Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 2

II. Đường vào bản Tôi sinh ra và lớn lên ở một bản hẻo lánh gần biên giới phía bắc. Con đường từ huyện lị vào bản tôi rất đẹp. Đoạn đường dành riêng cho dân bản tôi đi về phải vượt qua một con suối to. Nước suối bốn mùa trong veo, rào rạt. Nước trườn qua kẽ đá, lách qua những mỏm đá ngầm tung bọt trắng xoá. Hoa nước bốn mùa xoè cánh trắng như trải thảm hoa đón mời khách gần xa đi về thăm bản.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm văn bản sau:

Đường vào bản

Tôi sinh ra và lớn lên ở một bản hẻo lánh gần biên giới phía bắc. Con đường từ huyện lị vào bản tôi rất đẹp.

Đoạn đường dành riêng cho dân bản tôi đi về phải vượt qua một con suối to. Nước suối bốn mùa trong veo, rào rạt. Nước trườn qua kẽ đá, lách qua những mỏm đá ngầm tung bọt trắng xoá. Hoa nước bốn mùa xoè cánh trắng như trải thảm hoa đón mời khách gần xa đi về thăm bản.

Những ngày nắng đẹp, người đi trên đường nhìn xuống suối sẽ bắt gặp những đàn cá nhiều màu sắc tung tăng bơi lội. Cá như vẽ hoa, vẽ lá giữa dòng... Bên trên đường là sườn núi thoai thoải. Núi cứ vươn mình lên cao, cao mãi. Con đường men theo một bãi rừng vầu, cây mọc san sát, thẳng tắp, dày như ống đũa. Đi trên đường, thỉnh thoảng khách còn gặp những cây cổ thụ. Có cây trám trắng, trám đen thân cao vút như đến tận trời…Những con lợn ục ịch đi lại ở ven đường, thấy người, giật mình hộc lên những tiếng dữ dội rồi chạy lê cái bụng quét đất. Những con gà mái dẫn con đi kiếm ăn cạnh đường gọi con nháo nhác...

Con đường đã nhiều lần đưa tiễn người bản tôi đi công tác và cũng đã từng đón mừng cô giáo về bản dạy chữ. Nhưng dù ai đi đâu về đâu, khi bàn chân đã bén hòn đá, hòn đất trên con đường thân thuộc ấy, thì chắc chắn sẽ hẹn ngày quay lại.

(Theo Vi Hồng – Hồ Thuỷ Giang)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1. Con đường vào bản có những cảnh vật gì?

A. Con suối, núi, rừng vầu, rừng trám.          

B. Con thác, núi, rừng trám, rừng vầu, lợn gà.

C. Con suối, núi, rừng vầu, rừng trám, lợn gà.      

D. Con thác, núi, rừng vầu, rừng trám, trâu bò

Câu 2. Trong câu “Hoa nước bốn mùa xoè cánh trắng như trải thảm hoa đón mời khách gần xa đi về thăm bản.”, hoa nước là loại hoa gì?

A. Một loại hoa mọc dưới nước                         

B. Nước suối tung bọt trắng xoá xoè cánh như hoa.

C. Nước suối chảy như thảm hoa trong suốt

D. Một loại hoa ưa nước

Câu 3. Câu văn “ Cá như vẽ hoa, vẽ lá giữa dòng…” ý nói gì?

A. Đàn cá nhiều màu sắc bơi lội dưới suối đẹp như hoa như lá

B. Đàn cá nhiều màu sắc hình thù giống hoa giống lá

C. Đàn cá biết vẽ hoa vẽ hoa

D. Đàn cá như bông hoa dưới suối

Câu 4. Bài văn trên tả cảnh gì?

A. Cảnh vật núi rừng biên giới phía bắc                       

B. Cảnh vật trong rùng núi phía bắc

C. Cảnh vật trên con đường vào bản vùng núi phía bắc

D. Cảnh cuộc sống của người dân bản vùng biên giới phía bắc

Câu 5. Trong các từ “bản” dưới đây, từ nào là từ đồng âm, từ nào là từ nhiều nghĩa?

a. Con đường từ huyện lị vào bản tôi rất đẹp.

b. Phô tô cho tôi thành 2 bản nhé!

c. Làng bản, rừng núi chìm trong sương mù.

Câu 6. Xác định chủ ngữ và vị ngữ trong câu “Đoạn đường dành riêng cho dân bản tôi đi về phải vượt qua một con suối to.”

Câu 7. Em hiểu gì về câu “Nhưng dù ai đi đâu về đâu, khi bàn chân đã bén hòn đá, hòn đất trên con đường thân thuộc ấy thì chắc chắn sẽ hẹn ngày quay lại.”?

B. Kiểm tra viết

Đề bài: Em hãy viết bài văn tả một cảnh đẹp của quê hương mà em yêu thích.

Lời giải

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

II. Đọc thầm văn bản sau:

Câu 1. Con đường vào bản có những cảnh vật gì?

A. Con suối, núi, rừng vầu, rừng trám.          

B. Con thác, núi, rừng trám, rừng vầu, lợn gà.

C. Con suối, núi, rừng vầu, rừng trám, lợn gà.      

D. Con thác, núi, rừng vầu, rừng trám, trâu bò

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

 Con đường vào bản có những cảnh vật như suối, núi, rừng vầu, rừng trám, lợn, gà ,….

Đáp án C.

Câu 2. Trong câu “Hoa nước bốn mùa xoè cánh trắng như trải thảm hoa đón mời khách gần xa đi về thăm bản.”, hoa nước là loại hoa gì?

A. Một loại hoa mọc dưới nước                         

B. Nước suối tung bọt trắng xoá xoè cánh như hoa.

C. Nước suối chảy như thảm hoa trong suốt

D. Một loại hoa ưa nước

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Vì nước suối tung bọt trắng xoá xoè cánh như hoa nên tác giả đã gọi là hoa nước.

Đáp án B.

Câu 3. Câu văn “ Cá như vẽ hoa, vẽ lá giữa dòng…” ý nói gì?

A. Đàn cá nhiều màu sắc bơi lội dưới suối đẹp như hoa như lá

B. Đàn cá nhiều màu sắc hình thù giống hoa giống lá

C. Đàn cá biết vẽ hoa vẽ hoa

D. Đàn cá như bông hoa dưới suối

Phương pháp giải:

Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Tác giả muốn thể hiện vẻ đẹp của đàn cá dưới suối. Vào những ngày nắng đẹp, người đi trên đường nhìn xuống suối sẽ thấy những đàn cá nhiều màu sắc tung tăng bơi lội đẹp như hoa như lá.

Đáp án A.

Câu 4. Bài văn trên tả cảnh gì?

A. Cảnh vật núi rừng biên giới phía bắc                       

B. Cảnh vật trong rùng núi phía bắc

C. Cảnh vật trên con đường vào bản vùng núi phía bắc

D. Cảnh cuộc sống của người dân bản vùng biên giới phía bắc

Phương pháp giải:

Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Bài văn trên tả cảnh vật trên con đường vào bản vùng núi phía bắc.

Đáp án C.

Câu 5. Trong các từ “bản” dưới đây, từ nào là từ đồng âm, từ nào là từ nhiều nghĩa?

a. Con đường từ huyện lị vào bản tôi rất đẹp.

b. Phô tô cho tôi thành 2 bản nhé!

c. Làng bản, rừng núi chìm trong sương mù.

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài Từ đồng âm và Từ đa nghĩa.

Lời giải chi tiết:

Từ “bản” trong câu a,c là từ nhiều nghĩa vì hai từ này đều chỉ làng ở miền núi.

Từ “bản” trong câu b là từ đồng âm vì từ “bản” chỉ đơn vị của tờ giấy, tập, cuốn được in ra.

Câu 6. Xác định chủ ngữ và vị ngữ trong câu “Đoạn đường dành riêng cho dân bản tôi đi về phải vượt qua một con suối to.”

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài Hai thành phần chính của câu.

Lời giải chi tiết:

Đoạn đường dành riêng cho dân bản tôi đi về // phải vượt qua một con suối to.

                              CN                                                       VN

Câu 7. Em hiểu gì về câu “Nhưng dù ai đi đâu về đâu, khi bàn chân đã bén hòn đá, hòn đất trên con đường thân thuộc ấy thì chắc chắn sẽ hẹn ngày quay lại.”?

 Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc, suy nghĩ và trả lời.

Lời giải chi tiết:

Với câu kết bài “Nhưng dù ai đi đâu về đâu, khi bàn chân đã bén hòn đá, hòn đất trên con đường quen thuộc ấy thì chắc chắn sẽ hẹn ngày quay lại.” tác giả muốn nói rằng con đường vào bản và cảnh vật ở bản mình vô cùng hấp dẫn. Cảnh vật nơi đây với những con suối trong rào rạt bốn mùa, những đàn cá bơi lội, những hàng cây cao vút,… tất cả như níu chân du khách, hẹn ngày trở lại với bản làng thân yêu.

B. Kiểm tra viết

Phương pháp giải:

Phân tích, tổng hợp.

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu cảnh đẹp mà em yêu thích:

- Cảnh gì? Ở đâu?

- Em đến vào dịp nào?

2. Thân bài:

a) Tả bao quát:

- Không gian, màu sắc. mùi vị chung của toàn cảnh (rộng, hẹp...) như thế nào?

b) Tả chi tiết:

- Liệt kê nội dung miêu tả theo một trong các trình tự:

+ Theo không gian: Tả lần lượt từng phần hoặc từng vẻ đẹp của phong cảnh theo trình tự từ gần tới xa, từ thấp lên cao, từ trái sang phải,..

+ Theo thời gian: Tả sự biến đổi hoặc đặc điểm của phong cảnh trong những thời gian khác nhau (các buổi trong ngày, các mùa trong năm,...).

+ Theo không gian kết hợp với thời gian: Tả sự đổi thay đổi của từng sự vật, hiện tượng... trong những thời điểm khác nhau.

Lưu ý:

– Đặc điểm của phong cảnh cần được cảm nhận bằng nhiều giác quan.

– Tập trung miêu tả những sự vật, hiện tượng,... nổi bật.

3. Kết bài: Cảm nghĩ của em đối với cảnh đẹp đã tả (yêu mến, nhiều kỉ niệm. gắn bó, mong có dịp trở lại...).

Bài tham khảo:

Mỗi khi thu về, lòng em lại rộn ràng khi nghĩ đến cánh đồng lúa chín vàng của quê hương Cao Bằng. Một lần được bố mẹ cho về quê thăm bà vào cuối tháng 9, em đã có cơ hội chiêm ngưỡng cánh đồng lúa nơi đây như một tấm thảm vàng óng ánh trải dài tít tắp.

Những ruộng lúa chín trải dài trên thung lũng, được bao bọc bởi các dãy núi hùng vĩ. Khi ánh nắng mặt trời vừa ló dạng, những cánh đồng lúa chín bừng sáng dưới ánh bình minh. Những bông lúa khẽ nghiêng mình trong gió nhẹ, như đang nhảy múa theo điệu nhạc của thiên nhiên. Màu vàng óng của lúa chín hòa quyện với sắc xanh tươi của những bụi cỏ, tạo nên một bức tranh thơ mộng. Bước chân vào cánh đồng, em cảm nhận được hương thơm nhẹ nhàng của lúa chín. Hương thơm ấy làm em thấy ấm lòng, như ôm trọn cả không gian thanh bình của quê hương. Nhìn kỹ hơn, em thấy những bông lúa nặng trĩu hạt, vàng ươm như những viên ngọc quý. Những cọng lúa mềm mại uốn lượn, như một làn sóng nhẹ nhàng giữa trời xanh. Nhìn xa xa, em thấy bóng dáng các bác nông dân đang chăm chỉ làm việc. Họ đội nón lá, gặt lúa bằng những chiếc liềm sắc bén. Tiếng cười nói râm ran, những câu chuyện vui vẻ hòa quyện cùng tiếng lúa rào rạt trong gió tạo nên một bầu không khí giản dị mà hạnh phúc.

Khi chiều tà chuẩn bị buông xuống, cánh đồng lúa ấy lại khoác lên mình một vẻ đẹp khác. Trên trời những tảng mây lơ lửng lưng chừng núi trôi qua tạo thành cảnh sắc nên thơ, tiên cảnh. Những tầng ruộng xếp chồng lên nhau như những bậc thang vàng rực, phản chiếu ánh sáng tạo nên một khung cảnh huyền ảo. Mặt nước trong các thửa ruộng lấp lánh như những viên ngọc, gợi lên cảm giác mát mẻ và bình yên. Hương thơm của lúa chín hòa quyện cùng tiếng gió nhẹ, làm cho không gian trở nên dịu dàng hơn. Các bác nông dân cùng nhau trở về sau một ngày làm việc mệt mỏi, mang theo những nụ cười và niềm vui, tạo nên một bức tranh sống động và ấm áp giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Mỗi lần nhìn thấy cánh đồng, em lại nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ, về những ngày cùng bà chạy ra đồng chơi đùa. Đối với em, cánh đồng lúa chín chính là một phần tâm hồn, là niềm tự hào của quê hương. Em hứa sẽ gìn giữ và bảo vệ vẻ đẹp ấy, để thế hệ mai sau cũng được thưởng thức cảnh đẹp tuyệt vời của quê hương mình. Cánh đồng lúa chín mãi trong lòng em, như một khúc hát ngọt ngào, vang vọng mãi không phai.

  • Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 3

    Cậu bé dũng cảm Một cậu bé mười tuổi rất hiếu động, nghịch ngợm. Một hôm cha cậu được người ta tặng cho một chiếc rìu. Vô cùng thích thú với chiếc rìu sáng loáng, cậu bé liền nảy ra một ý nghĩ: “Hay là mình chặt thử cây anh đào này đi, coi thử chiếc rìu này có bén không.”.

  • Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 4

    Trái tim người mẹ Một cây Bạch Dương xinh đẹp sống trong rừng cùng ba đứa con gái bé bỏng của mình – ba cây Bạch Dương Con non nớt, khẳng khiu. Những ngày giá rét, Bạch Dương mẹ xòe cành , xòe lá che mưa , che gió cho con. Ngày nóng, mẹ lại xòe bóng mát che nắng, bảo vệ con mình. Ba cây Bạch Dương Con lớn rất nhanh và lúc nào cũng vui tươi. Ở bên mẹ, chúng chẳng biết thế nào là lo sợ cả.

  • Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 5

    Chuyện về một cành nho Một cành nho mảnh mai lớn lên nhờ những dòng nước khoáng tinh khiết từ lòng đất. Nó thật trẻ trung, khoẻ mạnh và tràn đầy sức sống. Nó cảm thấy rất tự tin khi tất cả chỉ dựa vào chính bản thân nó.

  • Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 - Đề số 1

    Mùa thảo quả Thảo quả trên rừng Đản Khao đã chín nục. Chẳng có thứ quả nào hương thơm lại ngây ngất kì lạ đến như thế. Mới đầu xuân năm kia, những hạt thảo quả gieo trên đất rừng, qua một năm, đã lớn cao tới bụng người. Một năm sau nữa, từ một thân lẻ, thảo quả đâm thêm hai nhánh mới. Sự sinh sôi sao mà mạnh mẽ vậy. Thoáng cái, dưới bóng râm của rừng già, thảo quả lan tỏa nơi tầng rừng thấp, vươn ngọn, xòe lá, lấn chiếm không gian.

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close