Giải chi tiết đề thi kì 1 môn văn lớp 8 năm 2020 - 2021 Trường Thực Hành Sư Phạm, Đại học Đồng NaiTải vềGiải chi tiết đề thi kì 1 môn văn lớp 8 năm 2020 - 2021 Trường Thực Hành Sư Phạm, Đại học Đồng Nai với cách giải nhanh và chú ý quan trọng Đề bài I. PHẢN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm). Đọc kĩ đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: “...Trong khói thuốc lá lại có chất ô-xít các-bon, chất này thấm vào máu, bám chặt các hồng cầu không cho chúng tiếp cận ô xi nữa. Không lạ gì sức khoẻ của người nghiện thuốc ngày càng sút kém. Thấm vào các tế bào, chất hắc ín lại thường gây ra ung thư. Ta đến bệnh viện K sẽ thấy rõ: Bác sĩ viện trưởng cho biết trên 80% ung thư vòm họng và ung thư phổi là do thuốc lá. Ta đến Viện nghiên cứu các bệnh tim mạch, bác sĩ viện trường cho biết: Chất ni-cô- tin của thuốc lá làm các động mạch co thắt lại, gây những bệnh nghiêm trọng như huyết áp cao, tắc động mạch, nhồi máu cơ tim. Có thấy một bệnh nhân bị tác động mạch chân lên những cơn đau như thế nào, rồi phải cắt dần từng ngón chân đến cả bàn chân, có thấy những người 40 – 50 tuổi đã chết đột xuất vì nhồi máu cơ tim; có thấy những khối ung thư ghê tởm mới nhận ra tác hại ghê gớm của thuốc lá.” (Trích Ngữ văn 8, tập một, NXB GD 2018) Câu 1. Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Tác giả của văn bản đó là ai? (0.5 điểm) Câu 2. Xác định thể loại của đoạn văn trên. (0.5 điểm) Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn văn. (0.5 điểm) Câu 4. Trong khói thuốc lá có chứa chất gì? Chất đó ảnh hưởng đến cơ thể con người như thế nào? (1.0 điểm) Câu 5. Vận dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh để viết lại câu sau đây mà không làm thay đổi ý nghĩa của câu: “... có thấy những người 40 – 50 tuổi đã chết đột xuất vì nhồi máu cơ tim.” (0.5 điểm) II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm). Câu 1. Từ nội dung phần Đọc – hiểu, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 7 đến 10 dòng) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề hút thuốc lá của giới trẻ hiện nay. (2.0 điểm) Câu 2. Thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam (5.0 điểm) Lời giải chi tiết I. PHẦN ĐỌC HIỂU Câu 1 *Phương pháp: Nhớ lại văn bản “Ôn dịch, thuốc lá” *Cách giải: - Văn bản: “Ôn dịch, thuốc lá” - Tác giả: Nguyễn Khắc Viện. Câu 2 *Phương pháp: Nhớ lại phần tìm hiểu chung *Cách giải: - Thể loại: văn bản nhật dụng. Câu 3 *Phương pháp: Đọc hiểu *Cách giải: - Nội dung chính: đoạn văn trên nói về tác hại đáng sợ của thuốc lá. Câu 4 *Phương pháp: Đọc hiểu *Cách giải: - Trong khói thuốc lá có chất: + Ô-xít các-bon, chất này thấm vào máu, bám chặt các hồng cầu không cho chúng tiếp cận ô xi. + Chất hắc ín lại thường gây ra ung thư. + Chất ni-cô- tin của thuốc lá làm các động mạch co thắt lại, gây những bệnh nghiêm trọng như huyết áp cao, tắc động mạch, nhồi máu cơ tim. Câu 5 *Phương pháp: Nhớ lại kiến thức bài nói giảm, nói tránh. *Cách giải: - “... có thấy những người 40 – 50 tuổi đã ra đi đột xuất vì nhồi máu cơ tim.” II. PHẦN LÀM VĂN Câu 1. *Phương pháp: Phân tích, tổng hợp. *Cách giải: Học sinh nắm chắc kiến thức viết đoạn văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý: - Yêu cầu hình thức: + Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm văn bản biểu cảm. + Đoạn văn đầy đủ các phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. - Yêu cầu nội dung: + Đoạn văn xoay quanh nội dung: suy nghĩ về vấn đề hút thuốc của giới trẻ. - Hướng dẫn cụ thể: 1. Mở đoạn Giới thiệu sơ lược về giới trẻ và nạn hút thuốc. 2. Thân đoạn - Thực trạng hút thuốc lá trong xã hội: Hút thuốc lá trở thành thói quen của giới trẻ, số lượng thuốc lá tiêu thụ mỗi ngày một cao. - Nguyên nhân hút thuốc lá: đua đòi, học theo bè bạn, người lớn. - Tác hại của việc hút thuốc lá: + Hút nhiều thuốc lá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bản thân (các loại bệnh ung thư phổi, gan, thanh quản, dạ dày,…). + Ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh do ảnh hưởng của việc hít phải khói thuốc lá (có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em,…). + Tốn kém nhiều chi phí cho việc mua thuốc lá (người nghiện thuốc lá sẽ hút thút thuốc lá với số lượng ngày càng nhiều, nhu cầu mua các loại thuốc lá mạnh có giá thành cao). - Lời khuyên: + Cá nhân mỗi người nên có ý thức giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. + Nhà trường và gia đình cần có biện pháp chặt chẽ trong việc quản lý thanh thiếu niên, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ hút thuốc lá. 3. Kết đoạn: Khái quát lại vấn đề. Câu 3. *Phương pháp: Thuyết minh. *Cách giải: Học sinh nắm chắc kiến thức viết bài văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý: - Yêu cầu hình thức: + Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm văn bản thuyết minh. + Bài văn đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. - Yêu cầu nội dung: + Bài văn xoay quanh nội dung: thuyết minh về chiếc áo dài. - Hướng dẫn cụ thể: 1. Mở bài - Chiếc áo dài là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, là quốc phục của đất nước. - Chiếc áo dài mang theo một bề dày lịch sử từ khi nó ra đời đến nay. 2. Thân bài a/ Lịch sử chiếc áo dài - Chiếc áo dài ra đời lần đầu vào thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765). Do sự di cư của hàng vạn người Minh Hương, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho ra đời chiếc áo dài để tạo nét riêng cho người Việt - Chiếc áo dài thay đổi theo từng giai đoạn và lý do khác nhau. - Chiếc áo dài ngày nay: Trải qua bao năm tháng, trước sự phát triển của xã hội chiếc áo dài ngày nay dần được thay đổi và hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và cuộc sống năng động của người phụ nữ ngày nay. b/ Cấu tạo * Các bộ phận - Cổ áo cổ điển cao khoảng 4 đến 5 cm, khoét hình chữ V trước cổ. Kiểu cổ áo này càng làm tôn lên vẻ đẹp của chiếc cổ cao ba ngấn trắng ngần thanh tú của người phụ nữ. Ngay nay, kiểu cổ áo dài được biến tấu khá đa dạng như kiểu trái tim, cổ tròn, cổ chữ U,... - Thân áo được tính từ cổ xuống phần eo. Thân áo dài được may vừa vặn, ôm sát thân của người mặc, ở phần eo được chiết lại (hai bên ở thân sau và hai bên ở thân trước) làm nổi bật chiếc eo thon của người phụ nữ. Cúc áo dài thường là cúc bấm, được cài từ cổ qua vai xuống đến phần eo. Từ eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà, vị trí xẻ tà ở hai bên hông. - Áo dài có hai tà: Tà trước và tà sau và bắt buộc dài qua gối. - Tay áo được tính từ vai, may ôm sát cánh tay, dài đến qua khỏi cổ tay. - Chiếc áo dài được mặc với quần thay cho chiếc váy đen ngày xưa. Quần áo dài được may chấm gót chân, ống quần rộng. Quần áo dài thường được may với vải mềm, rũ. Màu sắc thông dụng nhất là màu trắng. Nhưng xu thế thời trang hiện nay thì chiếc quần áo dài có màu đi tông với màu của áo. * Chất liệu vải và màu sắc của chiếc áo dài: Chọn vải để may áo dài ta nên chọn vải mềm và có độ rũ cao. Chất liệu vải để may áo dài rất đa dạng: nhung, voan, the, lụa,... màu sắc cũng rất phong phú. Chọn màu sắc để may áo dài tùy thuộc vào tuổi tác và sở thích của người mặc. c/ Công dụng: Chiếc áo dài ngày nay không chỉ là trang phục lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn văn hóa dân tộc, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam mà chiếc áo dài đã trở thành trang phục công sở như các ngành nghề: Tiếp viên hàng không, nữ giáo viên, nữ nhân viên ngân hàng, học sinh,... Ngoài ra ta có thể diện áo dài để đi dự tiệc, dạo phố vừa kín đáo, duyên dáng nhưng cũng không kém phần thời trang, thanh lịch. d/ Bảo quản: - Do chất liệu vải mềm mại nên áo dài đòi hỏi phải được bảo quản cẩn thận. Mặc xong nên giặt ngay để tránh ẩm mốc, giặt bằng tay, treo bằng móc áo, không phơi trực tiếp dưới ánh nắng để tránh gây bạc màu. Sau đó ủi với nhiệt độ vừa phải, treo vào mắc áo và cất vào tủ. Bảo quản tốt thì áo dài sẽ mặc bền, giữ được dáng áo và mình vải đẹp. - Chiếc áo dài may đẹp là đường chỉ phải sắc sảo, ôm sát, vừa vặn với người mặc. Ở Nam bộ, chiếc áo dài được cách điệu thành áo bà ba mặc với quần đen ống rộng cũng rất đẹp. Chiếc áo dài khi mặc thường được được đi kèm với chiếc nón lá đội đầu càng tôn vẻ dịu dàng nữ tính của người phụ nữ Việt Nam. 3. Kết bài: Dù hiện nay có nhiều mẫu thời trang ra đời rất đẹp và hiện đại nhưng vẫn không có mẫu trang phục nào thay thế được chiếc áo dài – trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam ta: Dịu dàng, duyên dáng nhưng cũng rất hợp mốt, hợp thời. HocTot.Nam.Name.Vn
|