hệ đến phong cách sáng tác, con người tác giả Lời giải chi tiết: – Khách quan chân thực: đến tận cùng sự thật với hàng loạt số liệu, truy tìm nguyên nhân làm xuất hiện vấn đề, dẫn dắt trình bày, lý giải những chi tiết và tổ chức ý kiến của các đối tượng đối thoại. Cái tôi tác giả – nhân chứng chủ động khơi lên những vấn đề phỏng vấn, mô tả biện luận: “Cụ chưởng lễ ba chục, ông chánh hội hai chục, ông lý trưởng mười lăm đồng, ông phó lý và ông phó hội mỗi người mười hai đồng, thư ký, trưởng bạ mỗi người năm đồng. Những số tiền ấy hết ngoài trăm đồng rồi. Lại còn ăn uống từ chiều hôm qua đến giờ...Ở chốn thôn quê ăn uống là sự đầu tiên”. Vậy là khổ chủ phải bán đi một mẫu hai ruộng lấy hai trăm đồng trả nợ... – Tác giả: hiểu sâu hiện thực, kỳ công tìm hiểu tư liệu; nhạy cảm, sắc sảo dám nói sự thật; bám sát nông thôn, khảo sát mô tả những hủ tục, những lệ làng quái gở, man rợ, nạn “xôi thịt”, những cảnh đau lòng xung quanh miếng ăn ở nông thôn Việt Nam đương thời. Câu 5 (1 điểm)
Phương pháp giải: Đọc kĩ văn bản, chú ý các chi tiết miêu tả bác Cả Mão Lời giải chi tiết: - Nội dung đoạn văn bản bám sát văn bản làm rõ đặc điểm của nhân vật (cam chịu, u mê – khổ mà vẫn vui, háo danh hão đã trở thành nạn nhân của hủ tục...) - Hình thức: đảm bảo độ dài, tính logic, mạch lạc cho đoạn văn bản; đủ các yếu tổ lí lẽ, dẫn chứng, nhận định. - Thái độ của Ngô Tất Tố: thương cảm, phê phán; đả kích, châm biếm. II. VIẾT (6,0 điểm) Câu 1 (2 điểm)
Phương pháp giải: Dựa vào phần phân tích ở trên Dựa vào kiến thức và kĩ năng viết đoạn văn Lời giải chi tiết: Triển khai đoạn đảm bảo dung lượng; nội dung hướng vào các ý sau đây: - HS tự thể hiện quan điểm cá nhân. - Có thể tham khảo gợi ý sau: + Trải qua biết bao biến đổi, Việc làng vẫn còn ý nghĩa lớn và để lại nhiều bài học có giá trị trong quá trình chọn lọc, cải biến và xây dựng đời sống văn hoá mới trong xã hội nông thôn hiện nay. + Việc làng – Đám vào ngôi thuật lại các “phong tục” có ý nghĩa tốt đẹp về “sự gắn bó của dân với làng”, về tục “vào ngôi” khi con trẻ ra đời nhưng không biến chúng thành hủ tục nặng nề để bòn rút làm khổ dân nghèo. + Mỗi người dân hãy tiếp thu các phong trào, lối sống có chọn lọc, không nên lệ thuộc, hoặc cố thực hiện khi điều kiện kinh tế của gia đình không cho phép. Câu 2 (4 điểm)
Phương pháp giải: Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn Lời giải chi tiết:
HocTot.Nam.Name.Vn
|