Lý thuyết Bài 23: Nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Chân trời sáng tạoNước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa 1. Nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: - Về kinh tế: + Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. + Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. - Về văn hóa + Hiến pháp đã hiến định mục tiêu phát triển bền vững, trong đó thể hiện rõ quan điểm; phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Như vậy, văn hóa trở thành một thành tố hữu cơ, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện, bền vữa của kinh tế. + Mục đích của chính sách văn hóa là chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát triển văn học , nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con ngườI Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân. - Về khoa học công nghệ và môi trường + Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ. Như vậy, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước được thể hiện qua việc: + Ưu tiên, đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển khoa học và công nghệ; + Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường nhằm quản lí, sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; xử lí nghiêm những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, Nhà nước và toàn xã hội có trách nhiệm bảo vệ môi trường để bảo đảm quyền của mọi người được thực hiện. - Về giáo dục + Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nhà nước phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. + Nhà nước quan tâm tới phát triển giáo dục và đào tạo, một mặt khẳng định bản chất và trách nhiệm của Nhà nước. Mặt khác, hiến định chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhằm huy động các nguồn lực khác trong xã hội để đầu tư cho giáo dục và đào tạo, từ đó tạo điều kiện cho những thay đổi mang tính đột phá trong lĩnh vực này. - Công dân phải ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc chấp hành và bảo vệ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường bằng các hành vi cụ thể, phù hợp với lứa tuổi.
|