Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 11 - Đề số 4 có lời giải chi tiếtĐề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 11 - Đề số 4 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp Đề bài ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II MÔN LỊCH SỬ - LỚP 11 Câu 1. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Ấn Độ tháng 12 -1925 có ý nghĩa gì? A. Làm bùng lên làn sóng đấu tranh mới của nhân dân Ấn Độ. B. Lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. C. Góp phần thúc đẩy làn sóng đấu tranh chống thực dân Anh của nhân dân Ấn Độ. D. Một làn sóng đấu tranh chống thực dân Anh bùng nổ khắp Ấn Độ. Câu 2. Cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất đã tác động như thế nào đến đời sống của nhân dân Ấn Độ? A. Toàn bộ chi phí chiến tranh đều đổ lên vai nhân dân Ấn Độ B. Thực dân Anh tăng cường bóc lột C. Ban hành những đạo luật phản động D. Mâu thuẫn xã hội Ấn Độ căng thẳng Câu 3. Cho các dữ kiện sau: 1. Mở đầu vai trò cách mạng chống đế quốc và phong kiến ở Trung Quốc; 2. Phong trào Ngũ tứ lôi cuốn đông đảo các tầng lớp xã hội tham gia; 3. Đánh dấu bước chuyển của cách mạng. Hãy sắp xếp các dữ kiện trên theo đúng lôgíc. A. 2, 3, 1 B. 1, 2, 3 C. 3, 2, 1 D. 2, 1, 3 Câu 4. Chính đảng nào sau đây được giai cấp tư sản dân tộc thành lập ở Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ nhất? A. Đảng dân tộc ở Inđônêxia. B. Đảng Cộng sản Inđônêxia. C. Đảng Cộng sản Xiêm. D. Đại hội toàn Miến Điện. Câu 5. Cuộc nổi dậy của nông dân thuộc huyện Rô-lê-phan ở Công – pông Chơ – năng chuyển từ đấu tranh chống thuế, chống bắt phu sang A. đấu tranh chính trị chống Pháp. B. đấu tranh hòa bình chống Pháp. C. đấu tranh vũ trang chống Pháp. D. đấu tranh ôn hòa chống Pháp. Câu 6. Sự kiện lịch sử thế giới nào đã tác động mạnh mẽ đến phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ nhất? A. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga 1917. B. Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. C. Phong trào công nhân quốc tế phát triển mạnh. D. Sự phục hồi của Chủ nghĩa tư bản sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Câu 7. Nội dung nào dưới đây không phải là lí do để Anh và Pháp thực hiện chính sách nhượng bộ đối với chủ nghĩa phát xít ở những năm 30 của thế kỷ XX? A. Để giữ nguyên trật tự thế giới có lợi cho mình. B. Phe phát xít có tiềm lực quân sự hùng hậu. C. Lo sợ sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít. D. Thù ghét chủ nghĩa cộng sản là Liên Xô. Câu 8. Ngày 1/1/1942, 26 quốc gia với trụ cột là ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh đã kí kết một bản tuyên bố chung –Tuyên ngôn Liên hợp quốc đánh dấu A. khối Đồng minh chống phát xít được hình thành. B. tổ chức Liên hợp quốc chính thức thành lập. C. Hiến chương Liên hợp quốc chính thức có hiệu lực. D. sự chấm dứt xu thế đối đầu trong quan hệ quốc tế. Câu 9. Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945), Liên Xô giữ vai trò như thế nào? A. Là lực lượng đi đầu, chủ chốt và quyết định thắng lợi. B. Hỗ trợ liên quân Anh – Mỹ tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. C. Góp phần lớn vào việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. D. Giữ vai trò quan trọng trong tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Câu 10. Chiến thắng Xtalingrát của Hồng quân và nhân dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) có ý nghĩa như thế nào? A. Đã đánh đuổi quân Đức ra khỏi lãnh thổ Liên Xô. B. Làm phá sản chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng” của Đức. C. Kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. D. Làm xoay chuyển cục diện Chiến tranh thế giới thứ hai. Câu 11. Bản chất sự liên kết các nước trong “phe Trục” là gì? A. Liên minh các nước thực dân. B. Liên minh các nước tư bản dân chủ. C. Liên minh các nước phát xít. D. Liên minh các nước thuộc địa. Câu 12. Thắng lợi nào đã làm thất bại bước đầu âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp trong cuộc xâm lược Việt Nam lần 1? A. Chiến thắng Cầu Giấy lần 2. B. Thắng lợi của quân và dân ta tại mặt trận Đà Nẵng. C. Chiến thắng trên sông Vàm Cỏ Đông. D. Chiến thắng Cầu Giấy lần 1. Câu 13. Phòng tuyến mà nhà Nguyễn xây dựng để phòng thủ chống Pháp ở Gia Định năm 1860 là A. thành Vĩnh Long. B. Đại đồn Chí Hòa. C. đồn Kiên Giang. D. thành Gia Định. Câu 14. Với hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862), triều đình nhà Nguyễn đã nhượng cho Pháp A. ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn. B. ba tỉnh An Giang, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn. C. ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định,Vĩnh Long và đảo Côn Lôn. D. ba tỉnh Biên Hòa, Hà Tiên, Định Tường và đảo Côn Lôn. Câu 15. Phong trào đấu tranh nào của nhân dân ba tỉnh miền Đông Nam kì sau Hiệp ước 1862 khiến cho Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc quản lí những vùng đất chúng mới chiếm được? A. Phong trào “tị địa”. B. Phong trào “tiêu thổ” kháng chiến. C. Phong trào khởi nghĩa nông dân. D. Phong trào đấu tranh bằng văn thơ của các nhà Nho yêu nước. Câu 16. Sau Hiệp ước 1862, phong trào đấu tranh của nhân dân 3 tỉnh miền Đông Nam Kì có gì khác so với giai đoạn trước? A. Nhân dân tự tổ chức kháng chiến. B. Nhân dân đầu hàng thực dân Pháp. C. Hợp tác với triều đình chống Pháp. D. Chống pháp và chống phong kiến đầu hàng. Câu 17. Sau thất bại ở trận Cầu Giấy lần thứ 2 năm 1883, thái độ của nước Pháp đối với cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam như thế nào? A. Hoang mang, lo sợ và lung lay ý chí xâm lược. B. Càng củng cố quyết tâm xâm lược toàn bộ nước ta. C. Ra lệch cho quân Pháp rút khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng. D. Chuyển hướng tấn công triều đình nhà Nguyễn ở Huế. Câu 18. Ý nào không phản ánh đúng hành động của thực dân Pháp khi đưa quân đánh chiếm Bắc Kì lần thứ nhất (1873)? A. Giở trò khiêu khích. B. Tuyên bố mở cửa sông Hồng. C. Thương lượng với ta. D. Gửi tối hậu thư yêu cầu nộp thành. Câu 19. Thực dân Pháp lấy cớ gì để đánh chiếm Bắc Kì lần thứ nhất năm 1873? A. Giải quyết vụ Đuy puy. B. Điều tra tình hình Bắc Kì. C. Nhà Nguyễn không thi hành Hiệp ước 1862. D. Nhà Nguyễn không thi hành Hiệp ước 1874. Câu 20. Tại sao sau chiến thắng Cầu Giấy lần thứ nhất (12/1873), khi thực dân Pháp hoang mang, lo sợ và tìm cách thương lượng để rút khỏi Bắc Kỳ, triều đình nhà Nguyễn lại ký hiệp ước Giáp Tuất (1874) với những điều khoản có lợi cho Pháp ? A. Dù thất bại tại Cầu Giấy nhưng Pháp còn mạnh, đã chiếm được các tỉnh Bắc Kỳ. B. Nhân dân ta không còn tin tưởng triều đình nên không liên kết với quân đội triều đình. C. Nhà Nguyễn nhu nhược, hèn kém, chỉ mong muốn dựa vào thương thuyết, không nhìn thấy khó khăn của thực dân Pháp. D. Pháp đã được tăng viện, quyết tâm đánh chiếm Bắc Kỳ khiến nhà Nguyễn lo sợ và tìm cách thương lượng. Câu 21. Vì sao quân đội triều đình nhanh chóng thất thủ tại thành Hà Nội năm 1873? A. Triều đình đã đầu hàng. B. Quân triều đình chống cự yếu ớt. C. Quân triều đình đã thực hiện chiến thuật phòng thủ, dựa vào thành đánh giặc, chưa kết hợp với nhân dân kháng chiến. D. Triều đình mải lo đối phó với phong trào đấu tranh của nhân dân. Câu 22. Cuộc khởi nghĩa nào không nằm trong phong trào Cần vương chống Pháp? A. Ba Đình. B. Bãi Sậy. C. Yên Thế. D. Hương Khê. Câu 23. Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt (11/1888) phong trào Cần Vương đã A. tiếp tục hoạt động, quy tụ lại thành những trung tâm lớn, có xu hướng đi vào chiều sâu. B. hoạt động cầm chừng, có nguy cơ tan rã. C. tiếp tục hoạt động, nhưng quy tụ thành những trung tâm lớn và chuyển trọng tâm xuống đồng bằng. D. chấm dứt hoạt động. Câu 24. Bài học kinh nghiệm lớn nhất được rút ra cho cách mạng Việt Nam từ sự thất bại của phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX- những năm đầu thế kỉ XX là gì? A. Phải xác định đúng giai cấp lãnh đạo và đưa ra đường lối đấu tranh đúng đắn. B. Phải xây dựng được một mặt trận thống nhất dân tộc để đoàn kết toàn dân. C. Phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ. D. Phải sử dụng sức mạnh của cả dân tộc để giải quyết vấn đề dân tộc và giai cấp. Câu 25. Điểm chung của phong trào Cần vương qua hai giai đoạn phát triển là A. xuất hiện nhiều cuộc khởi nghĩa có quy mô rộng lớn và diễn ra trong thời gian dài. B. đều có sự lãnh đạo của các văn thân, sĩ phu yêu nước. C. nổ ra trên phạm vi rộng lớn đặc biệt là Bắc Kì và Trung Kì. D. đều đặt dưới sự chỉ huy của triều đình. Lời giải chi tiết
Câu 1 Phương pháp: sgk 11 trang 82. Cách giải: Sự phát triển của phong trào công nhân dẫn dẫn tới sự thành lập Đảng Cộng sản Ấn Độ (12-1925). Sự kiện này góp phần thúc đẩy làn sóng đấu tranh chống thực dân Anh của nhân dân Ấn Độ. Chọn C Câu 2 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 81. Cách giải: Chiến tranh thế giới thứ nhất đã đẩy nhân dân Ấn Độ vào cảnh sống cùng cực vì toàn bộ gánh nặng chi phí chiến tranh của thực dân Anh đề nặng lên vai nhân dân các thuộc địa. Chọn A Chú ý khi giải: - Đáp án B, C: là chính sách của Anh đối với nhân dân Ấn Độ sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. - Đáp án D: Là tác động từ những chính sách của thực dân Anh sau chiến tranh đối với xã hội Ấn Độ. Câu 3 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 79 - 80, sắp xếp. Cách giải: 1. Mở đầu vai trò cách mạng chống đế quốc và phong kiến ở Trung Quốc (ý nghĩa của phong trào Ngũ Tứ) 2. Phong trào Ngũ tứ lôi cuốn đông đảo các tầng lớp xã hội tham gia (Lực lượng tham gia phong trào Ngũ Tứ) 3. Đánh dấu bước chuyển của cách mạng (Vai trò chung của của cách mạng của phong trào Ngũ Tứ) Chọn D (2,1,3) Câu 4 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 84. Cách giải: Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, một số chính đảng của giai cấp tư sản dân tộc được thành lập và có ảnh hưởng rộng lớn ở Đông Nam Á như: Đảng dân tộc ở Inđônêxia, Đại hội toàn Mã Lai, phong trào Thakin ở Miến Điện. Chọn A Câu 5 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 87. Cách giải: Cuộc nổi dậy của nông dân thuộc huyện Rô-lê-phan ở Công – pông Chơ – năng chuyển từ đấu tranh chống thuế, chống bắt phu sang đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp. Chọn C Câu 6 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 84, suy luận. Cách giải: Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 thành công là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới thắng lợi đã cổ vũ các nước Đông Nam Á đấu tranh, dẫn tới thành lập nhiều Đảng Công sản, thúc đẩy phong trào độc lập ở Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ. Chọn A Câu 7 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 91, loại trừ Cách giải: Chính phủ các nước Anh, pháp, Mĩ đều có chung một mục đích là giữ nguyên một trật tự thế giới có lợi cho mình. Họ lo sợ sự bành trướng của CNPX. Họ lo sợ sự bành trướng của CNPX, nhưng vẫn thù ghét chủ nghĩa cộng sản => Giới cầm quyền Anh, Pháp, đã không liên kết chặt chẽ với Liên Xô để cùng chống lại phát xít Chọn B Câu 8 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 97 Cách giải: Ngày 1/1/1942, 26 quốc gia với trụ cột là ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh đã kí kết một bản tuyên bố chung –Tuyên ngôn Liên hợp quốc đánh dấu việc khối Đồng minh chống phát xít được hình thành. Chọn A Câu 9 Phương pháp: phân tích, suy luận Cách giải: Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945), Liên Xô giữ vai trò là lực lượng đi đầu chủ chốt và quyết định đến thắng lợi của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít Chọn A Câu 10 Phương pháp: phân tích, suy luận Cách giải: Chiến thắng Xtalingrát của Hồng quân và nhân dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) có ý nghĩa tạo nên bước ngoặt làm xoay chuyển cục diện của cuộc chiến tranh thế giới. Bắt đầu từ đây Liên Xô và phe Đông minh chuyển sang tấn công đồng loạt trên các mặt trận Chọn D Câu 11 Phương pháp: Dựa vào kiến thức đã học về Chiến tranh thế giới thứ hai (SGK Lịch sử 11, trang 90) để phân tích mối liên hệ và bản chất của phe Trục. Cách giải: Bản chất sự liên kết các nước trong “phe Trục” là liên minh các nước phát xít: Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản. Phe Trục này được hình thành vào những năm 30 của thế kỉ XX còn được gọi là Trục Béc-lin – Rô-ma – Tô-ki-ô. Chọn C Câu 12 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 109. Cách giải: Cuộc kháng chiến của quân dân ta tại mặt trận Đà Nẵng đã làm thất bại bước đầu âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp. Chọn B Câu 13 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 110. Cách giải: Phòng tuyến mà nhà Nguyễn xây dựng để phòng thủ chống Pháp ở Gia Định năm 1860 là: đại đồn Chí Hòa. Chọn B Câu 14 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 111. Cách giải: Với hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862), triều đình nhà Nguyễn đã nhượng cho Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn. Chọn A Câu 15 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 112. Cách giải: Phong trào “tị địa” của nhân dân ba tỉnh miền Đông Nam Kì sau Hiệp ước 1862 đã diễn ra sôi nổi, khiến cho Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức, quản lí những vùng đất chúng mới chiếm được. Chọn A Câu 16 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 112, suy luận. Cách giải: Từ năm 1862 trở đi: triều đình Huế tỏ thái độ hòa hoãn với Pháp, vừa sợ Pháp vừa sợ dân, kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất (5-6-1862), công nhận 3 tỉnh miền Đông Nam Kì thuộc Pháp => Cuộc kháng chiến của nhân dân ta lúc này là kết hợp chống Pháp và chống phong kiến đầu hàng. Chọn D Câu 17 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 122. Cách giải: Sau thất bại ở trận Cầu Giấy lần thứ 2 năm 1883, Pháp càng củng cố quyết tâm xâm lược toàn bộ nước ta. Chọn B Câu 18 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 117. Cách giải: Hành động của thực dân Pháp khi đưa quân đánh chiếm Bắc Kì lần thứ nhất (1873): - Giở trò khiêu khích. - Tuyên bố mở cửa sông Hồng. - Gửi tối hậu thư yêu cầu nộp thành. Chọn C Câu 19 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 117. Cách giải: Chớp cơ hội triều Nguyễn nhờ giải quyết vụ Đuy-puy đang gây rối ở Hà Nội, thực dân Pháp ở Sài Gòn phải Đại úy Gác-ni-ê đưa quân ra Bắc. Sau khi hội quân với Đuy-puy, thực dân Pháp liền giở trò khiêu khích, sau đó đưa quân đi chiếm các tỉnh thành ở đồng bằng Bắc Kì. Chọn A Câu 20 Phương pháp: Giải thích. Cách giải: Chiến thắng Cầu Giấy lần thứ nhất (12/1873), khi thực dân Pháp hoang mang, lo sợ và tìm cách thương lượng để rút khỏi Bắc Kỳ. Tuy nhiên, triều đình nhà Nguyễn lại ký hiệp ước Giáp Tuất (1874) với những điều khoản có lợi cho Pháp bởi vì nhà Nguyễn nhu nhược, hèn kém, chỉ mong muốn dựa vào thương thuyết, không nhìn thấy khó khăn của thực dân Pháp. Chọn C Câu 21 Phương pháp: Giải thích. Cách giải: Quân triều đình đã thực hiện chiến thuật phòng thủ, dựa vào thành đánh giặc, chưa kết hợp với nhân dân kháng chiến. => nhanh chóng thất thủ tại thành Hà Nội năm 1873. Chọn C Câu 22 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 128 – 131. Cách giải: - Các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần vương: Ba Đình, Bãi Sậy, Hương Khê. - Khởi nghĩa Yên Thế không nằm trong phong trào Cần vương. Chọn C Câu 23 Phương pháp: SGK Lịch sử 11, trang 126. Cách giải: Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt (11/1888) phong trào Cần Vương vẫn tiếp tục hoạt động, quy tụ lại thành những trung tâm lớn, có xu hướng đi vào chiều sâu. Chọn A Câu 24 Phương pháp: Phân tích nguyên nhân thất bại của phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX - những năm đầu thế kỉ XX để rút ra bài học. Cách giải: - Phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Nguyên nhân là do: + Chưa có đường lối đấu tranh đúng đắn: Ngọn cờ cứu nước theo lập trường phong kiến đã lỗi thời; còn con đường dân chủ tư sản mới du nhập vào nước ta đầu thế kỉ XX găn liên với hoạt động tiêu biểu của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã bước đầu thất bại. + Chưa xác định được giai cấp lãnh đạo đúng đắn: giai cấp phong kiến không phù hợp vì ngọn cờ phong kiến đã lỗi thời, giai cấp tư sản thì chưa phù hợp vì mục tiêu hướng tới là giành quyền lợi cho tư sản mà yêu cầu lịch sử ở Việt Nam là phải giành quyền lợi cho đại đa số quần chúng nhân dân. => Bài học rút ra là: Phải xác định đúng giai cấp lãnh đạo và đưa ra đường lối đấu tranh đúng đắn. Chọn A Câu 25 Phương pháp: Dựa vào kiến thức đã học về phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX (SGK Lịch sử 11, trang 126 - 127) để phân tích các đáp án và rút ra đặc điểm chung của hai giai đoạn trong phong trào Cần vương. Cách giải: - Đáp án A loại vì đây là đặc điểm của giai đoạn 2 của phong trào Cần vương. - Đáp án B chọn giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của phong trào Cần vương đều có sự lãnh đạo của văn thân, sĩ phu yêu nước. - Đáp án C loại vì đây là đặc điểm của giai đoạn 1 của phong trào Cần vương. - Đáp án D loại vì giai đoạn 2 không còn sự lãnh đạo của triều đình. Chọn B HocTot.Nam.Name.Vn
|