ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN ĐÔNG ANH
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
.................................
|
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 1
Năm học 2019 - 2020
Môn: Ngữ văn 9
Thời gian làm bài: 90 phút
(Không kể thời gian giao đề)
Ngày kiểm tra 10/12/2019
|
Phần 1 (6 điểm) Trong một bài thơ, Nguyễn Duy đã nhắc đến mối quan hệ giữa người và trăng:
“vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
Để rồi khi gặp lại trăng, nhà thơ thấy:
“trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
Câu 1 (1,0đ) Những câu thơ trên được trích từ bài thơ nào? Hãy nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ?
Câu 2 (0,5đ) Vì sao “vầng trăng” lại trở thành “người dưng qua đường”?
Câu 3 (0,5đ) Em hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ sử dụng trong hai câu thơ:
“vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
Câu 4 (3,0đ) Từ khổ thơ trên, em hãy viết một đoạn văn tổng hợp - phân tích - tổng hợp khoảng 10 đến 12 câu làm rõ những suy ngẫm của nhà thơ khi gặp lại ánh trăng. Đoạn văn em vừa viết có sử dụng câu phủ định (gạch chân dưới câu phủ định).
Phần II (4,0đ) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở bên dưới:
“Con ơi! Con ơi! Con có ý oán thầy giáo con vì người đã nóng quá. Con nghĩ lại xem đã bao nhiêu lần con gắt gỏng, mà gắt gỏng với ai? Với cha con, với mẹ con là những người đáng lẽ con phải kính nể.
Thầy giáo con đôi khi nóng nảy, không phải là không có cớ. Đã bao nhiêu năm, người khó nhọc dạy trẻ. Trừ một vài đứa có nghĩa và ở thuỷ chung với thầy, còn phần đông là những kẻ vong ân, chúng đã phụ lòng tốt của người và không nghĩ đến công lao của người. Hết thảy bọn chúng con đều gieo cho thầy những mối ưu phiền hơn là những sự như ý. Một người hiền lành nhất trên trái đất này, ở vào địa vị thầy, cũng phải đâm ra tức giận. Lắm phen, trong mình khó xử, thầy cũng phải gắng đi làm vì không đến nỗi phải nghỉ, con có biết đâu! Thầy gắt vì thầy đau, nhất là những khi thầy thấy các con biết rõ là thầy yếu lại thừa cơ nghịch ngợm thì thầy đau khổ biết dường nào!
Con ơi! Phải kính yêu thầy giáo con. Hãy yêu thầy vì cha yêu thầy và trọng thầy.
Hãy yêu thầy, vì thầy đã hy sinh đời thầy để gây hạnh phúc cho biết bao nhiêu đứa trẻ sẽ quên thầy. Hãy yêu thầy vì thầy mở mang trí tuệ và giáo hoá tâm hồn cho con. Rồi đây, con sẽ trưởng thành, thầy cùng cha sẽ không còn ở trên đời này nữa, lúc ấy con sẽ thấy hình ảnh thầy thường hiển hiện ở cạnh cha, lúc ấy con sẽ thấy nét đau đớn và lao khổ trên mặt thầy làm cho con phải cực lòng mặc dầu đã cách hàng 30 năm. Rồi con tự thẹn và con ân hận đã không yêu người và trái đạo với người.
(Trích Chương 23 “Những tấm lòng cao cả” của Ét-môn-đô-đơ A-mi-xi)
Câu 1 (0,5đ): Chỉ ra những phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2 (1,5đ): Người cha đã nêu những lí do nào để khuyên người con đừng oán giận thầy vì đôi khi thầy nóng nảy?
Câu 3 (2,0đ): Từ đoạn trích trên, em hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy trình bày suy nghĩ về những cơ sở làm nên tình thầy trò.
.....................Hết........................
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM
PHẦN I
|
Câu 1:
*Phương pháp: Đọc, hiểu
*Cách giải:
- Những câu thơ trên được trích từ bài thơ “Ánh trăng”.
- Hoàn cảnh sáng tác: bài thơ ra đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, 1978 (Ba năm sau ngày giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước).
Câu 2:
*Phương pháp: Đọc, hiểu
*Cách giải:
- “Vầng trăng” trở thành “người dưng qua đường” vì sự vô tâm của con người. Con người đã vô tình lãng quên vầng trăng và coi vầng trăng như người không quen biết.
Câu 3:
*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
*Cách giải:
- Biện pháp tu từ:
+ Nhân hóa: Vầng trăng đi qua ngõ
+ So sánh: Như người dưng qua đường
=> Tác dụng: tăng giá trị biểu đạt, làm lời thơ giàu sức gợi hình, gợi cảm. Qua đó nhấn mạnh sự vô tâm của con người đối với vầng trăng.
Câu 4:
*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận
*Cách giải:
Học sinh nắm chắc kiến thức viết đoạn văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý:
- Yêu cầu hình thức:
+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập đoạn văn.
+ Đoạn văn khoảng 12 câu. Lùi đầu dòng, viết hoa chữ cái đầu tiên và không ngắt đoạn.
+ Có các phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả.
- Yêu cầu nội dung:
+ Đoạn văn xoay quanh nội dung: phân tích khổ thơ cuối, tập trung thể hiện suy ngẫm của nhà thơ khi gặp lại ánh trăng làm rõ được sự bất ngờ, ngạc nhiên, ân hận của nhân vật trữ tình. Từ đó rút ra bài học cho bản thân về sự ân nghĩa, thủy chung trong cuộc đời.
+ Viết theo lối tổng – phân – hợp: câu chủ đề đặt ở đầu đoạn và có câu tóm lại chủ đề ở cuối đoạn.
+ Sử dụng câu phủ định.
- Hướng dẫn cụ thể:
Khổ thơ đã sử dụng thành công biện pháp ẩn dụ, nhân hóa để nói về vầng trăng tình nghĩa:
- Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh” là tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung, đầy đặn, bao dung, nhân hậu.
- Hình ảnh nhân hóa “ánh trăng im phăng phắc” mang ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người.
=> Các biện pháp tu từ đã làm tăng giá trị biểu đạt, làm lời thơ giàu sức gợi hình, gợi cảm. Qua đó nhấn mạnh sự vô tâm của con người đối với vầng trăng và cho thấy sự tình nghĩa của vầng trăng trong cuộc đời.
|
PHẦN II
|
Câu 1:
*Phương pháp: đọc, hiểu
*Cách giải:
- Những phương thức biểu đạt chính: biểu cảm và nghị luận.
Câu 2:
*Phương pháp: Đọc, tìm ý
*Cách giải:
Người cha đã nêu những lí do khuyên người con đừng oán giận thầy:
- Nghề nghiệp của thầy rất vất vả, học sinh thường gieo cho thầy nhiều nỗi ưu phiền vì vậy thầy nóng nảy là chuyện dễ hiểu.
- Thầy đã hi sinh đời mình để tạo hạnh phúc cho nhiều đứa trẻ.
- Thầy đã mở mang trí tuệ và giáo hoá tâm hồn cho con.
Câu 3:
*Phương pháp: giải thích, phân tích, bình luận, tổng hợp
*Cách giải:
- Yêu cầu hình thức:
+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập đoạn văn.
+ Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Yêu cầu nội dung:
+ Vận dụng kiến thức xã hội để nghị luận về vấn đề những cơ sở làm nên tình thầy trò.
+ Vận dụng các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ để nghị luận về đoạn văn.
- Hướng dẫn cụ thể:
*Giải thích: tình thầy trò là một trong những rường mối đạo đức quan trọng của con người. => mỗi người chúng ta cần có thái độ biết ơn đối với thầy cô từng dạy dỗ mình.
*Phân tích, bàn luận vấn đề:
- Thầy cô là những người đã trực tiếp dìu dắt, truyền dạy chúng ta kiến thức và lễ nghĩa. Tương lai mỗi người có thể ở những vị trí khác nhau, có những thành công khác nhau. Và điều quan trọng là họ đều được bàn tay đào tạo của thầy cô nên mới có được tương lai sau này.
- Cơ sở hình thành tình thầy trò: + Sự biết ơn: thể hiện qua những lời nói cảm ơn và cái cái đầu chài thầy cô giáo. Sống mà biết cúi đầu biết ơn mới làm nên nhân cách con người tốt đẹp, mới thực sự là người thành công.
+ Tấm lòng thấu hiểu: nếu không đặt mình vào vị trí của thầy cô ta sẽ không hiểu được thầy cô vất vả, khổ nhọc đến thế nào. Vì vậy, thấu hiểu là yếu tố quan trọng để tạo nên mối quan hệ tốt đẹp của thầy trò - Dẫn chứng: Vị thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 20/11 vẫn về thăm lại trường cũ, vẫn kính cẩn, kính trọng các thầy cô. *Liên hệ và bài học: rút ra liên hệ bản thân và bài học cụ thể.
|
HocTot.Nam.Name.Vn