Bài văn kể về việc làm khiến em cảm thấy hối hậnNăm ngoái, nhà trường tổ chức tham quan bến Nhà Rồng và Thảo Cầm Viên. Mỗi học sinh phải đóng hai ngàn đồng cho chuyến tham quan đó. Nghe chuyện, mẹ em không ngần ngại đưa cho em tiền để sáng vào lớp đóng cho lớp trưởng.
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý Mở bài: Khái quát về sự việc - Thời gian xảy ra - Sự việc đó là gì? - Em cảm thấy thế nào? Thân bài: - Hoàn cảnh khiến em gây ra lỗi lầm đó. - Diễn biến của sự việc - Hành động của em gây ra hậu quả như thế nào? - Em có suy nghĩ gì về hành động đó? Kết bài: Cảm nghĩ của em về lỗi lầm mình mắc phải - Em cảm thấy như thế nào mỗi khi nghĩ về lỗi lầm đó? - Em sẽ sửa chữa lỗi lầm đó bằng cách nào? Bài siêu ngắn Trong cuộc sống, mỗi người đều từng phạm phải sai lầm. Nhưng nhờ đó mà chúng ta rút ra được những bài học, từ đó sống tốt hơn mỗi ngày. Đó là một kỉ niệm xảy ra khi tôi học lớp ba. Dù là con gái nhưng tính tôi lại rất nghịch ngợm. Một lần, trong giờ thể dục, tôi và nhóm bạn thân trong lớp rủ nhau trốn tiết học thể dục để ra ngoài cổng trường mua quà vặt. Cô chủ nhiệm đã biết được chuyện này và đến gặp mẹ tôi. Sau khi cô giáo ra về, mẹ đã gọi tôi đến bên và nhắc nhở. Nhưng khi đó, tôi đã có thái độ và lời nói không lễ phép với mẹ. Tối hôm đó, bố đi làm về. Có vẻ như bố đã biết được câu chuyện xảy ra vào buổi chiều. Bố gọi tôi vào phòng đọc sách để trao đổi. Bố đã nghiêm khắc phê bình thái độ đó của tôi. Những điều bố nói khiến tôi nhận ra lỗi lầm của bản thân. Sáng hôm sau, khi mẹ đi làm về, tôi ngập ngừng chạy đến ôm lấy mẹ, xin lỗi mẹ: “Mẹ ơi, con xin lỗi vì đã có thái độ vô lễ với mẹ”. Nước mắt tôi cứ thế rơi lúc nào chẳng hay. Mẹ cũng khóc và an ủi tôi: “Không sao đâu con. Chỉ cần con nhận ra lỗi lầm của mình là được”. Kỉ niệm về lỗi lầm khi đó đã giúp tôi có được bài học quý giá. Tôi cũng hiểu được rằng, cho dù có thế nào. Bố mẹ cũng luôn bao dung và yêu thương tôi vô điều kiện. Lỗi lầm dù có to lớn đến đâu, thì đối với bố mẹ cũng có thể tha thứ. Các bài mẫu Bài tham khảo 1: Năm ngoái, nhà trường tổ chức tham quan bến Nhà Rồng và Thảo Cầm Viên. Mỗi học sinh phải đóng hai ngàn đồng cho chuyến tham quan đó. Nghe chuyện, mẹ em không ngần ngại đưa cho em tiền để sáng vào lớp đóng cho lớp trưởng. Tối hôm đó, tiếng loa vang lên từ bãi đất trống gần nhà làm em bồn chồn. Người ta tổ chức hội chợ với nhiều trò vui. Tiếng ca, tiếng nhạc cứ mãi thúc giục khiến em vào xin phép cha mẹ. Em định bụng đến khu hội chợ một lát rồi về. Đến nơi, quả thật là vui, ở đây có các trò chơi, từ nhảy vòng, chọi lon đến trò xổ số lô tô. Hấp dẫn nhất là trò quay vòng số. Một vòng quay, mười hai con số liên tiếp thi nhau chớp tắt. Dễ trúng quá, trò chơi này quyến rũ khiến em mua một con số hai trăm đồng. Trật rồi, em ngần ngừ và mua con số khác. Lại trật nữa. Em mua số hết nhẵn hai ngàn đồng mẹ vừa cho. Thấy em về với về mặt buồn hiu, mẹ em hỏi: - Có việc gì vậy con? Trên đường về, em đã rắp tâm nói dối nên em giả đò mếu máo khóc. - Con đánh rơi hai ngàn đồng rồi. Thôi, vậy con không đi tham quan nữa đâu. Mẹ em thở dài, ngần ngừ một lúc rồi móc túi áo lấy ra những tờ giấy bạc nhàu nát. Mẹ nói: - Lâu lâu mới có dịp đi xa, con lấy tiền này mai đóng cho nhà trường. Tối hôm đó, ngồi học bài, em thấp thỏm chờ mẹ về. Thường lúc, giờ này mẹ đã về. Chắc bữa nay bán ế nên mẹ về trễ. Mãi đến mười giờ đêm, mẹ em mới về. Gánh chè còn lưng lưng phân nửa. Nhìn vẻ mặt buồn buồn của mẹ. Em không sao cầm được nước mắt. Lòng dấy lên nỗi hối hận, em chạy đến ôm chầm lấy mẹ và nức nở kể hết sự thật. Nghe xong, mẹ vuốt đầu em, mẹ nói: - Con biết hối lỗi như vậy là tốt rồi. Mẹ còn xoay xở được. Con cứ giữ lấy tiền này cho mẹ vui. Từ đó, mỗi lần nghe loa hội chợ là mỗi lần lòng em lại dây lên niềm hối hận. Em cương quyết từ nay không làm mẹ buồn và giấu mẹ bất cứ điều gì! Bài tham khảo 2: Hàng năm cứ đến dịp bãi trường em được về quê ông ngoại nghỉ mát. Em được ông ngoại em yêu lắm. Mỗi ngày em chỉ ôn lại bài vở vào buổi sáng, còn buổi chiều em được đi chơi ngắm cảnh và hưởng gió đồng quê. Thú giải trí em ưa nhất là cái thú đi bắn chim bằng ná cao su. Thật là vừa gián dị lại vừa rẻ tiền. Một buổi chiều em đang lang thang quanh bụi tre trong làng, bỗng có tiếng chim hót ríu rít trên cao làm em ngửng đầu lên. Em thấy một đàn chim chào mào đang chuyền từ cành nọ qua cành kia. Em đặt viên sỏi (sạn) vào ná cao su và sửa soạn để sẵn sàng bắn. Em tự nhiên hồi hộp lạ thường hi vọng sẽ bắn được chim. Em cúi lom khom, em len lỏi qua bụi rậm, cố tiến sát tới gần nơi chim đang đậu. Em chỉ muốn giương ná bắn ngay. Nhưng xa quá mà khốn nỗi nếu thấy động chúng sẽ bay xa hết. Em lại kiên nhẫn dò từng bước để đến gần chúng hơn. Không may em dẫm phải một cành khô kêu răng rắc. Thấy động, con thì bay xa, con thì chuyền lên cành cao nhớn nhác. Em tưởng chúng bay đi hết. Nhưng may quá còn một con đậu cành thấp vừa tầm, đang ngơ ngác nhìn tứ phía và kêu chiêm chiếp. Em đoán ngay là một con chim non lạc đàn. Ná cao su đã sẵn sàng, em chọn chỗ thuận tiện để được nhìn thấy ngực con chim đang phơi ra, không một lá cây nào che chở. Em nín thở dang tay kéo căng đôi dây cao su nhắm rất cẩn thận rồi một tiếng “phạch" ngắn phát ra. Đôi dày cao su co lại mạnh bổn về phía trước ném theo viên sỏi lẻn cao. Trong nháy mắt chim xoà hai cánh quay cuồng rơi xuống đất. Em cảm thấy kiêu hãnh như kẻ thắng trận, chiếm đoạt đươc một con vật đã từng bay nhảy khắp nơi. Nhưng sự kiêu hãnh của em không được bao lâu khi em ngắm kĩ con chim em vừa hạ được. Khốn nạn thay cho nó, nó đã chết đâu; nó còn thở mạnh, nó bị thương ngất đi, nhưng chỉ một vài phút sau đã tỉnh. Thoạt tiên nó giẫy giụa, nhưng sau chắc vì biết số phận nó, hoặc vì vết thương làm cho nó quá đau đớn; nó nằm im trong lòng bàn tay em. Em nhìn kĩ thấy mắt nó ướt. em tưởng chừng như nó đang khóc. Tự nhiên một tình thương đến tràn ngập lòng em. Lúc đó chim mẹ và mấy con chim con vẫn chuyền cành quanh đây kêu những tiếng thảm thiết. Em tưởng chừng như chúng cũng hết sức đau khổ, chúng cũng đang tìm đứa con lạc lõng. Em cảm thấy em ác nghiệt quá, chỉ vì để giải trí mà nỡ giết hại một con chim yếu đuối. Em hối hận vô cùng. Em thả con chim khốn nạn vào bụi tre. Nó bay chập choạng trông rất đáng thương. Vận dụng hết tàn lực nó cố hết sức bay chuyền tìm mẹ nó, không biết nó có còn gặp được mẹ nó hay không? Một lát sau, con chim đã khuất vào bụi tre, em mới trở về nghĩ thương xót cho con chim khốn nạn đêm nay sẽ lạc mẹ, hay sẽ chết vì vết thương do chính em gây ra. Em cảm thấy hối hận và từ hôm đó không bắn chim nữa. NGUYỄN TẤT LÂM Bài tham khảo 3: Trưa hôm qua, tôi đang ngồi học bài bỗng nghe tiếng của ai giọng khàn khàn ờ ngoài cửa ngõ: "Cô bác ơi! Làm ơn bố thí cho tôi chén gạo, bát cơm”. Tôi nhìn ra thì đó là một ông lão độ sáu mươi tuổi, mình mặc bộ đồ bà ba đen đã rách nát, đầu đội nón lá cũ, vai mang bị, tay chống gậy lần bước từ nhà này lê sang nhà khác để xin tiền. Tôi ngồi trong nhà nhìn ra, giọng lạnh lùng: - Nhà tôi hết gạo rồi ông ơi, ông đi chỗ khác đi. Ông lão vẫn đứng im miệng lẩm bẩm: - Cô làm ơn cho tôi chén gạo thôi cô à. Tôi hết sức bực mình và liền dùng những lời nặng nề đuổi ông lão ấy đi: - Cái ông này kì quá, ông có đi nơi khác cho tôi học bài không; ai biểu đi xin chi cho khổ thân vậy, tối ngày cứ gặp ăn xin mãi. Tội nghiệp cho ông cụ, tay run run chống gậy bước sang nhà khác, bước đi có vẻ nặng nhọc lắm. Ông đi rồi tôi còn cười lên như chế giễu ông. Tôi lại bàn lấy quyển sách Giáo dục công dân ra đọc. Tôi đọc được một đoạn rồi lật qua trang khác, nơi trang này tác giả có in hình một đứa bé đang bưng gạo ra cho một ông lão ăn mày. Tôi sực nhớ đến lúc nãy, tôi đã tỏ ra khinh bỉ ông cụ, không cho lấy một chén gạo mà còn nặng lời xua đuổi ông rất thậm tệ. Nghĩ lại tôi rất hối hận. Tôi không xứng đáng là một người có học chút nào cả. Hằng ngày tôi vẫn nghe thầy tôi thường khuyên chúng tôi không nên hắt hủi những người nghèo khổ mà giờ này tôi làm một việc trái với lời thầy tôi thường dặn. Tôi không can đảm đọc hết trang ấy vội vàng đem quyển sách cất đi vì tôi càng đọc, lương tâm tôi càng đay nghiến. Rồi ông cụ khi nãy sẽ ra sao? Nếu chẳng may ông gặp người nào cũng như tôi thì tội nghiệp cho ông biết chừng nào! Đời sống của ông chỉ nhờ vào lòng từ thiện cho người đời. Thế mà tôi lại bạc đãi ông thì làm sao ông sống cho qua ngày tháng được? Rồi lấy cơm đâu ông ăn? Chỗ đâu ông ngủ? Quần áo đâu ông mặc? Bao nhiêu câu hỏi cứ ám ảnh tôi mãi, không lúc nào để cho tôi yên. Càng suy nghĩ tôi càng thương hại ông lão ấy quá. Tôi vội vàng chạy ra cửa hi vọng ông còn lảng vảng đâu đây để tôi đem tiền giúp ông chút nào đỡ chút ấy. Nhưng ra ngoài cửa thì ông lão đã đi mất. Sự hối hận của tôi đã muộn lắm rồi. Tôi thất thểu vào nhà với gương mặt buồn bã và tôi tự cho tôi là một người xấu xa nhất đời, tôi không xứng đáng sống chung với mọi người chút nào. Để chuộc lại những sự lỗi lầm của tôi, từ nay về sau tôi quyết bỏ hẳn cái tính kiêu căng khinh người của tôi và gặp bất cứ những người nghèo khổ nào tôi cũng hết lòng giúp đỡ, mặc dầu sự giúp đỡ của tôi không đem cho họ ra khỏi được cảnh nghèo túng, nhưng cả một tấm lòng thành thật của tôi cũng an ủi họ được bớt đau khổ một phần nào vậy. MINH VĂN - XUÂN TƯỚC
|