Đề kiểm tra 45 phút - Đề số 1 - Phần 3 - Lịch sử 10Đáp án và lời giải chi tiết Đề kiểm tra 45 phút - Đề số 1 - Phần 3: Lịch sử thế giới cận đại - Lịch sử 10 Đề bài I. TRẮC NGHIỆM (4 điểm) Câu 1: Tình hình kinh tế Anh trong thế kỉ XVII có điểm gì nổi bật? A. Nền kinh tế phát triển nhất châu Âu B. Công nghiệp tương đối phát triển, nông nghiệp lạc hậu C. Phương thức sản xuất tư bản chưa thâm nhập vào nông nghiệp. D. Bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp. Câu 2: Sự kiện nào đã thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh ở Bắc Mĩ? A. Đạo luật hàng hải năm 1651. B. Luật chè năm 1770. C. Luật về ruộng đất năm 1763. D. Sự kiện chè Bô-xtơn. Câu 3: Ngày 4-7-1776 đã diễn ra sự kiện lịch sử gì quan trọng ở Bắc Mĩ? A. Chiến thắng Xa-ra-tô-ga. B. Đại hội lục địa lần thứ nhất. C. Đại hội lục địa lần thứ hai. D. Thông qua bản Tuyên ngôn độc lập. Câu 4: Lực lượng lãnh đạo cách mạng tư sản Anh ở thế kỉ XVII là A. Giai cấp tư sản. B. Quý tộc mới. C. Liên minh giữa quý tộc mới và tư sản. D. Vua Sác-lơ I. Câu 5: Trong những năm 1649- 1653, nước Anh theo thể chế chính trị gì? A. Quân chủ chuyên chế. B. Cộng hòa. C. Bảo hộ công. D. Quân chủ lập hiến. Câu 6: Nguyên nhân sâu xa nào dẫn tới bùng nổ cách mạng tư sản Anh ở thế kỉ XVII? A. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa với phương thức sản xuất phong kiến. B. Chính sách tăng thuế của vua Sác-lơ I. C. Mâu thuẫn giữa tư sản với chế độ quân chủ chuyên chế. D. Mâu thuẫn giữa những người theo Anh giáo và Thanh giáo. Câu 7. Tại sao tư bản Anh đầu thế kỉ XVII lại giàu lên nhanh chóng? A. buôn bán len dạ và nô lệ da đen. B. cướp bóc của cải của các nước thuộc địa. C. được nhà vua ưu ái nhiều quyền lợi. D. nắm trong tay nhiều máy móc. Câu 8. Đâu là sự kiện châm ngòi cho sự bủng nổ của cách mạng tư sản Anh vào thế kỉ XVII? A. Vua Anh triệu tập Quốc hội để tăng thuế. B. Vua Anh yêu cầu giải tán Quốc hội. C. Nhà vua tuyên chiến với Quốc hội. D. Vua Anh chuẩn bị lực lượng chống lại Quốc hội. Câu 9. Tầng lớp quý tộc mới ở Anh là gì? A. Tầng lớp có nguồn gốc quý tộc phong kiến, cấu kết với tăng lữ bóc lột nhân dân. B. Tầng lớp có quyền lợi chính trị gắn với quý tộc phong kiến, nhưng lại có quyền lợi kinh tế gắn liền với giai cấp tư sản. C. Tầng lớp có quan hệ gần gũi với các công nhân và nông dân Anh. D. Tầng lớp tiến bộ, thực hiện nhiều chính sách nâng cao đời sống nhân dân. Câu 10: Đặc điểm nổi bật về kinh tế của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ giữa thế kỉ XVIII là gì? A. Miền Nam phát triển kinh tế công nghiệp. B. Miền Bắc phát triển kinh tế thương nghiệp. C. Kinh tế phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. D. Phát triển các đồn điền, trang trại lớn ở cả hai miền. II. TỰ LUẬN (6 điểm) Câu 1: (3 điểm) Tình hình nước Anh trước cách mạng như thế nào? Câu 2: (3 điểm) Hoàn thành các khái niệm lịch sử dưới đây? - Cách mạng tư sản là: - Chế độ quân chủ lập hiến là: - Tầng lớp "quý tộc mới" là: Lời giải chi tiết ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT I. TRẮC NGHIỆM
Câu 1: Phương pháp: Dựa vào tình hình kinh tế Anh trong thế kỉ XVII để trả lời Cách giải: Từ đầu thế kỉ XVII, Anh là nền kinh tế phát triển nhất châu Âu. Biểu hiện là: + Nông nghiệp: phương thức sản xuất tư bản thâm nhập vào nông nghiệp. + Thủ công nghiệp: Sản xuất công trường thủ công chiếm ưu thế hơn sản xuất của phường hội, số lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng như: luyện kim, làm sứ, len dạ. + Ngoại thương phát triển mạnh mẽ, chủ yếu là bán len dạ và nuôi nô lệ da đen. Chọn: A Câu 2: Phương pháp: Dựa vào diễn biến trong chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa để trả lời. Cách giải: Cuối năm 1773, nhân dân cảng Bô-xtơn tấn công 3 tàu chở chè của Anh cập bến và ném các thùng chè xuống biển để phản đối chế độ thuế của thực dân Anh với các thuộc địa Bắc Mĩ. Chính phủ Anh ra lệnh phong tỏa cảng Bô-xtơn và đưa quân đội đến chiếm đóng. => Sự kiện “chè Bô-xtơn” đã thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh ở Bắc Mĩ. Chọn: D Câu 3: Phương pháp: Dựa vào diễn biến cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa để trả lời. Cách giải: Ngày 4-7-1776, Đại hội đại biểu của 13 bang đã thông qua bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố 13 thuộc địa thoát ly khỏi chính quốc, thành lập Hợp chủng quốc Mĩ. Chọn: D Câu 4: Phương pháp: Dựa vào đặc điểm của cách mạng tư sản Anh để trả lời Cách giải: Lực lượng lãnh đạo cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII là liên minh giữa quý tộc mới và tư sản. Chọn: C Câu 5: Phương pháp: Dựa vào diễn biến cách mạng tư sản Anh để trả lời Cách giải: Dưới áp lực của quần chúng, đầu năm 1649, Sác-lơ I bị xử tử. Anh trở thành nước Cộng hòa do Ô-li-vơ Crôm-oen đứng đầu. Chọn: B Câu 6: Phương pháp: Dựa vào tình hình kinh tế- xã hội Anh để suy luận trả lời. Cách giải: Nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự bùng nổ của cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII là do mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa với phương thức sản xuất phong kiến. Lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển nhưng lại bị chế độ phong kiến kìm hãm (chế độ thuế khóa, độc quyền thương mại của nhà nước) nên cần phải xóa bỏ chế độ phong kiến để mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Chọn: A Câu 7: Phương pháp: sgk trang 144, suy luận. Cách giải: Đầu thế kỉ XVII, tư bản Anh giàu lên nhanh chóng nhờ sự phát triển của ngoại thương, chủ yếu là buôn bán len dạ và nô lệ da đen. Chọn: A Câu 8: Phương pháp: sgk trang 144, suy luận. Cách giải: Tháng 4- 1640 do cần tiền để đàn áp cuộc khởi nghĩa của người Xcốt-len, vua Sác-lơ I đã triệu tập Quốc hội để bàn về vấn đề tăng thuế. Trước sự phản đối quyết liệt của Quốc hội, nhà vua đã phải chấp nhận nhượng bộ một số yêu sách nhưng vẫn ngầm chuẩn bị lực lượng để chống lại. Sự kiện này đã châm ngòi cho sự bùng nổ của cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII. Chọn: A Câu 9: Phương pháp: sgk trang 44, suy luận. Cách giải: Quý tộc mới ở Anh bao gồm một số quý tộc cũ, vẫn duy trì những đặc quyền phong kiến nhưng đã chuyển hướng trong canh tác như trồng cỏ nuôi cừu để bán lông cho các công trường thủ công. Trong số quý tộc mới này còn có thương nhân, người cho vay lãi, họ đã sở hữu ruộng đất và có tước vị quý tộc do nhà vua ban cho. => Quý tộc mới là tầng lớp có quyền lợi chính trị gắn với quý tộc phong kiến, nhưng lại có quyền lợi kinh tế gắn liền với giai cấp tư sản. Chọn: B Câu 10: Phương pháp: Dựa vào tình hình kinh tế của 13 thuộc địa để suy luận trả lời. Cách giải: Đặc điểm nổi bật về kinh tế của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ nửa đầu thế kỉ XVIII là sự phát triển kinh tế theo con đường tư bản chủ nghĩa với hai hướng khác nhau. Ở miền Bắc, tư sản lập các công trường thủ công. Ở miền Nam, chủ nô lập đồn điền và sử dụng sức lao động của nô lệ. Chọn: C II. TỰ LUẬN Câu 1: Phương pháp: sgk Lịch sử 10 trang 144. Lời giải chi tiết Đặc điểm, tình hình nước Anh trước cách mạng: * Kinh tế: - Đầu thế kỉ XVII, Anh là nước có nền kinh tế phát triển nhất châu Âu. + Nông nghiệp: Sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản vào trong nông nghiệp. + Thủ công nghiệp: Công trường thủ công chiếm ưu thế so với phường hội. + Thương nghiệp: Việc buôn bán phát triển nhất là buôn bán len dạ và nô lệ da đen. * Xã hội: - Xuất hiện tầng lớp quý tộc mới. - Tư sản và quý tộc mới giàu lên nhanh chóng. - Đời sống nông dân cực khổ. * Chính trị: Chế độ quân chủ chuyên chế bảo thủ và lạc hậu kìm hãm sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. ⟹ Mâu thuẫn giữa tư sản và quý tộc mới với các thế lực phong kiến phản động trở nên gay gắt. Câu 2: Phương pháp: phân tích, nhận xét. Cách giải: - Cách mạng tư sản là: cuộc cách mạng của giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản tiến hành cách mạng là để mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, xóa bỏ những ảnh hưởng từ chế độ phong kiến. - Chế độ quân chủ lập hiến là: là chế độ nhà nước vừa có vua vừa có quốc hội, nhưng vua không nắm quyền hành, mọi quyền lực đều nằm trong tay của quốc hội (vua "trị vì" mà không "cai trị"). - Tầng lớp "quý tộc mới" là: tầng lớp quý tộc phong kiến đã tư sản hoá, kinh doanh tư bản chủ nghĩa, xuất hiện ở châu Âu vào TK XVI, mạnh nhất ở Anh, là lực lượng quan trọng lãnh đạo cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII. HocTot.Nam.Name.Vn
|