Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 9 - Đề số 2 có lời giải chi tiếtĐề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 9 - Đề số 2 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp Đề bài ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II MÔN LỊCH SỬ- LỚP 9 Câu 1. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, ngoài thực dân Pháp, còn có giai cấp nào trở thành đối tượng của cách mạng Việt Nam? A. Giai cấp nông dân. B. Giai cấp công nhân. C. Tư sản dân tộc và tư sản công thương. D. Giai cấp đại địa chủ phong kiến. Câu 2. Nguyên nhân khách quan giúp kinh tế các nước Tây Âu phục hồi sau Chiến tranh thế giới thứ hai là A. tinh thần lao động tự lực của nhân dân. B. sự viện trợ của Mĩ trong kế hoạch Mác-san. C. sự giúp đỡ của Liên Xô. D. được đền bù chiến phí từ các nước bại trận. Câu 3. Ý nào sau đây không chứng minh cho nhận định: “Từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX, một chương mới đã mở ra trong lịch sử khu vực Đông Nam Á”? A. Nền hòa bình đã được xác lập ở khu vực B. Các nước trong khu vực đều tham gia vào tổ chức ASEAN C. ASEAN vươn lên trở thành tổ chức liên kết khu vực lớn nhất hành tinh D. ASEAN chuyển trọng tâm hoạt động sang hợp tác kinh tế Câu 4. Nhận định nào sau đây không đúng về tình hình Nhật Bản trong giai đoạn 1973 – 1991? A. Đưa ra học thuyết Phucưđa và học thuyết Kaiphu tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN. B. Đưa ra học thuyết Miyadaoa và Học thuyết Hasimôtô tuyên bố khẳng định kéo dài vĩnh viễn Hiệp ước an ninh Mĩ – Nhật. C. Từ nửa sau những năm 70 của thế kỉ XX, Nhật bắt đầu đưa ra chính sách đối ngoại mới. D. Nhật sớm thoát khỏi khủng hoảng và vươn lên thành siêu cường tài chính số 1 thế giới từ nửa sau những năm 80 của thế kỉ XX. Câu 5. Cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại không đạt được thành tựu trong lĩnh vực nào sau đây? A. Khoa học cơ bản. B. Phương thức sản xuất mới. C. Công cụ sản xuất mới. D. Vật liệu mới. Câu 6. Nguyên nhân có tính chất giáo điều đưa đến sự sụp đổ của Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là A. Xây dựng mô hình về Chủ nghĩa xã hội không phù hợp với sự biến đổi của tình hình thế giới và thực tế khách quan. B. Sự tha hóa về phẩm chất chính trị và đạo đức của nhiều người lãnh đạo. C. Rời bỏ những nguyên lí đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. D. Sự chống phá của các thế lực thù địch với Chủ nghĩa xã hội. Câu 7. Nhật Bản và bốn “con rồng” kinh tế của châu Á có điểm gì giống nhau? A. đều đẩy mạnh cải cách dân chủ, cải cách mở cửa, hội nhập quốc tế. B. không tham gia vào nhóm G7 và G8. C. không chi nhiều tiền của cho quốc phòng, an ninh. D. không tham gia bất kì liên minh chính trị, quân sự nào. Câu 8. Liên xô chế tạo thành công bom nguyên tử đã phá vỡ thế độc quyền về vũ khí hạt nhân của nước nào? A. Anh. B. Pháp. C. Mĩ. D. Nhật Bản. Câu 9. Nguyên nhân dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai là do A. có thời gian hòa bình để phát triển sản xuất và buôn bán vũ khí, hàng hóa cho các nước tham chiến. B. Mĩ tham chiến muộn nên không phải chi phí nhiều cho chiến tranh. C. Mĩ ở xa chiến trường nên không bị chiến tranh tàn phá, được yên ổn phát triển sản xuất, đồng thời thu lợi nhuận khổng lồ nhờ buôn bán vũ khí, hàng hóa cho các nước tham chiến. D. những khoản thuận lợi khổng lồ nhờ buôn bán vũ khí và lương thực. Câu 10. Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phong trào giải phóng dân tộc đã nổ ra mạnh mẽ nhất ở các nước nào của châu Á? A. In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Lào. B. Việt Nam, Mi-an-ma, Lào. C. In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan. D. Phi-lip-pin, Việt Nam, Ma-lai-xi-a. Câu 11. Điểm khác biệt về giai cấp lãnh đạo phong trào yêu nước ở nước ta sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (sau năm 1919) so với trước đó là A. hai giai cấp mới ra đời (tư sản và tiểu tư sản) đứng ra lãnh đạo phong trào. B. hai giai cấp mới (công nhân và tiểu tư sản) cùng nhau lãnh đạo phong trào. C. tất cả các giai cấp trong xã hội Việt Nam đều đứng ra lãnh đạo phong trào. D. hai giai cấp mới (tư sản và công nhân) cùng nhau lãnh đạo phong trào. Câu 12. Nguyên nhân chủ quan nào làm cho phong trào yêu nước dân chủ công khai (1919-1925) ở Việt Nam cuối cùng thất bại? A. Hệ tư tưởng dân chủ tư sản trờ nên lỗi thời, lạc hậu. B. Thực dân Pháp còn mạnh đủ khả năng đàn áp phong trào. C. Hạn chế từ bản thân giai cấp tư sản dân tộc và tiểu tư sản. D. Do chủ nghĩa Mác-Lê nin chưa được truyền bá sâu rộng ở Việt Nam. Câu 13. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước đế quốc do Mĩ cầm đầu đã thực hiện âm mưu cơ bản gì để chống lại Liên Xô? A. Bao vây kinh tế. B. Phát động “chiến tranh lạnh”. C. Đẩy mạnh chiến tranh tổng lực. D. Lôi kéo các nước đồng minh chống lại Liên Xô. Câu 14. Năm 1993 đã diễn ra sự kiện quan trọng gì ở Nam Phi? A. Chính quyền người da trắng tuyên bố xóa bỏ chế độ Apacthai. B. Chính quyền đưa ra “Chiến lược kinh tế vĩ mô”. C. Liên bang Nam Phi được thành lập. D. Nen – xơn Man-đe-la trở thành tổng thống da đen đầu tiên. Câu 15. Chủ trương cải cách – mở cửa của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được đề ra tại A. Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (12/1978). B. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lằn thứ XII (9/1982). C. Đại cách mạng văn hóa vô sản (1966 - 1976). D. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIII (10/1987). Câu 16. Phong trào đấu tranh của nhân dân các nước Mĩ La-tinh được mở đầu bằng cuộc cách mạng nào? A. Cách mạng Ai Cập năm 1952. B. Các mạng Chi-lê năm 1970. C. Các mạng Cu-ba năm 1959. D. Cách mạng Ni-ca-ra-goa. Câu 17. Những thỏa thuận của Hội nghị Ianta đã dẫn đến sự hình thành một trật tự thế giới như thế nào? A. Trật tự thế giới một cực do Mĩ đứng đầu. B. Trật tự thế giới một cực do Mĩ đứng đầu. C. Trật tự thế giới hai cực do Liên Xô và Mĩ đứng đầu mỗi cực. D. Trật tự thế giới đa cực, nhiều trung tâm. Câu 18. Vì sao trong các cuộc khai thác thuộc địa ở Việt Nam, thực dân Pháp đều hạn chế phát triển công nghiệp nặng? A. Cột chặt nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào nền kinh tế Pháp. B. Biến Việt Nam thành thị trường trao đổi hàng hoá với Pháp. C. Biến Việt Nam thành căn cứ quân sự và chính trị của Pháp. D. Vì Việt Nam không có nguyên liệu phát triển công nghiệp nặng. Câu 19. Năm 1950 đã diễn ra sự kiện lịch sử gì quan trọng đối với Ấn Độ? A. Chế tạo thành công bom nguyên tử. B. Tuyên bố độc lập. C. Cách mạng chất xám có nhiều thành quả. D. Đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. Câu 20. Điểm khác biệt giữa cách mạng khoa học - kĩ thuật hiện đại nửa sau thế kỉ XX với cách mạng công nghiệp thế kỉ XVIII là gì? A. Khoa học gắn liền với kĩ thuật. B. Có nhiều phát minh lớn cho nhân loại. C. Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. D. Kĩ thuật đi trước mở đường cho sản xuất. Lời giải chi tiết
Câu 1 Phương pháp: Dựa vào thái độ chính trị của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam để đánh giá giai cấp nào là đối tượng của cách mạng. Cách giải: Dựa vào đặc điểm và thái độ chính trị của giai cấp có thể thấy: giai cấp đại địa chủ phong kiến là giai cấp nắm trong tay nhiều ruộng đất, cho nhân dân sản xuất và thu tô. Đây là bộ phận địa chủ câu kết chặt chẽ, làm tay sai cho Pháp để đàn áp nhân dân ta. Chính vì thế, đại địa chủ phong kiến cũng trở thành đối tượng của cách mạng bên cạnh thực dân Pháp. Chọn D Chú ý khi giải: Một bộ phận không nhỏ tiểu và trung địa chủ tham gia phong trào dân tộc dân chủ chống thực dân Pháp và thế lực phản động tay sai. Câu 2 Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 41. Cách giải: Nguyên nhân khách quan giúp kinh tế các nước Tây Âu phục hồi sau Chiến tranh thế giới thứ hai là sự viện trợ của Mĩ trong kế hoạch Mác-san. Chọn B Câu 3 Phương pháp: Dựa vào kiến thức đã học trong bài Các nước Đông Nam Á để chứng minh Đông Nam Á đã bước sang một chương mới. Cách giải: Từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX, một chương mới đã mở ra trong lịch sử khu vực Đông Nam Á: - Lần đầu tiên sau nhiều thập kỉ, nền hòa bình đã được xác lập ở khu vực sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết (1991) - Từ 5 thành viên ban đầu đến năm 1999 10 nước Đông Nam Á đã vượt qua sự khác biệt về chính trị, cùng đứng trong tổ chức ASEAN - Trên cơ sở đó, ASEAN đã chuyển trọng tâm hoạt động sang hợp tác kinh tế, đồng thời xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định để cùng nhau phát triển phồn vinh Chọn C Chú ý khi giải: Tổ chức liên kết chính trị, kinh tế lớn nhất hành tinh là Liên minh châu Âu (EU). Câu 4 Phương pháp: Dựa vào kiến thức đã học về tình hình kinh tế và chính sách đối ngoại của Nhật Bản giai đoạn 1973 - 1991 để phân tích. Cách giải: Học thuyết Miyadaoa và học thuyết Hasimôtô thể hiện Nhật Bản vẫn coi trọng quan hệ với các nước Tây Âu, mở rộng quan hê đối tác trên phạm vi toàn cầu và chú trọng phát triển mối quan hệ với các nước Đông Nam Á. Hiệp ước an ninh Mĩ – Nhật được gia hạn vào các năm 1960, 1970 và được nâng cấp vào những năm 1996, 1997. Chọn B Câu 5 Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 48-50, suy luận, loại trừ. Cách giải: Cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại đã đạt được những thành tựu ở các lĩnh vực sau: - Khoa học cơ bản - Công cụ sản xuất mới. - Năng lượng mới. - Vật liệu mới. - Cách mạng xanh. - Giao thông vận tải và thông tin liên lạc. - Chinh phục vũ trụ. => Loại trừ đáp án: B Chọn B Câu 6 Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 10 - 12, suy luận. Cách giải: Nguyên nhân có tính chất giáo điều đưa đến sự sụp đổ của Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là: Xây dựng mô hình về Chủ nghĩa xã hội không phù hợp với sự biến đổi của tình hình thế giới và thực tế khách quan. - Thực hiện cơ chế tập trung quan liêu bao cấp thay cho cơ chế thị trường => Nền kinh tế thiếu năng động, sản xuất trì trệ, đời sống nhân dân không được cải thiện. Về mặt xã hội, vì thiếu dân chủ và công bằng, vi phạm pháp chế Xã hội chủ nghĩa => khơi sâu lòng bất mãn trong quần chúng. - Không bắt kịp bước phát triển của cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại, đưa tới sự khủng hoảng kinh tế - chính trị. Chậm sửa đối trước những biến động lớn của tình hình thế giới. khi sửa đổi lại xa rời với nguyên lí của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Chọn A Câu 7 Phương pháp: Liên hệ kiến thức về Nhật Bản và 4 con rồng kinh tế khác của châu Á là Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapo để phân tích các đáp án và rút ra điểm giống nhau. Cách giải: - Đáp án A: Bốn con rồng kinh tế của châu Á bao gồm: Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapo. Các nước này đều đẩy mạnh các cải cách dân chủ, mở cửa hội nhập quốc tế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, áp dụng những thành tựu khoa học – kĩ thuật, học hỏi kinh nghiệm quản lí, đào tạo nhân lực,…. Các chính sách kinh tế của Nhật Bản cũng cải cách mở cửa và tăng cường quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó chú trọng là Mĩ, Đông Nam Á và Tây Âu. - Đáp án B: Nhật có tham gia G7 và G8 nhưng 4 con rồng kinh tế châu Á lại không - Đáp án C: chỉ có Nhật Bản là không chi nhiều tiền chi quốc phòng và an ninh. - Đáp án D: Singapo tham gia liên minh quốc tế chống IS. Chọn A Câu 8 Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 4 Cách giải: Năm 1949 Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử, phá vỡ thế độc quyền hạt nhân của Mĩ Chọn C Câu 9 Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 33. Cách giải: Nguyên nhân dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai là do Mĩ ở xa chiến trường nên không bị chiến tranh tàn phá, được yên ổn phát triển sản xuất, đồng thời thu lợi nhuận khổng lồ nhờ buôn bán vũ khí, hàng hóa cho các nước tham chiến. Chọn C Câu 10 Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 21. Cách giải: Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phong trào giải phóng dân tộc đã nổ ra mạnh mẽ nhất ở các nước: In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Lào. Chọn A Câu 11 Phương pháp: Dựa vào kiến thức về phong trào yêu nước Việt Nam trước và sau năm 1919 để so sánh. Cách giải: - Trước năm 1919, phong trào yêu nước Việt Nam do sĩ phu yêu nước tiến bộ, công nhân lãnh đạo. - Từ năm 1919, Pháp thực hiện cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai đã tác động mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam, dẫn đến sự ra đời của giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Hai giai cấp mới này đã tham gia và lãnh đạo phong trào yêu nước. Chọn A Câu 12 Phương pháp: Dựa vào kiến thức đã học về phong trào yêu nước dân chủ công khai (1919-1925) ở Việt Nam để phân tích nguyên nhân thất bại. Cách giải: Phong trào yêu nươc dân chủ công khai (1919 – 1925) thất bại xuất phát từ những nguyên nhân sau: - Nguyên nhân khách quan: + Hệ tư tưởng dân chủ tư sản đã trở nên lỗi thời, lạc hậu. + Thực dân Pháp còn mạnh nên dễ dàng đàn áp phong trào. - Nguyên nhân chủ quan: bộ phận tư sản dân tộc do yếu kém về kinh tế nên ươn hèn về chính trị, tầng lớp tiểu tư sản do điều kiện kinh tế bấp bênh không thể lãnh đạo phong trào cách mạng. Chọn C Câu 13 Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 46. Cách giải: Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhằm thực hiện mục tiêu thứ nhất của Mĩ trong “Chiến lược toàn cầu”, Mĩ đã phát động cuộc “Chiến tranh lạnh” với Liên Xô diễn ra trong suốt 4 thập kỉ (1947 – 1949) gây nên tình trạng đối đầu căng thẳng trong quan hệ quốc tế. Chọn B Câu 14 Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 28. Cách giải: Trước cuộc đấu tranh ngoan cường của người da đen, chính quyền của người da trắng ở Nam Phi đã tuyên bố xóa bỏ chế độ Apacthai vào năm 1993. Chọn A Câu 15 Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 18 Cách giải: Tháng 12-1978, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra đường lối đổi mới do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Chọn A Câu 16 Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 29. Cách giải: Phong trào đấu tranh của nhân dân các nước Mĩ La-tinh được mở đầu bằng cuộc cách mạng Cu-ba năm 1959. Chọn C Câu 17 Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 45. Cách giải: Những thỏa thuận của Hội nghị Ianta đã dẫn đến sự hình thành một trật tự thế giới hai cực do Liên Xô và Mĩ đứng đầu mỗi cực. Chọn C Câu 18 Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 56, suy luận. Cách giải: Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 – 1929), thực dân Pháp chủ trọng đến khai mỏ nhưng lại hạn chế phát triển công nghiệp nặng. Bởi Pháp không muốn kinh tế nước ta phát triển, thực lực nước ta mạnh để chống lại Pháp. Chính vì thế, thực hiện chính sách này kinh tế Việt Nam vẫn sẽ lạc hậu và lệ thuộc vào nền kinh tế Pháp. Chọn A Câu 19 Phương pháp: SGK Lịch sử 9, trang 18. Cách giải: Năm 1950, Ấn Độ tuyên bố độc lập, thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh. Chọn B Câu 20 Phương pháp: Dựa vào kiến thức đã học về cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỉ XVIII và cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật hiện đại nửa sau thế kỉ XX để so sánh. Cách giải: - Cách mạng công nghiệp thế kỉ XVIII: Sản xuất đi trước mở đường cho kĩ thuật và kĩ thuật mở đường cho khoa học. - Cách mạng khoa học - kĩ thuật hiện đại nửa sau thế kỉ XX: Khoa học mở đường cho kĩ thuật và kĩ thuật mở đường cho sản xuất. => Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Chọn C
|