Đề thi học kì 1 Văn 9 - Đề số 3Tải về Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: “Mỗi ngày chúng ta thức dậy là một ngày mới, một cơ hội mới để sống, làm việc, yêu thương và cống hiến. Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Đề thi PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: “Mỗi ngày chúng ta thức dậy là một ngày mới, một cơ hội mới để sống, làm việc, yêu thương và cống hiến. Thời gian không bao giờ quay trở lại, vì vậy đừng để nó trôi qua vô nghĩa. Hãy sống một cách chủ động, làm những việc có ích và tạo giá trị cho bản thân cũng như xã hội. Hạnh phúc không phải lúc nào cũng là những điều lớn lao, mà đôi khi chỉ đơn giản là một nụ cười, một lời cảm ơn, hay cảm giác ấm áp khi giúp đỡ người khác. Điều quan trọng nhất chính là chúng ta biết tận hưởng và trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại. Đừng chờ đợi một ngày đặc biệt để yêu thương, bởi mỗi ngày trôi qua đều là món quà quý giá mà cuộc sống đã ban tặng.” (Nguồn: Sưu tầm) Câu 1 (1 điểm): Nội dung chính của đoạn văn là gì? Câu 2 (1 điểm): Theo tác giả, vì sao chúng ta cần sống một cách chủ động và trân trọng hiện tại? Câu 3 (1 điểm): Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong câu: “Hạnh phúc không phải lúc nào cũng là những điều lớn lao, mà đôi khi chỉ đơn giản là một nụ cười, một lời cảm ơn, hay cảm giác ấm áp khi giúp đỡ người khác.” Câu 4 (1 điểm): Em hiểu thế nào về câu nói: “Đừng chờ đợi một ngày đặc biệt để yêu thương, bởi mỗi ngày trôi qua đều là món quà quý giá mà cuộc sống đã ban tặng.”? Từ ý nghĩa của câu nói trên, em rút ra bài học gì? PHẦN VIẾT (6.0 điểm) Câu 1 (2.0 điểm) Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về cách tận hưởng cuộc sống ý nghĩa từ những điều nhỏ bé xung quanh. Câu 2 (4.0 điểm) Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) được coi là một bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta. Đọc bài thơ và viết một bài văn nêu cảm nhận của em. Phiên âm: Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Dịch nghĩa: Sông núi nước Nam vua nước Nam cai quản Giới phận đã được khẳng định rõ ràng ở trong sách trời. Cớ gì lũ giặc kia tới xâm phạm, Các ngươi sẽ nhìn thấy việc chuốc lấy bại vong. Dịch thơ: Sông núi nước Nam, vua Nam ngự, Rành rành định phận ở sách trời. Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm, Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Đáp án PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) Câu 1.
Phương pháp: Dựa trên các từ khóa như: “cơ hội mới,” “sống chủ động,” “hạnh phúc giản dị,” và “trân trọng hiện tại.” Lời giải chi tiết: Nội dung chính: ý nghĩa của việc sống chủ động, trân trọng từng khoảnh khắc trong hiện tại, và tìm thấy hạnh phúc từ những điều giản dị trong cuộc sống. Câu 2.
Phương pháp: Chú ý các ý về giá trị của thời gian và hạnh phúc từ những điều nhỏ bé. Lời giải chi tiết: - Thời gian không bao giờ quay trở lại, vì vậy mỗi ngày đều là một cơ hội quý giá để sống ý nghĩa. - Hạnh phúc không chỉ đến từ những điều lớn lao mà còn từ những khoảnh khắc nhỏ bé, giản dị. Câu 3.
Phương pháp: Chỉ ra biện pháp tu từ và giải thích ý nghĩa của chúng trong việc truyền tải nội dung. Lời giải chi tiết: - Biện pháp tu từ: + Điệp từ "một" (nhấn mạnh sự giản dị của hạnh phúc). + Liệt kê (nụ cười, lời cảm ơn, cảm giác ấm áp): Tạo sự cụ thể, sinh động khi nói về hạnh phúc. - Tác dụng: Nhấn mạnh ý nghĩa của những điều nhỏ bé, giản dị trong cuộc sống mà con người thường không để ý nhưng lại là nguồn cội của hạnh phúc. Câu 4.
Phương pháp: Giải thích từng vế của câu nói và rút ra bài học phù hợp với bản thân. Lời giải chi tiết: - Ý nghĩa: Mỗi ngày là một cơ hội để sống, yêu thương và tạo giá trị. Chúng ta không nên chờ đợi những dịp đặc biệt mà hãy tận dụng hiện tại để bày tỏ tình cảm và làm điều tốt đẹp. - Bài học: Sống trọn vẹn với hiện tại, trân trọng thời gian, và biết thể hiện tình yêu thương hàng ngày. PHẦN VIẾT (6.0 điểm) Câu 1.
Phương pháp: Kết hợp lập luận, giải thích với dẫn chứng cụ thể, liên hệ thực tế. Lời giải chi tiết: 1. Mở đoạn: Nêu vấn đề: Cuộc sống trở nên ý nghĩa khi chúng ta biết trân trọng và tận hưởng những điều giản dị. 2. Thân đoạn: a. Giải thích: - Những điều nhỏ bé xung quanh như một nụ cười, một bữa cơm gia đình, hay một lời động viên đều chứa đựng giá trị tinh thần lớn lao. b. Ý nghĩa: - Giúp con người nhận ra hạnh phúc không đến từ những điều to lớn, mà từ sự bình dị của cuộc sống hàng ngày. - Làm cho tâm hồn thư thái, cân bằng giữa áp lực và niềm vui. c. Dẫn chứng: - Một học sinh tìm thấy niềm vui khi giúp đỡ bạn bè, một người cảm nhận sự bình yên qua thiên nhiên. d. Phản đề - Một số người sống tiêu cực, không muốn thoát ra khỏi vùng tối để tới với những điều tích cực trong cuộc sống. 3. Kết đoạn: - Tổng kết lại vấn đề: Hãy tận hưởng cuộc sống từ những niềm vui giản dị quanh ta, vì chính những điều đó tạo nên giá trị thật sự của hạnh phúc. - Liên hệ bản thân Câu 2.
Phương pháp: Đọc kĩ bài thơ, chú ý các từ ngữ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật đặc sắc Hình thức bài văn có 3 phần: mở bài – thân bài – kết bài Lời giải chi tiết: Dàn ý I. Mở bài Giới thiệu đôi nét về bài thơ Sông núi nước Nam. II. Thân bài 1. Lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, dân tộc - Câu thơ 1: Nam quốc sơn hà Nam đế cư (Sông núi nước Nam vua Nam ở) + Trong quan niệm của xã hội xưa: toàn bộ diện tích lãnh thổ, của cải vật chất, con người của một đất nước đều thuộc về nhà vua. Người có quyền quyết định tất cả mọi thứ, thậm chí cả quyền sinh sát. + “Nam đế”: hoàng đế nước Nam, người đứng đầu của một quốc gia - thể hiện sự ngang hàng với phương Bắc. - Câu thơ 2: Tiệt nhiên định phận tại thiên thư (Vành vạch sách trời chia xứ sở) + “Thiên thư”: sách trời - Lãnh thổ, địa phận của đất nước đã được ghi tại sách trời. + Điều này khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta là một chân lý không thể chối cãi và thay đổi được. => Một lời khẳng định đanh thép, bản lĩnh. 2. Sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, dân tộc - Câu thơ 3: Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm (Giặc giữ cớ sao xâm phạm đến đây?) + Câu hỏi tu từ: “như hà” - “cớ sao?” nhằm khẳng định lại chủ quyền dân tộc. + “nghịch lỗ”: khẳng định những kẻ xâm lược đi xâm lược lãnh thổ là đang làm trái ý trời. - Câu thơ 4: Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (Chúng mày nhất định phải tan vỡ): Những kẻ đi xâm lược, cướp nước của dân tộc khác sẽ không có được kết thúc tốt đẹp. => Một lần nữa khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. III. Kết bài Đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
Bài tham khảo Được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam, bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của chủ tướng Lý Thường Kiệt đã trở thành một áng thơ văn bất hủ. Không chỉ khẳng định được vấn đề về lãnh thổ, chủ quyền, độc lập của dân tộc Việt Nam, mà bài thơ còn thể hiện được tính thần lực, tự tôn dân tộc mạnh mẽ của vị chủ tướng tài ba Lý Thường Kiệt cũng như những người dân Việt Nam nói chung. Bài thơ cũng là lời khẳng định tuyên bố đanh thép của tác giả đối với những kẻ có ý định xâm lăng vào lãnh thổ ấy, xâm phạm vào lòng tự tôn của một dân tộc anh hùng. Trong cuộc chiến đấu chống quân Tống của quân dân Đại Việt, chủ tướng Lý Thường Kiệt đã đọc bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” ở đền thờ hai vị thần Trương Hống, Trương Hát. Là hai vị thần của sông Như Nguyệt. Khi bài thơ thần này vang lên vào thời điểm đêm khuya, lại được vọng ra hùng tráng, đanh thép từ một ngôi đền thiêng liêng nên đã làm cho quân Tống vô cùng khiếp sợ, chúng đã vô cùng hoảng loạn, lo lắng, nhuệ khí của quân giặc bị suy giảm một cách nhanh chóng. Cũng nhờ đó mà quân dân ta có thể tạo ra một chiến thắng lừng lẫy, oai hùng sau đó. Mở đầu bài thơ, tác giả Lý Thường Kiệt đã khẳng định một cách chắc chắn, mạnh mẽ về vấn đề chủ quyền, ranh giới lãnh thổ của dân tộc Đại Việt, đó là ranh giới đã được định sẵn, là nơi sinh sống của người dân Đại Việt. Lời khẳng định này không phải chỉ là lời khẳng định của tác giả, mà tác giả còn đưa ra những luận chứng sắc sảo, đó là bởi “sách trời” quy định. Tức sự độc lập,chủ quyền về lãnh thổ ấy được trời đất quy định, chứng giám. Một sự thật hiển nhiên mà không một ai có thể chối cãi được: “Sông núi nước Nam vua Nam ở Rành rành định phận ở sách trời” “Sông núi nước Nam” là những vật thuộc quyền sở hữu của người Nam, cũng là những hình ảnh biểu tượng không chỉ cho ranh giới, chủ quyền của người nam mà còn khẳng định một cách chắc chắn quyền sở hữu của “sông núi” ấy là của người Nam. Chúng ta cũng có thể thấy đây là lần đầu tiên trong một tác phẩm thơ văn mà vấn đề chủ quyền dân tộc được khẳng định mạnh mẽ, hào sảng đến như vậy. Không chỉ là dân tộc có chủ quyền, có lãnh thổ mà dân tộc ấy còn có người đứng đầu, người quản lí, làm chủ người dân của quốc gia ấy, đó chính là “vua Nam”. Chủ quyền ấy, lãnh thổ cương vực ấy không phải do người Nam tự quyết định lựa chọn cho mình, người dân nơi ấy chỉ sinh sống, làm ăn sinh hoạt từ rất lâu đời, do sự định phận của “sách trời”, đó là đấng cao quý vì vậy mọi sự quy định, chỉ dẫn của “trời” đều rất có giá trị, đều rất đáng trân trọng. “Rành rành” là dùng để chỉ sự hiển hiện, tất yếu mà ai cũng có thể nhận biết cũng phân biệt được. “Rành rành định phận ở sách trời” có nghĩa vùng lãnh thổ ấy, chủ quyền ấy của người Nam đã được sách trời ghi chép rõ ràng, dù có muốn cũng không thể chối cãi, phủ định. Như vậy, ở hai câu thơ đầu, tác giả Lý Thường Kiệt không chỉ đưa ra luận điểm là lời khẳng định hào sảng, chắc chắn về vùng lãnh thổ, ranh giới quốc gia và chủ quyền, quyền làm chủ của nhân dân Đại Việt với quốc gia, dân tộc mình mà tác giả còn rất tỉnh táo, sắc sảo khi đưa ra những luận cứ đúng đắn, giàu sức thuyết phục mà còn đưa ra một sự thật mà không một kẻ nào, một thế lực nào có thể phủ định, bác bỏ được nó. Giọng văn hào hùng, mạnh mẽ nhưng không giấu được niềm tự hào của bản thân Lý Thường Kiệt về chủ quyền của dân tộc mình. Từ sự khẳng định mạnh mẽ vấn đề chủ quyền của dân tộc Đại Việt, Lý Thường Kiệt đã lớn tiếng khẳng định, cũng là lời cảnh cáo đến kẻ thù, đó chính là cái kết cục đầy bi thảm mà chúng sẽ phải đón nhận nếu biết nhưng vẫn cố tình thực hiện hành động xâm lăng lãnh thổ, gây đau khổ cho nhân dân Đại Việt: “Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm Chúng bay sẽ bị đánh cho tơi bời” Sự thật hiển nhiên rằng “Sông núi nước Nam” là do người Nam ở, người Nam làm chủ. Nhưng lũ giặc không hề màng đến sự quy định mang tính tất yếu ấy, chúng cố tình xâm phạm Đại Việt cũng là xúc phạm đến sự tôn nghiêm của đạo lý, của luật trời: “Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm” hành động ngông cuồng, phi nghĩa này của bọn chúng thật đáng bị phê phán, thậm chí đáng để trừng phạt bằng những hình thức thích đáng nhất. Và ở trong bài thơ này, tác giả Lý Thường Kiệt cũng đã đanh thép khẳng định cái kết cục đầy bi đát, ê chề cho lũ cướp nước, coi thường đạo lí: “Chúng bay sẽ bị đánh cho tơi bời”. Với tất cả sức mạnh cũng như lòng tự tôn, tính chính nghĩa của dân tộc Đại Việt thì lũ xâm lăng chỉ có một kết cục duy nhất, một kết quả không thể tránh khỏi “bị đánh cho tơi bời”. Như vậy, bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” là một bài thơ, một bài thơ mang tính chính luận rõ ràng, sâu sắc, một bản tuyên ngôn hùng hồn, mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Bài thơ thể hiện lòng tự hào của người Việt Nam về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, về sức mạnh vĩ đại của người dân trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm.
|