Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về hoạt động gói bánh chưng hoặc bánh tét ngày Tết lớp 5Tết Nguyên Đán năm nay, gia đình em tự gói bánh chưng để ăn Tết. Tối trước đó, mọi nguyên liệu đều đã được chuẩn bị sẵn, chỉ chờ sáng 29 bố và em dậy sớm gói bánh thôi. Sáng giáp Tết, trời rét buốt, sương mù dày đặc, chỉ có ánh đèn vàng từ căn bếp le lói cố hắt ra sân sưởi ấm cho mấy nhành mai. Bố gói bánh rất chậm, không được nhanh và vuông vắn như ông.
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Bài mẫu 1 Tết Nguyên Đán năm nay, gia đình em tự gói bánh chưng để ăn Tết. Tối trước đó, mọi nguyên liệu đều đã được chuẩn bị sẵn, chỉ chờ sáng 29 bố và em dậy sớm gói bánh thôi. Sáng giáp Tết, trời rét buốt, sương mù dày đặc, chỉ có ánh đèn vàng từ căn bếp le lói cố hắt ra sân sưởi ấm cho mấy nhành mai. Bố gói bánh rất chậm, không được nhanh và vuông vắn như ông. Nhưng bố vẫn tỉ mỉ uốn từng nếp lá để có những chiếc bánh đẹp nhất có thể. Em ngồi cạnh bố, cố gắng giúp bố xếp lạt, cắt lá, xúc nếp, giữ bánh để bố buộc lạt. Từ chiếc bánh đầu tiên còn hơi méo mó, đến chiếc bánh thứ ba đã vuông vắn hơn hẳn. Cuối cùng, mười chiếc bánh chưng cũng đã ra lò. Ngồi bên bếp lửa ấm nóng hừng hực, em thầm cảm ơn bố vì đã cố gắng đến cùng để gói bánh chưng cho cả nhà. Hoạt động gói bánh ấy không chỉ là để có bánh chưng ăn, mà hơn cả, nó tiếp nối ngọn lửa thiêng liêng của truyền thống, bày tỏ tấm lòng thành kính của con cháu với ông bà tổ tiên. Nếu thiếu đi hoạt động gói bánh chưng, thì Tết vẫn là Tết. Nhưng nó chỉ là một lễ hội bình thường, chẳng còn là ngày Tết cố truyền ý nghĩa truyền thừa hàng trăm năm của dân tộc ta nữa. Chính nhờ lần gói bánh chưng này của bố, mà em thêm hiểu và yêu quý, trân trọng những truyền thống ý nghĩa của dân tộc ta. Bài mẫu 2 Gói bánh chưng từ lâu đã trở thành một phong tục vô cùng quan trọng trong đời sống văn hoá Việt vào dịp Tết đến xuân về. Không khí rộn ràng, náo nức của ngày xuân đã tràn ngập trên khắp quê em. Ngay từ ngày 26 Tết, bà và mẹ đã đi chợ sắm sửa đầy đủ các nguyên liệu cần thiết như gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, lá dong, dây lạt…Món nào cũng được lựa chọn và sơ chế kĩ càng để chuẩn bị hôm sau gói bánh. Năm nay cả nhà đã có thêm “thợ phụ nhí” là em và bé Mai. Hai chị em hào hứng lắm vì mọi năm chỉ có thể giúp bố mẹ rửa lá, lau lá chứ chưa được tham gia gói bánh bao giờ cả. Khi tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị xong, gia đình em cùng quây quần gói bánh. Với kinh nghiệm dày dặn, bà nội là người chỉ huy đảm đang chỉ dạy chúng em cách gói bánh. Nào là xếp lá thật ngay ngắn, đổ lượng gạo nếp và đỗ xanh vừa phải, đặt vài lát thịt vào chính giữa, cuối cùng là phủ một lớp gạo lên trên để lấp đầy. Sau khi xếp bánh vào nồi, em và bé Mai nhận nhiệm vụ trông nồi bánh. Cuối cùng bánh chưng cũng đã chín. Bà em cẩn thận bày 4 chiếc bánh lên bàn thờ dâng cúng tổ tiên. Kỉ niệm gói bánh chưng ngày Tết đã để lại cho em nhiều ấn tượng khó quên. Em cảm nhận sâu sắc được ý nghĩa quan trọng của chiếc bánh chưng và tự nhủ sẽ học gói bánh thật tốt để gìn giữ truyền thống quý báu này. Bài mẫu 3 Tết năm nay em đã được tham gia gói bánh chưng cùng gia đình để chuẩn bị cho dịp Tết cổ truyền. Từ sáng sớm, cả nhà đã thức dậy và cùng nhau sơ chế, sắp xếp những nguyên liệu cần thiết. Bố chuẩn bị củi, vỏ trấu, bếp và nồi để luộc bánh. Bà và mẹ sơ chế các nguyên liệu làm bánh. Em được giao nhiệm vụ lau khô lá dong. Sau khi đã hoàn thành các công việc, cả nhà quây quần lại bên gốc cây bưởi để gói bánh. Em nhìn bàn tay thoăn thoắt của bà và mẹ lấy gạo, lấy đậu xanh, chẳng mấy chốc một chiếc bánh chưng xinh xắn đã xuất hiện. Em cũng được tự tay gói một chiếc bánh, nhưng có lẽ em còn phải luyện tập nhiều hơn nữa. Em phụ bố xếp những chiếc bánh chưng vào nồi và ngồi trông bếp. Anh mèo Quýt cũng ngồi vào lòng và cùng em trông bánh. Em đã có một trải nghiệm thật thú vị và quý giá. Em cảm thấy đây là một hoạt động rất vui và ý nghĩa, nó giúp em hiểu thêm về ngày Tết, giúp cả gia đình gắn bó hơn. Bài mẫu 4 Tết vừa qua em được bố mẹ cho về quê chơi. Ở quê em đã có dịp được trải nghiệm khói bánh chưng. Trước khi gói bà em đã chuẩn bị những thứ nguyên liệu đầy đủ để gói bánh như lá dong, đậu xanh, thịt mỡ, gạo nếp, lạt mềm. Sáng 27 tết nhà em cùng ngồi gói bánh chưng. Trước đây em chưa từng được xem gói bánh chưng lần nào nên lần về quê này được trải nghiệm và gói bánh chưng là một trải nghiệm rất thích thú với em. Gói bánh chưng rất khó. Ông vừa gói vừa giải thích cho em nghe. Gạo đã được bà ngâm từ tối hôm trước và sáng nay đậu xanh đã được bà hấp chín. Ông hướng dẫn em gói một chiếc bánh hoàn chỉnh từ bước xếp lá đến bước cho các nguyên liệu . Tuy chiếc bánh của em chưa được đẹp lắm nhưng ngắm nhìn thành quả của mình em cảm thấy rất tự hào. Sau khoảng hơn một tiếng nhà em đã gói xong bánh. Bố em đi chuẩn bị nồi nấu bánh tối hôm đó em được cử để coi bánh chưng. Nhìn những làn khói nghi ngút bốc ra từ nồi bánh mang theo hơi ấm của ngày Tết em thấy thật ấm áp. Đây là một trải nghiệm đáng nhớ đối với em. Em hi vọng tết năm nào cũng được về quê gói bánh với ông bà. Bài mẫu 5 Gói bánh chưng là hoạt động truyền thống hàng năm mà gia đình em đều thực hiện. Cả gia đình quây quần lại về nhà ông bà ngoại, gói bánh vào những ngày 27, 28 âm lịch. Gói bánh chưng giữa những ngày cận Tết, quây quần cùng mọi người ở nhà làm em thấy háo hức và vui lắm. Mỗi người một việc, ông thì chẻ lạt; bà thì lau lá, cắt lá; bố và mẹ, cậu mợ cùng nhau đổ khuôn gói bánh; em và mấy đứa nhỏ cùng nhau háo hức theo dõi, xếp bánh gọn gàng một chỗ. Mọi người trò chuyện, kể biết bao nhiêu chuyện hàng ngày rồi cùng vui, cùng ca cho quên đi thời gian gói bánh. Phải mất tới cả buổi sáng, mọi người mới có thể gói hết 50 cái bánh chưng. Thật là một con số ấn tượng. Công đoạn còn lại chỉ còn chờ nấu bánh và trông bánh, vớt bánh nữa thôi! Gói bánh chưng thể hiện tiếp nối truyền thống, văn hoá cổ truyền của dân tộc, không quên phong tục, văn hoá của nước mình. Em sẽ tiếp tục noi gương, cùng gìn giữ văn hoá đẹp của dân tộc như gia đình mình.
|