Đề số 5 - Đề kiểm tra học kì 2 - Ngữ văn 12Tải vềĐáp án và lời giải chi tiết Đề số 5 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Ngữ văn 12 Đề bài I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi: Một đại gia đình gồm hai con trai, hai con dâu, một gái, một rể và những đứa con của họ vẫn sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bếp ăn. Thiên hạ thì chia ra, bà cụ lại gom vào. Vẫn rất êm thấm mới lạ chứ. Nếp nhà đã thắng được tự do của cá nhân sao? Phải nói thêm, cái nếp nhà này cũng ít ai theo kịp. Người con dâu cả vốn là con gái Hàng Bồ, đỗ đại học, là một cô gái kiêu hãnh, tự tin, không dễ nhân nhượng. Ai cũng nghĩ hai người đàn bà, một già một trẻ, cùng sắc sảo sẽ rất khó chấp nhận nhau. Vậy mà họ ăn ở với nhau đã mười lăm năm chả có điều tiếng gì. Người chị của cô con dâu đến nói với bà cô tôi: “Bác chịu được tính nó thì con cũng phục thật đấy”. Bà cải chính: “Đúng là tôi có phần phải chịu nó nhưng nó cũng có phần phải chịu tôi, mỗi bên chịu một nửa”… […] Năm ngoái khu phố có yêu cầu bà cụ báo cáo về nếp sống gia đình cho hàng phố học tập. Bà từ chối, khi tôi lại thăm, bà nói riêng: “Cái chuyện ấy ai cũng biết cả, chỉ khó học thôi”. Tôi cười: “Lại khó đến thế sao”? Bà cụ nói: “Trong nhà này, ba đời nay, không một ai biết tới câu mày, câu tao. Anh có học được không”? À, thế thì khó thật. Theo bà cụ, thời bây giờ có được vài trăm cây vàng không phải là khó, cũng không phải là lâu, nhưng có được một gia đình hạnh phúc phải mất vài đời người, phải được giáo dục vài đời. Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm, mà cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình, nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó, lại hoàn toàn không dễ.” (Trích Nếp nhà – Nguyễn Khải, dẫn theo Tuyển tập Nguyễn Khải, tập III, NXB Văn học, 1996) Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản? Câu 2 (1,0 điểm): Nội dung chính của đoạn trích trên? Câu 3 (1,0 điểm): Cuộc sống của gia đình “bà cô tôi” có gì đặc biệt? Anh (chị) nhận xét như thế nào về “nếp nhà” ấy? Câu 4 (0,5 điểm): Anh (chị) có đồng tình với quan điểm hạnh phúc của nhân vật “bà cô tôi” ở đoạn trích trên không? Vì sao? II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)Câu 1: (2,0 điểm)Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của anh (chị) về hạnh phúc. Câu 2: (5,0 điểm) Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Lời giải chi tiết I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là tự sự. Câu 2. Nội dung chính của đoạn trích trên: - Cuộc sống – nếp nhà của gia đình “bà cô tôi”. Đó là cuộc sống của một gia đình nhiều thế hệ, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Đồng thời cũng là nề nếp gia đình, là văn hóa ứng xử để tạo nền tảng một gia đình hạnh phúc. Câu 3 Nội dung chính của đoạn trích trên: - Cuộc sống – nếp nhà của gia đình “bà cô tôi”. Đó là cuộc sống của một gia đình nhiều thế hệ, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau - Đồng thời cũng là nề nếp gia đình, là văn hóa ứng xử để tạo nền tảng một gia đình hạnh phúc Câu 4 Trình bày được suy nghĩ riêng của mình theo hướng làm rõ và khẳng định hoặc phủ định ý kiến “Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm, mà cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình, nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó, lại hoàn toàn không dễ.” - Nếu lập luận theo hướng khẳng định ý kiến trên là đúng, học sinh cần nhấn mạnh: Hạnh phúc cần được vun trồng từ bàn tay của những người biết trân quý, nâng niu hạnh phúc. Hạnh phúc cá nhân không thể tách rời nếp nhà. Và để hạnh phúc của mỗi gia đình được trọn vẹn, mỗi người phải biết “chịu” nhau một chút. Hạnh phúc được ươm mầm, chắt chiu mỗi ngày, mỗi người; hạnh phúc không dễ tìm cũng không thể cầu xin. - Nếu lập luận theo hướng phủ định ý kiến trên là đúng, học sinh cần nhấn mạnh: Cuộc sống muôn hình vạn trạng nên sắc màu của hạnh phúc cũng thật phong phú, đa dạng. - Nếu lập luận cả theo hướng vừa khẳng định vừa phủ định ý kiến thì cần kết hợp cả hai nội dung. II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm) Câu 1 a. Mở đoạn: nêu vấn đề cần nghị luận: quan điểm về hạnh phúc b. Thân đoạn: - Giải thích khái niệm hạnh phúc: Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí. - Trình bày quan điểm hạnh phúc của bản thân: thế nào là hạnh phúc, làm thế nào để tạo hạnh phúc và giữ gìn hạnh phúc? + Tạo ra hạnh phúc bằng cách trân trọng những gì bản thân đang có. Sống tích cực, có ý nghĩa; mang lại niềm vui hạnh phúc cho bản thân, gia đình và những người xung quanh. + Giữ hạnh phúc giống như trồng một cái cây cần được vun trồng, chăm sóc mỗi ngày. Cây hạnh phúc đó cũng chính là cây đời của mỗi người. Khi ta hạnh phúc, đời ta sẽ tỏa hương hoa. - Bàn bạc mở rộng. - Nêu bài học nhận thức và hành động. c. Kết đoạn: Khẳng định giá trị và ý nghĩa của hạnh phúc đối với mỗi người, mỗi nhà. Câu 2 I. Mở bài - Giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu - Giới thiệu tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa - Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận II. Thân bài 1. Giải thích khái niệm: – Nói đến giá trị nhân đạo là muốn nói đến: + Thái độ cảm thông của nhà văn đối với số phận con người, nhất là những con người nghèo khổ, bất hạnh. + Đó còn là thái độ ca ngợi, khẳng định của nhà văn về những phẩm chất tốt đẹp của người lao động; + Qua đó, nhà văn thể hiện những khao khát về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc cho con người. 2. Những biểu hiện: a. Giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa trước nhất thể hiện ở thái độ cảm thông của nhà văn Nguyễn Minh Châu đối với cuộc sống của những con người nghèo khổ nơi vùng biển. – Nhà văn xót xa trước cảnh nghèo khổ, đông con của những gia đình hàng chài: + “Nhà nào cũng trên dưới chục đứa” phải sống chen chúc nhau trong những chiếc thuyền lưới vó chật hẹp. + Vào những vụ bắc, biển động hàng tháng, thuyền không ra biển được “cả nhà vợ chồng con cái phải ăn toàn cây xương rồng luộc chấm muối”. – Nguyễn Minh Châu hết sức cảm thông trước tình cảnh người đàn bà hàng chài thường xuyên bị chồng đánh đập. + Nếu không cảm thông và xót xa cho cuộc đời bất hạnh của chị, tác giả không chú ý kỹ từng nét ngoại hình lam lũ đáng thương ở người đàn bà hàng chài + “Khuôn mặt mệt mỏi”, “tấm lưng áo bạc thếch và rách rưới”, “cặp mắt nhìn xuống chân”, “tay buông thõng xuống”, ra vẻ người nhẫn nhục, cam chịu. – Hơn thế nữa, nhà văn còn muốn bênh vực cho chị, không muốn chọ bị chồng đánh đập tàn nhẫn. + Vì vậy, trong tác phẩm, ít nhất hai lần tác giả đã để cho Phùng xông ra bênh vực cho chị đến nỗi anh phải bị thương. + Chúng ta có thể hiểu, nghệ sĩ Phùng cũng chính là hóa thân của nhà văn trong tác phẩm, là nhân vật mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi gắm nhiều suy nghĩ và hành động của mình. – Nhà văn cũng cảm thông với tình cảnh của người chồng vũ phu: + Cũng chính vì cuộc sống quá nghèo khổ lại phải lao động vất vả để nuôi cả một gia đình đông con nên “anh con trai cục tính những hiền lành”, không bao giờ biết đánh vợ xưa kia, giờ đã trở thành một người chồng vũ phu thường xuyên đánh vợ tàn nhẫn “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. + Có thể nói người đàn ông hàng chài thô bạo ấy là nạn nhân của cuộc sống đói nghèo, lam lũ. Lão lầm lỳ đánh vợ như một thói quen để giải tỏa tâm lý và nỗi khổ triền miên của đời mình. – Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã phê phán mạnh mẽ hành động vũ phu của người chồng. + Ông muốn giúp người đọc thấy rõ tình trạng bạo lực trong gia đình như một mảng tối còn tồn tại trong xã hội ta những năm tám mươi của thế kỉ hai mươi. + Thông qua hình ảnh người chồng thường xuyên đánh vợ tàn nhẫn, tác giả đã báo động với mọi người về một hiện tượng nhức nhối của xã hội. + Đâu đó trong cuộc sống chung quanh ta vẫn còn sự lộng hành của cái xấu, cái ác. + Gióng lên một hồi chuông báo động về cái ác, Nguyễn Minh Châu muốn đấu tranh cho cái thiện được tồn tại. Đó chính là một trong những biểu hiện về giá trị nhân đạo của tác phẩm. b. Nguyễn Minh Châu là nhà văn luôn đứng về cái đẹp, cái thiện. Đi tìm, phát hiện, ca ngợi, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của con người, đó là biểu hiện sâu sắc của giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. – Trước năm 1975, trong bối cảnh lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Nguyễn Minh Châu xây dựng những vẻ đẹp lý tưởng, yêu nước, anh hùng của con người Việt Nam thời chống Mỹ. + Họ là Lãm, là Nguyệt trong tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu. + Đó là những con người thật cao đẹp, họ biết hi sinh hạnh phúc cá nhân cho tình yêu Tổ quốc, biết gác lại những tình cảm của cá nhân mình cho cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. – Sau năm 1975, cuộc sống hiện ra nhiều chiều, nhiều mặt đối lập, Nguyễn Minh Châu đã đi sâu vào hiện thực để nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa dạng, nhiều chiều. + Có như vậy, ông mới phát hiện ra được những vẻ đẹp còn khuất lấp trong cái lấm láp bụi bặm của đời thường. + Hình ảnh người đàn bà xấu xí nhẫn nhục vẫn lóe lên vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, một vẻ đẹp đầy nữ tính, vị tha của người phụ nữ ở một miền biển còn đói nghèo, lạc hậu. – Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện một cái nhìn rất nhân đạo về con người. + Ông đã phát hiện và khẳng định nhiều phẩm chất cao đẹp ở người phụ nữ có cái vẻ bên ngoài xấu xí và cam chịu, nhẫn nhục này. + Bằng một cái nhìn đa dạng, nhiều chiều và sâu sắc, Nguyễn Minh Châu đã giúp ta cảm nhận được một tấm lòng vị tha và giàu đức hi sinh của chị. – Tác giả còn giúp ta nhận ra lý do chị không thể bỏ chồng thật có lý, điều đó chứng tỏ chị không phải là một người phụ nữ nông nổi, thiếu nghĩ suy, nhu nhược, hèn nhát, mà là người phụ nữ thật sâu sắc và từng trải, biết suy nghĩ, cân nhắc cho từng hành động của mình. + Chị cho biết: “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có một người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sấp con mà nhà nào cũng trên dưới chục đứa”. + Nguyễn Minh Châu còn giúp ta cảm nhận được những khát vọng hạnh phúc trong lòng người đàn bà hàng chài nghèo khổ này. Phải yêu thương con người lắm nhà văn mới chú ý đến từng chuyển biến nhỏ trên gương mặt của chị khi nói về hạnh phúc. Nhà văn cho ta biết, khi nói về hạnh phúc, “lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí” của chị “chợt ửng sáng lên như một nụ cười”. – Có thể nói người đàn bà hàng chài là biểu tượng cho tình mẫu tử, biểu tượng cho khát vọng hạnh phúc gia đình. + Thông qua suy nghĩ của chị về gia đình và hạnh phúc, tác giả đã giúp ta hiểu ra được một gia đình hạnh phúc là gia đình trọn vẹn các thành viên, cho dù trong gia đình ấy còn nhiều cảnh ngang trái, khổ đau, nhưng chị vẫn nâng niu trân trọng từng chút hạnh phúc nhỏ nhoi mà mình có được. + Đó là thái độ cảm thông, cái nhìn hết sức nhân đạo của nhà văn Nguyễn Minh Châu đối với con người. c. Giá trị nhân đạo của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa còn thể hiện ngay trong quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu: “Nghệ thuật chân chính phải gắn với cuộc và vì cuộc đời, vì con người”. – Cách kết thúc tác phẩm đã gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ. Là tấm ảnh đen trắng nhưng mỗi lần nhìn vào Phùng đều thấy “hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai” và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh”. + Vậy thì, đây đâu chỉ là ảnh nghệ thuật mà chính là hiện thực cuộc đời. Nếu chỉ đơn thuần là ảnh nghệ thuật trắng đen thì sao lại có được “cái màu hồng hồng của ánh sương mai” do ánh mặt trời của ánh bình minh buổi sáng phản chiếu? + Và nếu chỉ là ảnh thì người đàn bà hàng chài ấy làm sao “bước ra khỏi tấm ảnh” để “bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm lên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông”. + Đó chính là quan điểm nghệ thuật mà tác giả muốn gởi gắm với mọi người: Nghệ thuật chân chính không bao giờ rời xa cuộc đời, nghệ thuật phải gắn bó với cuộc đời và vì cuộc đời, vì con người. + Mỗi một nhà văn hãy đi vào cuộc sống, hãy sống gắn bó với con người và nhìn nhận họ một cách đa dạng, nhiều chiều để phát hiện ra những hạt ngọc còn ẩn sâu trong tâm hồn họ, dù rằng ngoại hình họ xấu xí và họ đang sống trong một hoàn cảnh ngang trái, khổ đau. – Qua tác phẩm, Nguyễn Minh Châu đã đặt ra một vấn đề để mọi người cùng suy nghĩ và giải quyết. Đó là vấn đề về số phận và hạnh phúc của con người. + Cái nhìn của Nguyễn Minh Châu thật đa dạng, nhiều chiều. Ông thấy trong cuộc sống có cả ánh sáng và bóng tối, nước mắt và nụ cười, bề nổi và bề chìm, khổ đau và hạnh phúc. + Nhưng điều quan trọng nhất là ông vẫn tin vào phẩm chất tốt đẹp của con người, tin vào bản chất tốt đẹp của xã hội sẽ làm thay đổi số phận con người. III. Kết luận - Khái quát và mở rộng vấn đề. Nguồn: Sưu tầm HocTot.Nam.Name.Vn
|