Đề thi học kì 1 Văn 10 Chân trời sáng tạo - Đề số 18

Đề thi học kì 1 Văn 10 chân trời sáng tạo đề số 18 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 10 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa...

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

HS đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ,
Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu.
Con cò bay lả trong câu hát,
Giấc trẻ say dài nhịp võng ru.

Lá thấp cành cao gió đuổi nhau,
Góc vườn rụng vội chiếc mo cau.
Trái na mở mắt, nhìn ngơ ngác,
Đàn kiến trường chinh tự thuở nào.

Lúa trổ đòng tơ, ngậm cốm non,
Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con.
Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín,
Điểm nhạt da trời những chấm son.

(...)
Thong thả trăng non dựng cuối làng,
Giữa nhà cây lá bóng xiên ngang.
Chiều con, cặm cụi đôi ngày phép,
Ngồi bẻ đèn sao, phất giấy vàng.

                                                   (Chiều thu, Nguyễn Bính- thơ và đời, NXB Văn học 2003)

Chú thích:

Tác giả Nguyễn Bính (1918-1966) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nguyễn Bính mồ côi mẹ từ sớm, 10 tuổi đã phải theo anh lên Hà Nội để kiếm sống. Ông biết làm thơ từ năm 13 tuổi và năm 19 tuổi (1937) được nhận giải khuyến khích về thơ của Tự lực văn đoàn. Năm 1943, Nguyễn Bính vào Nam rồi ở lại tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tham gia công tác văn nghệ và báo chí ở Hà Nội, Nam Định.

Trong khi phần lớn các thi sĩ cùng thời chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây thì Nguyễn Bính lại tìm về với hồn thơ dân tộc và hấp dẫn người đọc bởi chính hồn thơ này. Bằng lối ví von mộc mạc mà duyên dáng mang phong vị dân gian, thơ Nguyễn Bính đã đem đến cho người đọc những hình ảnh thân thương của quê hương đất nước và tình người đằm thắm thiết tha. Vì thế, Nguyễn Bính được coi là “thi sĩ của đồng quê” và có nhiều tác phẩm được truyền tụng rộng khắp.

Tác phẩm chính: Tâm hồn tôi (1937), Lỡ bước sang ngang (1940), Đêm sao sáng (1962)…

                                                     (Theo SGK Ngữ Văn 11, tập 2, NXBGD 2007)

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ nào? (0,5 điểm)

Câu 2. Cảnh vật trong đoạn thơ đầu tiên được cảm nhận thông qua những giác quan nào? Chỉ ra những giác quan ấy (0,5 điểm)

Câu 3. Chỉ ra quy cách gieo vần và ngắt nhịp trong khổ thơ sau: (1,0 điểm)

Lúa trổ đòng tơ, ngậm cốm non,
Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con.
Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín,
Điểm nhạt da trời những chấm son.

Câu 4. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ nổi bật trong khổ thơ sau: (1,0 điểm)

 Lá thấp cành cao gió đuổi nhau,
                                      Góc vườn rụng vội chiếc mo cau.
                                      Trái na mở mắt, nhìn ngơ ngác,
                                      Đàn kiến trường chinh tự thuở nào.

Câu 5: Suy nghĩ của anh/ chị về hình ảnh của nhân vật trữ tình qua hai câu thơ: (1,0 điểm)

                                      Chiều con, cặm cụi đôi ngày phép,
                                      Ngồi bẻ đèn sao, phất giấy vàng. 

II. LÀM VĂN (6,0 ĐIỂM)

       Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của văn bản Chiều thu ở phần Đọc-hiểu.

Đáp án

Đáp án

 Phần I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ nào? (0,5 điểm)

 Phương pháp giải:

Chú ý số dòng trong bài, số từ trong câu

Lời giải chi tiết:

Văn bản trên được viết theo thể thơ: 7 tiếng (chữ)

Câu 2. Cảnh vật trong đoạn thơ đầu tiên được cảm nhận thông qua những giác quan nào? Chỉ ra những giác quan ấy (0,5 điểm)

 Phương pháp giải:

Chú ý các chi tiết miêu tả các hình ảnh, âm thanh,…

Lời giải chi tiết:

Cảnh vật trong đoạn thơ đầu tiên được cảm nhận thông qua những giác quan:

- Thị giác: trời xanh lộng đáy hồ, con cò bay lả

- Thính giác: câu hát, nhịp võng ru

- Khứu giác: mùi hoa thiên lí

Câu 3. Chỉ ra quy cách gieo vần và ngắt nhịp trong khổ thơ sau: (1,0 điểm)

Lúa trổ đòng tơ, ngậm cốm non,
Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con.
Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín,
Điểm nhạt da trời những chấm son.
                   

 Phương pháp giải:

Đọc lại kiến thức về vần và nhịp trong thơ

Lời giải chi tiết:

Chỉ ra quy cách gieo vần và ngắt nhịp trong đoạn thơ: (1,0 điểm)

- Quy cách gieo vần: gieo ở cuối dòng thơ (vần chân): non-con-son

- Ngắt nhịp: đoạn thơ ngắt nhịp 4/3

Câu 4. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ nổi bật trong khổ thơ sau: (1,0 điểm)

 Lá thấp cành cao gió đuổi nhau,
                                      Góc vườn rụng vội chiếc mo cau.
                                      Trái na mở mắt, nhìn ngơ ngác,
                                      Đàn kiến trường chinh tự thuở nào.

 Phương pháp giải:

Chú ý hình ảnh: gió đuổi nhau, na mở mắt, kiến trường chinh

Lời giải chi tiết:

Xác định và nêu biện pháp tu từ nổi bật trong khổ thơ :(1,0 điểm)

- Biện pháp tu từ: nhân hóa (gió đuổi nhau, trái na mở mắt nhìn ngơ ngác, đàn kiến trường chinh).

- Tác dụng:

+ Làm cho hình ảnh, sự vật được miêu tả trở nên sinh động và gợi cảm hơn.

+ Làm nổi bật vẻ đẹp phong phú của thiên nhiên trong buổi chiều thu.

Câu 5: Suy nghĩ của anh/ chị về hình ảnh của nhân vật trữ tình qua hai câu thơ: (1,0 điểm)

                                      Chiều con, cặm cụi đôi ngày phép,
                                      Ngồi bẻ đèn sao, phất giấy vàng. 

 Phương pháp giải:

Chú ý hành động của nhân vật trữ tình và nêu nhận xét của bản thân

 Lời giải chi tiết:

Suy nghĩ của anh/ chị về hình ảnh của nhân vật trữ tình qua hai câu thơ:

Lưu ý: học sinh có thể diễn đạt theo cách riêng miễn là hiểu được ý thơ và diễn đạt mạch lạc.

- Hai câu thơ diễn tả hình ảnh nhân vật trữ tình đã dành những ngày phép ít ỏi của mình để cặm cụi làm lồng đèn cho con chơi trung thu.

- Hai câu thơ thể hiện hình ảnh một người cha tận tụy, thương con hết mực; nâng niu để tuổi thơ của con được ấm áp trọn vẹn.

II. VIẾT (6.0 điểm)

       Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của văn bản Chiều thu ở phần Đọc-hiểu.

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức và kĩ năng viết bài văn

Lời giải chi tiết

Viết bài luận thuyết phục nhân vật Ôn Đình không nên ép người mẹ Đổng Mẫu làm điều trái với lòng mình

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,5

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận

Thân bài

2,5đ

- Phân tích  chủ đề: thiên nhiên và con người giao hòa trong bức tranh  làng quê ở một buổi  chiều thu (1,0 điểm)

- Một số nét đặc sắc về nghệ thuật: (2,5 điểm)

+ Quan sát tinh tế; miêu tả sinh động, giàu hình ảnh; lối ví von, nhân hóa tài tình: phong cảnh thiên nhiên trong bài thơ hiện lên đặc sắc, đậm chất thu (Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ, Điểm nhạt da trời những chấm son, Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu, Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín, Trái na mở mắt nhìn ngơ ngác, Thong thả trăng non dựng cuối làng, ...) (1,25 điểm)

+ Bức tranh thu trở nên hài hòa, có hồn hơn khi có hình bóng con người gợi không gian sinh hoạt êm đềm: trẻ em say sưa ngủ trong lời ru của bà, của mẹ, của chị: “Con cò bay lả trong câu hát/ Giấc trẻ say dài nhịp võng ru”; hình ảnh người cha cặm cụi làm lồng đèn cho con chơi trung thu: Chiều con, cặm cụi đôi ngày phép/ Ngồi bẻ đèn sao, phất giấy vàng...(1,25 điểm)

Kết bài

0,5

- Nhấn mạnh lại về nội dung và nghệ thuật văn bản

Yêu cầu khác

0,5

- Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại (nghị luận)

- Diễn đạt rõ ý; lập luận logic; suy luận, bình luận phù hợp với văn hóa dân tộc,…

 HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close