Chứng chỉ STARTERS là gì? Hướng dẫn luyện thi Cambridge STARTERSChứng chỉ Starters là gì? Thi ở đâu và phương pháp thi như thế nào? Đề thi chứng chỉ Starters bao gồm những phần thi nào? Các dạng bài mẫu luyện thi chứng chỉ Starters? 1. Chứng chỉ Pre A1 Starters là gì?Pre A1 Starters, A1 Movers và A2 Flyers là 3 kì thi được tổ chức bởi hội đồng đánh giá tiếng Anh Cambridge (thuộc viện đại học nghiên cứu liên hợp Cambridge danh giá tại Vương quốc Anh). Chúng là một phần của loạt các chứng chỉ Tiếng Anh của Cambridge. Mỗi bài thi được xây dựng dựa trên những kĩ năng mà trẻ phát triển được ở cấp độ trước đó. Kì thi này được thiết kế thân thiện với các học viên nhỏ tuổi với sự đa dạng của các hoạt động đi kèm cùng hình minh họa bắt mắt, tạo động lực thúc đẩy học sinh học tập. Các phần trong bài kiểm tra dựa trên những kiến thức và tình huống trong đời sống hằng ngày, giúp các em cải thiện 4 kĩ năng ngôn ngữ - Nghe, Nói, Đọc, Viết. Pre A1 Starters là chứng chỉ đầu tiên trong bộ 3 chứng chỉ được thiết kế riếng dành cho những học viên nhỏ tuổi được kể trên. Những bài kiểm tra trong kì thi này được giới thiệu cho trẻ làm quen với tiếng Anh trong cuộc sống hằng ngày và là một cách tuyệt vời để các em tự tin cải thiện tiếng Anh của mình. Chứng chỉ Pre A1 Starters có thể giúp các em bước đầu hướng tới: - Hiểu những nội dung được viết bằng tiếng Anh cơ bản trên Internet. - Thưởng thức sách, bài hát, các chương trình truyền hình và phim có nội dung bằng tiếng Anh đơn giản. - Sử dụng tiếng Anh để kết bạn, giao tiếp đơn giản trong cuộc sống hằng ngày. 2. Chứng chỉ Pre A1 Starters dành cho đối tượng nào?Chứng chỉ Pre A1 Starters được khuyến nghị dành cho các học viên có độ tuổi từ 5-7 tuổi, là độ tuổi phù hợp để bước đầu làm quen với việc học thêm một ngôn ngữ thứ 2. 3. Tại sao nên khuyến khích trẻ thi chứng chỉ Pre A1 Starters?- Chứng chỉ Pre A1 Starters có thời hạn vĩnh viễn và giá trị toàn cầu, được công nhận rộng rãi ở 150 quốc gia và hơn 25.000 cơ quan, tổ chức, trường học trên toàn thế giới, cũng là một trong những điều kiện bắt buộc nếu phụ huynh muốn đăng kí cho con em mình được học tại các trường quốc tế, song ngữ, hoặc các lớp tiếng Anh tăng cường và các lớp học tích hợp. - Luyện thi và thi chứng chỉ Starters là bước đệm để giúp trẻ tiếp cận việc học tiếng Anh theo một cách phù hợp, tạo cảm hứng học và tạo tiền đề phát triển các kĩ năng sử dụng tiếng Anh của các em sau này. - Bài kiểm tra sử dụng các tình huống thực tế hằng ngày để đưa việc học tiếng Anh vào cuộc sống vậy nên sẽ rất gần gũi và dễ dàng để trẻ tiếp nhận kiến thức. - Không có đậu hay rớt, mọi trẻ em đều nhận được chứng chỉ sau kì thi để tôn vinh thành quả mà các em đạt được. 4. Cấu trúc bài thi chứng chỉ Pre A1 StartersBài thi gồm 3 phần như sau:
a. Phần thi Nghe (Thời gian khoảng 20 phút)
Lưu ý khi chuẩn bị cho phần thi Nghe - Cần chắc chắn rằng trẻ có thể hiểu được cả dạng nói và dạng viết của từ vựng. Thí sinh nếu chuẩn bị kĩ lưỡng sẽ không có khó khăn gì trong việc nghe – hiểu hay đọc – hiểu đề bài. Các chủ để được đưa vào bài thi sẽ là những chủ đề trong cuộc sống hằng ngày, rất quen thuộc với trẻ nhỏ như động vật, đồ chơi, ngôi nhà, trường học, những trò chơi và hoạt động giải trí,... - Hãy chắc chắn rằng trẻ biết mình sẽ được nghe bài nghe 2 lần. - Giúp trẻ làm quen với cả giọng nói Anh – Anh và Anh – Mỹ. Giọng nói của các nhân vật trong bài nghe sẽ là giọng Anh – Anh và Anh Mỹ tiêu chuẩn. Ở trình độ này, tốc độ nói của các nhân vật sẽ khá chậm. - Khuyến khích trẻ quan sát tranh cẩn thận và nghĩ đến những bức tranh đó đang minh họa cho điều gì. Bài 1: Nối
Mô tả: Trong bài này, cho trước một bức tranh minh họa nhiều người đang làm những hoạt động khác nhau. Tên của những người này được cung cấp bên trên và bên dưới bức tranh. Nhiệm vụ của thí sinh là nghe thông tin từ đoạn hội thoại giữa 1 người lớn và 1 trẻ em rồi nối người trong tranh với tên của họ. Lưu ý: - Cần chắc chắn rẳng trẻ đã quen thuộc với cả dạng nói và dạng viết của một số tên người (sẽ được cung cấp trong phần ôn luyện thi của HocTot.Nam.Name.Vn), và phân biệt được tên nào thường dùng cho nam và tên nào thường dùng cho nữ. - Luyện tập thật nhiều dạng bài tập nhận diện người trong tranh thông qua mô tả: trang phục, tóc, họ đang làm gì... - Khuyến khích trẻ đọc trước những cái tên cho sẵn trước khi nghe băng để trẻ biết được rằng mình chuẩn bị nghe những cái tên gì. - Cần nhắc trẻ biết rằng sẽ có 1 cái tên bị thừa ra, hoàn toàn không cần dùng tới. Trẻ chỉ cần nối theo những gì nghe được trong bài nghe. - Lưu ý trẻ rằng khi nối nên sử dụng nét thẳng để dễ dàng hơn cho việc kiểm tra đáp án ở lần nghe thứ 2 và nếu như nét nối các em vẽ có đè lên hình vẽ vật hay người trong bức tranh thì cũng không sao cả. Bài 2: Ghi thông tin Mô tả: Đây là một bài nghe và ghi lại thông tin đơn giản. Trong bài này thí sinh sẽ được nghe 1 đoạn hội thoại giữa 1 người lớn và 1 trẻ em, một bức tranh minh họa được cung cấp để tạo bối cảnh, 2 ví dụ và 5 câu hỏi với phần trống để trả lời bên cạnh. Câu trả lời có thể là số hoặc tên riêng. Nếu câu trả lời là số, thí sinh có thể viết bằng chữ số hoặc chữ cái đều được. Tất cả tên riêng đều sẽ được đánh vần trong băng nghe. Các câu trả lời của thí sính đều phải được viết đúng chính tả thì điểm mới được tính. Lưu ý: - Hãy chắc chắn rằng trẻ biết các em chỉ cần điền duy nhất 1 số hoặc tên riêng ở phần trả lời. - Tất cả các tên riêng cần điền trong bài đều sẽ được đánh vần một cách rõ ràng và tất cả đều đến từ danh sách từ vựng Pre A1 (sẽ được cung cấp trong phần luyện thi của Loigiahay). Thí sinh cần nắm chắc bảng chữ cái, chú ý nhiều vào các nguyên âm và các phụ âm khó như G và J. - Nếu câu trả lời là số thì trẻ được khuyến khích viết bằng chữ số hơn là chữ cái để tránh sai chính tả. Các số sẽ xuất hiện trong bài nằm trong khoảng từ 1-20 nên hãy chắc chắn rằng thí sinh nắm vững phần này. Bài 3: Trắc nghiệm 3 phương án Mô tả: Bài thi này gồm 5 câu hỏi, mỗi câu có 3 phương án là 3 bức tranh minh họa để thí sinh lựa chọn. Thí sinh sẽ được nghe thông tin từ 5 đoạn hội thoại khác nhau, các giọng nói trong từng đoạn hội thoại sẽ có sự khác biệt rõ ràng để thí sinh có thể dễ dàng phân biệt được theo giới tính, độ tuổi. Thí sinh nghe và đánh dấu tick vào dưới bức tranh đúng. Lưu ý: - Cần để trẻ biết rằng các em sẽ có thời gian để quan sát các bức tranh trước khi nghe vậy nên cần khuyến khích trẻ tận dụng thời gian này để quan sát kĩ tranh và nghĩ xem chúng đang minh họa cho cái gì. - Giúp trẻ luyện tập nghe trọn vẹn đoạn hội thoại và lọc ý để chọn được đáp án đúng, bởi có một số câu hỏi mà manh mối dẫn tới đáp án sẽ nằm rải rác trong toàn đoạn hội thoại chứ không chỉ nằm trong 1 lượt lời. Bài 4: Tô màu Mô tả: Đây là bài thi kiểm tra từ vựng, cụ thể là tên màu sắc, giới từ chỉ vị trí. Có 1 bức tranh lớn và trong đó có 1 hoặc một vài ví dụ được cho sẵn. Nhiệm vụ của thí sinh là nghe thông tin chi tiết về vị trí, màu sắc từ đoạn hội thoại giữa 1 người lớn và 1 trẻ em để to màu chính xác. Lưu ý: - Chuẩn bị cho trẻ bút màu trước khi vào phòng thi. Hãy chắc chắn rằng các em đã quen thuộc với tên gọi của các màu sắc (sẽ được cung cấp trong phần luyện thi của HocTot.Nam.Name.Vn.) - Hãy chắc rằng trẻ có thể tìm ra được và tô màu vật đúng theo mô tả trong bài nghe giữa 7 vật cùng loại được vẽ trong tranh. Trẻ chỉ cần tô màu những vật được nhắc đến trong bài nghe, ngoài ra không cần tô thêm gì khác. - Nhắc trẻ rằng đây không phải là 1 bài thi tô màu, các em cần tập trung vào phần nghe và tô đúng theo mô tả và chỉ dẫn trong bài nghe, tránh để phân tâm vào việc phải tô màu thật đẹp. b. Phần thi Đọc – Viết (Thời gian 20 phút)
Lưu ý khi chuẩn bị cho phần thi Đọc – Viết - Bởi vì đây là bài thi được thiết kế thân thiện với các học viên nhỏ tuôi, vậy nên phần thi Đọc – Viết được tích hợp rất nhiều tranh ảnh. Sẽ rất hữu ích nếu trong quá trình ôn luyện, các thí sinh được làm quen với các hoạt động yêu cầu tương tác với tranh ảnh, ví dụ như nối câu với tranh minh họa phù hợp hay yêu cầu trẻ vẽ tranh theo mô tả cho trước. - Hãy chắc chắn rằng trẻ đã học nhuần nhuyễn từ vựng và các cấu trúc ngữ pháp trong giáo trình Pre A1 (sẽ được cung cấp trong phần luyện thi của HocTot.Nam.Name.Vn). - Các trò chơi như trò chơi ô chữ rất hữu ích trong việc giúp trẻ học từ vựng. - Các thí sinh đôi khi mất điểm do chữ viết không đủ rõ ràng. Hãy nhắc trẻ rằng sau khi điền đáp án cần phải kiểm tra xem đáp án mình viết đã đủ rõ ràng hay chưa, đặc biệt là đối với với người chấm – là những người không hề quen thuộc với nét chữ của các em. - Thí sinh cần được nhắc nhở rằng các em chỉ cần viết như những gì được yêu cầu. Nhiều trường hợp bị mất điểm bởi vì các em cố gắng viết câu trả lời dài nhưng việc này chỉ gia tăng cơ hội xuất hiện lỗi sai (ví dụ như lỗi chính tả), dẫn đến mất điểm. - Một số dạng bài tập ở phần Đọc – Viết tập trung vào các câu chuyện đơn giản. Sẽ rất hữu ích nếu trong quá trình luyện tập, trẻ được khuyến khích đọc và tận hưởng những câu chuyện phù hợp với trình độ. - Thí sinh cần được nhắc nhở việc lưu ý việc viết đúng chính tả. Cần giúp các em trở nên quen thuộc với một số “letter patterns” trong tiếng Anh như: - ea, ck, ight, ou, er, ish,… - Bởi vì những học viên nhỏ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát quỹ thời gian làm bài thi nên sẽ rất hữu ích nếu trong quá trình luyện tập các em được làm quen với việc phải hoàn thành nhiệm vụ trong giới hạn thời gian nhất định. Đây cũng là cách giúp trẻ cải thiện khả năng tập trung cao độ khi làm bài, tránh bị phân tâm bởi những yếu tố xung quanh. Bài 1: Nhận diện từ vựng Mô tả: Bài thi này bao gồm 5 câu, mỗi câu đi kèm một bức tranh minh họa, yêu cầu thí sinh đánh dấu tick (V) nếu câu miêu tả đúng bức tranh hoặc đánh dấu gạch chéo (X) nếu câu miêu tả bức tranh không đúng. Các bức tranh trong bài có thể minh họa danh từ ở dạng số ít hoặc số nhiều. Lưu ý: - Khi dạy từ vựng cho trẻ, hãy chắc chắn rằng các em không bị nhầm giữa các từ vựng cùng trường nghĩa. Ví dụ sock/shoe. - Khuyến khích trẻ đọc câu và quan sát kĩ tranh để xem câu có miêu tả tranh đúng hay không. - Nhắc trẻ rằng khi đánh dấu tick (V) hoặc gạch chéo (X) cần viết một cách rõ ràng, tránh cách viết dễ gây hiểu lầm. - Tạo nhiều cơ hội để thí sinh luyện tập đánh dấu tick (V) và dấu gạch chéo (X) cho các câu đúng hoặc sai. Bài 2: Đọc hiểu dựa theo tranh Mô tả: Bài thi này bao gồm 1 bức tranh minh họa và 5 câu, một số câu trong này sẽ là những câu miêu tả đúng về bức tranh trong khi các câu còn lại thì không. Nếu câu miêu tả đúng, thí sinh viêt “Yes” bên cạnh câu đó; nếu câu miêu tả sai, thí sinh viết “No” bên cạnh câu. Lưu ý: - Hãy để các thí sinh biết rằng bất cứ yếu tố nào trong câu không đúng so với tranh minh họa đều có nghĩa rằng câu đó sai, cho dù các yếu tố còn lại đúng. Thí sinh cần viết “No” bên cạnh các câu như vậy. - Hãy chắc chắn rằng trẻ đã quen thuộc với các động từ chỉ hành động có khả năng cao sẽ xuất hiện trong bài thi này như run, ride, play, walk, throw, sing,... Bài 3: Xếp chữ thành từ đúngMô tả: Đây là bài thi về từ vựng và chính tả. Có 5 bức tranh minh họa, mỗi bức đi kèm với 1 từ vựng nhưng thứ tự các chữ trong từ đó đã bị xáo trộn. Thí sinh cần phải sắp xếp các chữ cái đó theo thứ tự để được từ đúng mô tả bức tranh minh họa đi kèm. Số lượng dấu gạch dưới biểu thị cho số lượng chữ cái xuất hiện trong từ đó. Lưu ý: - Trẻ cần phải học từ mới thật kĩ, đặc biệt là luyện viết từ. Các em nên có nhiều cơ hội để luyện tập viết chính tả từ vựng. - Các thí sinh cần nắm được rằng chỉ được sử dụng các chữ cái đề bài cung cấp để viết từ. Bài 4: Chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống trong đoạn văn. Mô tả: Thí sinh đọc một đoạn văn thực tế (factual text) hoặc bán thực tế (semi-factual) ngắn và chọn ra 5 từ phù hợp từ 8 từ cho sẵn trong hộp để điền vào 5 chỗ trống trong đoạn văn này. Các từ cho sẵn đều là các danh từ, có thể ở dạng số ít hoặc số nhiều. Có 1 ví dụ và có 2 từ thừa không cần dùng tới. Lưu ý: - Khuyến khích trẻ đọc toàn bộ văn bản để nắm được tinh thần chung của văn bản trước khi chọn đáp án. - Rất hữu ích nếu giúp trẻ rèn luyện khả năng phán đoán đáp án, sau đó các em chỉ cần kiểm chứng lại phán đoán của mình bằng nhìn và lựa chọn từ các phương án cho sẵn. - Thí sinh cần nắm được rằng đáp án phải đúng cả về mặt ngữ pháp lẫn mặt ngữ nghĩa trong đoạn văn. Người hướng dẫn nên giúp các em nhận diện các dấu hiệu ngữ pháp để từ đó gia tăng khả năng chọn được đáp án đúng. (Ví dụ: mạo từ a/an sẽ được theo sau bằng các danh từ số ít.) Bài 5: Trả lời câu hỏi dựa trên chuyện kể bằng tranh
Mô tả: Một câu chuyện được kể bằng 3 bức tranh với 5 câu hỏi, yêu cầu thí sinh chỉ trả lời bằng 1 từ. Câu trả lời có thể là danh từ, động từ hoặc chữ số. Lưu ý: - Giúp trẻ luyện tập viết đúng chính tả các từ trong chương trình ôn luyện Pre A1 Starters (sẽ được cung cấp trong chương trình ôn luyện của HocTot.Nam.Name.Vn). - Thí sinh nên được luyện tập lọc lấy ý chính cần thiết cho câu trả lời, trong trường hợp này các em chỉ cần trả lời câu hỏi bằng 1 từ duy nhất - Khuyến khích trẻ đọc kĩ câu hỏi trước khi trả lời. - Hướng dẫn trẻ học các từ để hỏi khi luyện tập dạng bài này, tránh nhầm lẫn nghĩa của các từ này. c. Phần thi Nói (Thời gian khoảng 3-5 phút)
Lưu ý khi chuẩn bị cho phần thi Nói - Để giảm áp lực cho các em, thí sinh sẽ được gặp một người hướng dẫn và nghe những chỉ dẫn về hình thức của phần thi nói bằng tiếng Việt trước khi vào phòng thi và gặp giám khảo. Hình thức tiêu chuẩn của phần thi nói của kì thi này là 1 thí sinh và 1 giám khảo. - Các bức tranh và cấu trúc được sử dụng trong phần thi này đều dựa trên giáo trình ôn luyện Pre A1 Starters, có nghĩa rằng những thí sinh đã ôn luyện kĩ càng sẽ rất quen thuộc với ngôn ngữ được giám khảo sử dụng trong suốt quá trình thi. Cấu trúc của bài thi luôn được giữ nguyên, vậy nên việc ôn luyện kĩ càng cũng sẽ giúp trẻ không bị bất ngờ khi tham dự kì thi thật. - Sử dụng tiếng Anh để đưa ra những mệnh lệnh trong lớp học là cách hay để giúp học sinh trở nên quen thuộc với những cấu trúc như Look at ..., Give me ..., Put ..., Find ..., Tell me ... - Thí sinh sẽ gây được ấn tượng tốt nếu các em có thể chào hỏi và giao tiếp một cách tự nhiên và tự tin. Sử dụng các câu chào hỏi như Hello, Goodbye, Thank you đều sẽ giúp trẻ tạo được ấn tượng tốt trong mắt giám khảo hay việc dùng câu Sorry, I don’t understand một cách hợp lí đều sẽ rất hữu ích trong những trường hợp cần thiết. Bài 1: Nhìn tranh và thẻ đồ vật và làm theo hướng dẫn Mô tả: - Giám khảo và thí sinh chào hỏi, sau đó giám khảo sẽ hỏi lại tên thí sinh để kiểm tra theo thủ tục. Phần này không chấm điểm. - Giám khảo bắt đầu bài thi bằng cách mô tả lại những gì thí sinh cần làm, sau đó giám khảo yêu cầu thí sinh nhìn vào tranh và chỉ vào những vật được yêu cầu. - Giám khảo yêu cầu thí sinh chỉ vào 2 vật trong thẻ đồ vật và đưa ra hướng dẫn để thí sinh đặt các vật đó vào đúng vị trí theo như hướng dẫn. Lưu ý: - Trẻ nên luyện tập nhận diện người, con vật, đồ vật trong các bức tranh khác nhau bằng cách chỉ vào những người/vật đó để phản hồi lại những câu hỏi như Where’s the chair?(Cái ghế đâu?), Where are the bananas? (Những quả chuối đâu?) - Thí sinh cũng nên luyện tập việc đặt các tranh ảnh minh họa đồ vật theo vị trí được yêu cầu vào một bức tranh lớn hơn để phản hồi lại những hướng dẫn như Put the robot next to the chair (Đặt con rô bốt cạnh cái ghế); Put the carrot on the table (Đặt củ cà rốt lên bàn). - Trẻ không cần lo lắng khi được yêu cầu đặt đồ vật ở các vị trí không được hợp lí cho lắm (ví dụ đặt lên đầu một người nào đó trong tranh chẳng hạn). Bài 2: Nhìn tranh và nói
Mô tả: Trong phần này giám khảo sẽ hỏi thí sinh một vài câu hỏi về bức tranh. Lưu ý: - Trẻ nên luyện tập trả lời những câu hỏi đơn giản, những câu hỏi mà chỉ cần phản hồi bằng câu trả lời chỉ có 1 từ. Ví dụ: What is this? (Cái gì đây?) – Pillow (Cái gối). How many people are there? (Có mấy người?) – Two (Hai). - Trẻ cũng nên luyện tập cách trả lời những câu hỏi dạng Tell me about... bằng câu trả lời đơn giản. Ví dụ: Tell me about the pillows (Nói cho thầy/cô nghe về những chiếc gối nào) – They’re yellow. They’re on the bed. (Chúng màu vàng, chúng ở trên giường). - Nên cho trẻ luyện tập với những bức tranh lớn có bối cảnh và những bức tranh minh họa đơn lẻ. Bài 3: Nhìn thẻ đồ vật và nói Mô tả: Giám khảo sẽ hỏi thí sinh về 4 trong 8 thẻ đồ vật được cung cấp. Lưu ý: - Thí sinh nên luyện tập trả lời những câu hỏi đơn giản bằng cách đưa những câu trả lời chỉ có 1 từ. Ví dụ: What is this? (Đây là cái gì?) – Car. (Cái ô tô.) What color is it? (Nó màu gì?) – Green. (Xanh lá.) - Nên cho trẻ luyện tập với những bức tranh lớn có bối cảnh và những bức tranh minh họa đơn lẻ. Bài 4: Trả lời câu hỏi cá nhân Mô tả: Giám khảo sẽ hỏi thí sinh một vài câu hỏi cá nhân về những chủ đề quen thuộc như tuổi, gia đình, bạn bè, trường học... Lưu ý: Ở phần này, thí sinh cần giữ tinh thần thoải mái và tự tin để trả lời được những câu hỏi như How old are you?(Em mấy tuổi rồi?), What’s your friend’s name?(Bạn của em tên là gì?), Is your house/apartment big or small? (Ngôi nhà của em lớn hay nhỏ?), Can you play table tennis?(Em có thể chơi bóng bàn không?), What’s your favorite food? (Đồ ăn yêu thích của em là gì?). Trẻ nên luyện tập trả lời những câu hỏi về các chủ đề quen thuộc để rèn luyện phản xạ. 5. Cách tính điểm chứng chỉ Pre A1 StartersKết quả của mỗi kĩ năng (Nghe, Đọc – Viết, Nói) trong bài thi chứng chỉ Pre A1 Starters sẽ được đánh giá theo đơn vị khiên. Mỗi kĩ năng các thí sinh sẽ đạt tối đa là 5 khiên. Không có đậu hay rớt, tất cả các thí sinh tham dự thi đều sẽ nhận được chứng chỉ Pre A1 Starters thể hiện kết quả của các em đạt được sau khi kì thi kết thúc. Đây cũng là cách để tôn vinh thành quả của các em, cũng như xây dựng sự tự tin và tạo động lực để các em cải thiện tiếng Anh của mình. Nếu thí sinh đạt 4-5 khiên cho mỗi kĩ năng, điều này có nghĩa các em đã sẵn sàng để chuẩn bị cho kì thi chứng chỉ Cambridge tiếp theo – Chứng chỉ A1 Movers. 6. Lệ phí thi chứng chỉ Pre A1 StartersLệ phí thi chứng chỉ Pre A1 Starters không cố định mà phụ thuộc vào kì thi, đơn vị tổ chức thi. Điều này là do vị trí, cơ sở vật chất ở mỗi đơn vị tổ chức thi khác nhau, dẫn đến mức chi phí cần tiêu tốn cũng khác nhau. Mức phí đăng kí thi Pre A1 Starters sẽ dao động từ 650.000 đồng – 1 triệu đồng tùy đơn vị, thành phố. 7. Các đơn vị tổ chức thi chứng chỉ Pre A1 Starters tại Việt NamQuý phụ huynh có thể tham khảo và tìm kiếm các đơn vị khảo thí chính thức tại Việt Nam của kì thi chứng chỉ Pre A1 Starters tại trang web của Cambridge:https://www.cambridgeenglish.org/find-a-centre/find-an-exam-centre/
Cambridge English Assessment. (2021). Information for candidates and parents. Cambridge English Assessment. (2021). Pre A1 Starters, A1 Movers and A2 Flyers Handbook for teacher. |