Còn hàng chục mới tới nơi để sầu riêng, hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi. Sầu riêng thơm mùi mít chín quyện với hương bưởi, béo cái béo của trứng gà, ngọt cái vị ngọt của mật ong già hạn. Hương vị quyến rũ đến kì lạ. Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm. Gió đưa hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi tỏa khắp khu vườn. Hoa đậu từng chùm, màu tím ngắt. Cánh hoa nhỏ như vẩy cá, hao hao giống cánh sen con, lác đác vài nhụy li ti giữa những cánh hoa. Mỗi cuống hoa ra một trái. Nhìn trái sầu riêng lủng lẳng dưới cành trông như những tổ kiến. Mùa trái rộ vào độ tháng tư, tháng năm ta. Đứng ngắm cây sầu riêng tôi cứ nghĩ mãi về cái dáng của giống cây kì lạ này. Thân nó khẳng khiu, cao vút, cành ngang thẳng đuột, thiếu cái dáng cong, dáng nghiêng, chiều quằn, chiều lượn của cây xoài, cây nhãn. Lá nhỏ xanh vàng, hơi khép lại, tưởng như lá héo. Vậy mà khi trái chín, hương tỏa ngạt ngào, vị ngọt đến đam mê.
Theo Vũ Hoàng
BƯỞI TÂN TRIỀU
Mùa thu này hay mùa thu tới, mời bạn đến thăm vườn bưởi Tân Triều.
Đất Tân Triều là vùng phù sa sông Đồng Nai. Đó chính là nguồn dinh dưỡng đặc biệt khiến trái bưởi ở đây có vị khác hẳn so với mọi nơi.
Tân Triều trồng nhiều giống bưởi: bưởi thanh, bưởi ổi ta hái vào dịp nhắn, có lẽ cũng chỉ gấp rưỡi một trái ổi to, nhưng vỏ mỏng, múi dày, hạt thưa, thậm chí nhiều cây quý cho trái không có hạt. Bưởi ổi hái xuống, chẳng ăn ngay mà để chưng nhìn cho đã mắt, không chỉ hàng tuần, mà là hàng tháng, hai tháng. Từ hai ba tháng chạp đến tận rằm tháng giêng, tháng hai đem ra ăn vẫn ngon. Khi đó, trái bưởi trông nhăn nheo, xù xì, có khi hơi mốc nữa, nhưng cầm dao cứa nhẹ vào lớp da, tinh dầu bưởi cô đọng đã tỏa hương ra thơm ngát. Cầm múi bưởi lên, xin hãy nhìn: cái múi cứ mọng nước, tép bưởi đều tăm tắp, bóng ngời. Cắn thử xem, cái múi cứ mọng nước ấy tỏa ra chất nước ngọt ngọt, chua chua rất thanh tao, xen lẫn cái hương thơm ngọt ngào như chất men làm ngây ngất lòng người. Aên một múi, rồi thêm múi nữa, hết trái này lại trái khác. Bưởi Tân Triều ăn biết mấy cho vừa, cho thỏa…
Theo Vũ Hoàng
RỪNG HOA BAN
Từ bờ sông Đà qua Nậm Gin rồi bắt đầu ra đường trục số 6, quãng đường này toàn là ban.
Ban ở sau lưng, ban ở trước mặt, ban ở bên phải, ban ở bên trái, ban trên đầu, ở trên đỉnh, ban ở dưới chân, ban ở trong lòng thung lũng. Ban ngang tầm người nhưng lại nép ở bên kia vực đá. Nếu không sợ sa xuống vực, cứ vừa bước vừa ngước lên, thấy mây trời cứ vờn vào nhị, vào cây ban trong suốt. Aùnh sáng như lọc qua một thứ giấy thông thảo hồng hồng. Nếu không sợ vấp, vừa bước vừa nhìn xuống vực sâu thấy rừng hoa trắng như đang loãng ra bên dòng suối thăm thẳm xanh ve dưới lũng sâu. Trắng trời, trắng núi một thế giới ban.
Theo Nguyễn Tuân
CÂY BÀNG
Có những cây mùa nào cũng đẹp như cây bàng. Mùa xuân, lá bàng mới nảy trông như ngọn lửa xanh. Sang hè, lá lên thật dày, ánh sáng xuyên qua chỉ còn là màu ngọc bích. Khi lá bàng ngả sang màu vàng đục ấy là mùa thu. Sang đến những ngày cuối đông, mùa lá bàng rụng, nó lại có vẻ đẹp riêng. Những lá bàng mùa đông đỏ như đồng hun ấy, sự biến đổi kì ảo trong “ gam “ đỏ của nó, tôi có thể nhìn cả ngày không chán. Năm nào tôi cũng chọn lấy mấy lá thật đẹp về phủ một lớp dầu mỏng, bày lên bàn viết. Bạn có biết nó gợi lên chất liệu gì không? Chất “ sơn mài “…
Theo Đoàn Giỏi
HOA SẦU ĐÂU
Vào khoảng cuối tháng ba, các cây sầu đâu ở vùng quê Bắc Bộ đâm hoa và người ta thấy hoa sầu đâu nở như cười. Hoa nhỏ bé lấm tấm mấy chấm đen nở từng chùm đu đưa như võng mỗi khi có gió. Cứ đến tháng ba, nhớ đến sầu đâu là tôi cảm thấy thoang thoảng đâu đây một mùi thơm mát mẻ, dịu dàng, mát mẻ còn hơn cả hương cau, mà dịu dàng có khi còn hơn cả hoa mộc. Mùi thơm hiền diệu đó hòa với mùi thơm của đất ruộng cày vỡ ra, mùi đâu đã già mà người nông phu hái về phơi nắng, mùi mạ non lên sớm xanh màu hoa lí, mùi khoai sắn, mùi rau cần ở các ruộng xâm xấp nước đưa lên,… Bao nhiêu thứ đó, bấy nhiêu yêu thương, khiến người ta cảm thấy như ngây ngất, như say say một thứ men gì.
Theo Vũ Bằng
HOA MAI VÀNG
Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào, nhưng hoa mai to hơn cánh hoa đào một chút. Những nụ hoa mai không phô hồng mà ngời xanh màu ngọc bích. Sắp nở, nụ mai mới phô vàng. Khi nở, cánh hoa mai xòe ra mịn màng như lụa. Những cánh hoa ánh lên một sắc vàng muốt, mượt mà. Một mùi hương thơm lựng như nếp hương phảng phất bay ra.
Mùa xuân và phong tục Việt Nam
QUẢ CÀ CHUA
Đêm huyền dịu đã rủ hoa cà chua lặn theo dòng thời gian chuyển vần. Hoa biến đi để cây tạo ra những chùm quả nõn chung màu với cây với lá.
Cà chua ra quả sum suê, chi chít, quả lớn, quả bé vui mắt như đàn gà mẹ đông con. Quả một, quả chùm, quả sinh đôi, quả chùm ba, chùm bốn. Quả ở thân, quả leo nghịch ngợm lên ngọn làm ỏe cả những nhánh to nhất.
Nắng đến tạo vị thơm mát dịu dần cho quả. Mỗi quả cà chua chín là một mặt trời nhỏ hiền dịu. Cà chua thắp đèn lồng trong chùm cây nhỏ bé, gọi người đến hái. Màu đỏ là màu nhận ra sớm nhất. Những quả cà chua đầu mùa gieo sự náo nức cho mọi người.
Theo Ngô Văn Phú
GIÀN BẦU NẬM
Giàn bầu nậm ngoài sân, dây leo và lá chằng chịt lấp kín ô giàn nứa. Giàn bầu đã làm dịu hẳn cái nắng tháng tư ở trước mặt nhà. Aùnh nắng đổ xuống giàn, khi lọt xuống sân bị một cái cốt xanh ngắt của cây lá quả bầu nậm buông thõng ngang mặt. Cái áo trắng Chiêu mặc biến thành áo lụa màu xanh. Trận gió nam từ ngoài lũy tre thưa đưa vào làm va đụng những bình rượu của tự nhiên… Trái bầu nậm còn tươi lủng lẳng dưới giàn như một cái bình rượu tạc bằng khối ngọc bích đều sắc, nhẵn và bóng.
Theo Nguyễn Tuân
CÂY TRÁM ĐEN
Ở đầu bản tôi có một cây trám đen. Thân cao vút, thẳng như một cọc nước từ trên trời rơi xuống. Cành cây mập mạp, nằm ngang, vươn tỏa như những gọng ô. Trên cái gọng ấy xòe tròn một chiếc ô xanh ngút ngát.
Trám đen có hai loại. Quả trám đen tẻ chỉ bằng quả nhót to, nhưng hai đầu nhọn hơn. Cùi trám đen tẻ mỏng, cứng, có phấn hơi khô, xác, không ngon bằng trám đen, nếp. Trám đen nếp cũng màu tím như trám đen tẻ, nhưng quả mập, mỡ màng, cùi dày, bấp ngập móng ngón tay cái mà không chạm hạt.
Cùi trám đen có chất béo, bùi và thơm. Trám đen rất ưa xào với tóp mỡ. Trám đen còn được dùng làm ô mai. Phơi khô để ăn dần. Người miền núi rất thích món trám đen trộn với xôi hay cốm.
Chiều chiều tôi thường ra đầu bản nhìn lên vòm cây trám ngóng chim về. Người bản tôi nhìn lên cái ô xanh treo lơ lửng lưng trời ấy mà biết được sức gió. Xa quê đã ngót chục năm trời, tôi vẫn nhớ da diết những cây trám đen ở đầu bản.
Theo Vi Hồng, Hồ Thùy Giang
CÂY SỒI GIÀ
Bên vệ đường, sừng sững một cây sồi. Đó là một cây sồi lớn, hai người ôm không xuể, có những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đầy vết sẹo. Với những cánh tay to xù xì không cân đối, với những ngón tay quều quào xoefd rộng, nó như một con quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa đám bạch dương đang tươi cười.
Bây giờ đã là tháng sáu. Mới sau có một tháng, cây sồi già đã thay đổi hẳn, tỏa rộng thành vòm lá xum xuê xanh tốt thẫm màu, đang say sưa ngây ngất, khẽ đung đưa trong nắng chiều. Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vết sẹo và vẻ ngờ vực, buồn rầu trước kia. Xuyên qua lớp vỏ cứng già hàng thế kỉ, những khóm lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài. Thật khó lòng tin được chính cây sồi già cằn cỗi kia đã sinh ra chùm lá xanh mơn mởn ấy.
Theo Lep Tôn-Xtôi
HocTot.Nam.Name.Vn