Đề số 5 - Đề kiểm tra giữa học kì 1 (Đề thi giữa học kì 1) – Tiếng Việt 5

Tải về

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 5 - Đề kiểm tra giữa học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 5

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. KIỂM TRA ĐỌC:

I. Đọc thành tiếng:

Giáo viên cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc từ tuần 1 đến tuần 9 (SGK Tiếng Việt 5 - Tập 1) và hỏi một số câu hỏi về nội dung của đoạn vừa đọc theo qui định.

II. Đọc thầm và làm bài tập:

Bâng khuâng vào thu

Chớm thu, lúa trổ đòng thơm ngát cánh đồng. Nghe ngòn ngọt vị hạt thóc non căng tràn hương sữa. Ven bờ cỏ xăm xắp nước, đám cá thia lia đang nhảy loi choi. Nắng sớm. Gió nhẹ. Hương đồng ruộng quyện vào không gian trong ngần của buổi sớm mai...

Chớm thu, con đường đất chạy quanh co khắp ngõ xóm như tươi tắn hơn trong bộ áo màu nâu đỏ vừa được khoác lên sau những ngày công lao động của dân làng. Thấp thoáng đầu ngõ những gánh rau xanh rập rờn theo bước chân của các mẹ, các chị gấp gáp đến kịp phiên chợ sớm.

Chớm thu, con mương đón nước từ đập thượng nguồn về tưới mát cho những vườn cây đang mùa chín rộ. Con mương uốn lượn hiền hòa in dấu bao kỉ niệm ấu thơ đẹp như trong cổ tích, ghim sâu váo dòng kí ức của lũ trẻ chúng tôi. Dường như trong dòng nước mát lành kia có chứa cả những giọt nước mắt đầy tủi hờn của tôi ngày nào bị mẹ mắng vì có tội, giữa trưa nắng chang chang, đầu trần, chân đất chạy khắp xóm, rồi vẫy vùng hả hê trong dòng mương cùng đám bạn...

Chớm thu, khóm hoa trước thềm nhà chúm chím sắc hồng tươi trong nắng tháng 8 hanh vàng. Chợt nhớ nôn nao lũ bạn nghịch ngợm, nhớ nôn nao tiếng bài giảng trầm ấm của cô giáo và nhớ nôn nao lớp học với bồn hoa cũng rực sắc hồng đang vẫy chào các bạn học trò vui tới lớp...

Thu đến rồi! Ôi mùa thu yêu dấu!...

                                                                                                          (Theo Nguyễn Thị Duyên)

Dựa vào nội dung bài “Bâng khuâng vào thu”, hãy khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời đúng nhất hoặc thực hiện yêu cầu sau:

1. Nội dung chính của bài văn trên là gì?

2. Dòng nào nêu đúng những cảnh vật được tác giả miêu tả qua từng đoạn văn trong bài?

A. Cánh đồng thơm hương lúa, con đường làng quanh co, con mương in dấu tuổi thơ, khóm hoa trước thềm nhà, lũ bạn cùng cô giáo.

B. Cánh đồng thơm hương lúa, con đường làng quanh co, cái đập thượng nguồn, khóm hoa trước thềm nhà, lũ bạn cùng cô giáo.

C. Cánh đồng thơm hương lúa, con đường làng quanh co, giọt nước mắt nhớ thương, khóm hoa trước thềm nhà, lũ bạn cùng cô giáo.

D. Cánh đồng thơm hương lúa, con đường làng quanh co, khóm hoa trước thềm nhà, lũ bạn cùng cô giáo.

3. Tác giả đã dựa vào những giác quan nào để miêu tả cảnh làng quê khi mùa thu đến?

A. Thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác.

B. Thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác.

C. Thính giác, khứu giác, xúc giác, thị giác.

D. Thị giác, khứu giác, xúc giác.

4. Điệp từ chớm thu được nhắc nhiều lần trong bài nhằm nhấn mạnh điều gì?

A. Mùa thu đến sớm hơn lệ thường hằng năm.

B. Mùa thu có nhiều vẻ đẹp và gợi nhiều cảm xúc.

C. Mùa thu làm cho cảnh vật trở nên đẹp đẽ hẳn lên.

D. Đáp án A và C đều đúng.

5. Viết lại một câu văn có sử dụng biện pháp nhân hóa ở trong bài?

6. Dòng nào dưới đây chỉ gồm các từ trái nghĩa với “mát mẻ”

A. Nóng nực, oi bức, oi ả                                  

B. Oi bức, bức bối, nóng nực

C. Nóng nảy, bức bối, oi                                    

D. Bực bội, nóng nảy, oi ả

7. Trong câu nào dưới đây, từ “bò” được dùng với nghĩa gốc?

A. Sương lam nhẹ nhàng bò trên các sườn núi.

B. Em bé đang tập bò trên giường.

C. Những ngọn bí, ngọn bầu non mỡ màng bò kín bờ ao.

D. Câu A và B đúng.

8. Từ “gấp gáp” thuộc từ loại nào?

A. Danh từ                 

B. Động từ                      

C. Tính từ             

D. Cả ba đáp án đều sai

9. Xác định TN, CN, VN trong câu văn sau:

Thấp thoáng đầu ngõ những gánh rau xanh rập rờn theo bước chân của các mẹ, các chị gấp gáp đến kịp phiên chợ sớm.

10. Đặt câu để phân biệt nghĩa của từ “đi”:

- Nghĩa 1: tự di chuyển bằng bàn chân.

- Nghĩa 2: mang (xỏ) vào chân hoặc tay để che, giữ.

B. KIỂM TRA VIẾT:

I. Chính tả.  GV đọc cho học sinh viết bài Nỗi niềm giữ nước giữ rừng (SGK TV 5 tập 1 trang 95)

II. Tập làm văn Đề bài: Hãy tả ngôi trường em đang học.

Đáp án

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

A. KIỂM TRA ĐỌC

I. Đọc thành tiếng:

II. Đọc thầm và làm bài tập:

2.A

3.C

4.B

6.A

7.B

8.C

 

1.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và phân tích, tìm nội dung bài

Cách giải:

Nội dung của bài văn trên là: Cảm xúc của tác giả trước cảnh làng quê khi mùa thu đến.

2. A

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý

Cách giải:

Phương án đúng: A. Cánh đồng thơm hương lúa, con đường làng quanh co, con mương in dấu tuổi thơ, khóm hoa trước thềm nhà, lũ bạn cùng cô giáo.

Chọn A.

3. C

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý

Cách giải:

Phương án đúng: C. Thính giác, khứu giác, xúc giác, thị giác.

Chọn C.

4. B

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và phân tích.

Cách giải:

Phương án đúng: B. Mùa thu có nhiều vẻ đẹp và gợi nhiều cảm xúc.

Chọn B.

5.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài đọc và bài Nhân hóa

Cách giải:

HS viết được câu văn có hình ảnh nhân hóa

VD: Thấp thoáng đầu ngõ những gánh rau xanh rập rờn theo bước chân của các mẹ, các chị gấp gáp đến kịp phiên chợ sớm.

VD: Con mương uốn lượn hiền hòa in dấu bao kỉ niệm ấu thơ đẹp như trong cổ tích, ghim sâu vào dòng kí ức của lũ trẻ chúng tôi.

6.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Từ trái nghĩa

Cách giải:

Phương án đúng: A. Nóng nực, oi bức, oi ả                              

Chọn A.

7.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Từ nhiều nghĩa

Cách giải:

Phương án đúng: B. Em bé đang tập bò trên giường.

Chọn B.

8.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Tính từ

Cách giải:

Phương án đúng: C. Tính từ             

Chọn C.

9.

Phương pháp: căn cứ vào các thành phần chính đã học: thành phần chính bao gồm chủ ngữ và vị ngữ, thành phần phụ trạng ngữ.

Cách giải:

Thấp thoáng đầu ngõ/ những gánh rau xanh/ rập rờn theo bước chân của các mẹ, các chị gấp

                    TN                         CN                                       VN

gáp đến kịp phiên chợ sớm.

10.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài học, đặt câu phù hợp với mỗi nghĩa

Cách giải:

Nghĩa 1: Đi bộ giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh.

Nghĩa 2: Em rất thích đi giày thể thao.

B. KIỂM TRA VIẾT

I. Chính tả:

- Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng hình thức đoạn văn.

- Sai mỗi lỗi chính tả.

- Chữ viết rõ ràng, đúng về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ, hoặc trình bày sạch đẹp,…

II. Tập làm văn:

Phương pháp: căn cứ nội dung bài về miêu tả, kết hợp linh hoạt giữa tả, kể,…

Cách giải:

Đảm bảo các yêu cầu sau:

- Viết được mở bài và kết bài của bài văn miêu tả.

- Viết được bài văn miêu tả cảnh theo đúng yêu cầu của đề bài: Bài viết đủ các phần: Mở bài, thân bài, kết bài theo yêu cầu đã học.

- Viết câu đúng ngữ pháp, không mắc lỗi chính tả.

- Bài viết sử dụng đúng về từ ngữ, tả có hình ảnh, câu văn ngắn gọn, thể hiện được cảm xúc chân thật... Toàn bài mắc không quá 4 lỗi về diễn đạt.

- Chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ.        

* Gợi ý:

1. Mở bài: Giới thiệu về ngôi trường của em.

+ Trường em tên là gì? Nằm ở đâu? Thời gian em quan sát làm khi nào?

2. Thân bài

a. Nhìn từ xa

- Ngôi trường thấp thoáng sau những hàng cây cổ thụ.

- Trường có 3 dãy nhà 3 tầng. Mái ngói đỏ tươi thấp thoáng dưới hàng cây xanh mướt.

- Nhìn từ xa, ngôi trường như được khoác lên mình một chiếc áo màu vàng nhạt.

b. Đến gần

- Tấm biển màu xanh nổi bật hàng chữ sơn trắng ghi tên trường.

- Cổng sắt đồ sộ, sơn màu xanh đậm.

- Tường bao quanh xây cao chừng hai mét.

c. Tả từng phần của ngôi trường

- Sân trường: được lát những ô gạch nung hình vuông màu đỏ thẫm, như những ô bàn cờ.

+ Trên sân trường: Những cây bàng, cây phượng tiếp nối nhau như những cái ô che mát một nửa sân trường, những bồn hoa khoe sắc,...

- Các dãy nhà: Khu hiệu bộ, khu lớp học, khu nhà ăn, nhà đa năng, …

- Giới thiệu về các phòng ban trong trường: phòng truyền thống, phòng thư viện, phòng y tế, phòng đội,…

- Lớp học: tiếp nối nhau theo một hình chữ u, cửa lớn màu xanh lam, cửa sổ xanh đậm.

+ Bàn ghế trong lớp kê ngay ngắn, đều tăm tắp, bảng xanh, ảnh Bác Hồ treo trên tường.

+ Cuối mỗi phòng học là bảng thi đua của các lớp học.

- Khu vui chơi: sân bóng mini, cột bóng rổ, …

- Vài nét về hoạt động của thầy cô và học sinh:

+ Trước giờ học: các bạn đến trường ngày một đông, phút yên tính của buổi sớm bỗng mất dần đi. Quang cảnh trường trở nên nhộn nhịp, đông vui bởi những tiếng nói cười của tuổi học trò chúng em. Trên cành cây, những chú chim hót líu lo vang.

+ Trong giờ học: Thầy cô đang giảng bài say sưa, các bạn học sinh chăm chú nghe giảng.

+ Giờ ra chơi: các bạn học sinh ùa ra như bầy ong vỡ tổ. Sân trường diễn ra rất nhiều trò chơi thú vị, vui nhộn của chúng em.

3. Kết bài

- Ngôi trường tiểu học là nơi nuôi dưỡng tâm hồn em, giúp em mỗi ngày một hiểu biết.

- Em rất yêu trường yêu lớp.

- Mong rằng ngôi trường em mỗi ngày một khang trang và sạch đẹp.

Tải về

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close