Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 9 - Đề số 4 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 9 - Đề số 4 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề bài

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II

MÔN LỊCH SỬ - LỚP 9

Câu 1. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai chính sách đối ngoại của Mĩ có gì khác so với Liên Xô?

A. Thực hiện chiến lược toàn cầu.

B. Giúp đỡ các các nước thuộc địa giành độc lập.

C. Duy trì hoà bình và tích cực ủng hộ cách mạng thế giới.

D. Chỉ muốn làm bạn với các nước xã hội chủ nghĩa.

Câu 2. Nội dung nào sau đây không minh chứng cho luận điểm: Phong trào công nhân giai đoạn 1919 – 1925 phát triển lên một bước cao hơn sau Chiến tranh thế giới thứ nhất?

A.  Cuộc đấu tranh của công nhân nổ ra với quy mô lớn.

B. Bước đầu chuyển sang đấu tranh tự giác.

C. Đấu tranh từ mục tiêu kinh tế đến mục tiêu chính trị.

D. Đặt dưới sự lãnh đạo của một tổ chức thống nhất.

Câu 3. Chủ trương liên minh chặt chẽ với Mĩ trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai thế hiện qua

A. Hiệp ước an ninh Mĩ- Nhật.

B.  Hiệp ước Vécxai - Oasinhtơn

C. Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

D. Hiệp ước Vacsava.

Câu 4. Chế độ độc tài Ba – ti – xta thân Mĩ ở Cu Ba bị lật đổ vào

A. Năm 1949.

B. Năm 1959.

C. Năm 1969.

D. Năm 1979

Câu 5. Hiện nay, số nước thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) là

A. 5 nước.

B. 8 nước.

C. 10 nước.

D. 11 nước.

Câu 6. Nội dung nào không đúng về chính sách đối ngoại của Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai?

A. Đề ra “Chiến lược toàn cầu”.

B. “Viện trợ” để lôi kéo, khống chế các nước.

C. Xác lập trật tự thế giới “đơn cực”.

D. Tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

Câu 7. Từ những năm 80 của thế kỉ XX,  đường lối ngoại giao chủ đạo của Trung Quốc là

A. thực hiện đường lối đối ngoại bất lợi cho cách mạng Trung Quốc.

B. bắt tay với Mĩ chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.

C. mở rộng sự hợp tác với nhiều nước trên thế giới.

D. gây chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam.

Câu 8. Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở Môdămbích, Ănggôla và Ghi-nê Bít-xao đã đánh dấu sự tan rã của hệ thống thuộc địa của

A. Tây Ban Nha.

B.  Bồ Đào Nha.

C. Anh.

D.  Pháp.

Câu 9. Tham gia lãnh đạo công nhân xưởng đóng tàu Ba Son bãi công (8-1925) là:

A. Nguyễn Văn Cừ.

B. Trần Phú.

C. Nguyễn Ái Quốc.

D.  Tôn Đức Thắng.

Câu 10. So với cuộc khác thuộc địa lần thứ nhất, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai có điểm gì mới?

A. Tăng cường vốn đầu tư vào tất cả các ngành kinh tế.

B. Qui mô khai thác lớn hơn, triệt để hơn, xã hội bị phân hóa sâu sắc.

C. Cướp đoạt toàn bộ ruộng đất của nông dân lập đồn điền trồng cao su.

D. Hạn chế sự phát triển của các ngành công nghiệp nhất là công nghiệp nặng.

Câu 11. Thành tựu nào sau đây của cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại thuộc lĩnh vực giao thông vận tải và thông tin liên lạc?

A. Cuộc cách mạng chất xám.

B. Thế hệ máy tính điện tử mới.

C. Bản đồ gen người.

D. Tàu hỏa tốc độ cao.

Câu 12. Điền thời gian thích hợp vào chỗ trống……..thể hiện đúng mốc liên kết kinh tế ở châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai

 Khởi đầu là sự ra đời của “Cộng đồng than, thép châu Âu” vào tháng…….(1) gồm 6 nước Pháp, Đức, Italia, Hà Lan và Lúc – xăm – bua. Sau đó tháng (2)…………cũng 6 nước trên thành lập “Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu”, rồi “ Cộng đồng kinh tế châu Âu” (EEC). Tháng (3)………….ba cộng đồng trên sáp nhập thành Cộng đồng châu Âu (EC). Sau mười năm chuẩn bị, tháng (4)………..tại hội nghị Ma – xtrich quyết định Cộng đồng châu Âu mạng tên gọi mới là Liên minh châu Âu (EU)

A.(1) 4/1951; (2) 3/1957; (3) 7/1967; (4) 12/1991.

B. (1) 3/1951; (2) 4/1957; (3) 8/1967; (4) 1/1993.

C. (1) 4/1951; (2) 3/1957; (3) 7/1967; (4) 1/1999.                

D. (1) 3/1951; (2) 4/1957; (3) 7/1967; (4) 12/1991.

Câu 13. Sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học- kĩ thuật hiện đại có tác động gì đến văn minh nhân loại?

A. Hoàn thiện triệt để nền văn minh công nghiệp.

B. Thúc đẩy sự phát triển văn minh công nghiệp

C. Đưa loài người bước sang văn minh hậu công nghiệp.

D. Đưa con người bước sang văn minh công nghiệp.

Câu 14. Nội dung nào sâu đây không phải đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam?

A. Bị ba tầng áp bức, bóc lột.                                              

B. Có quan hệ tự nhiên gắn bó với nông dân.

C. Tăng nhanh về số lượng, chất lượng.

D. Là lực lượng động đảo nhất của cách mạng.

Câu 15. Các nước Đông Âu bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đặt ra yêu cầu gì cho mối quan hệ giữa Liên Xô và các nước này?

A.  Có sự hợp tác cao hơn và đa dạng hơn.

B. Liên kết với nhau trong tổ chức Hiệp ước Vácsava.

C. Liên kết với nhau trong Hội đồng tương trợ kinh tế SEV.

D. Giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước Xã hội chủ nghĩa.

Câu 16. Nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn tới sự ra đời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là

A. Yêu cầu hạn chế ảnh hưởng của các nước lớn vào khu vực

B. Nhu cầu hợp tác cùng phát triển

C. Ảnh hưởng của xu thế liên kết khu vực

D. Yêu cầu ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản vào khu vực

Câu 17. Để giữ gìn hòa bình, an ninh và trật tự thế giới sau chiến tranh, Hội nghị Ianta đã quyết định vấn đề gì?

A. Thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc.

B. Tổ chức trật tự thế giới sau chiến tranh.

C. Phân chia các khu vực chiếm đóng và phạm vi ảnh hưởng trên thế giới.

D. Thực hiện chế độ quân quản ở các nước bại trận.

Câu 18. Biểu hiện sự phát triển "thần kì" của kinh tế Nhật Bản là

A. trở thành trung tâm kinh tế, tài chính duy nhất của thế giới.

B. đáp ứng được đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho cả nước.

C. từ những năm 70 của thế kỉ XX, Nhật Bản trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới.

D. từ một nước bại trận bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Nhật Bản đã vươn lên trở thành một siêu cường kinh tế.

Câu 19. Về thực tế, công cuộc cải tổ ở Liên Xô có nội dung cơ bản là

A. Cải tổ kinh tế triệt để, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng về kinh tế.

B. Cải tổ hệ thống chính trị.

C. Cải tổ xã hội.

D. Cải tổ kinh tế và xã hội.

Câu 20. Sự kiện nào sau đây được xem là mốc mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi sau chiến tranh thế giới thứ hai?

A. 17 nước châu Phi giành độc lập.                                      B. Thắng lợi của nhân dân An-giê-ri.

C. Cuộc binh biến của sĩ quan yêu nước Ai Cập.                 D. Chế độ phân biệt chủng tộc được xóa bỏ.

Lời giải chi tiết

1. A

2. D

3. A

4. B

5. C

6. D

7. C

8. B

9. D

10. B

11. D

12. A

13. C

14. D

15. A

16. B

17. A

18. C

19. B

20. C

Câu 1

Phương pháp: Dựa vào kiến thức về chính sách đối ngoại của Mĩ (SGK Lịch sử 9, trang 35) và chính sách đối ngoại của Liên Xô (SGK Lịch sử 9, trang 5) để so sánh.

Cách giải:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính sách đối ngoại của Liên Xô và Mĩ có điểm khác biệt:

- Mĩ: thực hiện chiến lược toàn cầu, âm mưu làm bá chủ thế giới.

- Liên Xô: thực hiện chính sách đối ngoại tích cực, duy trì hòa bình và tích cực ủng hộ phong trào cách mạng thế giới.

Chọn A

Câu 2

Phương pháp: Dựa vào kiến thức về phong trào công nhân ở Việt Nam giai đoạn 1919 - 1925 (SGK Lịch sử 9, trang 60 - 61) để chứng minh.

 Cách giải:

Khẳng định phong trào công nhân nước ta phát triển lên một bước cao hơn sau Chiến tranh thế giới thứ nhất vì:

- Những cuộc đấu tranh của công nhân nổ ra với quy mô lớn từ Bắc chí Nam như:

+ Cuộc đấu tranh của công nhân viên chức các sở công thương của tư bản Pháp ở Bắc Kì vào năm 1922 đòi nghỉ ngày chủ nhật có trả lương.

+ Năm 1924, nhiều cuộc bãi công của công nhân các nhà máy dệt, nhà máy rượu, nhà máy xay xát gạo ở Nam Định, Hà Nội, Hải Dương, … đã nổ ra.

+ Cuộc bãi công của thợ máy xưởng Ba Son ở cảng Sài Gòn (8/1925).

- Mục đích đấu tranh: từ mục tiêu kinh tế (nghỉ ngày chủ nhật có trả lương) cho đến mục đích chính trị (ngăn cản tàu chiến Pháp mang quân sang đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân Trung Quốc).

=> Cho thấy ý thức giai cấp của phong trào công nhân đang phát triển nhanh chóng. Điều đó chứng tỏ bước phát triển cao hơn của phong trào công nhân sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Chọn D

Câu 3

Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 39.

 Cách giải:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản là một nước bại trận và chịu lệ thuộc vào Mĩ về an ninh và chính trị. Ngày 8-9-1951, Nhật Bản kí với Mĩ “Hiệp ước an ninh Mĩ – Nhật”, theo đó, Nhật Bản chấp nhận đặt dưới “ô bảo hộ hạt nhân” của Mĩ và để Mĩ đóng quân, xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản.

Chọn A

Chú ý khi giải:

Sau này, Hiệp ước an ninh Mĩ – Nhật được gia hạn thêm 10 năm sau đó là vĩnh viễn.

Câu 4

Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 32

Cách giải:

Ngày 1/1/1959, chế độ độc tài Ba – ti – xta bị lật đổ.

Chọn B

Câu 5

Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 23-24

 Cách giải:

- Tổ chức ASEAN được thành lập ngày 8 - 8 - 1967, và ngày nay có tất cả là 10 thành viên và 2 quan sát viên (Đông Timor và Papua New Guinea).

- ASEAN từ 5 nước thành viên sáng lập ban đầu là: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xin-ga-po và Thái Lan. Sau đó, lần lượt các quốc gia gia nhập ASEAN là: Bru-nây (1984), Việt Nam (1995), Lào, Mi-an-ma (1997), Campuchia (1999).

Chọn C

Câu 6

Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 35

 Cách giải:

Chính sách đối ngoại của Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, là:

-  Đề ra “Chiến lược toàn cầu" nhằm chống phá các nước XHCN, đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc và thiết lập sự thống trị trên toàn thế giới.

- Tiến hành viện trợ để lôi kéo, khống chế các nước đồng minh.

- Lập các khối quân sự, gây nhiều cuộc chiến tranh xâm lược,…

- Nhưng Mĩ vẫn vấp phải nhiều thất bại nặng nề như việc can thiệp vào Trung Quốc (1945-1946), Cu Ba (1959-1960), nhất là trong cuộc Chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954-1975).

Chọn D

Câu 7

Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 19 - 20..

Cách giải:

Từ những năm 80 của thế kỉ XX,  đường lối ngoại giao chủ đạo của Trung Quốc là mở rộng sự hợp tác với nhiều nước trên thế giới.

Chọn C

Câu 8

Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 14.

 Cách giải:

Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở Môdămbích, Ănggôla và Ghi-nê Bít-xao đã đánh dấu sự tan rã của hệ thống thuộc địa của Bồ Đào Nha. Đây là một thắng lợi quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi.

Chọn B

Câu 9

Phương pháp: Liên hệ kiến thức thực tế.

Cách giải:

- Cuộc đấu tranh của hơn một nghìn công nhân xưởng sửa chữa tàu thuỷ Ba Son (Sài Gòn) do Tôn Đức Thắng lãnh đạo, kéo dài tám ngày (4 – 12/8/1925).

- Sau một thời gian làm việc tại Pháp, đồng chí Tôn Đức Thắng trở về Sài Gòn. Chịu ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga và với những kinh nghiệm hoạt động trong phong trào Công đoàn Pháp, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đi vào hoạt động trong tầng lớp công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn và trực tiếp vận động thành lập Công hội Đỏ đầu tiên ở Việt Nam. Sau một thời gian vận động chuẩn bị, vào đầu năm 1921, Công hội Đỏ đã ra đời tại Cảng Sài Gòn, trường Bá Nghệ Cao Thắng, nhà đèn Chợ Quán và xưởng Ba Son, nhà máy đèn Sài Gòn, sau dần dần phát triển đến hãng Faci và nhiều nơi khác. Hội trưởng của Công hội lúc đó là Tôn Đức Thắng – thợ máy nhà đèn Chợ Quán. 

Chọn D

Câu 10

Phương pháp: Dựa vào kiến thức về chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất và lần thứ hai của thực dân Pháp để so sánh.

Cách giải:

Về cơ bản những chính sách khai thác của thực dân Pháp ở Đông Dương không có nhiều điểm khác biệt so với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Điểm khác quan trọng ở cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai là:

- Pháp đầu tư với tốc độ nhanh, quy mô lớn: chỉ trong vòng 6 năm, Pháp đã đầu tư vào Đông Dương, trong đó có Việt Nam 4 tỉ phrăng.

- Sự triệt để của thực dân Pháp là làm sao để khai thác triệt để nhất các nguồn lợi về tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân công rẻ mạt, đầu tư càng hiệu quả càng tốt.

- Xã hôi phân hóa sâu sắc: bên cạnh ba giai cấp cũ: nông dân, công nhân và địa chủ phong kiến đã xuất hiện thêm hai giai cấp mới là: tư sản và tiểu tư sản. 

Chọn B

Chú ý khi giải:

Chọn đáp án thể hiện chung nhất đặc điểm của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, các đáp án A, C, D là chính sách cụ thể của Pháp.

Câu 11

Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 50, suy luận.

 Cách giải:

Trong lĩnh vực giao thông vận tải và thông tin liên lạc, cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại đã chế tạo ra những máy bay siêu âm khổng lồ, những tàu hỏa tốc độ cao và những phương tiện thông tin liên lạc, phát sóng vô tuyến hết sức hiện đại.

Chọn D

Câu 12

Phương pháp: SGK Lịch sử 9,trang 42

 Cách giải:

Khởi đầu là sự ra đời của “Cộng đồng than, thép châu Âu” vào tháng 4 – 1951 gồm 6 nước Pháp, Đức, Italia, Hà Lan và Lúc – xăm – bua. Sau đó tháng 3/1957 cũng 6 nước trên thành lập “Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu”, rồi “ Cộng đồng kinh tế châu Âu” (EEC). Tháng 7/1967 ba cộng đồng trên sáp nhập thành Cộng đồng châu Âu (EC). Sau mười năm chuẩn bị, tháng 12/1991 tại hội nghị Ma – xtrich quyết định Cộng đồng châu Âu mạng tên gọi mới là Liên minh châu Âu (EU).

Chọn A

Câu 13

Phương pháp: Dựa vào kiến thức đã học về cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật hiện đại (SGK Lịch sử 9, trang 48 - 49) để phân tích.

Cách giải:

Cuộc cách mạng khoa học- kĩ thuật hiện đại, đặc biệt là giai đoạn 2 - khi công nghệ thông tin đã phát triển mạnh mẽ như một sự bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, được ứng dụng sâu rộng trong mọi ngành kinh tế và hoạt động xã hội. Do đó, nền văn minh nhân loại đã sang một chương mới - văn minh hậu công nghiệp hay còn gọi là “văn minh thông tin”.

Chọn C

Câu 14

Phương pháp: SGK Lịch sử 9,trang 58, suy luận.

 Cách giải:

- Các đáp án A, B, C: đều là đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam.

- Đáp án D: là đặc điểm của giai cấp nông dân.

Chọn D

Câu 15

Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 8.

 Cách giải:

Khi các nước Đông Âu bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mối quan hệ giữa Liên Xô và các nước đòi hỏi phải có sự hợp tác cao hơn và đa dạng hơn như: hợp tác nhiều bên hoặc phân công và chuyên môn hóa trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, …

Chọn  A

Câu 16

Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 23, suy luận.

 Cách giải:

Sau khi giành được độc lập, bước vào thời kì xây dựng kinh tế trong bối cảnh đầy khó khăn, các nước Đông Nam Á muốn hợp tác, liên kết với nhau để cùng phát triển. Đây là yếu tố quyết định dẫn tới sự ra đời của ASEAN. Còn các yếu tố nêu trên chỉ là nhân tố khách quan tác động.

Chọn B

Câu 17

Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 45.

Cách giải:

Để giữ gìn hòa bình, an ninh và trật tự thế giới sau chiến tranh, Hội nghị Ianta đã quyết định thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc.

Chọn A

Câu 18

Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 37.

Cách giải:

Biểu hiện sự phát triển "thần kì" của kinh tế Nhật Bản là từ những năm 70 của thế kỉ XX, Nhật Bản trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới.

Chọn C

Câu 19

Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 10, suy luận.

 Cách giải:

Nội dung công cuộc cải tổ của Goóc-ba-chốp:

Về chính trị: thực hiện chế độ đa nguyên về chính trị (tức nhiều đảng cùng tham gia công việc chính trị của đất nước), xóa bỏ chế độ một đảng (tức là Đảng Cộng sản) nắm vai trò lãnh đạo nhà nước, tuyên bố dân chủ và “công khai” mọi mặt.

Về kinh tế: tuy đề ra nhiều phương án nhưng chưa thực hiện được gì. Kinh tế đất nước tiếp tục suy giảm, dẫn đến những bất ổn về chính trị, xã hội.

Về xã hội: nhiều cuộc bãi công diễn ra, nhiều nước cộng hòa đòi li khai tách thành những quốc gia độc lập, các thế lực chống đối ráo riết hoạt động.

=> Về thực tế, những cải cách về kinh tế của Liên Xô không được thực hiện, nội dung cơ bản vẫn là cải tổ về chính trị.

Chọn B

Câu 20

Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 26. 

 Cách giải:

Khởi đầu cho phòng trào giải phóng dân tộc ở châu Phi là cuộc binh biến tháng 7-1952 của các sĩ quan yêu nước Ai Cập. Cuộc binh biến này đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế và đưa tới thành lập nước Cộng hòa Ai Cập (18-6-1953).

Chọn C

 HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close