Hướng dẫn quy trình viết bài phân tích, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện

Gồm chuẩn bị viết, tìm ý và lập dàn ý, viết, chỉnh sửa và hoàn thiện

HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH VIẾT BÀI VĂN PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ VỀ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN

1. Chuẩn bị viết

- Lựa chọn một tác phẩm truyện mà bạn yêu thích, gợi cho bạn nhiều hứng thú và suy ngẫm (có thể là tác phẩm chưa được học). Chú ý đến yêu cầu về thể loại để lựa chọn tác phẩm phù hợp.

- Đọc lại để nắm bắt tác phẩm ở mức độ khái quát nhất; xác định những yếu tố hay vấn đề của tác phẩm được phân tích, đánh giá (chủ đề, cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật, ngôi kể, lời thoại,…)

2. Tìm ý, lập dàn ý 

- Tìm ý: Để tìm ý, có thể đặt ra các câu hỏi

+ Vì sao tác phẩm này được lựa chọn để phân tích, đánh giá? Điều gì khiến bạn yêu thích tác phẩm?

+ Câu chuyện được kể trong tác phẩm đã diễn ra như thế nào?

+ Chủ đề của truyện là gì?

+ Truyện có những nét đặc sắc nào về nghệ thuật (cách xây dựng cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật; cách sử dụng ngôi kể, lời thoại,…)?

+ Những câu, đoạn nào trong truyện cần được trích dẫn và phân tích để làm sáng tỏ chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật?

+ Cần nhận xét, đánh giá như thế nào về thành công hay hạn chế của tác phẩm?

- Lập dàn ý: Phân bố các ý tìm được ở trên vào từng phần của bài viết theo gợi ý sau:

+ Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tên tác giả,…) và ý kiến khái quát của người viết về tác phẩm. Chia sẻ với người đọc lí do bạn lựa chọn tác phẩm này để phân tích, đánh giá; điều khiến bạn yêu thích tác phẩm.

+ Thân bài: 

Tóm tắt nội dung chính của truyện

Phân tích, đánh giá về chủ đề của truyện dựa trên cứ liệu dẫn ra từ tác phẩm

Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm. Mỗi phân tích, đánh giá đều cần có những chi tiết tiêu biểu được dẫn ra từ tác phẩm

+ Kết bài: Khái quát nội dung chính đã trình bày ở thân bài, khẳng định giá trị của tác phẩm, đưa ra một số ý tưởng mở rộng,…

3. Viết

Viết bài theo dàn ý đã lập. Khi viết, cần chú ý:

- Mở bài phải thu hút được người đọc, nêu được lý do bạn yêu thích tác phẩm. 

- Các luận điểm triển khai ở thân bài cần tập trung vào chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện. Trật tự các luận điểm có thể linh hoạt.

- Tránh lối phân tích, đánh giá chung chung. Mỗi luận điểm trong bài viết đều cần được làm sáng tỏ bằng các chi tiết, dẫn chứng cụ thể từ tác phẩm truyện.

- Thể hiện được ý kiến đánh giá riêng của người viết về tác phẩm truyện

- Khi dẫn các ý kiến phân tích, đánh giá của người khác về tác phẩm, cần ghi rõ nguồn

4. Chỉnh sửa, hoàn thiện

- Đọc lại bài và chỉnh sửa theo hai cấp độ: ý lớn và chi tiết. Rà soát lại xem các ý trong dàn ý đã được triển khai thành các đoạn văn sáng rõ và mạch lạc chưa; nếu chưa hợp lý thì cần sắp xếp lại các ý.

- Xem xét các luận điểm đã được sáng tỏ bằng những chi tiết cụ thể từ văn bản chưa; nếu chưa thì cần bổ xung để đảm bảo tất cả các phân tích, đánh giá đều có căn cứ thuyết phục.

- Chỉnh sửa các lỗi chính tả và ngữ pháp tồn tại trong bài viết. Chú ý cách sử dụng từ Hán Việt; nếu có từ nào còn băn khoăn vì chưa hiểu thật rõ nghĩa, hãy tra cứu lại hoặc thay thế bằng từ khác.


Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close