Đề thi học kì 1 Văn 9 - Đề số 4Tải về Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: (1) Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải trùm áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối xanh tươi, không khí sẽ được trong lành Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Đề thi PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: (1) Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải trùm áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối xanh tươi, không khí sẽ được trong lành. Và một khi chúng ta không thể thay đổi được hiện tượng xảy ra, tốt nhất là nhìn nó bằng ánh mắt tích cực. Cái thiện có thể sẽ thua cái ác trong một thời điểm nhưng chung cuộc sẽ chiến thắng. Cứ sau một sự cố, con người lại tìm nguyên nhân và khắc phục nó. Sau lũ lụt, phù sa sẽ làm màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch. Lỗi lầm của người khác, thay vì giữ trong lòng và tức giận, thôi bỏ qua, mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. Nói một cách khác, nếu bạn được sống 100 năm, xem như là một bộ phim có 100 tập, thì hãy tạo ra ít nhất 2/3 tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chường, đau khổ, chia lìa, mất mát. (2) Trong từ Hán Việt, nguy cơ bao gồm nguy và cơ. Đối với người có tư duy tích cực, “nguy” (problem) sẽ được họ biến thành “cơ” (opportunity). Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập. (Trích Tư duy tích cực, Theo Tony Buổi sáng, trên đường băng, NXB Trẻ, 2016) Câu 1 (0.5 điểm). Nêu nội dung chính của văn bản trên. Câu 2 (0.5 điểm). Tìm trong văn bản 02 biểu hiện của người có thái độ sống tích cực, lạc quan. Câu 3 (1.0 điểm). Tìm thuật ngữ trong cụm từ in đậm ở đoạn (1) và cho biết thuật ngữ đó thuộc lĩnh vực khoa học nào. Câu 4 (1.0 điểm). Từ in đậm trong đoạn văn (2) được sử dụng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Nếu là nghĩa chuyển thì được chuyển theo phương thức nào? Câu 5 (1.0 điểm). Hãy chỉ ra và cho biết giá trị của một biện pháp tu từ được sử dụng ở đoạn (1) PHẦN VIẾT (6.0 điểm) Câu 1 (2.0 điểm) Đọc đoạn thơ sau và viết đoạn văn nêu cảm nhận em về cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính: Quê hương anh nước mặn, đồng chua Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá. Anh với tôi đôi người xa l Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau, Súng bên súng, đầu sát bên đầu, Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ. Đồng chí! (Đồng chí – Chính Hữu) Câu 2 (4.0 điểm) Em hãy viết bài văn nghị luận ngắn trình bày suy nghĩ về tinh thần tương thân tương ái của đồng bào ta, nhất là trong hoạn nạn. Đáp án PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) Câu 1.
Phương pháp: Đọc kĩ đoạn trích Lời giải chi tiết: Nội dung chính: Tác dụng của việc nhìn nhận mọi thứ theo hướng tích cực. Câu 2.
Phương pháp: Đọc, tìm ý Lời giải chi tiết: - Biểu hiện: + nụ cười thường trực trên môi, +sống, học tập và làm việc hết mình Câu 3.
Phương pháp: Căn cứ vào bài học Thuật ngữ Lời giải chi tiết: Thuật ngữ: “không khí” là thuật ngữ về môi trường thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Câu 4.
Phương pháp: Vận dụng kiến thức đã học về từ đa nghĩa Lời giải chi tiết: - Cháy hết mình: “cháy” được hiểu là con người dám dấn thân, dám đem hết nhiệt huyết để sống trọn vẹn cuộc đời và tỏa sáng. - Từ “cháy” được chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ. Câu 5.
Phương pháp: Căn cứ vào lý thuyết các biện pháp tu từ Lời giải chi tiết: - Biện pháp tu từ: liệt kê (Sau lũ lụt, phù sa sẽ làm màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch… hãy tạo ra ít nhất 2/3 tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chường, đau khổ, chia lìa, mất mát. - Tác dụng: Làm cho đoạn văn giàu giá trị biểu đạt, tăng sức gợi hình, gợi cảm. Đồng thời chỉ rõ những biểu hiện trong việc nhìn nhận sự việc tích cực và tiêu cực. PHẦN VIẾT (6.0 điểm) Câu 1.
Phương pháp: Đọc kĩ đoạn trích, chú ý các từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ đặc sắc Lời giải chi tiết: Dàn ý: 1. Mở bài - Giới thiệu chung về nhà thơ Chính Hữu và bài thơ Đồng chí. - Dẫn dắt vào 7 câu thơ đầu của bài: Cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng đội của những người lính. 2. Thân bài a. Những người lính có chung hoàn cảnh, xuất thân - “quê hương”, “làng”: Các từ cùng trường nghĩa → Những người lính đều có xuất thân từ những người nông dân nghèo. - “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”: hoàn cảnh, điều kiện sống khắc nghiệt, khó khăn → quê hương nghèo khó. => Những người lính tương đồng về cảnh ngộ, hoàn cảnh sống. b. Những người lính có chung lí tưởng cứu nước cao đẹp - Các xưng hô “anh” – “tôi” thân thiết, gần gũi. - “Súng bên súng”: Những người lính kề vai sát cánh trong chiến đấu. - “Đầu sát bên đầu”: Cùng chung lí tưởng chiến đấu cao đẹp: Ra đi, chiến đấu để bảo vệ quê hương. c. Cùng nhau trải qua những khó khăn, gian khổ trong cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu - “Đêm rét”: Thời tiết lạnh giá, khắc nghiệt. - “Chung chăn”: chia sẻ với nhau những thứ vật chất ít ỏi, thiếu thốn. - “Thành đôi tri kỉ”: tình cảm gắn bó khăng khít, thân tình - “Đồng chí!”: tình cảm keo sơn, gắn bó, khó tách rời. 3. Kết bài - Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ. Bài tham khảo: Ngay từ những câu thơ mở đầu bài thơ “Đồng chí”, Chính Hữu đã lí giải những cơ sở hình thành tình đồng chí thắm thiết, sâu nặng của “anh” và “tôi” – của những người lính cách mạng. Thành ngữ “nước mặn đồng chua” và hình ảnh “đất cày lên sỏi đá”, giọng điệu thủ thỉ tâm tình như lời kể chuyện, cùng nghệ thuật sóng đôi, tác giả cho thấy tình đồng chí, đồng đội bắt nguồn sâu xa từ sự tương đồng cùng cảnh ngộ. Họ là những người nông dân áo vải, ra đi từ những miền quê nghèo khó – miền biển nước mặn, vùng đồi núi trung du. Không hẹn mà nên, những người nông dân ấy gặp nhau tại một điểm: lòng yêu nước. Tình yêu quê hương, gia đình, nghĩa vụ công dân thúc giục họ lên đường chiến đấu. Bởi thế nên từ những phương trời xa lạ, mọi người “chẳng hẹn mà quen nhau”. Giống như những anh lính trong bài thơ “Nhớ” của Hồng Nguyên: “Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ - Gặp nhau từ hồi chưa biết chữ - Quen nhau từ buổi “một, hai” – Súng bắn chưa quen – Quân sự mươi bài – Lòng vẫn cười vui kháng chiến”. Trong môi trường quân đội, đơn vị thay cho mái ấm gia đình, tình đồng đội thay cho tình máu thịt. Cái xa lạ ban đầu nhanh chóng bị xóa đi. Sát cánh bên nhau chiến đấu, càng ngày họ càng cảm nhận sâu sắc về sự hòa hợp, gắn bó giữa đồng đội cùng chung nhiệm vụ và lí tưởng cao đẹp: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Hình ảnh sóng đôi, các điệp từ “súng”, “đầu”, giọng điệu thơ trở nên tha thiết, trầm lắng như nhấn mạnh tình cảm gắn bó của người lính trong chiến đấu. Họ đồng tâm, đồng lòng, cùng nhau ra trận đánh giặc để bảo vệ đất nước, quê hương, giữ gìn nền độc lập, tự do, sự sống còn của dân tộc – “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Và chính sự đồng cảnh, đồng cảm và hiểu nhau đã giúp các anh gắn bó với nhau, cùng sẻ chia mọi gian lao thiếu thốn của cuộc đời người lính: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. Từ gian khó, hiểm nguy, tình cảm trong họ đã nảy nở và họ đã trở thành những người bạn tâm giao, tri kỉ, hiểu nhau sâu sắc, gắn bó thành đồng chí. Hai tiếng “Đồng chí” kết thúc khổ thơ thật đặc biệt, sâu lắng! Nó như một nốt nhạc làm bừng sáng cả đoạn thơ, là điểm hội tụ, nơi kết tinh của bao tình cảm đẹp mà chỉ có ở thời đại mới: tình giai cấp, tình đồng đội, tình bạn bè trong chiến tranh. Câu 2.
Phương pháp: - Yêu cầu hình thức: + Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập bài văn. + Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. - Yêu cầu nội dung: + Vận dụng kiến thức xã hội để nghị luận về tinh thần tương thân tương ái. + Vận dụng các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ để nghị luận về bài văn. Lời giải chi tiết: Dàn ý: 1. Mở bài Giới thiệu vấn đề: suy nghĩ về tinh thần tương thân tương ái của đồng bào ta, nhất là trong hoạn nạn. 2. Thân bài a. Giải thích: Tương thân tương ái là sự quan tâm, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống giữa con người với con người. b. Vì sao ta cần phải có tinh thần tương thân, tương ái? – Tinh thần tương thân, tương ái thể hiện phẩm chất, nhân cách cao quý của con người, là biểu hiện của tình yêu thương. – Tinh thần tương thân, tương ái giúp gắn kết con người lại với nhau, tạo ra sức mạnh vật chất lẫn tinh thần để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. – Tinh thần tương thân, tương ái giúp con người sống nhân ái hơn. – Sống không có tinh thần tương thân, tương ái, thể hiện sự vô cảm của con người, con người sẽ bị tách biệt khỏi tập thể. – Tinh thần tương thân, tương ái thể hiện lối sống trọng tình, trọng nghĩa của dân tộc ta. c. Biểu hiện: – Người có tinh thần tương thân, tương ái là người sống có tấm lòng nhân nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt đẹp: + Trong gia đình: yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ; sống hòa hợp, gắn bó với anh, chị, em; biết nhường nhịn lẫn nhau + Trong nhà trường: kính trọng, yêu mến thầy cô giáo, tôn trọng, giúp đỡ bạn bè,… + Ngoài xã hội: biết cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh của người nghèo khó; biết tương trợ, giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt, … d. Bình luận: Biết tương thân, tương ái, giúp đỡ người khác trong khó khăn, hoạn nạn là việc làm tốt đẹp, cần tuyên dương, ngợi khen và lan tỏa trong cộng đồng. Thế nhưng, lòng tốt cũng cần phải đặt đúng chỗ, giúp đúng người, đúng việc, đừng để lòng tốt của mình bị kẻ xấu lợi dụng. e. Phê phán: Trong xã hội ngày nay vẫn còn những kẻ chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của bản thân mình, thờ ơ, vô cảm trước hoàn cảnh khó khăn, nỗi khổ đau của người khác. Những người như thế thật đáng chê trách. 3. Kết bài - Bài học: Không có gì đẹp bằng ánh sáng của lòng nhân ái. Hãy biết yêu thương, giúp đỡ người khác. - Liên hệ bản thân
|