Bài 18. Văn minh Đại Việt SBT Lịch sử 10 Chân trời sáng tạoĐê sông Hồng được hình thành từ thời kì nào và từng bước phát triển ra sao? Vai trò của đê sông Hồng với sự phát triển của kinh tế Đại Việt? Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 10 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa...
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Câu 1 Trả lời câu hỏi câu 1 trang 112 SBT Lịch sử 10 Câu 1. Đê sông Hồng được hình thành từ thời kì nào và từng bước phát triển ra sao? Vai trò của đê sông Hồng với sự phát triển của kinh tế Đại Việt?
Phương pháp giải: - Tìm kiếm trên nguồn Internet cụm từ khóa “đê sông Hồng” Lời giải chi tiết: * Thời kì hình thành và bước phát triển của đê sông Hồng - Hình thành: Tháng 3/1108 dưới thời Lý ở phường Cơ Xá. - Bước phát triển: + Nhà Trần, nhà Lê sơ: những con đê mới được đắp và tôn tạo vào hai bên bờ sông. + Nhà Nguyễn: Lúc đầu có ý định bỏ con đê => Nguyễn Công Trứ đã dâng sớ nhằm nắn chỉnh, thay đổi cửa nhận nước => bắt đầu thực hiện từ thời vua Tự Đức => Hoàn chỉnh vào thời Pháp thuộc. + Năm 2006, hệ thống toàn đê được nâng cấp. * Vai trò đối với sự phát triển của kinh tế Đại Việt - Ngăn lũ lụt bảo vệ mùa màng, cung cấp nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. - Tạo tuyến đường giao thông thuận lợi cho vấn đề vận chuyển hàng hóa => thúc đẩy nội thương phát triển. Câu 2 Trả lời câu hỏi câu 2 trang 113 SBT Lịch sử 10 Câu 2. Lập bảng thống kê các thành tựu của văn minh Đại Việt theo các lĩnh vực dưới đây:
Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.4; II.5; II.6 trang 113 - 115 SGK Lịch sử 10 - Tìm kiếm trên nguồn Internet cụm từ khóa: “Thành tựu văn hóa thời Hậu Lê”. Lời giải chi tiết:
Câu 3 Trả lời câu hỏi câu 3 trang 113 SBT Lịch sử 10 Câu 3. Quan sát Hình 18.2, 18.3, em hãy mô tả hoa văn của gốm Chu Đậu. Vì sao gốm Chu Đậu được đánh giá là đỉnh cao nghề gốm của Đại Việt.
Phương pháp giải: - Tìm kiếm trên nguồn Internet cụm từ khóa “Gốm Chu Đậu – đỉnh cao gốm cổ Việt Nam” - Dựa vào dữ liệu quan sát được từ hình 18.2 và 18.3 SBT Lịch sử 10 trang 113. Lời giải chi tiết: - Mô tả + Hình dáng thanh tao, lớp tráng men mỏng. + Họa văn màu xanh trên lớp men trắng trong, được vẽ bằng men màu. + Hoa văn với hình ảnh thuần túy, gần gũi với đời sống người Việt cổ: chim cò, cá chép, hoa sen, rồng, mây,… + Hoa văn được thiết kế đối xứng => tạo sự tinh xảo, kĩ càng. - Giải thích lí do: + Kĩ thuật tráng men, chọn màu phong phú (men ngọc, men trắng, men nâu,…)điêu luyện, đạt trình độ cao. + Giai đoạn bản lề trong công cuộc đổi mới và cách tân công nghệ sản xuất gốm, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. + Được các nhà nghiên cứu gốm thế giới gọi là “gốm men trắng văn in” đạt đến tầm mức đồ sứ, với xương mỏng như giấy, thấu quang, men trắng như ngọc như ngà,… Câu 4 Trả lời câu hỏi câu 4 trang 114 SBT Lịch sử 10 Câu 4. Chọn các từ hoặc cụm từ dưới đây, điền vào chỗ trống (…) cho phù hợp trong đoạn văn về vua Lý Thái Tông. đúc tiền Minh Đạo niên hiệu làm Minh Đạo làm sách Hình luật Đại Việt sử ký toàn thư Hình thư vua Lý Thái Tông
Phương pháp giải: - Tìm kiếm trên nguồn Internet cụm từ khóa “ Công lao của vua Lý Thái Tông”. - Lựa chọn những từ khóa cho trước để điền vào chỗ trống. Lời giải chi tiết: Năm 1042 vua Lý Thái Tông cho ban hành bộ Hình thư. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Trước kia, trong nước việc kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình câu nệ luật văn, Cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót, sai Trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biến thành điều khoản, làm thành sách Hình thư, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng, cho nên mới đổi niên hiệu làm Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo”. Hình thư gồm ba quyển, nay không còn. Đây là hệ thống pháp luật lần đầu tiên được quy định cụ thể, áp dụng thống nhất trong cả nước. Câu 5 Trả lời câu hỏi câu 5 trang 115 - 117 SBT Lịch sử 10 Câu 5. Hãy sắp xếp các sự kiện ở cột A cho phù hợp với cột B
Phương pháp giải: - Dựa vào mục Em có biết trang 107; mục II.2 trang 109 và mục II.5 trang 113 SGK Lịch sử 10. Lời giải chi tiết: A1 – c; A2 – d; A3 – a; A4 - b A5 – h; A6 – i; A7 – e; A8 - g
Câu 6 Trả lời câu hỏi câu 6 trang 118 SBT Lịch sử 10 Câu 6. Văn minh Đại Việt hình thành dựa trên những cơ sở nào? Phương pháp giải: - Dựa vào mục I.2 trang 106 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: - Kế thừa thành tựu văn minh Văn Lang – Âu Lạc. - Hoàn thành công cuộc chống Bắc thuộc, bước sang giai đoạn phong kiến độc lập, tự chủ từ Khúc, Ngô, Đinh, Tiền Lê. - Trải qua quá trình dựng nước đi đôi với giữ nước chống ngoại xâm => chắt lọc những yếu tố văn hóa tinh hoa của Trung Quốc. - Sự phát triển kinh tế ngoại thương đường biển (từ TK XVI) thúc đẩy việc du nhập văn minh Ấn Độ. => Làm phong phú văn minh Đại Việt trên cơ sở tiếp biến giá trị văn minh bên ngoài. Câu 7 Trả lời câu hỏi câu 7 trang 118 SBT Lịch sử 10 Câu 7. Việc dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long (Hà Nội ngày nay) có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của văn minh Đại Việt? Phương pháp giải: - Dựa vào mục Em có biết trang 107 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Ý nghĩa của việc dời đô năm 1010 đối với sự phát triển của văn minh Đại Việt là: - Phản ánh khát vọng độc lập và ý chí tự cường dân tộc, tầm nhìn thời đại của vua Lý Thái Tổ. - Có giá trị nghệ thuật, nội dung sâu sắc đánh dấu bước phát triển của quốc gia Đại Việt. - Thể hiện từ đây văn minh Đại Việt đã sang một trang mới với vị trí được nhận xét là có thể “rộng cuộn hổ ngồi”, nơi hội tụ những tinh hoa của đất Việt. Câu 8 Trả lời câu hỏi câu 8 trang 119 SBT Lịch sử 10 Câu 8. Hãy tìm hiểu ưu điểm và nhược điểm của “văn hóa làng” đối với sự phát triển của văn minh Đại Việt. Phương pháp giải: - Dựa vào mục III.1 trang 115 SGK Lịch sử 10 - Tìm kiếm trên nguồn Internet cụm từ khóa “ưu điểm và hạn chế của văn hóa làng đối với sự phát triển của văn minh Đại Việt”. Lời giải chi tiết: * Ưu điểm và nhược điểm của “văn hóa làng” đối với sự phát triển của văn minh Đại Việt: - Ưu điểm: + Thể hiện sự đoàn kết, tính cộng đồng. + Lưu giữ được các truyền thống văn hóa lâu đời. + Tạo được những nét văn hóa độc đáo của riêng mỗi làng. - Nhược điểm: + Mang tính chất khép kín, bảo thủ, cổ hủ nên sự giao thoa văn hóa là tương đối ít. + Thủ tiêu vai trò, tính sáng tạo của mỗi cá nhân với thói cào bằng, lòng đố kị => cá nhân không phát huy được hết những sáng kiến. + Sự ỷ lại vào tập thể chung toàn làng của một số cá nhân => thờ ơ, chậm cải tiến, tiếp thu văn hóa tiến bộ. + Tư duy ngại thay đổi. Câu 9 Trả lời câu hỏi câu 9 trang 119 - 122 SBT Lịch sử 10 Câu 9. Hãy khoanh tròn vào chữ cái ứng với ý đúng 1. Tên bộ luật thành văn đầu tiên của văn minh Đại Việt là A. Hình Luật. B. Hình thư. C. Hồng Đức. D. Gia Long. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.2 trang 109 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Năm 1042, nhà Lý ban hành bộ luật Hình thư (bộ luật thành văn đầu tiên của văn minh Đại Việt). => Chọn đáp án B. 2. Năm 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về A. Cổ Loa. B. Tây Đô. C. Đại La. D. Phong Châu. Phương pháp giải: - Dựa vào mục Em có biết trang 107 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Năm 1010, Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La (nay là Thăng Long – Hà Nội). => Chọn đáp án C. 3. Bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền hoàn chỉnh dưới triều đại nào? A. Nhà Lê sơ. B. Nhà Lý. C. Nhà Trần. D. Nhà Hồ. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.2 trang 109 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền hoàn chỉnh, đạt tới đỉnh cao dưới triều đại nhà Lê sơ (TK XV). => Chọn đáp án A. 4. Bộ luật nào được biên soạn khá đầy đủ và hoàn chỉnh trong lịch sử Việt nam từ thế kỉ X –XV? A. Hình Luật. B. Quốc triều hình luật. C. Hình thư. D. Hoàng Việt luật lệ. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.2 trang 109 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Bộ luật được biên soạn khá đầy đủ và hoàn chỉnh trong lịch sử Việt nam từ thế kỉ X –XV là Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) ra đời vào triều Lê Sơ (TK XV) – được coi là bộ luật tiến bộ nhất lịch sử phong kiến Việt Nam. => Chọn đáp án B. 5. Những thay đổi trong tổ chức bộ máy nhà nước thời Lê sơ thể hiện điều gì? A. Chế độ quân chủ tập quyền đạt đến đỉnh cao. B. Thiết lập chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền. C. Thiết lập chế độ quân chủ chuyên chế quan liêu. D. Chế độ quân chủ lập hiến đạt đến đỉnh cao. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.2 trang 109 SGK Lịch sử 10 - Dựa vào hình 18.7. Sơ đồ bộ máy nhà nước thời Lê sơ. Lời giải chi tiết: Những thay đổi trong tổ chức bộ máy nhà nước thời Lê sơ thể hiện chế độ quân chủ tập quyền đạt đến đỉnh cao (loại bỏ chức vụ Tể tướng của thời Lý – Trần mà thay vào đó tăng cường quyền lực của nhà vua, tự mình cai quản thông qua Lục bộ). => Chọn đáp án A. 6. Hồ Nguyên Trừng đã chế tạo thành công A. súng trường. B. đại bác. C. súng thần cơ. D. tàu chiến. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.5 trang 113 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Hồ Nguyên Trừng đã chế tạo thành công súng thần cơ. => Chọn đáp án C. 7. Nghề thủ công truyền thống nổi bật của cư dân Đại Việt là A. làm vũ khí, đúc đồng, thuộc da. B. làm thủy tinh, đồ trang sức, vàng bạc. C. làm gốm, chế biến thực phẩm, đúc đồng. D. đúc đồng, rèn sắt, làm gốm, dệt. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.1 trang 108 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Nghề thủ công truyền thống nổi bật của cư dân Đại Việt là đúc đồng, rèn sắt, làm gốm, dệt,… với sự xuất hiện của các làng nghề truyền thống như lụa Hà Đông, gốm Chu Đậu,... => Chọn đáp án D. 8. Hai câu thơ dưới đây nói về sự thịnh vượng của nền nông nghiệp Đại Việt dưới triều đại nào? “Đời vua Thái tổ, Thái tông. Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”. A. Triều Lý. B. Triều Trần. C. Triều Hồ. D. Triều Lê sơ. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.1 trang 108 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Hai câu thơ dưới đây nói về sự thịnh vượng của nền nông nghiệp Đại Việt dưới triều Lê sơ (được triều đình quan tâm, chăm lo đời sống nông dân). => Chọn đáp án D. 9. Đê “quai vạc” được hình thành bắt đầu từ triều đại nào trong nền văn minh Đại Việt? A. Triều Lý. B. Triều Trần. C. Triều Hồ. D. Triều Lê sơ. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.1 trang 108 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Đê “quai vạc” được hình thành bắt đầu từ nhà Trần. => Chọn đáp án B. 10. Các vua thời Tiền Lê, Lý hằng năm tổ chức “lễ Tịch điền” nhằm mục đích gì? A. khuyến khích sản xuất nông nghiệp. B. khuyến khích khai khẩn đất hoang. C. khuyến khích bảo vệ, tôn tại đê điều. D. khuyến khích sản xuất nông, lâm nghiệp. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.1 trang 108 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Các vua thời Tiền Lê, Lý hằng năm tổ chức “lễ Tịch điền” nhằm mục đích khuyến khích sản xuất nông nghiệp. => Chọn đáp án A. 11. Các quan xưởng được thành lập nhằm mục đích gì? A. Đúc tiền, vũ khí, đóng thuyền chiến, may mũ áo cho vua quan. B. Đúc tiền, làm gốm sứ, đóng thuyền chiến, may mũ áo cho vua quan. C. Đúc tiền, vũ khí, làm tơ lụa, đồng hồ, may mũ áo cho vua quan. D. Đúc tiền, vũ khí, đóng thuyền chiến, làm tranh sơn mài để xuất khẩu. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.1 trang 108 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Các quan xưởng được thành lập nhằm mục đích để đúc tiền, vũ khí, đóng thuyền chiến, may mũ áo cho vua quan. => Chọn đáp án A. 12. Nguyên nhân nào là quan trọng nhất dẫn đến sự phát triển thủ công nghiệp Đại Việt trong các thế kỉ X – XV? A. Đất nước độc lập, thống nhất và sự phát triển của nông nghiệp. B. Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển các làng nghề. C. Nhân dân có nhu cầu tiếp thu thêm các nghề mới từ bên ngoài. D. Nhu cầu sử dụng các mặt hàng thủ công trong nước tăng nhanh. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.1 trang 108 SGK Lịch sử 10 - Phân tích, lập luận để tìm ra nguyên nhân quan trọng nhất. Lời giải chi tiết: - Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự phát triển thủ công nghiệp Đại Việt trong các thế kỉ X – XV là đất nước độc lập, thống nhất và sự phát triển của nông nghiệp. - Lí do: Phải có độc lập thì mới tự do sản xuất và có sự phát triển của các ngành nông nghiệp tạo điều kiện để thủ công nghiệp phát triển. => Chọn đáp án A. 13. Dựa trên cơ sở chữ Hán, cư dân Đại Việt đã sáng tạo ra loại chữ viết nào? A. Chữ Quốc ngữ. B. Chữ Hán Việt. C. Chữ Latinh. D. Chữ Nôm. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.4 trang 112 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Dựa trên cơ sở chữ Hán, cư dân Đại Việt đã sáng tạo ra loại chữ Nôm để ghi tiếng nói dân tộc. => Chọn đáp án D. 14. Chùa Một Cột là công trình kiến trúc được xây dựng mô phỏng theo hình dáng A. bông hoa sen. B. bông hoa cúc. C. chiếc lá bồ đề. D. bông hoa đại. Phương pháp giải: - Tìm kiếm trên nguồn Internet cụm từ khóa “hình dáng chùa Một Cột”. Lời giải chi tiết: Chùa Một Cột là công trình kiến trúc được xây dựng mô phỏng theo hình dáng bông hoa sen. => Chọn đáp án A. 15. Vì sao Nho giáo sớm trở thành hệ tư tưởng của chế độ phong kiến ở Đại Việt? A. Được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. B. Góp phần củng cố quyền lực của giai cấp thống trị. C. Chung sống hòa bình với các tín ngưỡng dân gian. D. Nội dung dễ tiếp thu, nhân dân dễ tiếp cận. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.3 trang 110 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Lí do nho giáo sớm trở thành hệ tư tưởng của chế độ phong kiến ở Đại Việt là góp phần củng cố quyền lực của giai cấp thống trị. => Chọn đáp án B. 16. Người đã xuất gia tu tập và lập ra Thiền phái Trúc Lâm Đại Việt là ai? A. Vua Lý Thái Tổ. B. Vua Trần Thái Tông. C. Vua Trần Nhân Tông. D. Vua Lý Nhân Tông. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.3 trang 110 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Người đã xuất gia tu tập và lập ra Thiền phái Trúc Lâm Đại Việt là vua Trần Nhân Tông. => Chọn đáp án C. 17. Sự hưng khởi của các đô thị Đại Việt trong các thế kỉ XI – XVIII do yếu tố nào? A. Xuất hiện nhiều đô thị lớn như Thăng Long, Phố Hiến. B. Nhiều thương nhân châu Âu, Nhật Bản đến buôn bán. C. Các chợ làng, chợ huyện, chợ phủ mọc lên khắp nơi. D. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hóa. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.1 trang 108 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Sự hưng khởi của các đô thị Đại Việt trong các thế kỉ XI – XVIII do yếu tố sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hóa => thúc đẩy buôn bán phát triển. => Chọn đáp án D. 18. Em hãy cho biết câu ca dao dưới đây nói lên điều gì “Đình Bảng bán ấm, bán khay Phù Lưu họp chợ mỗi ngày một đông”. A. Sự phát triển của thủ công nghiệp. B. Sự xuất hiện nhiều nghề thủ công mới. C. Sự phát triển của ngành nông nghiệp. D. Sự phát triển của buôn bán nội địa. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.1 trang 108 SGK Lịch sử 10 Lời giải chi tiết: Hai câu ca dao dưới đây nói lên sự phát triển của buôn bán nội địa với sự xuất hiện của nhiều chợ họp mỗi ngày ở Phù Lưu, Đình Bảng. => Chọn đáp án D. 19. Việc chữ Nôm trở thành chữ viết chính thống thay thế chữ Hán thời Tây Sơn thể hiện điều gì? A. Sự suy thoái của Nho giáo. B. Ý thức tự tôn dân tộc. C. Tính ưu việt của ngôn ngữ. D. Tinh thần sáng tạo của dân tộc. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.4 trang 112 SGK Lịch sử 10 - Lập luận để lí giải việc sử dụng chữ Nôm. Lời giải chi tiết: Việc chữ Nôm trở thành chữ viết chính thống thay thế chữ Hán thời Tây Sơn thể hiện ý thức tự tôn dân tộc mặc dù chịu ảnh hưởng của chữ Hán nhưng vẫn tạo ra nét riêng biệt của mình. => Chọn đáp án B. 20. Từ chính sách giáo dục Nho học của Đại Việt có thể rút ra được bài học kinh nghiệm gì cho nền giáo dục Việt Nam hiện nay? A. Phát triển giáo dục khoa học xã hội. B. Phát triển giáo dục khoa học tự nhiên. C. Phải duy trì nền giáo dục khoa học. D. Xây dựng nền giáo dục toàn diện. Phương pháp giải: - Dựa vào mục II.4 trang 111 SGK Lịch sử 10 - Rút bài học từ thực đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay Lời giải chi tiết: Từ chính sách giáo dục Nho học của Đại Việt, bài học kinh nghiệm cho nền giáo dục Việt Nam hiện nay là xây dựng nền giáo dục toàn diện (không chỉ chuyên môn mà còn là yếu tố con người). => Chọn đáp án D.
|