Đề kiểm tra giữa kì 1 lịch sử 9 - Đề số 4 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra giữa kì 1 lịch sử 9 - Đề số 4 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề bài

TRẮC NGHIỆM

Câu 1. Nhằm hoàn thành mục tiêu khôi phục kinh tế, ngay từ đầu năm 1946 Đảng và Nhà nước Xô viết đã đề ra kế hoạch

A. 5 năm lần thứ tư.

B. 5 năm lần thứ năm.

C. 5 năm lần thứ sáu.

D. 5 năm lần thứ bảy.

Câu 2. Tình hình nổi bật của Liên Xô ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) là

A. chịu những tổn thất nặng nề.

B. bước ra với tư thế thua trận.

C. thu được nhiều lợi nhuận.

D. đứng đầu thế giới về kinh tế.

Câu 3. Đâu không phải là cơ sở dẫn đến sự hợp tác giữa Liên Xô và các nước Đông Âu?

A. Cùng chung mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

B.  Đều đặt dưới sự lãnh đạo của các Đảng Cộng sản.

C. Đều cùng chung mục tiêu thoát khỏi sự nô dịch của Đức.

D. Đều cùng chung hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác Lê-nin.

Câu 4. Ngày 25/12/1991 đã diễn ra sự kiện lịch sử gì quan trọng ở Liên Xô?

A. Cuộc cải tổ về chính trị được thực hiện.

B. Cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống được thực hiện.

C. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên bang Xô viết tan rã.

D. SEV chính thức chấm dứt hoạt động.

Câu 5. Từ giữa những năm 70, nhất là từ những năm 80 của thế kỉ XX, nền kinh tế của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lâm vào tình trạng

A. khủng hoảng trầm trọng.

B.  chiến tranh liên miên.      

C. tranh quyền làm chủ.

D.  bị xâm lược lãnh thổ.

Câu 6.Về thực tế, công cuộc cải tổ ở Liên Xô có nội dung cơ bản là

A. Cải tổ kinh tế triệt để, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng về kinh tế.

B. Cải tổ hệ thống chính trị.

C. Cải tổ xã hội.

D. Cải tổ kinh tế và xã hội.

Câu 7. Cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi được xếp vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vì

A. Chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi là không phù hợp với ý Chúa.

B. Nam Phi chưa giành được độc lập dân tộc.

C. Chế độ phân biệt chủng tộc là một hình thái áp bức của chủ nghĩa thực dân.

D. Chế độ phân biệt chủng tộc không được Hiến pháp Nam Phi thừa nhận.

Câu 8. Từ những năm 70 của thế kỉ XX, chủ nghĩa thực dân cũ chỉ còn tồn tại dưới hình thức nào?

A. Chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.                                            B.  Chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

C. Chế độ phân biệt chủng tộc.                                             D. Chế độ thực dân.

Câu 9. Ba quốc gia nào ở Đông Nam Á đã chớp thời cơ Nhật đầu hàng đồng minh để tiến hành khởi nghĩa vũ trang và giành thắng lợi trong năm 1945?

A.  Inđônêxia, Việt Nam, Campuchia.

B.  Inđônêxia, Campuchia, Lào.

C. Việt Nam, Lào, Campuchia.

D.  Lào, Việt Nam, Inđônêxia.   

Câu 10. Sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có ý nghĩa như thế nào đối với Trung Quốc?

A. Hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ ở Trung Quốc

B. Chấm dứt sự nô dịch và thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ ở Trung Quốc

C. Chấm dứt hơn 100 năm nô dịch và thống trị của đế quốc, xóa bỏ tàn dư phong kiến, mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do, đi lên xã hội chủ nghĩa    

D. Lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm ở Trung Quốc.

Câu 11. Năm 1999, Trung Quốc đã thu hồi chủ quyền dồi với vùng lãnh thổ nào?

A. Hồng Công

B. Ma Cao 

C. Đài Loan 

D. Bành Hồ

Câu 12. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước châu Á là thuộc địa của những nước nào?

A. Anh, Pháp, Mĩ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.                    B. I-ta-li-a, Nhật, Mĩ, Anh, Pháp.

C. Anh, Pháp, Mĩ, Nhật, Hà Lan.                                        D. Anh, Pháp, Mĩ, Nhật, Tây Ban Nha.

Câu 13. Yếu tố nào dẫn đến sự phân hóa về đường lối đối ngoại của các nước Đông Nam Á từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX?

A. Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh lạnh.

B. Sự khác biệt về trình độ phát triển.

C. Sự khác biệt về hệ tư tưởng.

D. Ảnh hưởng của cách mạng khoa học kĩ thuật, xu thế toàn cầu hóa.

Câu 14. Tại sao nói: Cuộc đấu tranh xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu ở châu Phi còn gian khổ, lâu dài hơn cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do?

A. Châu Phi gặp nhiều khó khăn kéo dài trong công cuộc xây dựng đất nước.

B. Châu Phi vừa đấu tranh giành độc lập vừa xây dựng đất nước.

C. Liên minh châu Âu (AU) không giải quyết triệt để khó khăn trước mắt.

D. Tàn dư của chủ nghĩa thực dân vẫn còn tồn tại ở châu Phi.

Câu 15. Trong phong trào đấu tranh từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 2000, Mĩ Latinh được gọi là

A.  “Hòn đảo tự do”

B. “Lục địa bùng cháy”.

 

C. “Lục địa mới trỗi dậy”.

D.  “Tiền đồn của chủ nghĩa xã hội”.

Câu 16. Từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX, nền kinh tế của các nước Mĩ Latinh mang đặc điểm gì nổi bật?

A. Kinh tế phát triển với tốc độ cao

B. Trở thành trung tâm kinh tế tài chính mới nổi của thế giới

C. Gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng thấp

D. Khủng hoảng trầm trọng

Câu 17. Năm 1993 đã diễn ra sự kiện quan trọng gì ở Nam Phi?

A. Chính quyền người da trắng tuyên bố xóa bỏ chế độ Apacthai.

B. Chính quyền đưa ra “Chiến lược kinh tế vĩ mô”.

C.  Liên bang Nam Phi được thành lập.

D. Nen – xơn Man-đe-la trở thành tổng thống da đen đầu tiên.

Câu 18. Sự kiện nào sau đây được xem là mốc mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi sau chiến tranh thế giới thứ hai?

A. 17 nước châu Phi giành độc lập.                                      B. Thắng lợi của nhân dân An-giê-ri.

C. Cuộc binh biến của sĩ quan yêu nước Ai Cập.                 D. Chế độ phân biệt chủng tộc được xóa bỏ.

II. TỰ LUẬN

Câu 19. Trình bày hoàn cảnh ra đời của ASEAN. Thời cơ và thách thức của Việt Nam khi ra nhập ASEAN?

Câu 20. Tại  sao nói:  Sau chiến tranh thế giới thứ II, Liên Xô được coi là thành trì của hòa bình thế giới?

 

Lời giải chi tiết

 TRẮC NGHIỆM

1. A

2. A

3. C

4. C

5. A

6. B

7. C

8. C

9. D

10. C

11. B

12. A

13. A

14. A

15. B

16. C

17. A

18. C

 

 

 

Câu 1

Phương pháp: skg trang 4.

Cách giải:

Ngay từ đầu năm 1946, Đảng và Nhà nước Xô viết đã đề ra kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế đất nước với kế hoạch 5 năm lần thứ tư (1946 – 1950).

Chọn: A

Câu 2

Phương pháp: sgk trang 3.

Cách giải:

Bước ra khỏi Chiến tranh thế giới thứ hai với tư thế của người chiến thắng, nhưng Liên Xô đã phải chịu những tổn thất hết sức nặng nề:

- Hơn 27 triệu người chết.

- 1710 thành phố, hơn 7 vạn làng mạc, gần 32000 nhà máy xí nghiệp bị tàn phá.

- Riêng lãnh thổ đất nước thuộc phần châu Âu gần như hoang tàn, đổ nát.

Chọn: A

Câu 3

Phương pháp: sgk trang 8, suy luận.

Cách giải:

Cơ sở cho sự hợp tác này là Liên Xô và các nước Đông Âu đều cùng chung một mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, đều đặt dưới sự lãnh đạo của các đảng cộng sản và cùng chung hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin

Đáp án C: các nước Đông Âu đã thoát khỏi ách nô dịch của phát xít Đức khi Liên Xô tiến vào lãnh thổ Đông Âu truy kích quân đội phát xít Đức, nhân dân các nước Đông Âu đã nhanh chóng nổi dậy và khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Sau đó một loạt các nước dân chủ nhân dân Đông Âu đã được thành lập ở các nước Đông Âu từ cuối năm 1944 đến năm 1946.

Chọn: C

Câu 4

Phương pháp: sgk trang 10.

Cách giải:

Ngày 25/12/1991, Goóc-ba-chốp tuyên bố từ chức Tổng thống. Lá cờ Liên bang Xô viết trên nóc điện Krem-li bị hạ xuống, đánh dấu sự chấm dứt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên bang Xô viết sau 74 năm tồn tại.

Chọn: C

Câu 5

Phương pháp: sgk trang 9.

Cách giải:

Từ giữa những năm 70, nhất là từ nửa sau những năm 80 của thế kỉ XX, nền kinh tế Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lâm vào tình trạng trì trệ và khủng hoảng trầm trọng.

Chọn: A

Câu 6

Phương pháp: sgk trang 10, suy luận.

Cách giải:

Nội dung công cuộc cải tổ của Goóc-ba-chốp:

Về chính trị: thực hiện chế độ đa nguyên về chính trị (tức nhiều đảng cùng tham gia công việc chính trị của đất nước), xóa bỏ chế độ một đảng (tức là Đảng Cộng sản) nắm vai trò lãnh đạo nhà nước, tuyên bố dân chủ và “công khai” mọi mặt.

Về kinh tế: tuy đề ra nhiều phương án nhưng chưa thực hiện được gì. Kinh tế đất nước tiếp tục suy giảm, dẫn đến những bất ổn về chính trị, xã hội.

Về xã hội: nhiều cuộc bãi công diễn ra, nhiều nước cộng hòa đòi li khai tách thành những quốc gia độc lập, các thế lực chống đối ráo riết hoạt động.

=> Về thực tế, những cải cách về kinh tế của Liên Xô không được thực hiện, nội dung cơ bản vẫn là cải tổ về chính trị.

Chọn: B

Câu 7

Phương pháp: sgk trang 14, suy luận.

Cách giải:

Chế độ phân biệt chủng tộc cũng là một hình thái của chủ nghĩa thực dân cũ, tồn tại tiêu biểu ở Nam Phi.

=> Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng là đấu tranh chống thực dân cũ để giải phóng dân tộc.

Chọn: C

Câu 8

Phương pháp: sgk trang 14.

Cách giải:

Trong cuối những năm 70, chủ nghĩa thực dân chỉ còn tồn tại dưới hình thức cuối cùng của nó là chế độ phân biệt chủng tộc (Apacthai) tập trung ở ba nước miền Nam châu Phi là: Rô-đê-đi-a, Tây Nam Phi và Cộng hòa Nam Phi.

Chọn: C

Câu 9

Phương pháp: sgk trang 13.

Cách giải:

Ngay sau khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, nhân dân nhiều nước Đông Nam Á đã nổi dậy, tiến hành khởi nghĩa vũ trang, lật đổ ách thống trị của phát xít, thành lập chính quyền cách mạng, tiêu biểu là các nước Inđônêxia, Việt Nam, Lào.

Chọn: D

Câu 10

Phương pháp: sgk trang 16.

Cách giải:

Sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 chấm dứt hơn 100 năm nô dịch và thống trị của đế quốc, xóa bỏ toàn dư phong kiến, đưa nước Trung Hoa bước vào kỉ nguyên độc lập, tư do, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Chọn: C

Chú ý khi giải:

- Chế độ phong kiến ở Trung Quốc đã bị lật đổ từ Cách mạng Tân Hợi (1911). Năm 1949, sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có ý nghĩa xóa bỏ tàn tích phong kiến.

- Cuộc nội chiến giữa Đảng Cộng sản và Quốc dân đảng ở Trung Quốc mang tính chất là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, do có sự can thiệp và giúp đỡ của đế quốc Mĩ với Quốc dân đảng.

Câu 11

Phương pháp: sgk trang 20.

Cách giải:

Trung Quốc đã thu hồi chủ quyền đối với Hồng Công (7-1997) và Ma Cao (12 – 1999).

Chọn: B

Câu 12

Phương pháp: Loại trừ

Cách giải:

Nhật Bản không có thuộc địa ở châu Á trước chiến tranh thế giới thứ hai => loại B, C, D

Chọn: A

Câu 13

Phương pháp: sgk trang 22, 23, suy luận.

Cách giải:

Do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh lạnh, từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX các nước Đông Nam Á đã có sự phân hóa về đường lối đối ngoại:

- Việt Nam, Lào, Campuchia kháng chiến chống Mĩ xâm lược

- Thái Lan, Philippin tham gia vào khối SEATO, giúp Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam

- Indonexia, Miến Điện thị hành chính sách hòa bình, trung lập, không tham gia vào các khối quân sự xâm lược của các nước đế quốc

=> Chiến tranh lạnh là nhân tố tác động đến sự phân hóa chính sách đối ngoại của các nước Đông Nam Á từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX.

Chọn: A

Câu 14

Phương pháp: sgk trang 26 – 28, suy luận. 

Cách giải:

Sau khi giành độc lập, các nước châu Phi bước vào công cuộc xây dựng đất nước với nhiều khó khăn kéo dài. Đó là các cuộc xung đột, nội chiến đẫm máu do mâu thuẫn sắc tộc hoặc tôn giáo, tình trạng đói nghèo, nợ nần chồng chất và các loại dịch bệnh hoành hoành. Nhiều nước châu Phi thuộc diện nghèo nhất thế giới, đói ăn kinh niên. Vào đầu những năm 90 của thế kỉ XX, số nợ của các nước châu Phi lên tới 3000 tỉ USD.

Cho đến nay, những khó khăn này vẫn còn tồn tại phổ biến ở các nước châu Phi.

=> Chính vì thế, có thể nói: Cuộc đấu tranh xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu ở châu Phi còn gian khổ, lâu dài hơn cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do

Chọn: A

Câu 15

Phương pháp: sgk trang 29.

Cách giải:

Được mở đầu bằng cách mạng Cuba năm 1959, từ đầu những năm 60 đến những năm 80 của thế kỉ XX, một cao trào đấu tranh vũ trang đã bùng nổ ở Mĩ Latinh và khu vực này được ví như “Lục địa bùng cháy” của phong trào cách mạng.

Chọn: B

Câu 16

Phương pháp: sgk trang 31.

Cách giải:

Từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX tình hình kinh tế ở Mĩ Latinh gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng thấp (từ 1,5-3%), thu nhập bình quân đầu người không tăng, đầu tư nước ngoài giảm sút.

Chọn: C

Câu 17

Phương pháp: sgk trang 28. 

Cách giải:

Trước cuộc đấu tranh ngoan cường của người da đen, chính quyền của người da trắng ở Nam Phi đã tuyên bố xóa bỏ chế độ Apacthai vào năm 1993.

Chọn: A

Câu 18

Phương pháp: sgk trang 26. 

Cách giải:

Khởi đầu cho phòng trào giải phóng dân tộc ở châu Phi là cuộc binh biến tháng 7-1952 của các sĩ quan yêu nước Ai Cập. Cuộc binh biến này đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế và đưa tới thành lập nước Cộng hòa Ai Cập (18-6-1953).

Chọn: C

TỰ LUẬN

Câu 19

Phương pháp: sgk trang 23, suy luận từ bài học

Cách giải:

* Hoàn cảnh ra đời của ASEAN:

- Sau khi giành được độc lập, nhiều nước Đông Nam Á ngày càng nhận thức rõ sự cần thiết phải cùng nhau hợp tác để phát triển kinh tế - văn hóa, hạn chế sự ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài...

- Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan) với sự tham gia của 5 nước (In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan).

* Thời cơ và thách thức của Việt Nam khi ra nhập ASEAN

- Thời cơ:

+ Được mở rộng thị trường.

+ Tranh thủ nguồn vốn, khoa học - kĩ thuật của các nước phát triển hơn trong khu vực…

→ Thu hẹp khoảng cách với các nước, giúp nước ta phát triển nhanh hơn…

- Thách thức:

+ Sự khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, thể chế chính trị…

+ Nếu Việt Nam không bắt kịp với các nước sẽ bị tụt hậu về kinh tế, dễ bị hoà tan nếu sự du nhập của nền văn hoá ngoại lai khiến bản sắc văn hoá dân tộc mất đi…

Câu 20

Phương pháp: sgk trang 5, phân tích 

Cách giải:

Sau chiến tranh thế giới thứ II, Liên Xô được coi là thành trì của hòa bình thế giới vì:

- Liên Xô chủ trương dùy trì hòa bình và an ninh thế giới.

- Thực hiện chính sách chung sống hòa bình, quan hệ hữu nghị với tất cả các nước.

- Tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập tự do của các dân tộc bị áp bức: Ví dụ : giúp Việt Nam và Triều Tiên chống Mĩ…

=> Liên Xô trở thành chỗ dựa vững chắc của hòa bình và cách mạng thế giới.

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close