Bài 4. Bảo vệ lẽ phải - SGK GDCD 8 Kết nối tri thứcEm hãy đọc câu ca dao dưới đây và trả lời câu hỏi: “Dù cho đất đổi trời thay/ Trăm năm vẫn giữ lòng ngay với đời" Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 8 tất cả các môn - Kết nối tri thức Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Mở đầu Trả lời câu hỏi Mở đầu trang 20 Bài 4 GDCD 8 Kết nối tri thức Em hãy đọc câu ca dao dưới đây và trả lời câu hỏi: “Dù cho đất đổi trời thay/ Trăm năm vẫn giữ lòng ngay với đời" - Ý nghĩa của câu ca dao trên là gì. - Hãy nêu một số câu ca dao, tục ngữ khác về bảo vệ lẽ phải Lời giải chi tiết: - Hai câu thơ: “Dù cho đất đổi trời thay/ Trăm năm vẫn giữ lòng ngay với đời” muốn khuyên con người: luôn sống ngay thẳng, trung thực, tôn trọng và bảo vệ sự thật. - Một số câu ca dao, tục ngữ khác về bảo vệ lẽ phải: + Phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn. + Người gian thì sợ người ngay/ Người ngay chẳng sợ đường cày cong queo. + Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành. + Cây ngay không sợ chết đứng. + Của ngang chẳng góp, lời tà chẳng thưa. + Một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng. + Những người tính nết thật thà/ Đi đâu cũng được người ta tin dùng. + Của phi nghĩa có giàu đâu/ Ở cho ngay thật giàu sang mới bền. ? mục 1 Trả lời câu hỏi mục 1 trang 20 Bài 4 GDCD 8 Kết nối tri thức Em hãy đọc câu chuyện dưới đây và trả lời câu hỏi: a) Chánh án Pe-rin Lao-ri đã làm gì khi nhận được là thư của thời thơ ấu? Việc làm đó của ông có ý nghĩa gì? b) Theo em, thế nào là bảo vệ lẽ phải? c) Nêu lí do của sự cần thiết phải bảo vệ lẽ phải. Lời giải chi tiết: a. - Khi nhận được bức thư của người bạn cũ, Chánh án Pe-rin Lao-ri đã: + Suy nghĩ rất lâu, lưỡng lự giữa sự trung thực và tình cảm bạn bè. Nhưng cuối cùng chánh án đã quyết định bảo vệ sự thật, ông vẫn kí vào tờ giấy buộc thi hành án đối với con trai của người bạn cũ. + Để giúp đỡ người bạn vượt qua khó khăn, ông gửi cho người bạn một khoản tiền đủ để người bạn có thể nộp phạt và thanh toán án phí. - Việc làm đó của chánh án Pe-rin Lao-ri đã thể hiện: + Ông là người rất trung thực, biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải, không để tình cảm cá nhân làm ảnh hưởng đến việc thực thi công lý; + Đồng thời, chánh án Pe-rin Lao-ri cũng là một người có tấm lòng nhân hậu, biết quan tâm, chia sẻ với khó khăn, họa nạn của người khác. b. Bảo vệ lẽ phải là công nhận, ủng hộ, tuân theo và bảo vệ những điều đúng đắn; biết điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình theo lẽ phải; không chấp nhận và không làm những việc sai trái. c. Chúng ta cần phải tôn trọng và bảo vệ lẽ phải, vì: + Việc bảo vệ lẽ phải giúp mỗi người có cách ứng xử phù hợp; góp phần đẩy lùi cái sai, cái xấu, để làm lành mạnh mối quan hệ xã hội, thúc đẩy xã hội ổn định, phát triển; + Mặt khác, việc bảo vệ lẽ phải cũng củng cố niềm tin của con người vào cộng đồng, pháp luật và lương tri. ? mục 2 Trả lời câu hỏi mục 2 trang 21 Bài 4 GDCD 8 Kết nối tri thức Em hãy quan sát các hình ảnh dưới đây và trả lời câu hỏi: a) Hãy chỉ ra những lời nói, việc làm thể hiện bảo vệ lẽ phải trong những bức tranh trên. b) Theo em, học sinh cần làm gì để bảo vệ lẽ phải? Lời giải chi tiết: a. Những lời nói và việc làm thể hiện bảo vệ lẽ phải - Trong bức ảnh 1: Hai bạn học sinh nữ đã kiên quyết minh oan cho bạn Yến. - Trong bức ảnh 2: Bạn học sinh nam đã đến trụ sở công an để: trình báo, tố cáo, cung cấp bằng chứng về sự việc một chiếc xe gây tai nạn rồi bỏ chạy. - Trong bức ảnh 3: Khi con trai phạm sai lầm và phải chấp nhận hình phạt của pháp luật, người đàn ông đã kiên quyết để con trai thi hành án, không sử dụng tiền bạc hay các mối quan hệ để “lo lót”, “chạy án” cho con. b. Để bảo vệ lẽ phải, học sinh cần: + Tôn trọng, ủng hộ, tuân theo những điều đúng đắn. + Biết điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình theo hướng tích cực. + Khích lệ, động viên bạn bè có thái độ, hành vi bảo vệ lẽ phải. + Phê phán thái độ, hành vi đi ngược lại lẽ phải. Luyện tập 1 Trả lời câu hỏi Luyện tập 1 trang 23 Bài 4 GDCD 8 Kết nối tri thức Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao? a) Để bảo vệ lẽ phải cần tôn trọng sự thật. b) Cần kiên quyết bảo vệ những gì phù hợp với lợi ích của cộng đồng. c) Người bảo vệ lẽ phải luôn phải chịu thiệt thòi. d) Mỗi người tự bảo vệ lợi ích của mình chính là góp phần vào việc bảo vệ lợi ích của cộng đồng. e) Trước việc làm sai trái, nếu mình không liên quan thì không cần lên tiếng. Lời giải chi tiết: - Ý kiến a) Đồng tình. Vì: bảo vệ lẽ phải là công nhận, ủng hộ, tuân theo và bảo vệ những điều đúng đắn; biết điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình theo lẽ phải; không chấp nhận và không làm những việc sai trái. - Ý kiến b) Đồng tình. Vì: lẽ phải là những điều đúng đắn, phù hợp với đạo lí và lợi ích chung của xã hội; do đó, chúng ta cần kiên quyết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải. - Ý kiến c) Không đồng tình. Vì: người biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải sẽ luôn được mọi người yêu quý và kính trọng. - Ý kiến d) Đồng tình. Vì: mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội; khi có ý thức bảo vệ lợi ích của mình, chính là chúng ta đang góp phần bảo vệ lợi ích của cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân biệt rõ giữa lợi ích chính đáng và vấn đề tư lợi cá nhân. - Ý kiến e) Không đồng tình. Vì: trước việc làm sai trái, dù không liên quan đến bản thân, nhưng chúng ta vẫn cần lên tiếng để tố cáo cái sai, bảo vệ lẽ phải; im lặng đồng nghĩa với việc chúng ta đã tiếp tay cho cái ác, cái xấu. Luyện tập 2 Trả lời câu hỏi Luyện tập 2 trang 23 Bài 4 GDCD 8 Kết nối tri thức Ai biết bảo vệ lẽ phải, ai chưa biết bảo vệ lẽ phải trong những trường hợp dưới đây? Vì sao? a) Thấy bất kể việc gì có lợi cho mình, anh H cũng phải làm cho bằng được. b) Trong các cuộc tranh luận, chị M kiên quyết bảo vệ đến cùng ý kiến của mình dù ý kiến đó là đúng hay sai. c) Trong lớp, bạn B thường lớn tiếng phê bình khuyết điểm của bạn khác nhưng lại che giấu khuyết điểm của mình. d) Anh S cùng các bạn thu thập chứng cứ và tố cáo một việc làm sai trái. Lời giải chi tiết: - Nhân vật biết bảo vệ lẽ phải là anh S và nhóm bạn (trường hợp d). Vì: khi phát hiện thấy hành vi sai trái, vi phạm quy định của pháp luật, anh S và nhóm bạn đã dũng cảm đấu tranh, thu thập bằng chứng để tố cáo hành vi đó. - Những nhân vật chưa biết bảo vệ lẽ phải: + Anh H (trường hợp a). Vì: anh H chỉ thực hiện hành vi khi thấy việc làm nào có lợi cho bản thân, không có lợi cho bản thân, anh H không làm. + Chị M (trường hợp b). Vì: chị M không chịu lắng nghe, tiếp thu sự góp ý, nhắc nhở của người khác mà kiên quyết bảo vệ ý kiến cá nhân. + Bạn B (trường hợp c). Vì: bạn B chỉ nhìn thấy và chỉ trích lỗi sai của người khác nhưng lại cố tình che dấu lỗi sai, khuyết điểm của bản thân. Luyện tập 3 Trả lời câu hỏi Luyện tập 3 trang 24 Bài 4 GDCD 8 Kết nối tri thức Em hãy cùng các bạn trong nhóm sắm vai các nhân vật trong câu chuyện dưới đây và trả lời câu hỏi: NHƯNG NÓ PHẢI BẰNG HAI MÀY Làng kia có một tên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi. Một hôm, Cải với Ngô đánh nhau, rồi mang nhau ra làng kiện. Cải sợ kém thế, lót trước cho thầy lí năm đồng. Ngô giàu hơn, biện lễ những mười đồng. Khi xử kiện, thầy lí nói: “Thằng Cải đánh thẳng Ngô đau hơn, phạt một chục roi". Cải vội xoè năm ngón tay, ngẩng mặt nhìn thấy lí khẽ bẩm: "Xin xét lại, lẽ phải về con mà!". Thầy lí cũng xoè năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay phải, nói: "Ta biết mày phải... nhưng nó lại phải... bằng hai mày!”. - Em có nhận xét gì về việc làm của các nhân vật trong truyện? - Nếu là nhân vật Ngô hoặc Cải, em sẽ làm gì? Vì sao? - Nếu là người xử kiện, em sẽ làm gì? Vì sao? Lời giải chi tiết: - Các nhân vật trong câu truyện đều không tôn trọng và bảo vệ lẽ phải: + Nhân vật Cải và Ngô, vì sợ thua kiện nên đã dùng tiền để “đút lót” cho viên lí trưởng. + Lí trưởng vì lợi ích kinh tế mà nhận tiền “đút lót” của Cải và Ngô, từ đó phân xử cho Ngô thắng kiện. - Nếu là nhân vật Cải và Ngô, em sẽ: + Tôn trọng sự thật, không dùng tiền để mua chuộc, đút lót cho lí trưởng. + Nếu bản thân không phạm lỗi sai, em luôn đặt niềm tin công lý sẽ được thực thi. + Nếu bản thân phạm lỗi sai, em cần: trung thực, dũng cảm nhìn nhận sai lầm, khuyết điểm; tìm cách để khắc phục và sửa chữa sai lầm. - Nếu là người xử kiện, em sẽ: + Kiên quyết khước từ lời ích vật chất từ Cải và Ngô; Mặt khác, sẽ có biện pháp xử phạt nếu Cải và Ngô có hành vi mua chuộc, dụ dỗ. + Thu thập chứng cứ, xem xét kĩ vụ án để tránh xử lí oan sai. Luyện tập 4 Trả lời câu hỏi Luyện tập 4 trang 24 Bài 4 GDCD 8 Kết nối tri thức Em sẽ xử lí như thế nào nếu ở trong các tình huống dưới đây? a) Khi tranh luận với các bạn, em biết chắc chắn rằng ý kiến của mình là đúng nhưng đa số các bạn khác lại khẳng định là sai. b) Em nghe thấy một bạn nói xấu bạn khác, trong khi em biết sự thật không phải như vậy. c) Khi thấy người đàn ông có hành động sàm sỡ với một bé gái, em định lên tiếng thì bị ông ta đe doạ. d) Bạn thân của em mắc khuyết điểm, bạn muốn em không nói với ai. Lời giải chi tiết: - Xử lí tình huống a) Nếu ở trong tình huống này, em sẽ: + Dùng các lập luận, bằng chứng xác đáng, khoa học để bảo vệ ý kiến của bản thân. Đồng thời, phân tích, chỉ ra những điểm chưa hợp lí trong lập luận của các bạn (lưu ý: thái độ và lời nói cần ôn hòa; tránh dùng những nời nói và thái độ tiêu cực, mang tính thách thức, khích bác, mỉa mai…). + Sau khi phân tích, nếu nhóm bạn vẫn chưa thống nhất được quan điểm, em sẽ nhờ thầy cô giáo xem xét, phân xử. - Xử lí tình huống b) Nếu ở trong tình huống này, em sẽ: + Lên tiếng, nói rõ sự thật để minh oan cho bạn bị nói xấu. + Khuyên bạn (có hành vi nói xấu) không nên lan truyền những thông tin sai sự thật về người khác. - Xử lí tình huống c) Nếu ở trong tình huống này, em sẽ: + Yêu cầu người đàn ông chấm dứt hành vi sàm sỡ với bé gái. + Nói to hoặc hô to để gây sự chú ý và nhờ mọi người xung quanh giúp đỡ. + Tố cáo hành vi sai trái của người đàn ông với lực lượng công an. - Xử lí tình huống d) Nếu ở trong tình huống này, em sẽ: + Không phê bình, nhắc đến lỗi sai của bạn trước mặt mọi người. + Tế nhị góp ý, nhắc nhở bạn. Chỉ ra cho bạn thấy khuyết điểm và khuyên bạn nên sửa chữa, khắc phục khuyết điểm ấy. + Nếu sau một thời gian, bạn vẫn không thay đổi, tiếp tục phạm sai lầm, em nên tâm sự, trao đổi với bố mẹ của bạn để bố mẹ bạn nắm được tình hình và kịp thời khuyên bảo bạn. Luyện tập 5 Trả lời câu hỏi Luyện tập 5 trang 24 Bài 4 GDCD 8 Kết nối tri thức Em sẽ khuyên bạn điều gì trong những tình huống sau? a) Người thân trong gia đình bạn em làm điều trái pháp luật. b) Bạn em viết lên mạng xã hội một điều không đúng sự thật. c) Bạn em mắc lỗi nhưng lại đổ lỗi cho một bạn khác trong lớp. Lời giải chi tiết: - Tình huống a) Lời khuyên: + Không bao che cho hành vi sai trái của người thân. + Yêu cầu người thân nên đến cơ quan công an đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. + Cung cấp đầy đủ các thông tin mình biết cho lực lượng công an. - Tình huống b) Lời khuyên: + Lên tiếng, nói rõ sự thật. + Khuyên bạn không nên lan truyền những thông tin sai sự thật. - Tình huống c) Lời khuyên: + Lên tiếng, nói rõ sự thật để minh oan cho người bạn kia. + Khuyên người bạn (có hành vi đổ lỗi) hãy: trung thực nhìn nhận sai lầm, khuyết điểm; dũng cảm nhận lỗi và tìm cách để khắc phục và sửa chữa sai lầm. Vận dụng 1 Trả lời câu hỏi Vận dụng 1 trang 24 Bài 4 GDCD 8 Kết nối tri thức “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt" (Martin Luther King). Hãy viết một đoạn văn bình luận về ý kiến trên. Lời giải chi tiết: Trong một bài phát biểu của Martin Luther King - nhà nhân quyền học người Mĩ gốc Phi, người nhận giải Nobel về hòa bình, ông có nói “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn là vì sự im lặng đáng sợ của những người tốt”. Một quan điểm, nhận định nếu chỉ nghe ban đầu sẽ thấy sao thật xót xa và cay đắng nhưng đó chẳng phải hiện thực, chẳng phải xã hội mà ta vẫn đang sống hay sao? Vậy nên hiểu về phát biểu ấy như thế nào? Trước hết, “kẻ xấu” mà nhà nhân quyền muốn nói đến là những người như thế nào? Đó là những con người có tâm địa xấu xa, gây ảnh hưởng đến mọi người và môi trường xung quanh, đến cộng đồng. Vì thế “lời nói và hành động” của kẻ xấu chính là những lời dối trá, giễu cợt, gièm pha, khích bác…là những hành động côn đồ, lưu manh, làm tổn hại đến tinh thần và cả thể chất của người khác, đến lợi ích chung của cộng đồng. Vậy còn “người tốt” thì sao? Đó là những người có lối sống đúng đắn, tâm hồn nhân hậu, trong sáng, hiểu biết đúng sai, phải trái ở đời. Nhưng “im lặng” ở đây lại là sự không hành động, không phản ứng, thờ ơ hoặc hèn nhát, quay lưng với mọi chuyện diễn ra xung quanh. “Sự im lặng của người tốt” chính là thái độ thờ ơ, bàng quan, thiếu trách nhiệm với cộng đồng của những người vốn có bản tính tốt đẹp. Như vậy, câu nói đã đưa đến một nhận định: Bày tỏ thái độ phê phán đối với những người có tâm địa độc ác, chuyên dùng lời nói hoặc hành động làm tổn hại đến người khác và cả những người vốn có bản tính tốt đẹp nhưng thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Tại sao chúng ta lại xót xa vì lời nói và hành động của những kẻ xấu? Vì những điều đó trực tiếp làm tổn hại đến mọi người, đến lợi ích của cả cộng đồng, khiến chúng ta cảm thấy đau đớn, bất bình. Vậy còn sự im lặng đáng sợ của những người tốt thì sao? Đó chẳng phải là sự ngầm thỏa hiệp, mặc kệ cho cái xấu cái ác lộng hành, là cách tiếp tay cho “hành động và lời nói của kẻ xấu” vẫy vùng, “thoải mái được thể hiện”, là cách gián tiếp gây hại cho cộng đồng, cho những người xung quanh khi họ chẳng thể lên tiếng, không quyết liệt hành động. Chúng ta có thể thấy những xót xa mà những lời nói và hành động của những kẻ xấu đã gây ra cho cộng đồng. Biết bao những vụ án, những tội ác khủng khiếp xảy ra hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rồi những vụ tham ô, tham nhũng của những vị quan chức khiến tổn hại, thất thoát đến trăm nghìn tỷ đồng - số tiền mà có thể giúp đỡ cho biết bao người nông dân đang còn nghèo khó. Nhưng đáng sợ không kém còn là chính sự tiếp tay, thỏa hiệp của những người tốt bởi sự im lặng hèn nhát. Chứng kiến tội ác nhưng không một ai dám lên tiếng hay hành động. Không thể phủ nhận rằng, trên thực tế, đã có rất nhiều người dám đứng lên, dám bảo vệ lẽ phải nhưng trong số đó có rất nhiều người đã phải lãnh nhận những hậu quả đáng tiếc và đáng buồn, tuy nhiên hãy tin tưởng đó chỉ là cá biệt và tạm thời, kết cục cuối cùng sẽ giúp mang lại sự công bằng, tốt đẹp cho xã hội. Là một người trẻ, là thế hệ tương lai của đất nước hãy tự thay đổi ngay từ chính mình. Đừng bao giờ trở thành chủ nhân của những lời nói và hành động xấu, hãy biết dũng cảm đứng lên đấu tranh với cái xấu, cái ác, tuyên truyền, cổ động những người xung quanh mình để tạo nên một cộng đồng tốt đẹp và dũng cảm. Hãy biến câu nói “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn là vì sự im lặng đáng sợ của những người tốt” trở thành một quá khứ mãi được lãng quên, hãy để tương lai trở thành tốt đẹp với những người nhân hậu, một xã hội đầy yêu thương. Vận dụng 2 Trả lời câu hỏi Vận dụng 2 trang 24 Bài 4 GDCD 8 Kết nối tri thức Hãy thiết kế một thông điệp về bảo vệ lẽ phải. Lời giải chi tiết:
|