Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 3

Cậu bé dũng cảm Một cậu bé mười tuổi rất hiếu động, nghịch ngợm. Một hôm cha cậu được người ta tặng cho một chiếc rìu. Vô cùng thích thú với chiếc rìu sáng loáng, cậu bé liền nảy ra một ý nghĩ: “Hay là mình chặt thử cây anh đào này đi, coi thử chiếc rìu này có bén không.”.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm văn bản sau:

Cậu bé dũng cảm

Một cậu bé mười tuổi rất hiếu động, nghịch ngợm. Một hôm cha cậu được người ta tặng cho một chiếc rìu. Vô cùng thích thú với chiếc rìu sáng loáng, cậu bé liền nảy ra một ý nghĩ: “Hay là mình chặt thử cây anh đào này đi, coi thử chiếc rìu này có bén không.”.

Nghĩ vậy cậu bé cầm chiếc rìu và bắt đầu chặt nhánh đầu tiên. Nhánh cây đứt ra nhẹ nhàng. Cậu bé thích thú chặt tiếp nhánh thứ hai… rồi nhánh thứ ba… Chỉ trong thoáng chốc, cây anh đào đang ra quả đã bị đốn hạ hoàn toàn.

Người cha trở về nhà phát hiện ra sự việc, đã rất tức giận. Vì đây là cây anh đào mà ông vô cùng yêu quý.

Ông giận dữ la lớn: 

- Ai đã chặt cây anh đào?

Trước sự tức giận thể hiện rõ trên gương mặt người cha, cậu bé run lên vì sợ. Cậu ngước lên nhìn khuôn mặt của cha mình, ngay lúc này chỉ thấy sự nghiêm nghị và phẫn nộ ở trên đó, hoàn toàn không thấy sự dịu dàng như mọi ngày. Cậu rụt rè nói:

- Thưa cha, chính con đã chặt nó. Con xin lỗi cha.

Người cha thấy con đang run lên vì sợ hãi nên dịu giọng nói:

- Nếu con đã sợ hãi như vậy, tại sao con không chối?

Cậu bé ngẩng mặt lên và nói:

- Thưa cha, con đã phạm lỗi rồi mà còn che giấu lỗi của mình nữa là rất hèn hạ. Con không thể nói dối cha được.

Nghe câu nói đầy bất ngờ của cậu con trai, người cha ngạc nhiên đến sững sờ. Ông không thể nghĩ một đứa trẻ khi thấy cha mình tức giận như vậy lại không hề tìm cách chối tội  mà dũng cảm thừa nhận sai lầm của mình và còn khẳng định “Con không thể nói dối cha được.”.

Sau đó, ông đã ngồi xuống bên cạnh cậu con trai của mình, ôm cậu vào lòng rồi nói:

- Sự trung thực của con đáng giá gấp ngàn lần cây anh đào đó con ạ.

(Phỏng theo Vạn điều hay)

Cậu bé trong câu chuyện chính là vị tổng thống đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kì - Tổng thống Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn (1732-1799).

 

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1. Cậu bé muốn chặt cây anh đào để làm gì?

A. Để đốn hạ nó.

B. Để thử xem rìu có sắc bén không.

C. Để xem phản ứng của cha cậu thế nào.

D. Để hái được những quả anh đào.

Câu 2. Chi tiết nào không cho thấy cậu bé rất thích thú với trải nghiệm này?

A. Chặt tiếp nhánh thứ hai…rồi nhánh thứ ba…                         

B. Ngắm chiếc rìu sáng loáng.

C. Hiếu động, nghịch ngợm.

D. Coi thử chiếc rìu này có bén không.

Câu 3. Khi phát hiện cây anh đào bị đốn hạ hoàn toàn, người cha tỏ thái độ thế nào?

A. Dịu dàng như mọi khi.

B. Ngạc nhiên đến sững sờ.

C. Dịu giọng hơn.

D. Tức giận rõ rệt.

Câu 4. Trước thái độ của cha, cậu bé đã làm gì?

A. Nhận lỗi và xin lỗi cha.             

B. Xin trồng lại cây anh đào.

C. Tìm cách chối tội.

D. Im lặng không nói gì.

Câu 5. Theo em, vì sao người cha rất vui và hài lòng về con trai của mình?

Câu 6. Em hãy tìm 2-3 từ đồng nghĩa cho các từ sau:

a. nghịch ngợm

b. ngạc nhiên

c. tức giận

Câu 7. Đọc câu chuyện này, em liên tưởng đến câu thành ngữ,  tục ngữ nào dưới đây?

A. Trẻ cậy cha, già cậy con.         

B. Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ.

C. Một điều nhịn, chín điều lành.

D. Thật thà là cha quỷ quái

B. Kiểm tra viết

Đề bài: Bằng trí tưởng tượng của mình, em hãy kể lại câu chuyện Cậu bé dũng cảm bằng lời kể và cảm nghĩ của cậu bé.

Lời giải

A. Kiểm tra đc

I. Đọc thành tiếng

II. Đọc thầm văn bản sau:

Câu 1. Cậu bé muốn chặt cây anh đào để làm gì?

A. Để đốn hạ nó.

B. Để thử xem rìu có sắc bén không.

C. Để xem phản ứng của cha cậu thế nào.

D. Để hái được những quả anh đào.

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

 Cậu bé muốn thử xem rìu có sắc bén không nên đã thử chặt cây anh đào.

Đáp án B.

Câu 2. Chi tiết nào không cho thấy cậu bé rất thích thú với trải nghiệm này?

A. Chặt tiếp nhánh thứ hai…rồi nhánh thứ ba…                         

B. Ngắm chiếc rìu sáng loáng.

C. Hiếu động, nghịch ngợm.

D. Coi thử chiếc rìu này có bén không.

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Chi tiết thể hiện sự thích thú của cậu bé với trải nghiệm này là “Chặt tiếp nhánh thứ hai…rồi nhánh thứ ba…”, “Ngắm chiếc rìu sáng loáng”, “Coi thử chiếc rìu này có bén không”.

Vì vậy chi tiết không cho thấy cậu bé rất thích thú với trải nghiệm này là hiếu động, nghịch ngợm.

Đáp án C.

Câu 3. Khi phát hiện cây anh đào bị đốn hạ hoàn toàn, người cha tỏ thái độ thế nào?

A. Dịu dàng như mọi khi.

B. Ngạc nhiên đến sững sờ.

C. Dịu giọng hơn.

D. Tức giận rõ rệt.

Phương pháp giải:

Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

.Khi phát hiện cây anh đào bị đốn hạ hoàn toàn, người cha rất tức giận.

Đáp án D.

Câu 4. Trước thái độ của cha, cậu bé đã làm gì?

A. Nhận lỗi và xin lỗi cha.             

B. Xin trồng lại cây anh đào.

C. Tìm cách chối tội.

D. Im lặng không nói gì.

Phương pháp giải:

Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Cậu bé rụt rè nói: “Thưa cha, chính con đã chặt nó. Con xin lỗi cha.”

Đáp án C.

Câu 5. Theo em, vì sao người cha rất vui và hài lòng về con trai của mình?

Phương pháp giải:

Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Mặc dù cậu bé đã làm một việc sai trái, nhưng cậu đã dũng cảm thừa nhận lỗi lầm của mình thay vì chối bỏ nó. Điều này đã khiến cho người cha thấy hạnh phúc và tự hào về cậu bé.

Câu 6. Em hãy tìm 2-3 từ đồng nghĩa cho các từ sau:

a. nghịch ngợm

b. ngạc nhiên

c. tức giận

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài Từ đồng nghĩa.

Lời giải chi tiết:

a. nghịch ngợm: tinh quái, phá phách

b. ngạc nhiên: kinh ngạc, bất ngờ, sửng sốt

c. tức giận: giận dữ, khó chịu, bực bội

Câu 7. Đọc câu chuyện này, em liên tưởng đến câu thành ngữ,  tục ngữ nào dưới đây?

A. Trẻ cậy cha, già cậy con.         

B. Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ.

C. Một điều nhịn, chín điều lành.

D. Thật thà là cha quỷ quái 

 Phương pháp giải:

Căn cứ vào sự hiểu biết của bản thân và trả lời.

Lời giải chi tiết:

- Trẻ cậy cha, già cậy con: con cái khi còn bé thì được cha mẹ yêu thương, chăm sóc, nuôi nấng, khi cha mẹ già yếu thì sẽ có con cái để nương tựa. Câu nói này thể hiện truyền thống lâu đời của nhân dân ta: cha mẹ yêu thương che chở con cái, con cái lớn lên sẽ báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ mình.

- Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ: việc ngoài đường thì nên hỏi người lớn, người quen, việc trong nhà thì nên hỏi trẻ vì chúng hay nói thật, không biết dối quanh.

- Một điều nhịn, chín điều lành: khi ta nhẫn nhịn, kiên nhẫn trong một tình huống khó khăn hay mâu thuẫn, sẽ giúp tránh được nhiều rắc rối và mang lại lợi ích lâu dài.

- Thật thà là cha quỷ quái: gian dối xảo quyệt thế nào cũng không quý bằng thành thật.

Đáp án D.

B. Kiểm tra viết

Phương pháp giải:

Phân tích, tổng hợp.

Lời giải chi tiết:

Tôi là Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn, năm nay tôi mười tuổi. Tôi rất hiếu động và thích khám phá mọi thứ xung quanh. Một hôm, cha tôi được tặng một chiếc rìu sáng loáng. Khi nhìn thấy chiếc rìu, tôi cảm thấy tò mò và thích thú. Tôi cầm chiếc rìu lên ngắm nghía một hồi. Trong đầu tôi chợt loé lên một ý nghĩ: hay là mình thử chặt cây anh đào trong vườn xem chiếc rìu này có bén không.

Vì vậy, tôi liền cầm chiếc rìu và bắt đầu chặt nhánh đầu tiên của cây anh đào. Nhánh cây đầu tiên đứt ra dễ dàng. Tôi thích thú chặt tiếp nhánh thứ hai, rồi thứ ba. Chỉ trong chốc lát, cây anh đào trong vườn đã bị đốn hạ hoàn toàn. Nhìn cây anh đào ngã xuống, lòng tôi chợt cảm thấy hơi chùn lại.

Khi cha tôi trở về và thấy cây anh đào bị chặt, ông rất tức giận. Ông hỏi lớn:

- Ai đã chặt cây anh đào?

Nghe cha hỏi, tôi cảm thấy sợ hãi, đôi chân như không còn đứng vững. Tôi ngước lên nhìn cha, thấy sự nghiêm nghị trên gương mặt ông, khác hẳn với nụ cười dịu dàng mọi ngày. Tôi run rẩy đáp:

- Thưa cha, chính con đã chặt nó. Con xin lỗi cha.

Cha nhìn tôi, thấy tôi run sợ, ông liền dịu giọng lại:

- Nếu con đã sợ hãi như vậy, tại sao con không chối?

Nghe câu hỏi ấy, tôi ngẩng mặt lên và nói:

- Thưa cha, con đã phạm lỗi rồi mà còn che giấu thì rất hèn hạ. Con không thể nói dối cha được.

Tôi cảm nhận được sự khác biệt trong ánh mắt cha. Ông không còn giận dữ mà thay vào đó là sự ngạc nhiên. Sau đó, cha ngồi xuống và ôm tôi vào lòng. Ông nói:

 - Sự trung thực của con đáng giá gấp ngàn lần cây anh đào đó, con ạ.

Lúc đó, tôi cảm thấy mình đã làm một việc rất đúng đắn. Tôi sẽ luôn nhớ rằng, trong cuộc sống, trung thực và dũng cảm là hai phẩm chất quý giá mà tôi muốn giữ gìn. Cây anh đào có thể đã mất, nhưng bài học từ cha sẽ mãi ở lại trong tâm trí tôi.

  • Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 4

    Trái tim người mẹ Một cây Bạch Dương xinh đẹp sống trong rừng cùng ba đứa con gái bé bỏng của mình – ba cây Bạch Dương Con non nớt, khẳng khiu. Những ngày giá rét, Bạch Dương mẹ xòe cành , xòe lá che mưa , che gió cho con. Ngày nóng, mẹ lại xòe bóng mát che nắng, bảo vệ con mình. Ba cây Bạch Dương Con lớn rất nhanh và lúc nào cũng vui tươi. Ở bên mẹ, chúng chẳng biết thế nào là lo sợ cả.

  • Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 5

    Chuyện về một cành nho Một cành nho mảnh mai lớn lên nhờ những dòng nước khoáng tinh khiết từ lòng đất. Nó thật trẻ trung, khoẻ mạnh và tràn đầy sức sống. Nó cảm thấy rất tự tin khi tất cả chỉ dựa vào chính bản thân nó.

  • Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 2

    II. Đường vào bản Tôi sinh ra và lớn lên ở một bản hẻo lánh gần biên giới phía bắc. Con đường từ huyện lị vào bản tôi rất đẹp. Đoạn đường dành riêng cho dân bản tôi đi về phải vượt qua một con suối to. Nước suối bốn mùa trong veo, rào rạt. Nước trườn qua kẽ đá, lách qua những mỏm đá ngầm tung bọt trắng xoá. Hoa nước bốn mùa xoè cánh trắng như trải thảm hoa đón mời khách gần xa đi về thăm bản.

  • Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 1

    Mùa thảo quả Thảo quả trên rừng Đản Khao đã chín nục. Chẳng có thứ quả nào hương thơm lại ngây ngất kì lạ đến như thế. Mới đầu xuân năm kia, những hạt thảo quả gieo trên đất rừng, qua một năm, đã lớn cao tới bụng người. Một năm sau nữa, từ một thân lẻ, thảo quả đâm thêm hai nhánh mới. Sự sinh sôi sao mà mạnh mẽ vậy. Thoáng cái, dưới bóng râm của rừng già, thảo quả lan tỏa nơi tầng rừng thấp, vươn ngọn, xòe lá, lấn chiếm không gian.

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close