Đề thi kì 1 môn Văn lớp 9 năm 2019 - 2020 quận Đống Đa

Tải về

Giải chi tiết đề thi kì 1 môn văn lớp 9 năm 2019 - 2020 quận Nam Từ Liêm với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

QUẬN ĐỐNG ĐA

 

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I - MÔN NGỮ VĂN 9

Năm học 2019 - 2020

Ngày thi: 11 tháng 12 năm 2019

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề thi gồm 01 trang)

 

Phần I: (6.5 điểm)

      Tình bà cháu là tình cảm vô cùng gần gũi và thiêng liêng. Trong bài thơ “Bếp lửa” nhà thơ Bằng Việt đã viết:

                                    “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

                                    Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

                                    Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

                                    Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

                                    Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

                                    Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

                                    Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

                                    Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!”

(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2005)

1. Đoạn thơ trên có hai hình ảnh đã xuất hiện ở khổ đầu tiên. Đó là những hình ảnh nào? Việc lặp lại như vậy có tác dụng gì? (1.0 điểm)

2. Xét về cấu tạo, từ “lận đận” trong câu thơ trên thuộc từ loại nào? Giải thích nghĩa của từ đó. (1.0 điểm)

3. Trong chương trình Ngữ văn 9 cũng có một văn bản sử dụng cụm từ “mấy nắng mưa”. Hãy chép lại một câu thơ có chứa cụm từ này và ghi rõ tên văn bản đó. (1.0 điểm)

4. Viết một đoạn văn nghị luận theo phép lập luận diễn dịch khoảng 12 câu phân tích đoạn thơ trên để làm rõ những suy ngẫm của người cháu về bà và về bếp lửa. Trong đoạn văn có sử dụng câu ghép và lời dẫn trực tiếp (gạch chân và chú thích). (3.5 điểm)

Phần II: (3.5 điểm)

      Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

            “... Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều:

            - Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất....”

(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2005)

1. Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Của ai? (0.5 điểm)

2. Đoạn văn trên là lời của ai nói với ai? Nói trong hoàn cảnh nào? Qua tâm sự “công việc của cháu khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”, em cảm nhận được vẻ đẹp gì của nhân vật “cháu”? (1.0 điểm)

3. Từ vẻ đẹp của nhân vật “cháu” trong văn bản trên và những hiểu biết xã hội, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 2/3 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về sự cống hiến của thế hệ trẻ hiện nay. (2.0 điểm)

..........................Hết.........................

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

PHẦN I

Câu 1:

*Phương pháp: Đọc, hiểu

*Cách giải:

- Hai hình ảnh Bếp lửa và Nắng mưa.

- Hai hình ảnh song song gắn bó với nhau, đó là hình ảnh tả thực, bà là người giữ lửa, nhóm bếp, yêu thương, vừa là hình ảnh biểu tượng bà là ngọn lửa của tình yêu thương, nhưng ở đó còn sự vất vả, khó nhọc mà bà đã gánh.

Câu 2:

*Phương pháp: Đọc, tìm ý

*Cách giải:

- Lận đận - từ láy

- Nghĩa là chật vật, vất vả, gặp nhiều khó khăn, trắc trở

Câu 3:

*Phương pháp: Đọc, hiểu

*Cách giải:

- Văn bản: Truyện Kiều - Nguyễn Du

- Câu thơ:

Sân lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm

Câu 4:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

*Cách giải:

Học sinh nắm chắc kiến thức viết đoạn văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập đoạn văn.

+ Đoạn văn khoảng 12 câu. Lùi đầu dòng, viết hoa chữ cái đầu tiên và không ngắt đoạn.

+ Có các phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả.

- Yêu cầu nội dung:

+ Đoạn văn xoay quanh nội dung: phân tích đoạn thơ trên để làm rõ những suy ngẫm của người cháu về bà và về bếp lửa.

+ Viết theo lối diễn dịch: câu chủ đề đặt ở đầu đoạn.

+ Sử dụng lời dẫn trực tiếp: câu dẫn trực tiếp dẫn nguyên văn và đặt trong ngoặc kép.

+ Sử dụng câu ghép: câu ghép là câu có hai hoặc nhiều vế chủ - vị và không bao chứa nhau.

 

PHẦN II

Câu 1:

*Phương pháp: đọc, hiểu

*Cách giải:

Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long

Câu 2:

*Phương pháp: đọc, hiểu

*Cách giải:

- Anh thanh niên kể cho bác hoạ sĩ.
- Anh thanh niên thể hiện mình là người yêu công việc, gắn bó và có trách nhiệm với công việc của mình.

Câu 3: phân tích, tổng hợp, bình luận

*Phương pháp: phân tích, tổng hợp, bình luận

*Cách giải:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập đoạn văn.

+ Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Yêu cầu nội dung:

+ Vận dụng kiến thức xã hội để nghị luận về vấn đề sự cống hiến của thế hệ trẻ hiện nay.

+ Vận dụng các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ để nghị luận về đoạn văn.

- Hướng dẫn cụ thể:

*Giải thích: cống hiến là tự nguyện dânh hiến công sức của mình, đóng góp sức mình cho cộng đồng, xã hội.

*Bàn luận

- Cống hiến vô cùng quan trọng, đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, ta hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay. Thế hệ trẻ Việt Nam đã cống hiến cho đất nước và tổ quốc, trong thời chiến và thời bình.

- Ngày hôm nay ta càng cần phải cống hiến, tự nguyện, có trách nhiệm, trên nhiều lĩnh vực: thanh niên tình nguyện, trên giảng đường, trong nhà máy ...

- Bên cạnh đó có 1 bộ phận thanh niên chưa xác định được tinh thần cống hiến, còn ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình

Bài học: Cần cố gắng, cần xác định vị trí, khả năng đóng góp của mình cho xã hội, cho cộng đồng.

 

HocTot.Nam.Name.Vn

 

 

Tải về

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close