Quan điểm của Hồ Chí Minh về nội dung xây dựng con người mớiKhái niệm con người Việt Nam mới ở đây là để phân biệt với con người sống trong xã hội cũ, con người chưa giác ngộ con đường cách mạng theo lập trường giai cấp công nhân, chưa được làm chủ Câu hỏi. Quan điểm của Hồ Chí Minh về nội dung xây dựng con người mới? Khái niệm con người Việt Nam mới ở đây là để phân biệt với con người sống trong xã hội cũ, con người chưa giác ngộ con đường cách mạng theo lập trường giai cấp công nhân, chưa được làm chủ, chứ tuyệt nhiên không có ý phân biệt con người theo đẳng cấp trên - dưới, trước - sau, sang – hèn, nhất là không đối lập con người mới với con người sống trong chế độ cũ. Mới là khác cũ, nhưng con người mới hoặc con người sống trong xã hội cũ đều có chung nguồn gốc dân tộc Việt Nam, đều có xuất phát điểm về văn hóa, xã hội của một nước nông nghiệp chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nhất là phải chịu áp bức, bóc lột tàn bạo của chế độ phong kiến và chủ nghĩa thực dân trong nhiều thập kỷ. Con người mới không phải tự nhiên mà có và càng không phải tự nhiên nó đến mà là kết quả của hai quá trình tiến hành đồng thời cải tạo và xây dựng. Nó gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng, từ chính trị, kinh tế đến tư tưởng, văn hóa, xã hội, từ đạo đức đến lối sống, nếp sống và quá trình tự rèn luyện, tu dưỡng của cá nhân con người trong hoạt động sống. Xây dựng con người mới cũng đồng nghĩa với xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết, cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Có thể hiểu luận điểm này với những nội dung chính sau đây: - Chủ nghĩa xã hội sẽ tạo ra những con người xã hội chủ nghĩa, những con người xã hội chủ nghĩa lại là chủ thể của toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. - Không phải chờ cho kinh tế, văn hoá phát triển cao rồi mới xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, cũng không phải xây dựng xong con người xã hội chủ nghĩa rồi mới xây dựng xã hội chủ nghĩa. Việc xây dựng con người mới phải đặt ra từ đầu và quan tâm suốt quá trình. - Thế nào là “Trước hết, cần có những con người xã hội chủ nghĩa”, có nghĩa là không phải tất cả mọi người phải và có thể trở thành người xã hội chủ nghĩa thật đầy đủ: thật hoàn chỉnh ngay một lúc, mà chỉ có nghĩa là trước hết cần có những người tiên tiến, có được những nét tiêu biểu của người xã hội chủ nghĩa để có thể làm gương và lôi cuốn người khác và toàn xã hội xây dựng con người mới đồng thời họ cũng không ngừng được hoàn thiện, được nâng cao. - Xây dựng con người mới là đào tạo, xây dựng con người phát triển toàn diện: Đức, trí, thể, mỹ. Hồ Chí Minh hay nhắc nhiều đến đức và tài. hồng và chuyên, song không hề coi nhẹ việc rèn luyện thể lực và giáo dục thẩm mỹ cho con người nhất là thanh, thiếu niên. - Tiêu chuẩn của con người xã hội chủ nghĩa được Hồ Chí Minh nêu lên nhiều lần, có thể khái quát ở mấy điểm chính sau: + Có tư tưởng xã hội chủ nghĩa: có ý thức làm chủ, có tinh thần tập thể, có tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình, có tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết vươn lên hàng đầu, có tinh thần tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. + Có đạo đức và lối sống xã hội chủ nghĩa: trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Có tinh thần quốc tế trong sáng, có lối sống lành mạnh, trong sáng. + Có tác phong xã hội chủ nghĩa: làm việc có kế hoạch, có biện pháp, có quyết tâm, có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất, chất lượng hiệu quả: lao động quên mình, không sợ khó, sợ khổ, làm việc vì lợi ích của xã hội, tập thể và bản thân mình. + Có năng lực để làm chủ: bản thân, gia đình và công việc mình đảm nhiệm, đủ sức khỏe và tư cách tham gia làm chủ nhà nước và xã hội, thực hiện có kết quả quyền công dân: phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học - công nghệ, chuyên môn nghiệp vụ để làm chủ. Ngoài những tiêu chuẩn chung nêu trên. Hồ Chí Minh còn nêu những tiêu chuẩn cụ thể cho từng giới, từng ngành. Đảng ta tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh đã vạch ra một cách toàn diện nội dung của con người mới Việt Nam trong tất cả các quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp. Tổng hoà các quan hệ xã hội với những tiêu chuẩn đã được xác định, sẽ tạo ra cái bản chất của con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đưa ra 13 tiêu chí lối sống và phong cách của con người công nghiệp và 25 yêu cầu về con người hiện đại.
|