Đề cương ôn tập học kì 2 Văn 10 - Cánh diều

Tải về

Gồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 10 tất cả các môn - Cánh diều

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa...

A. NỘI DUNG ÔN TẬP

1. Phần đọc hiểu

a. Văn học trung đại Việt Nam

- Văn học trung đại Việt Nam hình thành, phát triển trong khoảng thời gian từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, trong thời kì phong kiến. Văn học trung đại Việt Nam gồm hai bộ phận: văn học viết bằng chữ Hán và văn học viết bằng chữ Nôm. Văn học trung đại Việt Nam có liên hệ mật thiết với nguồn mạch văn học dân gian; đồng thời tiếp thu một cách chọn lọc, sáng tạo tinh hoa của nhiều nền văn học trong khu vực, đặc biệt là văn học cổ điển Trung Hoa.

- Văn học trung đại Việt Nam luôn gắn bó sâu sắc với vận mệnh của quốc gia, dân tộc, thể hiện rõ tinh thần yêu nước và đề cao các giá trị nhân văn, nhân đạo. Tính quy phạm được xem là đặc trưng nổi bật nhất trong văn học trung đại

b. Tiểu thuyết và truyện ngắn

- Tiểu thuyết và truyện ngắn đều thuộc loại tác phẩm truyện.

+ Tiểu thuyết là tác phẩm tự sự cỡ lớn. Tiểu thuyết có khả năng phản ánh đời sống rộng lớn, không bị giới hạn về không gian và thời gian; cốt truyện phức tạp, được xây dựng trên nhiều sự kiện, cảnh ngộ, nhiều mối xung đột; miêu tả nhiều tuyến nhân vật, nhiều quan hệ chồng chéo với những diễn biến tâm lí phức tạp, đa dạng. Tiểu thuyết có nhiều loại, ở Bài 6 tập trung vào tiểu thuyết chương hồi.

+ Truyện ngắn là thể loại tự sự cỡ nhỏ. Truyện ngắn hướng tới khắc hoạ một hiện tượng trong đời sống; cốt truyện thường diễn ra trong thời gian, không gian hạn chế; kết cấu không nhiều tầng, nhiều tuyến; thường có ít nhân vật. Truyện ngắn thu hút người đọc bởi nội dung cô đúc, chi tiết có sức ám ảnh, ý tưởng sắc sảo được thể hiện qua tình huống bất ngờ, lời văn hàm súc, mang nhiều ẩn ý.

- Điểm nhìn nghệ thuật là thuật ngữ dùng để chỉ vị trí quan sát của người kể chuyện trong tương quan với nhân vật, sự việc được trần thuật

+ Người kể chuyện hạn tri thường là người kể chuyện theo ngôi kể thứ nhất. Người kể chuyện hạn tri thường trực tiếp tham dự hoặc chứng kiến các sự việc sảy ra trong truyện nên vị trí quan sát, miêu tả, trần thuật,… bị giới hạn

+ Người kể chuyện toàn tri thường là người kể chuyện theo ngôi thứ ba. Người kể chuyện toàn tri không trực tiếp tham gia câu chuyện nhưng là người quan sát toàn năng, biết hết tất cả sự việc

c. Thơ tự do

- Thơ tự do khác với thơ cách luật, không có thể thức nhất định, không bị ràng buộc về số dòng, số chữ, vần,... Khác với thơ văn xuôi, thơ tự do là thơ có phân dòng. Bài thơ tự do có thể là sự kết hợp của các đoạn làm theo nhiều thể khác nhau hoặc tự do hoàn toàn. Thơ tự do xuất hiện do nhu cầu giải phóng cảm xúc khỏi sự ràng buộc chặt chẽ của các quy tắc về hình thức, phản ánh được những khía cạnh mới của cuộc sống đa dạng, thể hiện cái nhìn nghệ thuật mới của nhà thơ.

-Nhân vật trữ tình (một dạng biểu hiện của chủ thể trữ tình) là người trực tiếp bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ,… trong bài thơ. Đó là một người hoặc một giọng nào đó nói với người đọc những cảm nhận, rung động, suy tư,... của bản thân về con người và cuộc sống. Nhân vật trữ tình “là con người “đồng dạng” của tác giả – nhà thơ hiện ra từ văn bản”(), nhưng không đồng nhất giản đơn với tác giả.

– Hình ảnh trong bài thơ hiện lên qua việc tác giả sử dụng các từ ngữ (tượng thanh, tượng hình, từ láy,...) và các biện pháp tu từ gợi cho người đọc cảm nhận về bức tranh đời sống thông qua các giác quan (thị giác, thính giác,...); giúp nhà thơ truyền tải cảm xúc, tư tưởng mạnh mẽ, cách miêu tả thêm sống động.

- Cảm hứng chủ đạo trong thơ là trạng thái cảm xúc, tình cảm mãnh liệt, tràn đầy, bao trùm, xuyên suốt tác phẩm, gắn với một tư tưởng, một cách đánh giá của tác giả. Thường có những dạng cảm hứng chủ đạo như: cảm hứng anh hùng, tự hào, bi thương, trào lộng,...

d. Văn bản nghị luận

- Cách sắp xếp, trình bày luận đề, luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng

+Trong văn bản nghị luận, luận đề là quan điểm bao trùm toàn bộ bài viết, thường được nêu ở nhan đề hoặc trong phần mở đầu của bài viết. Luận điểm nhằm triển khai làm rõ cho luận đề; số luận điểm nhiều hay ít tuỳ thuộc vào dung lượng và nội dung của vấn đề. Mỗi luận điểm thường được trình bày bằng một câu khái quát và được làm sáng tỏ bởi các lí lẽ, dẫn chứng. Cách sắp xếp, trình bày các yếu tố trên thể hiện bố cục và trình tự, thứ bậc (kết cấu) của hệ thống ý trong bài nghị luận; giúp cho bài viết rõ ràng, mạch lạc và có sức thuyết phục cao.

-Tác phẩm văn học và người đọc

+Tác phẩm văn học là sáng tạo nghệ thuật ngôn từ của nhà văn, là đối tượng tiếp nhận của người đọc. Thông qua hoạt động tiếp nhận, người đọc không chỉ nhận ra cái hay, cái đẹp (hoặc chưa hay, chưa đẹp) về nội dung, nghệ thuật của văn bản mà còn hiểu biết thêm về cuộc sống và chính mình. Các hoạt động tiếp nhận thường bao gồm: đọc văn bản; tưởng tượng, tái tạo thế giới hình tượng; tìm kiếm, kết nối thông tin trong và ngoài văn bản để phân tích, đánh giá nội dung, ý nghĩa và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm cũng như bổ sung các ý nghĩa từ vốn sống, trải nghiệm của người đọc và bối cảnh thời đại;...

2. Phần tiếng Việt

a. Biện pháp liệt kê

b. Biện pháp chêm xen

c. Sửa lỗi về đoạn văn và văn bản

3. Phần làm văn

a. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội

b. Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

c. Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ

B. BÀI TẬP

1. Phần đọc hiểu

Văn bản Đại cáo bình ngô

Câu 1: Những tư tưởng, chân lí khách quan nào được khẳng định làm căn cứ triển khai toàn bộ nội dung bài Đại cáo?

Câu 2: Tác giả đã bày tỏ những điều gì khi hóa thân vào Lê Lợi?

Câu 3: Qua những điều tác giả diễn tả, Lê Lợi hiện lên là người như thế nào?

Văn bản Kiêu binh nổi loạn

Câu 4: Tình thế bất lực, thảm hại và bi đát của Quận Huy được miêu tả qua những chi tiết nào?

Câu 5: Tác dụng của hình ảnh so sánh trong câu: “Cứ thế lên lên xuống xuống y như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật” là gì?

Văn bản Người ở bến sông Châu

Câu 6: Hoàn cảnh gặp gỡ của hai nhân vật dì Mây và chú San là gì?

Câu 7: Tác dụng lời bình của người kể chuyện trong văn bản là gì?

Câu 8: Qua quyết định với chú San, nhân vật dì Mây hiện lên là người như thế nào?

Văn bản Đất nước

Câu 9: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì?

Câu 10: Bức tranh đất nước trong “mùa thu nay” qua cảm nhận của nhân vật trữ tình hiện lên như thế nào?

Câu 11: Hình tượng đất nước trong khổ thơ cuối hiện lên như thế nào?

Văn bản Lính đảo hát tình ca trên đảo

Câu 12: Người lính đảo tự họa về ngoại hình của họ như thế nào?

Câu 13: Phép điệp cấu trúc thơ: "Nào hát lên; Rằng chúng ta/ Rằng tình yêu" có tác dụng gì?

Câu 14: "Những giai điệu ngang tàng như gió biển

Văn bản Bản sắc là hành trang

Câu 15: Những biểu hiện nào của bản sắc dân tộc Việt Nam được tác giả nêu lên trong văn bản Bản sắc là hành trang?

Câu 16: Tác giả có thái độ như thế nào đối với vấn đề bản sắc và hội nhập toàn cầu hóa?

Văn bản Gió thanh lay động cành cô trúc

Câu 17: Để làm rõ đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của từng cặp câu “đề, thực, luận, kết”, tác giả Chu Văn Sơn đã kết hợp những thao tác nghị luận nào?

Câu 18: Ở đoạn văn cuối ("Tất cả những điều ấy [...] đến thế kỉ nào?"), tác giả chủ yếu sử dụng kiểu câu nào?

Câu 19: Đoạn văn sau cho thấy tác giả đã huy động kiến thức nào vào việc đọc hiểu văn bản: “Ba chữ mấy từng cao cho thấy tầm nhìn thi sĩ rộng mở cùng với các tầng trời. Nếu nền phông gợi những khoảng xa của hậu cảnh, thì ở gần tầm mắt hơn, hiện ra một tiên cảnh là cần trúc lơ phơ...

2. Phần tiếng Việt

a. Biện pháp liệt kê

Câu 1: Phân tích tác dụng của biện pháp liệt kê trong câu sau:

Câu 2: Phép liệt kê được dùng trong:

b. Biện pháp chêm xen

Câu 3: Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen trong đoạn thơ sau:

Cô bé nhà bên (có ai ngờ)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

(Giang Nam)

Câu 4: Bộ phận chêm xen thường được tách biệt bằng?

Câu 5: Xác định bộ phận chêm xen trong đoạn văn sau

"Tố Hữu, lá cờ đầu trong dòng văn học cách mạng đã sáng tác bài thơ Việt Bắc. Bài thơ đã nói lên tình cảm quân dân thắm thiết trong những năm kháng chiến chống Pháp. Việt Bắc – mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, đã nuôi dưỡng những người chiến sĩ cách mạng, nơi có những người dân hồn hậu và chất phác. Bài thơ đã để lại nhiều tình cảm về thiên nhiên và con người các tỉnh miền núi phía Bắc trong lòng người đọc."

c. Sửa lỗi về đoạn văn và văn bản

Câu 6: Các cụm từ in đậm được đặt ở đầu câu trong đoạn văn có tác dụng gì?

“Một thời đại vừa chẵn mười năm

Trong mười năm ấy, thơ mới đã tranh đấu gắt gao với thơ cũ, một bên giành quyền sống, một bên giữ quyền sống. Trong sự thắng lợi ấy, cũng có công những người tả xung hữu đột nơi chiến trường, nhưng trước hết là công những nhà thơ mới”

Câu 7: Xác định một từ/ cụm từ sai về ngữ pháp trong câu sau:

Những chứng minh về một nền văn hóa cổ đại ở vùng này còn rất nhiều

Câu 8: “Người có bản sắc là người  có năng lực, tự tin, quyết đoán và không lùi bước trước những khó khăn; biểu hiện của phẩm chất này nằm ở sự quyết đoán, không vì lời nói của người khác mà ý chí bị lung lay”

Câu trên mắc lỗi gì?

3. Phần làm văn

a. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội

Đề 1: Viết bài văn nghị luận về văn hóa hội nhập

Đề 2: Viết bài văn nghị luận về bạo lực học đường

Đề 3: Viết bài văn nghị luận về chiến tranh

b. Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

Đề 1: Viết bài văn phân tích tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Đề 2: Viết bài văn phân tích tác phẩm Người cầm quyền khôi phục uy quyền

Đề 3: Viết bài văn phân tích tác phẩm Sống mòn

c. Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ

Đề 1: Viết bài văn phân tích bài thơ Nói với co

Đề 2: Viết bài văn phân tích bài thơ Đợi mẹ

Đề 3: Viết bài văn phân tích bài thơ Đồng chí

C. LỜI GIẢI CHI TIẾT

1. Phần đọc hiểu

Câu 1: Những tư tưởng, chân lí khách quan nào được khẳng định làm căn cứ triển khai toàn bộ nội dung bài Đại cáo?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ văn bản.

- Chú ý những tư tưởng, chân lí khách quan nào được khẳng định làm căn cứ triển khai toàn bộ nội dung bài Đại cáo.

Lời giải chi tiết

- Những tư tưởng, chân lí khách quan được khẳng định làm căn cứ triển khai toàn bộ nội dung bài Đại cáo là:

+ Nguyễn Trãi khẳng định mỗi dân tộc có quyền bình đẳng vì mỗi dân tộc đều có: nền văn hiến riêng, có phong tục tập quán, có các triều đại làm chủ, có các anh hùng hào kiệt:

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”

Câu 2: Tác giả đã bày tỏ những điều gì khi hóa thân vào Lê Lợi?

Phương pháp giải

Đọc kĩ đoạn tác giả hóa thân vào Lê Lợi để diễn tả nỗi lòng của lãnh tụ cuộc khởi nghĩa.

Lời giải chi tiết

- Việc tác giả hóa thân vào Lê Lợi để diễn tả nỗi lòng của lãnh tụ cuộc khởi nghĩa:

+ Nguồn gốc xuất thân: là người nông dân áo vải “chốn hoang dã nương mình”

+ Lựa chọn căn cứ khởi nghĩa: “Núi Lam Sơn dấy nghĩa”

+ Có lòng căm thù giặc sâu sắc, sục sôi: “Ngẫm thù lớn há đội trời chung, căm giặc nước thề không cùng sống...”

+ Có lí tưởng, hoài bão lớn lao, biết trọng dụng người tài: “Tấm lòng cứu nước...dành phía tả”.

+ Có lòng quyết tâm để thực hiện lí tưởng lớn “Đau lòng nhức óc...nếm mật nằm gai...suy xét đã tinh”.

Câu 3: Qua những điều tác giả diễn tả, Lê Lợi hiện lên là người như thế nào?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ đoạn tác giả hóa thân vào Lê Lợi để diễn tả nỗi lòng của lãnh tụ cuộc khởi nghĩa.

- Rút ra kết luận về con người Lê Lợi.

Lời giải chi tiết

Tác giả hóa thân vào Lê Lợi Lê Lợi để diễn tả Lê Lợi vừa là người bình dị vừa là anh hùng khởi nghĩa.

Câu 4: Tình thế bất lực, thảm hại và bi đát của Quận Huy được miêu tả qua những chi tiết nào?

Phương pháp giải

Chú ý đoạn văn miêu tả sự thất bại của Quận Huy.

Lời giải chi tiết

Tình thế bất lực, thảm hại và bi đát của Quận Huy được miêu tả qua những chi tiết:

- Voi của Quận Huy cưỡi bị đâm chém túi bụi, bị ném gạch → voi co vòi mà gầm, không dám húc nữa.

- Khi định giương cúng bắn → cung bị đứt dây; vớ lấy súng để nạp đạn → mồi lửa tịt không cháy.

- Quân lính thừa dịp dùng câu liêm lôi viên quản tượng xuống đất rồi chém.

- Một toán ở cửa Tuyên Vũ xông vào, đứng chắn ở đằng sau voi, khiến voi không thể nhúc nhích → dùng câu liêm móc cổ Quận Huy kéo xuống, đánh đấm túi bụi giết chết ngay tại chỗ.

Câu 5: Tác dụng của hình ảnh so sánh trong câu: “Cứ thế lên lên xuống xuống y như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật” là gì?

Phương pháp giải

- Chú ý những hình ảnh so sánh trong đoạn văn cuối trang 10.

- Đọc kĩ câu văn và đoạn trích để tìm ra tác dụng.

Lời giải chi tiết

Tác dụng của phép so sánh trong câu: “Cứ thế lên lên xuống xuống y như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật” là giúp người đọc hình dung rõ hơn về tư thế nâng thế tử.

Câu 6: Hoàn cảnh gặp gỡ của hai nhân vật dì Mây và chú San là gì?

Phương pháp giải

Đọc kĩ văn bản và chú ý hoàn cảnh gặp lại nhau của hai nhân vật.

Lời giải chi tiết

Hoàn cảnh gặp gỡ giữa hai người là cuộc gặp gỡ trớ trêu. Bởi ngày dì Mây khoác ba lô về làng cũng là ngày chú San đi lấy vợ.

Câu 7: Tác dụng lời bình của người kể chuyện trong văn bản là gì?

Phương pháp giải

Chú ý lời bình luận của người kể chuyện từ đó suy ra tác dụng của lời bình ấy.

Lời giải chi tiết

Lời bình luận của người kể chuyện giúp người đọc dễ dàng hình dung ra không gian đối thoại giữa hai nhân vật cũng như tâm trạng, hành động của họ trong cuộc đối thoại.

Câu 8: Qua quyết định với chú San, nhân vật dì Mây hiện lên là người như thế nào?

Phương pháp giải

Đọc kĩ đoạn văn miêu tả quyết định của nhân vật dì Mây, từ đó rút ra nhận xét về nhân vật này.

Lời giải chi tiết

Quyết định của dì Mây là đúng đắn. Từ đó, người đọc cảm nhận được dì là một người hiểu chuyện, cảm thông cho số phận của những người phụ nữ, biết quan tâm đến hạnh phúc của người khác.

Câu 9: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì?

Phương pháp giải

Chú ý tên bài thơ, đọc bài thơ và xác định cảm hứng chủ đạo.

Lời giải chi tiết

Cảm hứng chủ đạo: Quê hương đất nước (Đó là những suy cảm về một đất nước đầy đau thương nhưng lại giàu đẹp, hiền hòa, gần gũi và giàu truyền thống lịch sử cách mạng)

Câu 10: Bức tranh đất nước trong “mùa thu nay” qua cảm nhận của nhân vật trữ tình hiện lên như thế nào?

Phương pháp giải

Đọc kĩ khổ 3 của tác phẩm và chỉ ra điểm khác biệt trong "mùa thu nay" và tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Lời giải chi tiết         

- Tâm trạng con người thay đổi: Nhân vật "tôi" thay đổi từ trạng thái buồn, bâng khuâng, lưu luyến, đến vui sướng, hân hoan, phơi phới, tự hào.

- Cái nhìn thay đổi của thiên nhiên không còn im lặng nữa mà như đang cất tiếng nói,  từ đường phố, thềm nhà sang núi đồi, rừng tre, trời xanh, cánh đồng, dòng sông.

- Cảm xúc của tác giả hân hoan, hả hê trước cảnh đất nước rộng lớn.

→ Bức tranh thu đẹp, tràn ngập niềm vui sướng, tự hào.

Câu 11: Hình tượng đất nước trong khổ thơ cuối hiện lên như thế nào?

Phương pháp giải

- Đọc khổ thơ cuối.

- Phân tích hình tượng đất nước.

Lời giải chi tiết

Hình tượng đất nước trong khổ thơ cuối:

- Từ hình tượng người lính chiến bước ra từ trong khói lửa chói lòa, lấm lem bùn đất đã khái quát hóa thành biểu tượng chung cho đất nước Việt Nam.

- Mang khuynh hướng sử thi và chất anh hùng ca, tượng đài Việt Nam sừng sững, uy nghi hiện ra từ trong máu lửa chiến tranh, kinh qua biết bao nhiêu cuộc chiến nhưng vẫn hùng dũng đứng thẳng, mạnh mẽ vươn mình, rũ sạch bùn đất của kiếp nô lệ lầm than suốt mấy mươi năm.

- Thể hiện sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân dân Việt Nam.

→ Hình ảnh quật cường hào hùng của một đất nước trong bối cảnh rộng lớn hiện ra trước mắt, đây chính la tư thế chiến đấu của quân dân ta trong trận Điện Biên Phủ. 

Câu 12: Người lính đảo tự họa về ngoại hình của họ như thế nào?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo

- Chú ý đọc kĩ khổ 1,2

- Liệt kê những chi tiết thể hiện ngoại hình của người lính đảo.

Lời giải chi tiết

Chi tiết thể hiện ngoại hình của người lính đảo: mấy chàng đầu trọc, lính trọc đầu, lính già lính trẻ đều trọc tếu giống những sư cụ là bà con xa với bụt ốc.

→ Ngoại hình ấn tượng với đầu trọc lốc không tóc, càng làm nổi bật sự khó khăn, thiếu thốn về vật chất nơi đây, điều kiện sống nguy hiểm.

Câu 13: Phép điệp cấu trúc thơ: "Nào hát lên; Rằng chúng ta/ Rằng tình yêu" có tác dụng gì?

Phương pháp giải

- Chú ý đọc kĩ khổ 8, 9.

- Chỉ ra phép điệp được sử dụng và nêu tác dụng.

Lời giải chi tiết

Phép điệp được sử dụng trong hai khổ thơ 8 và 9: Điệp lại cấu trúc thơ: Nào hát lên; Rằng chúng ta/ Rằng tình yêu. Phép điệp cấu trúc giúp hai khổ thơ liên kết gần gũi, dễ đọc dễ nhớ giống đoạn điệp khúc của một bài hát.

Câu 14: "Những giai điệu ngang tàng như gió biển

Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi"

Câu thơ trên sử dụng biện pháp tu từ gì?

Phương pháp giải

Dựa vào dấu hiệu nhận biết các biện pháp tu từ.

Lời giải chi tiết

Câu thơ trên sử dụng biện pháp so sánh: So sánh "giai điệu" (là những lời ca, tiếng hát của người lính biển) với "gió biển".

Câu 15: Những biểu hiện nào của bản sắc dân tộc Việt Nam được tác giả nêu lên trong văn bản Bản sắc là hành trang?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ văn bản. (đoạn 2)

- Tìm những biểu hiện của bản sắc dân tộc được tác giả nêu lên trong văn bản.

Lời giải chi tiết

Những biểu hiện của bản sắc dân tộc Việt Nam:

- Tự hào về tiếng Việt.

- Tự hào về những thành tựu văn hóa: trống đồng, tượng chùa Tây Phương, kho tàng dân ca, kho tàng văn học nghệ thuật (tiêu biểu là truyện Kiều).

- Hệ thống giá trị tinh thần: tình yêu quê hương xứ sở, đời sống tâm linh phong phú (với việc thờ cúng tổ tiên)

- Phố cổ Hà Nội, Hồ Gươm và các gánh hàng hoa trên đường phố,...

Câu 16: Tác giả có thái độ như thế nào đối với vấn đề bản sắc và hội nhập toàn cầu hóa?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ văn bản (đoạn 3 phần 2).

- Phân tích thái độ của tác giả.

Lời giải chi tiết

Thái độ của tác giả: Đánh giá khách quan, nhìn nhận bao quát.

Câu 17: Để làm rõ đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của từng cặp câu “đề, thực, luận, kết”, tác giả Chu Văn Sơn đã kết hợp những thao tác nghị luận nào?

Phương pháp giải

Đọc kĩ những đoạn văn phân tích nội dung và nghệ thuật của từng cặp câu “đề, thực, luận, kết”.

Lời giải chi tiết

Để làm rõ đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của từng cặp câu “đề, thực, luận, kết”, tác giả Chu Văn Sơn đã kết hợp những thao tác nghị luận như: phân tích, chứng minh.

Câu 18: Ở đoạn văn cuối ("Tất cả những điều ấy [...] đến thế kỉ nào?"), tác giả chủ yếu sử dụng kiểu câu nào?

Phương pháp giải

- Đọc đoạn văn cuối.

- Xác định kiểu câu được tác giả sử dụng chủ yếu.

Lời giải chi tiết

Ở đoạn văn cuối (“Tất cả những điều ấy [...] đến thế kỉ nào?”), tác giả chủ yếu sử dụng kiểu câu hỏi tu từ.

Câu 19: Đoạn văn sau cho thấy tác giả đã huy động kiến thức nào vào việc đọc hiểu văn bản: “Ba chữ mấy từng cao cho thấy tầm nhìn thi sĩ rộng mở cùng với các tầng trời. Nếu nền phông gợi những khoảng xa của hậu cảnh, thì ở gần tầm mắt hơn, hiện ra một tiên cảnh là cần trúc lơ phơ...

Phương pháp giải

- Đọc kĩ đoạn văn được nêu ra trong đề bài.

- Chú ý những từ ngữ thể hiện những lĩnh vực kiến thức được tác giả vận dụng vào việc đọc hiểu.

Lời giải chi tiết

Đoạn văn trên cho thấy tác giả đã huy động những kiến thức về điện ảnh: “nếu phông nền gợi những khoảng xa của hậu cảnh”

2. Phần tiếng Việt

Câu 1: Phân tích tác dụng của biện pháp liệt kê trong câu sau:

Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta là nơi đã sinh ra Hồ Chủ tịch- người anh hùng dân tộc và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, đất nước ta

Phương pháp giải

Phân tích tác dụng của phép liệt kê.

Lời giải chi tiết

Tác dụng của phép liệt kê: Nhằm biểu hiện cảm xúc và suy nghĩ của tác giả về lòng biết ơn vô hạn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta với Bác Hồ vị cha già của dân tộc.

Câu 2: Phép liệt kê được dùng trong:

Phương pháp giải

Nhớ lại kiến thức về phép liệt kê

Lời giải chi tiết

Phép liệt kê được dùng trong cả văn nói và văn vần.

Câu 3: Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen trong đoạn thơ sau:

Cô bé nhà bên (có ai ngờ)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

(Giang Nam)

Phương pháp giải

Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen trong đoạn thơ

Lời giải chi tiết

Tác dụng của biện pháp chêm xen:

- (Có ai ngờ) Bổ xung thêm về thái độ bất ngờ của tác giả trước sự việc.

- (thương thương quá đi thôi!)Thể hiện tình cảm trìu mến của tác giả

Câu 4: Bộ phận chêm xen thường được tách biệt bằng?

Phương pháp giải

Nhớ lại kiến thức về phép chêm xen

Lời giải chi tiết

Bộ phận chêm xen thường được tách biệt bằng các dấu phẩy, dấu gạch ngang, dấu ngoặc đơn.

Câu 5: Xác định bộ phận chêm xen trong đoạn văn sau

"Tố Hữu, lá cờ đầu trong dòng văn học cách mạng đã sáng tác bài thơ Việt Bắc. Bài thơ đã nói lên tình cảm quân dân thắm thiết trong những năm kháng chiến chống Pháp. Việt Bắc – mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, đã nuôi dưỡng những người chiến sĩ cách mạng, nơi có những người dân hồn hậu và chất phác. Bài thơ đã để lại nhiều tình cảm về thiên nhiên và con người các tỉnh miền núi phía Bắc trong lòng người đọc."

Phương pháp giải

Nhớ lại kiến thức và dấu hiệu nhận biết về phép chêm xen

Lời giải chi tiết

Các bộ phận chêm xen trong đoạn trên gồm:

-lá cờ đầu trong dòng văn học cách mạng đã sáng tác bài thơ Việt Bắc.

-mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, đã nuôi dưỡng những người chiến sĩ cách mạng

-nơi có những người dân hồn hậu và chất phác.

Câu 6: Các cụm từ in đậm được đặt ở đầu câu trong đoạn văn có tác dụng gì?

“Một thời đại vừa chẵn mười năm

Trong mười năm ấy, thơ mới đã tranh đấu gắt gao với thơ cũ, một bên giành quyền sống, một bên giữ quyền sống. Trong sự thắng lợi ấy, cũng có công những người tả xung hữu đột nơi chiến trường, nhưng trước hết là công những nhà thơ mới”

Phương pháp giải

- Nhớ lại kiến thức về trật tự từ trong văn bản

- Nêu tác dụng của những từ in đậm

Lời giải chi tiết

Các từ in đậm có tác dụng liên kết câu.

Câu 7: Xác định một từ/ cụm từ sai về ngữ pháp trong câu sau:

Những chứng minh về một nền văn hóa cổ đại ở vùng này còn rất nhiều

Phương pháp giải

- Dựa vào kiến thức về một số lỗi sai trong văn bản.

- Dựa vào nghĩa của từ và nghĩa của câu.

Lời giải chi tiết

Từ chứng minh dùng không phù hợp → thay bằng minh chứng.

Chứng minh: xác định có căn cứ là đúng hay sai, có hay không

Minh chứng: cái được dẫn ra để làm căn cứ chứng minh

Câu 8: “Người có bản sắc là người  có năng lực, tự tin, quyết đoán và không lùi bước trước những khó khăn; biểu hiện của phẩm chất này nằm ở sự quyết đoán, không vì lời nói của người khác mà ý chí bị lung lay”

Câu trên mắc lỗi gì?

Phương pháp giải

- Dựa vào kiến thức về một số lỗi sai trong văn bản.

- Dựa vào nghĩa của từ và nghĩa của câu.

Lời giải chi tiết

Câu trên mắc lỗi ngữ nghĩa ( từ bản sắc dùng không phù hợp) → sửa thành bản lĩnh.

Bản sắc: những yếu tố tốt đẹp tạo nên một tính chất đặc thù, nói chung

Bản lĩnh: tính cách của người có năng lực và tự tin, dám chịu trách nhiệm, không lùi bước trước khó khăn, trở ngại

3. Phần làm văn

a. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội

Đề 1: Viết bài văn nghị luận về văn hóa hội nhập

1. Mở bài

- Hội nhập quốc tế là một xu hướng diễn ra từng ngày từng giờ, không chỉ xuất hiện ở bề rộng mà còn đi vào chiều sâu, trong đó nổi bật là hội nhập văn hóa.

2. Thân bài

- Giải thích 

+ Bối cảnh hội nhập, đặc biệt là hội nhập về văn hóa ra mở nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức: “nhiều điều rất khó hiểu, khó lường và cả những nguy cơ, nguy hiểm”.

- Thanh niên đang ứng xử trước quá trình hội nhập văn hóa như thế nào?

Các biểu hiện tích cực, thể hiện sự chủ động nắm bắt các cơ hội mà sự hội nhập tạo ra:

+ Đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam ra nước ngoài: Lớp học BETOAJI dạy món ăn Việt Nam của nhóm bạn trẻ học tập và sinh sống tại Nhật Bản.

+ Ứng dụng công nghệ hiện đại để góp phần quảng bá văn hóa: giải pháp tổng thể Visual Museum nhằm tạo ra những bảo tàng ảo ở Việt Nam được nhóm bạn trẻ của Công ty AVR360 áp dụng tại Bảo tàng Quảng Ninh.

- Các biểu hiện tiêu cực do chưa có sự tiếp nhận đúng đắn các giá trị mà sự hội nhập đem đến:

+ Thần tượng các ngôi sao quốc tế một cách thái quá

 + Ăn theo các trào lưu đang “gây bão” toàn thế giới mà không xét đến thuần phong mĩ tục

- Làm thế nào để hình thành thái độ ứng xử phù hợp trong quá trình hội nhập?

+ Am hiểu tường tận nền văn hóa dân tộc mình để xây dựng phông kiến thức vững vàng và tư duy phản biện trước nền văn hóa dân tộc khác.

+ Trau dồi vốn ngoại ngữ để có thể tìm hiểu, khám phá nền văn hóa các dân tộc trên thế giới.

+ Tự tin thể hiện con người, bản sắc của đất nước mình trước bạn bè quốc tế để thực sự là một phần trong sự hội nhập.

- Mở rộng, lật ngược vấn đề về thái độ ứng xử của thế hệ trẻ trước sự hội nhập văn hóa

+ Sự hội nhập quốc tế không dừng lại ở sự giao lưu văn hóa mà còn bao gồm hội nhập về kinh tế, giáo dục,…với những cơ hội, thách thức riêng.

+ Tiếp thu văn hóa có chọn lọc không có nghĩa là nói “không” với giao lưu văn hóa, khép mình trước sự hội nhập.

3. Kết bài

- Hội nhập về văn hóa là một xu hướng tất yếu, tiềm ẩn những cơ hội và thách thức.

Đề 2: Viết bài văn nghị luận về bạo lực học đường

1. Mở bài

- Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Bạo lực học đường

- Hiện nay tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày càng phức tạp và là mối quan tâm lớn của xã hội.

2. Thân bài

a. Hiện trạng

+ "Bạo lực học đường" là việc sử dụng những hành vi bạo lực, là cách ứng xử thô lỗ, thiếu đạo đức của học sinh trong trường học.

+ Bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều ở các trường học.

→ Bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay.

b. Nguyên nhân

- Chủ quan:

+ Suy nghĩ lệch lạc; ảnh hưởng từ các chương trình, trò chơi bạo lực.

+ Mong muốn thể hiện "sức mạnh", cá tính và cái tôi cá nhân.

- Khách quan: Sự "hời hợt" trong việc giáo dục, quản lí của gia đình và sự giám sát chưa sát sao của nhà trường.

c. Hậu quả

- Làm mất đi hình ảnh trong sáng, tốt đẹp nên có ở mỗi học sinh.

- Bạo lực học đường là một con dao hai lưỡi:

+ Gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất, tinh thần cho nạn nhân.

+ Ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện nhân cách, đạo đức, gây ra những suy nghĩ lệch lạc, sai trái ở những kẻ "đi bắt nạt"

d. Giải pháp:

+ Cố gắng học tập, tạo dựng những mối quan hệ bạn bè, thầy trò tốt đẹp

+ Gia đình và nhà trường cũng cần quan tâm và có những phương pháp giáo dục hiệu quả để các bạn học sinh có những nhận thức đúng đắn.

3. Kết bài

Rút ra bài học nhận thức.

Đề 3: Viết bài văn nghị luận về chiến tranh

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Thế giới đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh mới có được nền hòa bình như ngày hôm nay. Nhưng cho dù sống trong nền hòa bình thì những hậu quả của chiến tranh thì vẫn luôn tồn tại.

2. Thân bài

a. Giải thích

- Chiến tranh là gì? Có rất nhiều định nghĩa về hai từ chiến tranh. Nhưng hiểu một cách đơn giản: Chiến tranh là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, là hoạt động đấu tranh giữa các nước, các giai cấp, các lực lượng chính trị có lợi ích địa vị đối lập nhau nhằm đạt được lợi ích về kinh tế hay chính trị.

b. Nguyên nhân

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến tranh nhưng chủ yếu là do xung đột về quyền lợi về kinh tế và chính trị.

c. Hậu quả

Chiến tranh gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trên mọi phương diện.

 *Con người:

- Để lại những thương vong về bên ngoài:

+ Hàng nghìn người đã ngã xuống vì chiến tranh, họ là những con người không tên không tuổi.

+ Có những con người may mắn sống sót nhưng vẫn để lại nhiều di chứng: các thương binh, các bệnh nhân chất độc màu da cam.

- Để lại những nỗi đau ở bên trong: những dư chấn thời hậu chiến: ám ảnh về cái chết, nỗi đau mất mát người thân, gia đình bị ly tán…

*Của cải, vật chất:

+ Ô nhiễm môi trường, thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng.

+ Các công trình của văn minh nhân loại bị phá hủy.

+ Nền kinh tế trở nên kiệt quệ.

+ Trình độ văn hóa thấp, mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.

* Mối quan hệ quốc tế:

+ Ngày một trở nên căng thẳng.

+ Ảnh hưởng đến nền hòa bình của toàn cầu.

d. Liên hệ mở rộng:

- Từ buổi đầu dựng nước, dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt với rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược. Nhưng trong đó, phải kể đến cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước suốt một nghìn năm Bắc thuộc và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

3. Kết bài

- Có thể thấy, chiến tranh thực sự là một từ ám ảnh và đáng sợ với toàn nhân loại.

- Mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia hãy cùng đồng lòng chống lại chiến tranh, bảo vệ nền hòa bình của nhân loại.

b. Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

Đề 1: Viết bài văn phân tích tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

1. Mở bài

- Giới thiệu về tác phẩm Truyền kì mạn lục và Chuyện chức phán sự đền Tản Viên 

-Nguyễn Dữ là một trong những nhà văn nổi tiếng của thế kỷ thứ 15 với thể loại truyện truyền kì.

Truyền kì mạn lục là tác phẩm xuất sắc của ông ghi chép những chuyện li kì trong nhân gian.

– Giới thiệu đoạn trích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên: “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” là một trong 20 truyện của tập Truyền kì mạn lục kể về câu chuyện chức quan coi việc xử án ở đền Tản Viên.

2. Thân bài

a. Giới thiệu về thể loại truyền kì và nội dung của tác phẩm

- Truyền kì: Văn xuôi tự sự, phản ánh hiện thực qua những yếu tố hoang đường, thể hiện quan niệm của tác giả.

- Tóm tắt cốt truyện

b. Giới thiệu về nhân vật Ngô Tử Văn

- Họ tên: Tên Soạn, họ Ngô

- Quê: Huyện Yên Dũng, đất Lang Giang.

- Tính cách: khẳng khái, nóng nảy, là người cương phương, thấy gian tà không chịu được.

→ Cách giới thiệu nhân vật trực tiếp, ngắn gọn, súc tích, gây được sự chú ý cho người đọc.

→ Giọng điệu có phần hướng tới sự ngợi ca, định hướng cách nhìn nhận cho người đọc về hành động sau này của nhân vật.

c. Cuộc đấu tranh nơi trần gian của Ngô Tử Văn

- Hành động châm lửa đốt đền:

- Nguyên nhân: Do tức giận sự hoành hành, hống hách của tên tướng giặc bại trận họ Thôi, làm hại tới dân chúng "Tử Văn rất …đốt đền".

- Diễn biến:

+ Tử Văn "tắm gội chay sạch, khấn trời" → Đây là hành động được chuẩn bị kỹ càng, có chủ đích, cẩn trọng, không phải bộc phát.

+ "châm lửa đốt đền" → Hành động quyết liệt, công khai, vô cùng dũng cảm "vung tay không cần gì cả".

→Hành động đốt đền thể hiện sự khẳng khái, cương phương của Ngô Tử Văn, bộc lộ ý chí, ý thức dân tộc mạnh mẽ, bằng việc diệt trừ tên tướng giặc bại trận làm loạn nhân gian.

- Cuộc gặp gỡ với tên tướng Bách hộ họ Thôi:

+  Sau khi đốt đền, Ngô Tử Văn "thấy trong mình khó chịu …sốt rét"

+ Trong cơn mê mẩn, chàng thấy một người "khôi ngô dõng dạc, …cư sĩ" - nói năng đe dọa, bắt chàng "dựng lại đền như cũ" → Lời nói mang sự đe dọa, mắng mỏ "Biết điều … tai vạ", "Phong Đô … sẽ biết" → một kẻ xảo trá, tham lam, ranh ma, độc ác.

+Đối lập với tên tướng, Ngô Tử Văn "mặc kệ … tự nhiên", thái độ ung dung, ngạo nghễ, tự tin vào việc làm của mình.

- Cuộc gặp với Thổ thần:

+  Hoàn cảnh: Thổ thần đến sau khi tên tướng "phất áo bỏ đi" là "một ông già …vái chào" → Dáng bộ giản dị, thái độ khiêm nhường, cung kính, coi trọng, bày tỏ sự cảm ơn với Tử Văn.

+ Thổ thần kể lại mọi việc cho Tử Văn nghe: Bị tên tướng đánh đuổi, phải nương nhờ đền Tản Viên → cho chàng thấy rõ sự xảo trá, tác quái của tên tướng giặc.

+ Tử Văn trách Thổ thần nhu nhược, thế nhưng Thổ thần tuy là thần tiên nhưng phải cam chịu, chấp nhận, không dám đấu tranh vì "những đền miếu gần quanh … bênh nó cả".

→Nguyễn Dữ phê phán tầng lớp quan lại yếu đuối, nhu nhược không dám đấu tranh cho lẽ phải và lớp quan lại tham lam.

+ Sau đó, Thổ thần bày cách cho Tử Văn tâu kiện với Diêm vương và cách đối phó với tên tướng giặc.

→ Câu chuyện phát triển hết sức logic, cho thấy những người làm việc chính nghĩa thì luôn có thần linh giúp sức.

d. Cuộc đấu tranh giành công lý ở Minh ty

- Ngô Tử Văn phải đương đầu với thử thách:

+ Bị quỷ sứ bắt đi trong đêm, qua con sông với côn cầu "ước hơn ngàn thước …thấu xương", "hai bên … nanh ác", tội chàng bị khép vào là tội nặng, không được giảm án → toàn những sự việc kinh hãi, đòi hỏi lòng can đảm của Tử Văn.

+ Chàng không hề nao núng, kêu to "Ngô Soạn này … oan uổng" → được vời vào điện đối chất.

+ Tại điện, tên tướng giặc khép nép, tỏ vẻ đáng thương, kêu oan - Tử Văn bị Diêm vương trách mắng, luận tội "hỗn láo", trách mắng chàng ngoan cố, bướng bỉnh.

+  Thế nhưng, thái độ của Ngô Tử Văn: vẫn điềm nhiên, không hề kinh hãi mà một mực cứng cỏi kêu oan, tự tin trước những lời luận tội của Diêm Vương và lời giảo biện của tên tướng giặc.

- Chàng vạch trần tội ác của tên tướng họ Thôi:

+ Tử Văn y lời Thổ thần mà tấu bẩm với Diêm Vương, còn khẳng định cứng cỏi "xin đem giấy …nói càn". Khiến tên tướng giặc hoảng sợ mà xin giảm án cho chàng cho thấy sự xảo trá, gian ác của hắn.

+ Chàng không chịu bỏ cuộc, nhờ Diêm vương sai người đến đền Tản Viên => Sự việc đúng y lời Tử Văn nói.

→Cuối cùng, sự thật được chứng thực, Tử Văn thắng kiện, Diêm Vương trách cứ các phán quan làm việc không chí công vô tư, còn tên tướng giặc bị "lồng sắt chụp vào đầu … Cửu u"

→Cuộc đấu tranh dưới minh ty cho thấy khí phách cũng sự can đảm, thông minh của Ngô Tử Văn trước cuộc đối đầu với tên tướng xảo trá

→Cho thấy ước mơ về sự công lý công bằng của người dân trong xã hội xưa.

e. Ngô Tử Văn nhận chức phán sự đền Tản Viên

- Hoàn cảnh: Thổ thần tới cảm tạ Ngô Tử Văn đã giúp đỡ mình, đồng thời ông đã xin Đức Thánh Tản cho chàng giữ chân Phán sự ở đền Tản Viên và khuyên chàng nên nhận lời ngay "không nên trùng trình" chàng nhận lời "thu xếp việc nhà rồi không bệnh mà mất".

- Đây là phần thưởng to lớn dành cho Ngô Tử Văn vì hành động trượng nghĩa, ý chí gan dạ, khẳng khái của mình.

- Hành động diệt trừ tên tướng giặc còn là hành động diệt trừ tận gốc cái ác "mộ của người tướng …như cám vậy", lấy lại danh dự cho Thổ thần, minh oan cho hành động "đốt đền" của chàng.

- Đây còn là niềm ước vọng của nhân dân về một vị quan thanh liêm, chính trực, ước mơ về công bằng công lý.

- Sự gặp gỡ với người cũ và lời truyền "nhà quan Phán sự" =>niềm tin khẳng định một vị quan tốt sẽ được muôn dân yêu kính.

f. Ý nghĩa và bài học:

- Ý nghĩa:

+ Thể hiện niềm tin của nhân dân vào công bằng công lý giữa xã hội.

+ Phản ánh sự giả tạo, xáo trá của một bộ phận con người trong xã hội đương thời cùng những oan trái, bất công không thể tỏ bày.

+ Phản ánh sự tham lam, lộng quyền, nhận hối lộ của đám quan lại trong xã hội xưa.

+ Phê phán sự hèn nhát, nhu nhược, không dám đấu tranh đòi quyền lợi, bảo vệ lẽ phải của một bộ phận quan lại và đa số người dân đương thời.

+ Ca ngợi sự dũng cảm, chính trực, khẳng khái của những người dân bình thường trong xã hội phong kiến.

- Bài học:

+ Cần dũng cảm, kiên cường, đứng lên đấu tranh cho lẽ phải, công lý.

+ Niềm tin về cuộc sống ở hiền thì sẽ gặp lành, niềm tin vào công lý và lẽ phải.

g. Đặc sắc nghệ thuật:

- Kết hợp giữa yếu tố lý kì, kì ảo với tự sự, mượn sự kì ảo để nói về hiện thực và ước vọng của con người mang tính thời đại. Phản ánh hiện thực xã hội còn tồn tại những phi lí, trắng đen, thật giả lẫn lộn và những cuộc đấu tranh chính nghĩa của những con người cương trực. 

- Cốt truyện li kì, cuốn hút người đọc, mang tính logic cao, có cao trào

- Tình tiết lôi cuốn, giọng văn tự nhiên, chân thành, giản dị

-Xây dựng tuyến nhân vật thiện- ác tương phản đối lập nhau rõ ràng. 

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị ý nghĩa của tác phẩm: 

+ Thể hiện mơ ước, khát vọng và cũng là niềm tin chính nghĩa thắng gian tà của nhân dân.

+ ca ngợi và đề cao nhân vật Ngô Tử Văn, người tri thức dũng khí chuộng chính nghĩa, cương trực, thẳng thắn, luôn sẵn sàng đứng ra đấu tranh chống lại cái ác. 

+ Phê phán, tố cáo những thế lực xấu xa trong xã hội, vô trách nhiệm.

Đề 2: Viết bài văn phân tích tác phẩm Người cầm quyền khôi phục uy quyền

1. Mở bài

- Sơ lược về Huy-go và phong cách sáng tác.

- Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền cuối phần thứ nhất Phăng-tin của tác phẩm Những người khốn khổ, kể về sự vùng dậy của quyền uy, thứ quyền uy đến từ lòng nhân ái, vị tha sâu sắc khiến cho quân độc ác cũng phải khiếp sợ của Giăng Van-giăng.

2. Thân bài

a. Nhân vật Gia-ve:

Vẻ bề ngoài:

- Khuôn mặt: Có một "bộ mặt gớm ghiếc", nó đáng sợ đến mức Phăng-tin chỉ mới nhác trông thấy đã như "chết lịm đi", phải "lấy tay che mặt rồi kêu lên hãi hùng" cầu cứu Giăng Van-giăng.

- Giọng nói thì lạnh lùng, cộc lốc chỉ hai từ "Mau lên!" không chỉ vậy nó còn "man rợ và điên cuồng, không còn là tiếng người nói mà lá tiếng thú gầm".

- Ánh mắt giống như "cái móc sắt", "từng quen kéo giật về phía hắn bao nhiêu kẻ khốn khổ", ánh nhìn khiến người khác phải ghê sợ như ăn tận vào xương tủy của mình.

- Nụ cười "ghê tởm phô ra tất cả hai hàm răng".

→ Chẳng khác nào một con thú đói khát lâu ngày đang vồ mồi bằng tất cả trí lực và sự ghê gớm.

Thế giới nội tâm:

- Lạnh lùng, tàn nhẫn, không mảy may thương tiếc với kẻ sắp chết, với người mẹ mất con, sẵn sàng cắt đứt những tia hy vọng cuối cùng, gián tiếp gây ra cái chết của Phăng-tin.

- Không cảm thấy hối hận hay xót thương cho cái chết của người đàn bà tội nghiệp.

→ Nội tâm Gia-ve là hình bóng của một con quỷ tàn nhẫn, là bản tính của loài ác thú chứ không còn là con người nữa.

b. Giăng Van-giăng:

Đối với Gia-ve:

- Trước khi Phăng-tin chết thì có thái độ nhẹ nhàng, nhún nhường, ngôn ngữ nói chuyện tinh tế hòng che giấu sự thật về Cô-dét, về mình để Phăng-tin có cơ hội sống.

- Sau cái chết của Phăng-tin, ông hoàn toàn xoay chuyển, trở nên cương quyết, ngôn ngữ lạnh lùng và dứt khoát, kết tội Gia-ve "Anh đã giết chết người phụ nữ này rồi đó", sẵn sàng chiến đấu để có thể từ biệt Phăng-tin bằng phong thái mạnh mẽ, lạnh lùng khiến Gia-ve run sợ.

Đối với Phăng-tin:

- Trước lúc cô chết, Giăng Van-giăng đã làm tất cả, kể cả việc hạ mình trước tên mật thám Gia-ve chỉ để níu giữ niềm tin và sự sống cho Phăng-tin.

- Sau khi cô qua đời, ông lại sẵn sàng chống đối Gia-ve chỉ để ở lại mấy phút từ biệt cô, người đàn ông ấy dịu dàng dùng tình thương, lòng nhân ái vô hạn để ngắm nhìn người phụ nữ bất hạnh, thì thầm với cô những lời cuối cùng với nỗi xót thương vô hạn.

→ Giăng Van-giăng hiện lên như là một vị cứu tinh với tấm lòng bao dung, được bao phủ bằng những vầng hào quang của sự yêu thương, nhân ái vô bờ bến đối với những kiếp người rẻ mạt, khốn khổ.

c. Cái kết biểu thị cho khuynh hướng lãng mạn của Huy-go:

- Không đem đến cho người đọc cảm giác bi lụy, tuyệt vọng về một cái kết buồn.

- "Chết là đi vào bầu ánh sáng vĩ đại", Phăng-tin cuối cùng cũng thoát khỏi chốn trần gian đầy tối tăm, bẩn thỉu và đau khổ, để đến một nơi tốt hơn, ở nơi ấy có hào quang thanh khiết và vĩ đại của Chúa che chở.

- "Giờ thì tôi là của anh", Giăng Van-giăng chấp nhận quay lại con đường tù khổ sai, một cách tự nguyện và thanh thản, thể hiện tư thế chủ động của nhân vật, rằng chúng có thể mãi mãi cầm cố thể xác ông nhưng không bao giờ có thể giam cầm tâm hồn vĩ đại của ông bằng cái lồng cũi bẩn thỉu của cường quyền.

3. Kết bài. 

- Tổng kết nội dung đoạn trích, nêu thông điệp.

Đề 3: Viết bài văn phân tích tác phẩm Sống mòn

1. Mở bài: 

- Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri(1917-1951) tại Ninh Bình. Cả cuộc đời, nhà văn vừa cầm bút viết văn, vừa vác súng chiến đấu bảo vệ nước nhà.

- Nam Cao là một trong những nhà văn tiêu biểu cho dòng văn học hiện thực, các tác phẩm của ông tố cáo cái bản chất xấu xa của xã hội và nhân tính hủ lậu của con người đương thời

- Ngòi bút của Nam Cao tập trung chủ yếu vào hai chủ đề: Người tri thức nghèo và người nông dân thấp cổ bé họng trong xã hội cũ. 

2.Thân bài:

a, Giới thiệu tác phẩm:

Sống mòn không phải là một áng văn chương để người đọc soi vào đó mà thấy được những mảnh đời u tối, bi thảm, chua xót, nhìn quanh bốn bề đều mịt mù ảm đạm.

b. Nhân vật Thứ:

- Hoàn cảnh:

+ Nhân vật chính của câu chuyện là một thầy giáo tên Thứ làm thầy giáo cho một trường tư của anh họ là Đích.

+ Anh từ bỏ cuộc sống chốn làng quê và gia đình lên Hà Thành với hy vọng thoát nghèo.

- Tâm trạng của Thứ sau khi lên Hà Thành:

+ Cuộc sống cơ cực nơi tha phương, nhiều mối lo đè nặng lên vai anh, từ chuyện tiền nhà trọ, tiền lương không đủ sống.

+ Không một người thân bên cạnh, bị người khác đối xử ích kỉ, hẹp hòi.- Thứ và vợ của anh

+ Liên, bị chia đôi hai ngã, gây ra nhiều hiểu lầm, những đau khổ, uất ức tủi hờn. Những đồng lương ít ỏi, những lo toan thường nhật, tình yêu của Thứ cũng bị cái nghèo làm mờ đi, anh lại chì chiết và lên án Liên thậm tệ.

→ Điều này làm cho Thứ có cảm giác như mình đang chết dần đi từng ngày bởi cái vòng lặp nghèo khổ oan nghiệt. Chính cái nghèo đã thay đổi con người anh và hơn hết là thay đổi cuộc đời của Thứ.

- Cuộc sống của Thứ sau khi lên Hà Thành:

+ Sống dưới mái nhà trọ xập xệ và cáu bẩn.

+Thứ biết thêm nhiều người mới cũng khổ đau và bất hạnh bởi nghèo:

+ Người mẹ trẻ túng bần phải làm quần quật cả ngày để nuôi hai đứa con thơ.

+ Oanh, một con người có học thức và gia giáo cũng vì cái nghèo mà trở nên ích kỷ nhỏ nhen.

+ Những đoàn người ăn mặc rách rưới bẩn thỉu nơi đầu đường xó chợ chỉ chực chờ sự bố thí của những kẻ giàu có để kiếm miếng ăn.

Nghèo còn khiến tâm hồn, lý tưởng của một con người bị mài mòn đi trong từng giờ khắc.

c. Ý nghĩa nhan đề của tác phẩm:

- Tiểu thuyết có tên là Chết mòn, một cái chết chậm rãi từng ngày, đó là bi kịch được dự báo trước từ lúc Thứ sinh ra trong một gia đình nghèo, cái nghèo bám riết anh từ thuở còn thơ.

- Tuy nhiên Nam Cao đổi tên thành Sống mòn, có lẽ ông muốn nhấn mạnh hơn về cái bi kịch mà Thứ đang phải chịu đựng.

- Cuộc đời anh có lẽ cũng sẽ rẽ sang một trang mới tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn nếu số phận không khắc nghiệt như thế.

3.Kết bài:

- Tiểu thuyết có tên là Chết mòn, một cái chết chậm rãi từng ngày, đó là bi kịch được dự báo trước từ lúc Thứ sinh ra trong một gia đình nghèo, cái nghèo bám riết anh từ thuở còn thơ.

- Tuy nhiên Nam Cao đổi tên thành Sống mòn, có lẽ ông muốn nhấn mạnh hơn về cái bi kịch mà Thứ đang phải chịu đựng.

- Khẳng định tài năng của Nam Cao và bài học rút ra. 

c. Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ

Đề 1: Viết bài văn phân tích bài thơ Nói với con

1. Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm:

- Tác giả Y Phương: là nhà thơ dân tộc Tày. Thơ của ông đậm đà bản sắc dân tộc, chứa đựng nhiều nét đặc sắc của đời sống tinh thần đồng bào vùng núi.

- Bài thơ “Nói với con”: thể hiện tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái, niềm hi vọng các con tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương.

2, Thân bài

a, Hình ảnh em bé lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ

-Hình ảnh đứa trẻ tập đi được miêu tả giản dị, mộc mạc: Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ.

-Tiếng nói, tiếng cười: hình ảnh của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

→tình yêu con của cha mẹ là vô hạn, chăm chút, dõi theo con từ những bước đi đầu đời.

b, Lời cha mẹ dạy con về những đức tính cần có trong cuộc sống

- Sống vui tươi, thân thiện, biết ơn:

+ Hồn nhiên, yêu đời, yêu lao động: cài nan hoa khi đan lờ bắt cá, luôn ca hát trong lao động.

+ Con người sống dựa vào tự nhiên, biết ơn tự nhiên: “Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng”.

+ Con người không thể sống một mình: ngày cưới của cha mẹ là ngày “đầu tiên đẹp nhất trên đời”, và kết tinh đẹp nhất chính là đứa con.

→Giọng thơ xúc động, vui tươi, cha mẹ vừa nói với con vừa như nhớ lại những kỉ niệm của mình.

- Sống kiên cường, hiên ngang, không quản gian khó:

+ Mong con học được sự kiên cường của “người đồng mình”: vượt qua những nỗi đau để nuôi chí làm việc lớn.

+ Sống phải biết ơn những hi sinh của cha ông đời trước đã xây dựng quê hương, không chê quê hương nguồn cội, không quản gian khó: “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”.

+ Cha mẹ mong con có đủ sức mạnh thể chất và tinh thần như “người đồng mình”: “thô sơ da thịt”, “chẳng mấy ai nhỏ bé”; có thể “Lên thác xuống ghềnh”, “Không lo cực nhọc”.

- Sống có ích, xây dựng quê hương và luôn ghi nhớ truyền thống, nguồn cội: “tự đục đá kê cao quê hương”, “quê hương thì làm phong tục” đó là mối quan hệ mật thiết giữa con người với quê hương đất nước. Con người xây dựng nên quê hương, tạo ra phong tục tập quán rồi chính quê hương là nơi lưu giữ những phong tục ấy.

→Cha mẹ mong đứa con hãy “Sống như sông như suối”, luôn trôi chảy, luôn phát triển, nhưng những giá trị quan trọng của dân tộc thì không thể quên.

c, Lời dặn dò con về bản lĩnh làm người khi ra cuộc đời

+ Lời dặn dò cuối cùng cha mẹ muốn nói với đứa con: “tuy thô sơ da thịt” nhưng khi rời khỏi gia đình, tự lập trong cuộc sống thì “không bao giờ nhỏ bé được”. Con người không phải máy móc, chỉ là da thịt “thô sơ” có thể chịu tổn thương, có thể ốm đau bệnh tật, mệt mỏi, nhưng phải cố gắng sống hiên ngang, không “nhỏ bé” khuất phục cái xấu, cái bất công, không “nhỏ bé” chấp nhận chịu sống cúi đầu, như ông cha ta ngàn đời nay.

+ “Nghe con”: câu thơ cuối như tiếng lòng của cha mẹ, đầy yêu thương, hi vọng, lo lắng, mong con sẽ trưởng thành một người sống hạnh phúc, tự do, sống có ích.

d, Nghệ thuật bài thơ

- Thể thơ tự do, giọng thơ thân tình, mộc mạc, trìu mến.

- Sử dụng những hình ảnh, ngôn ngữ đặc trưng của người dân miền núi

3, Kết bài

- Bài thơ chứa đựng tâm tư của cha mẹ, những lời nhắn nhủ dặn dò dành cho con. Qua những lời dạy còn thấy được lòng tự hào với sức sống của con người, với truyền thống tốt đẹp của quê hương.

- Bài thơ mang màu sắc tự do, mộc mạc của văn hóa dân tộc miền núi phía Bắc.

Đề 2: Viết bài văn phân tích bài thơ Đợi mẹ

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát tác giả Vũ Quần Phương

- Giới thiệu nội dung chính tác phẩm Đợi mẹ

- Nêu vấn đề nghị luận: Phân tích bài thơ Đợi mẹ ngắn gọn

- Trích thơ

2. Thân bài

a. Nêu phong cách sáng tác của tác giả Vũ Quần Phương và hoàn cảnh sáng tác tác phẩm Đợi mẹ

b. Phân tích bài thơ Đợi mẹ

- Vũ Quần Phương đã khắc họa nên hình ảnh quen thuộc trong tuổi thơ của mỗi chúng ta: Đợi mẹ về

- Dù đã tối muộn nhưng mẹ vẫn chưa về

→ Mẹ luôn hy sinh, tần tảo chăm sóc, nuôi con khôn lớn không kể tháng ngày.

- Hình ảnh người mẹ chìm vào trong bóng tối, lam lũ, vất vả trên cánh đồng ruộng lúa, không thể bên cạnh chăm sóc con

→ Không có nghĩa là mẹ không thương con, mà là vì cuộc sống mưu sinh vất vả

- Căn nhà không có mẹ cũng trở nên trống trải, lạnh lẽo, ngọn lửa bếp chưa nhen, bóng tối cũng dần bao lấy tâm hồn của đứa trẻ

→ Khắc họa niềm mong ngóng mãnh liệt từng bước chân mẹ về

- Bàn chân mẹ lội bùn ì oạp phía đồng xa”: mẹ lam lũ, vất vả, ì oạch từng bước chân trở về nhà

→ Hình ảnh thiêng liêng ấy đã làm lay động con tim mỗi chúng ta, dâng trào nỗi xúc động, thương xót mẹ

- Đợi mẹ về đã là một hành động hiển nhiên, đi sâu vào trong tiềm thức mỗi đứa trẻ, ngay cả trong từng cơn mơ

→ Có mẹ, căn bếp mới trở nên ấm áp, có mẹ, căn nhà mới trở nên bớt hiu quạnh, có mẹ, cuộc sống của con mới êm đềm, hạnh phúc.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

+ Nghệ thuật: Vần thơ giản dị, chân thực, tự nhiên, giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng

+ Nội dung: khắc họa nên hình ảnh mẹ lam lũ vất vả, như hình ảnh con cò trong câu ca dao xưa: "Con cò lặn lội bờ sông”

→ Sự thiêng liêng, cao đẹp, của tình mẫu tử, đồng thời cũng khiến chúng ta càng thêm yêu, trân quý gia đình, đặc biệt là người mẹ.

- Nêu cảm nghĩ của bản thân

Đề 3: Viết bài văn phân tích bài thơ Đồng chí

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Chính Hữu và bài thơ Đồng chí.

2. Thân bài

a. Đoạn thơ thứ nhất (Quê hương anh… Đồng chí!).

- Giới thiệu quê hương, xuất thân của mình và đồng đội: “nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá” → cùng chung cảnh ngộ nghèo khó, là những người nông dân chất phác, mộc mạc.

- “chẳng hẹn quen nhau”: chiến tranh đã đưa những người nông dân này thành chiến sĩ chiến đấu cùng nhau, thân quen nhau và trở thành đôi bạn thân thiết.

- “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”: sự kề vai sát cánh, song hành cùng nhau trên khắp những ngả đường chiến đấu.

- “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”: không chỉ bên nhau trên những chặng đường chiến đấu, họ còn bên nhau trong cuộc sống thường nhật ở chiến trường, chia sẻ với nhau những điều nhỏ nhặt nhất và trở thành người bạn tri kỉ của nhau.

- “Đồng chí!”: hai tiếng đồng chí thiêng liêng vang lên để khẳng định cho tình bạn keo sơn của hai người chiến sĩ từ sự thấu hiểu đến việc cùng chung lí tưởng.

→ Hình ảnh người chiến sĩ hiện lên chất phác, mộc mạc nhưng giàu tình cảm khiến người đọc thêm thương mến, yêu thương.

b. Đoạn thơ tiếp theo (Ruộng nương… trán ướt mồ hôi)

- Sự thấu hiểu cho hoàn cảnh của người đồng chí: Cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn nhưng, phải vất vả mưu sinh nhưng họ vẫn gửi lại phía sau để chiến đấu giành độc lập cho tổ quốc.

- Quay lại thực tại chiến đấu: cơn sốt rét rừng → hoàn cảnh chiến đấu vô cùng khắc nghiệt, gian khổ.

c. Đoạn thơ tiếp theo (Áo anh rách vai… nắm lấy bàn tay)

- Thực tế ở chiến trường: người chiến sĩ không có lấy một manh áo lành lặn để mặc, chiếc quần cũng là từ chắp vá từ mảnh vải bỏ đi mà thành thế mà vẫn phải chống chọi với cái rét. Sự lạc quan của người lính được thể hiện ở nụ cười tươi rói giữa mùa đông buốt giá.

- Giữa nơi rừng núi hoang vu đầy gai góc, chưa kể đến bom đạn nguy hiểm, người chiến sĩ không có lấy một đôi giày để đi bảo vệ đôi chân của mình, chính vì hoàn cảnh khó khăn thế mà họ hiểu nhau hơn, họ trao nhau cái nắm tay thay cho tình thương, sự đồng cảm, thấu hiểu.

d. Khổ thơ cuối cùng

- Không gian: ban đêm, nơi rừng hoang sương muối.

- Hình ảnh người lính: đứng canh gác cạnh nhau giữa trời đất để chờ giặc tới.

- “Đầu súng trăng treo” hình ảnh liên tưởng thú vị, mũi súng ngửa lên trời giống như chiếc giá đỡ ánh trăng tròn, tạo cảm giác thi vị, làm cho người đọc hiểu thêm về khung cảnh chiến đấu.

3. Kết bài

- Nêu khái quát lại nội dung, nghệ thuật và giá trị của tác phẩm.

Tải về

  • Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 1

    Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều đề số 1 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 2

    Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều đề số 2 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 3

    Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều đề số 3 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 4

    Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều đề số 4 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

  • Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 5

    Đề thi học kì 2 Văn 10 Cánh diều đề số 5 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

2k8 Tham gia ngay group chia sẻ, trao đổi tài liệu học tập miễn phí

close