Tổng hợp 5 đề kiểm tra học kì 1 Văn 8 Chân trời sáng tạo có đáp án

Tổng hợp 5 đề kiểm tra học kì 1 Văn 8 Chân trời sáng tạo có đáp án

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề 1

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

    Đọc văn bản:

Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Tiếng ếch râm ran bờ ruộng
Con nằm nghe giữa mưa đêm

Quê hương là bàn tay mẹ
Dịu dàng hái lá mồng tơi
Bát canh ngọt ngào tỏa khói
Sau chiều tan học mưa rơi

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người đều có
Vừa khi mở mắt chào đời
Quê hương là dòng sữa mẹ
Thơm thơm giọt xuống bên nôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.

                (Trích “Bài học đầu cho con” - Đỗ Trung Quân)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

A.Thể thơ 5 chữ

B.Thể thơ 6 chữ

C. Thể thơ lục bát

D. Thể thơ tự do

Câu 2. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì?

A. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

B. Phong cách ngôn ngữ chính luận.

C. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

D. Phong cách ngôn ngữ báo chí.

Câu 3. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là:

A. Nghị luận.

B. Tự sự.

C. Miêu tả.

D. Biểu cảm.

Câu 4. Biện pháp tu từ chính được sử dụng trong văn bản trên là:

A. Nhân hóa

B. Điệp cú pháp

C. Hoán dụ

D. Ẩn dụ

Câu 5. Quê hương được tác giả miêu tả qua những hình ảnh như thế nào?

A. Thơ mộng, trữ tình

B. Bình dị, gần gũi

C. Khắc nghiệt, dữ dội

D. Tráng lệ, kì vĩ

Câu 6: Câu thơ “Quê hương là con diều biếc” gợi về:

A.Tình cảm gia đình

B. Kí ức tuổi thơ

C. Tình yêu đôi lứa

D. Nỗi nhớ quê hương

Câu 7: Hình ảnh bàn tay mẹ trong câu thơ “Quê hương là bàn tay mẹ”  được hiểu là:

A. Sự tần tảo chăm sóc của mẹ

B. Sự vất vả của mẹ

C. Sự khéo léo của mẹ

D. Sự ấm áp của mẹ

Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

Câu 8.  Nêu tác dụng của phép lặp kết cấu cú pháp được sử dụng trong đoạn thơ sau:

Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Câu 9. Thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm qua đoạn thơ sau là gì?

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

Câu 10. Trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của quê hương trong sự hình thành nhân cách mỗi người.

II. VIẾT (4 điểm)

    Từ nội dung phần đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một bài văn nghị luận xã hội bàn về tình yêu quê hương, đất nước ngày nay.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm

Đề 2

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

HỘI GIÓNG Ở ĐỀN PHÙ ĐỔNG VÀ ĐỀN SÓC

 

(1) Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra một cách kỳ lạ ở làng Phù Đổng. Khôi ngô, tuấn tú nhưng lên 3 mà vẫn chưa biết nói, biết cười, suốt ngày cậu chỉ nằm trong thúng treo trên gióng tre, vì thế được đặt tên là Gióng. Vậy mà khi nghe thấy lời kêu gọi của nhà Vua tìm người tài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, rồi xung phong ra trận cứu nước, cứu dân. Sau khi dẹp tan quân giặc, ngài về núi Sóc rồi cưỡi ngựa bay lên trời.

(2) Từ đó, ngài Gióng được thiêng hóa thành một vị Thánh bất tử bảo hộ mùa màng, hòa bình cho đất nước, thịnh vượng cho muôn dân. Để tưởng nhớ công ơn của ngài, người dân lập đền, thờ phụng và mở hội hằng năm với tên gọi là Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc. Đó là một trong những lễ hội lớn nhất vùng châu thổ Bắc Bộ, tổ chức theo một nghi thức được quy định chặt chẽ, chuẩn bị hết sức công phu, với sự tham gia đông đảo của dân làng quanh khu vực hai đền. Hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm - nơi sinh Thánh Gióng diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4 Âm lịch, và Hội Gióng ở đền Sóc ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (nay thuộc Hà Nội) - nơi Thánh hóa diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng giêng.

(3) Để tổ chức Hội Gióng ở đền Phù Đổng, những gia đình có vinh dự được chọn người đóng những vai quan trọng như các vai Ông Hiệu (Hiệu cờ, Hiệu trống, Hiệu chiêng, Hiệu Trung quân, Hiệu Tiểu cổ), vai cô Tướng hay các phường Áo đen, phường Áo đỏ ..., tùy theo vai vế, khả năng kinh tế mà chuẩn bị những điều kiện vật chất và người được chọn vai sinh hoạt kiêng cữ từ hàng tháng trước ngày Lễ hội. Vào chính hội, trước tiên dân làng tổ chức các nghi thức tế Thánh, sau đó là lễ rước nước lau rửa tự khí từ giếng đền Mẫu (đền Hạ) với ý nguyện được mưa thuận, gió hòa, lễ rước cờ “lệnh” từ đền Mẫu lên đền Thượng, tiếp đến là lễ khám đường, lễ duyệt tướng… Ngày chính hội mùng 9 tháng 4, Hội Gióng diễn ra trang trọng, linh thiêng và náo nhiệt nhất là hai trận đánh. Trận thứ nhất: đánh cờ ở Đống Đàm và trận thứ hai: đánh cờ ở Soi Bia… Sau nghi lễ tế Thánh, ông Hiệu cờ lần lượt tiến vào từng chiếc chiếu, nhảy qua các quả đồi (bát úp) và thực hiện các động tác “đánh cờ”. Tiếng hò reo lúc lúc lại dội lên trong tiếng chiêng, tiếng trống, thể hiện sự quyết liệt của trận đánh. Điệu múa cờ của ông Hiệu phải thật chính xác, khéo léo để tránh điều tối kỵ là lá cờ bị cuốn vào cán, bởi theo niềm tin của cư dân nơi đây thì đó là điềm rủi. Kết thúc mỗi màn múa cờ là kết thúc một trận đánh, ông Hiệu cờ vừa bước ra khỏi chiếu là chiếc chiếu được tung lên, dân chúng ào vào cướp lấy những mảnh chiếu mà họ tin tưởng là sẽ đem đến cho gia đình họ điều may mắn trong suốt cả năm. Cuối cùng là lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất và lễ khao quân trong rộn rã tiếng cười, lời ca, điệu múa của phường Ải Lao, chiếu chèo và các trò chơi dân gian. Tướng, quân bên giặc cũng được tha bổng và cho tham dự lễ mừng chiến thắng. Cách hành xử này thể hiện truyền thống hiếu nghĩa đối với tổ tiên, những vị anh hùng dân tộc và tinh thần khoan dung, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

(4) Hội Gióng ở đền Sóc diễn ra trong 03 ngày từ mùng 6 đến mùng 8 tháng giêng hằng năm. Việc chuẩn bị vật tế lễ cũng hết sức công phu, nhất là việc đan voi (theo truyền thuyết thì đoàn quân tham gia đánh giặc cùng Thánh Gióng có cả đàn voi chở lương thực đi theo) và làm giò hoa tre (tượng trưng cho gậy tre của Thánh Gióng sau khi đánh giặc), nên phải tiến hành từ nhiều tuần lễ trước Lễ hội. Từ xa xưa, việc rước đã được phân công cụ thể cho từng thôn chuyên trách… Sau phần nghi thức tắm tượng Thánh Gióng và cung tiến lễ vật trang trọng, linh thiêng, là hai hoạt động gây náo động nhất của Lễ hội Gióng ở đền Sóc. Đó là tục “cướp hoa tre” cầu may và tục chém “tướng” (giặc) được diễn xướng một cách tượng trưng bằng hiệu lệnh múa cờ.

(5) Là một hội trận được trình diễn bằng một hệ thống biểu tượng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được cộng đồng bảo tồn nguyên giá trị cho tới ngày nay, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 11 năm 2010.

(Theo https://dsvh.gov.vn/hoi-giong-o-den-phu-dong-va-den-soc-486)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên là gì?

A. Tự sự                                           

B. Miêu tả                               

C. Thuyết minh

D. Biểu cảm

Câu 2. Theo văn bản, hằng năm có mấy Hội Gióng được tổ chức?

A. 1                                        

B. 2  

C. 3

D. 4

Câu 3. Ngày chính hội của Hội Gióng ở đền Phù Đổng là bao giờ?

A. Ngày 7 tháng 4                   

B. Ngày 6 tháng giêng    

C. Ngày 9 tháng 4

D. Ngày 8 tháng giêng

Câu 4. Hoạt động nào tại Hội Gióng đền Phù Đổng thể hiện tinh thần khoan dung, nhân đạo của dân tộc Việt Nam?

A. Nghi lễ tế Thánh                          

B. Hai trận “đánh cờ”

C. Tục “cướp chiếu”

D. Lễ rước cờ và lễ khao quân

Câu 5. Sự kết hợp giữa thuyết minh với miêu tả trong văn bản trên đã đem đến hiệu quả gì?

A. Thông tin được đề cập cụ thể, sinh động và dễ hình dung hơn.

B. Nội dung đề cập giàu tính thẩm mĩ và tính hư cấu hơn.

C. Văn bản có đầy đủ đặc điểm của phong cách ngôn ngữ báo chí.

D. Văn bản thể hiện rõ bản sắc dân tộc qua một lễ hội truyền thống.

Câu 6. Tại sao việc chuẩn bị vật tế lễ ở Hội Gióng đền Sóc phải tiến hành từ nhiều tuần lễ trước Lễ hội?

A. Vì vật tế lễ trong lễ hội rất nhiều.

B. Vì vật tế lễ phải chuẩn bị hết sức công phu, nhất là việc đan voi và làm giò hoa tre.

C. Vì lễ hội diễn ra trong thời gian dài với nhiều hoạt động.

D. Vì lễ hội rất đông người tham dự.

Câu 7. Thông tin nào không đúng về Hội Gióng?

A. Hội Gióng để tưởng nhớ Thánh Gióng – vị Thánh bảo hộ mùa màng, hòa bình.

B. Hội Gióng được tổ chức ở làng Phù Đổng vì đây là nơi Thánh hóa.

C. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đều được tổ chức rất trang trọng, linh thiêng.

D. Hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Trả lời câu hỏi / Thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Mục đích của đoạn (1) trong văn bản trên là gì?

Câu 9. Theo bạn, lễ hội đền Gióng thể hiện truyền thống gì của dân tộc?

Câu 10. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, việc duy trì những lễ hội như Hội Gióng có còn ý nghĩa không? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn bằng một đoạn văn khoảng 5-7 câu.

II. VIẾT (4 điểm)

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở một bộ phận học sinh hiện nay.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm

Đề 3

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản:

Lưu bút hồng

(Nguyễn Như Mây)

 

Tóc con gái đợi ngày hè đến
Nghiêng nửa vai để thấy môi hồng
Rủ nhau ngồi trắng hết bờ sông
Và chép tặng những lời hoa cỏ.

Ai cũng hái theo cành phượng đỏ
Để hoá trang nhân vật của mình
Chín mười năm ngồi ghế học sinh
Giờ lưu bút, viết sao cho hết!

Nước mắt ai để dành trang viết
Chờ thả dòng mực tím bâng khuâng
Nắng chiều hè rưng rức bên sông
Quên nhuộm tím áo dài bè bạn

Chưa bao giờ bọn mình hò hẹn
Để rồi cùng đưa mắt nhìn nhau!
Ai viết xong trước, hãy chiêm bao
Cho lưu bút lắng hồn mực tím.

Ai còn cầm viết và bịn rịn
Xin trao mình một nửa môi cười
Còn nửa kia... mai mốt xa xôi
Đành gói nửa vầng trăng thương nhớ...

                    (Nguồn: thivien.net)

 

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

A. Sáu chữ                

B. Bảy chữ               

C. Lục bát       

D. Tự do

Câu 2. Bài thơ có cách ngắt nhịp chủ yếu là:

A. Ngắt nhịp 3/3 hoặc 4/3.                     

B. Ngắt nhịp 2/2/3 hoặc 3/2/2

C. Ngắt nhịp 2/5 hoặc 5/2                       

D. Ngắt nhịp 1/3/2 hoặc 1/2/3

Câu 3. Nội dung chính của bài thơ là:

A. Cảm xúc lưu luyến, bịn rịn của tác giả về những dòng lưu bút khi xưa

B. Cảm xúc lưu luyến, bịn rịn của tác giả khi viết những dòng lưu bút trong giờ phút chia tay

C. Cảm xúc lưu luyến, bịn r!ịn của nhân vật trữ tình khi chia tay nửa kia...mai mốt xa xôi

D. Cảm xúc lưu luyến, bịn rịn của tác giả khi mùa hè đến, hoa phượng nở

Câu 4. Em hiểu như thế nào về từ “lưu bút” trong bài thơ?

A. Những chiếc bút được lưu lại trong quãng đời ngồi trên ghế học sinh

B. Những tâm sự, nỗi niềm hàng ngày của mình được viết vào trong một cuốn sổ

C. Những lời chúc mừng được viết cho bạn bè trong ngày chia tay

D. Những lời kỉ niệm, tâm sự hoặc chúc mừng được viết để lại khi chia tay

Câu 5. Trong bài thơ, tác giả nhắc đến “cành phượng đỏ” gắn với điều gì?

A. Học sinh thường dùng hoa phượng ép khô vào trang lưu bút

B. Mỗi khi học sinh viết lưu bút thường ngắm hoa phượng đỏ

C. Học sinh hái cành phượng đỏ để hóa trang nhân vật của mình

D. Hoa phượng đỏ báo hiệu mùa hè đến gợi mùa chia tay của các cô, cậu học sinh

Câu 6. Ý nào nói đúng nhất về cách hiểu của từ “hồng” trong nhan đề “lưu bút hồng” của bài thơ?

A. Cuốn sổ lưu bút có màu hồng.

B. Cuốn số viết toàn những điều tốt đẹp về cuộc sống (cuộc sống màu hồng)

C. Cuốn sổ viết ở quãng thời gian tuổi hồng (tuổi trẻ)

D. Cuốn sổ khiến con người yêu đời hơn, thấy cuộc sống màu hồng hơn

Câu 7. Dấu “...” trong các câu thơ sau có tác dụng gì:

Còn nửa kia... mai mốt xa xôi
Đành gói nửa vầng trăng thương nhớ...

A. Biểu đạt ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết

B. Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng

C. Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt

D. Mô phỏng âm thanh kéo dài, ngắt quãng

Câu 8. Hai câu thơ sau sử dụng biện pháp tu từ gì?

   Nắng chiều hè rưng rức bên sông
Quên nhuộm tím áo dài bè bạn

A. So sánh             

B. Ẩn dụ                   

C. Nói quá                

D. Nhân hóa

Trả lời câu hỏi/Thực hiện yêu cầu:

Câu 9.  Nhận xét về cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Những từ ngữ, hình ảnh nào trong bài thơ thể hiện điều đó?

Câu 10. Tưởng tượng em đang là học sinh cuối cấp và sắp chia tay bạn thân của mình, em sẽ viết những dòng lưu bút để kỉ niệm bạn ấy trước lúc chia tay. Hãy chia sẻ những dòng lưu bút ấy bằng một đoạn văn từ 7 – 10 dòng.

Phần II. Viết (4,0 điểm)

  Viết đoạn văn khoảng 18 – 20 dòng ghi lại cảm xúc của em về tình cảm gia đình trong bài thơ Nói với con của Y Phương:

Nói với con

(Y Phương)

 

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình1 yêu lắm con ơi
Đan lờ2 cài nan hoa
Vách nhà 
ken3 câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung4 không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.

(Thơ Việt Nam 1945-1985, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1985)

*Chú thích:

[1] Người đồng mình: người vùng mình, người miền mình. Đây có thể hiểu cụ thể là những người cùng sống trên một miền đất, cùng quê hương, cùng một dân tộc.
[2] Lờ: một loại dụng cụ dùng để đặt bắt cá, được đan bằng những nan tre vót tròn.
[3] Ken: làm cho thật kín bằng cách đệm thêm vào những chỗ hở. Người miền núi thường dùng nhiều tấm ván gỗ dựng chắc sát nhau thành vách nhà. Ken ở đây là động từ, được hiểu như đan cài, kết.
[4] Thung (thung lũng): dải đất trũng và kéo dài nằm giữa hai sườn đồi, núi.

 

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đề 4

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản:

VÌ SAO CÓ MƯA ĐÁ, CÁCH PHÒNG TRÁNH THẾ NÀO?

     Mưa đá là một trong những hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm nhất trên Trái Đất. Tại sao lại có mưa đá và có cách nào phòng tránh mưa đá không?

     Mưa đá là gì?

     Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Kích thước có thể từ 5 mm đến hàng chục cm, thường cỡ khoảng một vài cm, có dạng hình cầu không cân đối. Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào. 

     Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn. Vì vậy ở Việt Nam mưa đá có thể xảy ra ở khắp các vùng miền và cả trong mùa hè. Riêng ở vùng núi phía bắc Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm thường có mưa đá, nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 5.

     Tại sao có mưa đá?

     Các chuyên gia khí tượng cho biết, mưa đá xảy ra do sự bất ổn định trong không khí giữa luồng khí hậu lạnh và nóng gặp nhau. Khi các đám mây gần mặt đất được các luồng không khí bốc lên cao thì phần trên của mây thường ở nhiệt độ dưới -20 độ C, khiến cho rất nhiều hơi nước trong mây biến thành những hạt băng nhỏ. 

     Nhưng tầng mây ở dưới thấp hơn, do nhiều nguyên nhân không thể ngưng kết thành băng, lại biến thành các giọt nước có độ lạnh dưới 0 độ C. Các luồng không khí không ngừng bốc lên cao sẽ đưa một khối lượng lớn các giọt nước lạnh này lên tầng trên của đám mây. 

                                   

     Ngay sau đó, chúng đông kết với các hạt băng đang tồn tại ở tầng trên, làm cho thể tích của các hạt băng càng ngày càng lớn hơn, khi trọng lượng tăng đến mức độ nhất định nào đó chúng sẽ rơi xuống.

     Khi rơi xuống tầng mây thấp, mặt ngoài của băng lại được bao bọc thêm một lớp màng nước, đồng thời lại bị các luồng nước khi mạnh, khi yếu đang không ngừng bốc lên cao tác động vào. Càng bị các luồng khí tác động lâu thì lớp "áo nước" của băng thể càng va chạm liên tục, dẫn đến dính chặt lẫn nhau, khiến thể tích của băng thể càng lớn hơn. Đến lúc này, các luồng khí không còn có thể "tung hứng" các băng thể được nữa, đành để chúng rơi xuống mặt đất, gây ra những trận mưa đá. Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5 -10 phút và cũng có thể kéo dài từ 20 - 30 phút.

[...]

     Cách phòng tránh tác hại của mưa đá

     Việc dự báo mưa đá và khu vực chính xác sẽ có mưa đá là rất khó. Người dân ở các khu vực hay có mưa đá cần thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết để sớm biết có khả năng xảy ra mưa đá và luôn chuẩn bị sẵn các phương án trú, tránh an toàn cho người, vật nuôi và hạn chế tác hại của mưa đá đối với các vật dụng, đồ dùng, máy móc,… nếu nó xảy ra.

                                     

     Với cây trồng hoặc hoa màu dễ bị nát dập, bạn có thể dựng giàn che dọc theo luống, và nên làm giàn dạng mái hình tam giác sẽ giúp giảm tác động của hạt mưa đá khi va chạm, đá sẽ rơi xuống hai bên luống cây mà không đâm thủng giàn che, chú ý dựng cọc chống phải chắc chắn.

     Với mái nhà, cần thường xuyên kiểm tra tình trạng của mái nhà và gia cố lại mái. Ở những chỗ trọng yếu nên sử dụng các vật liệu có thể chống chịu với va đập. Hiện trên thị trường có loại vật liệu là tấm Polycarbonate rất bền, có khả năng chịu va đập cao, cách âm, kháng cháy và bền trong nhiều năm trong điều kiện môi trường và thời tiết khắc nghiệt, không bị vỡ, trọng lượng nhẹ và kháng tia tử ngoại (tia UV) tốt. Tấm Polycarbonate dày hoặc đa lớp thậm chí có thể được dùng làm cửa sổ chống đạn. Có thể trang bị vật liệu này ở các phần mái lấy sáng, mái che, mái hiên, mái nhà kính, giếng trời, mái nhà xe... để tránh bị vỡ khi có mưa đá.

     Làm mái nhà dốc xuống hai bên, cách dựng mái nhà này sẽ làm giảm lực tác động từ mưa đá. Mưa đá va vào mái nhà ở một góc độ 90 độ sẽ gây ra thiệt hại nhiều hơn mưa đá rơi xuống mái nhà theo một góc lệch.

     Nếu đang đi ngoài đường mà gặp mưa đá, bạn nên lập tức dừng lại tìm chỗ ẩn, đội mũ bảo hiểm để tránh đá rơi vào đầu, chờ đá trên đường tan hết mới tiếp tục đi để tránh trơn ngã.

 (Theo 1001 thắc mắc: Vì sao có mưa đá? Cách phòng tránh thế nào?, https://www.tienphong.vn/, ngày 24/03/2020, Châu Anh tổng hợp)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên:

A. Thuyết minh                                   

B. Tự sự

C. Miêu tả                                             

D. Nghị luận                                     

Câu 2. Mục đích chính của văn bản trên là gì?

A. Giới thiệu mưa đá là một trong những hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm nhất trên Trái Đất

B. Giải thích một số vấn đề liên quan đến hiện tượng mưa đá để cung cấp những thông tin sau: khái niệm mưa đá, nguyên nhân và cách phòng tránh tác hại của mưa đá

C. Giới thiệu để người dân nhận biết hiện tượng mưa đá và phòng tránh nó

D. Cung cấp cho người đọc những thông tin khoa học, thú vị

Câu 3. Câu văn nào sau đây nêu lên vấn đề chính được giải thích trong văn bản

A. Mưa đá là một trong những hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm nhất trên Trái Đất

B. Tại sao lại có mưa đá và có cách nào phòng tránh mưa đá không?

C. Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn

D. Việc dự báo mưa đá và khu vực chính xác sẽ có mưa đá là rất khó

Câu 4. Câu văn nào giải thích khái quát về nguyên nhân tạo ra mưa đá:

A. Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra

B. Các chuyên gia khí tượng cho biết, mưa đá xảy ra do sự bất ổn định trong không khí giữa luồng khí hậu lạnh và nóng gặp nhau

C. Việc dự báo mưa đá và khu vực chính xác sẽ có mưa đá là rất khó.

D. Mưa đá va vào mái nhà ở một góc độ 90 độ sẽ gây ra thiệt hại nhiều hơn mưa đá rơi xuống mái nhà theo một góc lệch.

Câu 5. Đoạn văn: “Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau [..] thường rơi xuống cùng với mưa rào.” trong văn bản trên được trình bày theo cách nào?

A. Diễn dịch                                                  B. Quy nạp

C. Song song                                                  D. Phối hợp

Câu 6. Ý nào nói đúng nhất về thông tin cơ bản của văn bản:

A. Giải thích hiện tượng mưa đá, nguyên nhân và tác hại của mưa đá

B. Giới thiệu về hiện tượng mưa đá và cách phòng tránh tác hại của mưa đá

C. Giải thích hiện tượng mưa đá, nguyên nhân có mưa đá và cách phòng tránh tác hại của mưa đá

D. Giải thích hiện tượng mưa đá, nguyên nhân, tác hại và cách phòng tránh  tác hại của mưa đá

Câu 7. Văn bản đã sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ nào:

A. Sơ đồ chỉ dẫn                                B. Kí hiệu

C. Biểu đồ                                          D. Hình ảnh minh họa

Câu 8. Việc sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ trong VB trên có tác dụng:

A. Biểu đạt mối quan hệ giữa các thông tin.

B. Giúp trình bày thông tin một cách hệ thống.

C. Cung cấp những thông tin cụ thể, chính xác.

D. Làm tăng tính hấp dẫn và trực quan của thông tin.

Trả lời câu hỏi/Thực hiện yêu cầu:

Câu 9. Theo em, thông tin mà văn bản cung cấp có ý nghĩa như thế nào với độc giả?

Câu 10. Không chỉ mưa đá mà các hiện tượng thời tiết cực đoan khác đều có tác động tiêu cực tới tính mạng, sức khỏe và tài sản con người. Bằng những hiểu biết của bản thân, em hãy đưa ra một số biện pháp để hạn chế các hiện tượng thời tiết cực đoan này.

Phần II. Viết (6,0 điểm)  

      Em hãy viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên có tác động lớn đến đời sống con người.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đề 5

 

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản:

BÁC ƠI

    Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!

 

    Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

 

    Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!

 

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay...

 

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Năm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

 

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau...

 

Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già.

 

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa.

 

Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non, trái chín cành
Vui tiếng ca chung hoà bốn biển
Nâng niu tất cả, chỉ quên mình.

 

Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

             ( Tố Hữu, Ra trận, NXB Văn học, 1972)

 

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

A. Thơ lục bát

B. Thơ tự do

C. Thơ 7 chữ

D. Thơ 8 chữ

Câu 2. Em hiểu sắc thái tình cảm của người nói thể hiện qua từ “đi” trong câu thơ “Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!” là gì?

A. Giảm bớt cảm giác đau buồn, mất mát, giúp câu thơ trở nên nhẹ nhàng hơn.

B. Sắc thái lịch sự, nhã nhặn

C. Thân mật, gần gũi

D. Lễ phép, kính trọng

Câu 3. Cảm xúc bao trùm toàn bài thơ “Bác ơi” là:

A. Biết ơn, ngợi ca công lao của Bác với đất nước nhân dân.

B. Sự ngậm ngùi, tiếc thương của tác giả trước giờ phút tiễn đưa Bác.

C. Tự hào của nhà thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

D. Sự ngậm ngùi, tiếc thương của tác giả khi về thăm lại nhà Bác.

Câu 4. Tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ trong hai câu thơ sau là gì?

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...”

A. Thể hiện nỗi buồn đau của dân tộc trước sự ra đi của Bác

B. Thể hiện nỗi buồn đau của nhà thơ trước sự ra đi của Bác

C. Diễn tả khung cảnh bi thương và sự đau xót của toàn dân tộc trước sự ra đi của Bác

D. Miêu tả khung cảnh thiên nhiên ngày đưa tiễn Bác.

Câu 5. Câu thơ “Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!” thể hiện cảm xúc gì của tác giả?

A. Cảm xúc nhớ thương, đau xót khi Bác ra đi.

B. Đau xót, chưa muốn tin vào sự thật Bác ra đi.

C. Tiếng gọi Bác từ sự đau xót, tiếc thương khi Bác ra đi.

D. Tất cả các ý trên.

Câu 6. Câu thơ nào Tố Hữu ca ngợi lòng yêu nước thương dân, tình nhân ái bao la của chủ tịch Hồ Chí Minh?

A. “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

     Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”

B. “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
     Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...”

C. “Bác nghe từng bước trên tiền tuyến

     Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa”

D. “Bác sống như trời đất của ta

    Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa” 

Câu 7. Đáp án nào dưới đây không phải giá trị nghệ thuật của bài thơ “Bác ơi!”?

A. Bài thơ có kết cấu ba phần rõ ràng.

B. Giọng điệu trữ tình đặc trưng, ngọt ngào, thiết tha của tình thương mến.

C. Nghệ thuật biểu hiện của bài thơ đậm đà bản sắc dân tộc.

D. Kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố thơ và nhạc về cấu tứ; sức gợi mở đa dạng, phong phú về hình ảnh và sự mởi mẻ về ngôn từ.

Câu 8. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

A. Biểu cảm

B. Tự sự

C. Miêu tả

D. Nghị luận

Trả lời câu hỏi/Thực hiện các yêu cầu:

Câu 9. Em hiểu câu thơ “Bác sống như trời đất của ta” như thế nào?

Câu 10.Từ bài thơ trên, em rút ra bài học gì về cách biểu đạt cảm xúc khi tập làm thơ sáu chữ, bảy chữ?

PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

         Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ sáu chữ hoặc bảy chữ mà em yêu thích.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close