Lý thuyết Bài 15: Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về chế độ chính trị Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh diều

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời

1. Quy định của Hiến pháp về tên nước, hình thành chính thể, chủ quyền lãnh thổ quốc gia của Việt Nam

- Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Vì vậy, mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị nhằm góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

- Hiến pháp năm 2013 cũng quy định cụ thể về Quốc kì, Quốc huy, Quốc ca và Quốc khánh, thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Quy định của Hiến pháp về bản chất của Nhà nước và tổ chức quyền lực chính trị

- Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

- Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

- Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gắn bó với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

- Tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam được thành lập trên cơ sở tự nguyện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các thành viên của tổ chức mình, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tham gia thực hiện dân chủ và giám sát, phản biện xã hội, xây dựng hệ thống chính trị. Các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

3. Quy định của Hiến pháp về đường lối đối ngoại

Về đường lối đối ngoại, Hiến pháp năm 2013 quy định:

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

4. Thực hiện nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp về chế độ chính trị

Để thực hiện nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp về chế độ chính trị, mỗi công dân cần có nhận thức đúng đắn về chế độ chính trị; nghiêm túc thực hiện các quy định liên quan của Hiến pháp, tích cực phê phán các hành vi đi ngược lại các quy định của Hiến pháp về chế độ chính trị.

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close