Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo - Đề số 1

Suất cơm phần bà Một tối cuối năm, trời rất rét, đi họp về qua phố Hàng Giấy, thấy một bà cụ đang ngồi quạt ngô nướng trên cái chậu than nhỏ, thơm quá, ấm quá, tôi liền dựng xe ngồi thụp xuống mua một bắp. Bắp ngô non, nướng vừa than, vỏ bọc ngoài thì giòn, ruột trong mềm như xôi nếp, nóng muốn rụng hai hàm răng, ăn thế mới ngon, lại phải ăn vào trời rét, ăn lúc khuya khi bụng đã hơi đói.

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 4 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo

Toán - Tiếng Việt - Tiếng Anh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm văn bản sau:

Suất cơm phần bà

            Một tối cuối năm, trời rất rét, đi họp về qua phố Hàng Giấy, thấy một bà cụ đang ngồi quạt ngô nướng trên cái chậu than nhỏ, thơm quá, ấm quá, tôi liền dựng xe ngồi thụp xuống mua một bắp. Bắp ngô non, nướng vừa than, vỏ bọc ngoài thì giòn, ruột trong mềm như xôi nếp, nóng muốn rụng hai hàm răng, ăn thế mới ngon, lại phải ăn vào trời rét, ăn lúc khuya khi bụng đã hơi đói.

            Tôi đã ăn gần hết một bắp dài, chợt thấy hai cậu bé lên tám với lên mười. Cậu lớn xách liễn cơm lồng trong cái quang nhỏ, một tay cầm cái bát với đôi đũa, chạy ào tới, hỏi:

            – Bà ơi, bà đói lắm phải không?

            Bà cụ cười:

            – Bà quạt ngô thì đói làm sao được! Hai đứa ăn cả chưa?

            Đứa nhỏ đáp:

            – Chúng cháu ăn rồi.

            Bà cụ nhòm vào liễn cơm, hỏi:

            – Các cháu có được ăn thịt không?

            Đứa nhỏ nói:

            – Ăn nhiều lắm. Mẹ cho chúng cháu ăn chán thì thôi.

            Bà cụ quát yêu:

            – Giấu đầu hở đuôi. Mấy mẹ con ăn rau để bà ăn thịt. Bà làm sao mà nuốt nổi.

            Đứa nhỏ nói:

            – Mẹ cháu bảo bà không ăn thịt thì sẽ bị ốm.

            Bà cụ xới cơm ra bát, nhai nuốt nhệu nhạo với mấy cọng rau muống xào, ăn một lưng bát, ăn thêm một lưng nữa thì thôi. Tôi đã ăn cái bắp thứ hai, không phải vì muốn ăn mà muốn ngồi nghe thêm mấy bà cháu trò chuyện với nhau. Bà cụ xới một bát cơm đầy, đặt lên một miếng thịt nạc to, cầm đôi đũa đưa cho đứa nhỏ:

            – Bà ăn ngô no rồi, con ăn với bà một bát cho bà vui.

            Đứa em lấm lét nhìn anh rồi lại nhìn bát cơm đã đưa lên tận tay. Đứa anh lườm em nhưng vẫn nói:

            – Xin bà đi. Lần sau thì ở nhà nhé!

            Bà cụ đưa cái liễn vẫn còn ít cơm cho đứa anh, bảo:

            – Con lấy thìa vét nốt mà ăn, đừng bỏ phí.

            Đứa lớn hai tay bưng lấy cái liễn, nhìn bà rồi khóc.

            Bà cụ nói:

            – Khóc cái gì, bà đã chết đâu mà khóc!

            Đứa lớn vừa khóc vừa nói mếu máo:

            – Sao bà ăn ít thế? Bà ốm hả bà?

            Bà cụ vẫn cười, cười như khóc:

            – Bà bán hàng quà thì bà lại đi ăn quà chứ bà chịu đói à?

            Tôi lấy thêm hai cái bắp đã nướng sẵn, trả tiền rồi đứng vụt lên. Lúc đạp xe thấy mặt buốt lạnh mới hay là mình cũng đã khóc, nước mắt ướt nhoè hai gò má.

 (Theo Nguyễn Khải)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1. Những câu nói nào trong bài thể hiện sự quan tâm của cháu đối với bà?

□ Bà ơi, cháu thương bà lắm.            

□ Ăn nhiều lắm. Mẹ cho chúng cháu ăn chán thì thôi.

□ Bà ơi, bà đói lắm phải không?       

□ Sao bà ăn ít thế? Bà ốm hả bà?

□ Chúng cháu ăn rồi.

Câu 2. Bà cụ chọn ăn những gì trong suất cơm của mình?

A. Lưng bát cơm với mấy cọng rau.                         

B. Một bát cơm đầy với một miếng thịt nạc to.

C. Phần cơm còn lại trong liễn sau khi hai đứa cháu đã ăn xong.

D. Lưng bát cơm với miếng thịt nạc và vài cọng rau.

Câu 3. Vì sao bà cụ không ăn hết suất cơm hai đứa cháu mang đến?

A. Vì bà đã ăn quà rồi.

B. Vì bà bị ốm.

C. Vì bà muốn nhường cho hai cháu.

D. Vì bà không muốn ăn nữa.

Câu 4. Vì sao tác giả trong câu chuyện lại khóc?

A. Vì trời lạnh giá.

B. Vì cảm động tình cảm bà cháu dành cho nhau.

C. Vì thương bà cụ vất vả.

D. Vì trông bà cụ tội nghiệp.

Câu 5. Chi tiết nào khiến em thấy cảm động nhất? Vì sao?

Câu 6. Từ câu chuyện này, em có suy nghĩ gì về tình cảm của mình với ông bà ở nhà?

Câu 7. Em hãy gạch chân dưới các động từ trong câu sau:

           Bà cụ xới cơm ra bát, nhai nuốt nhệu nhạo với mấy cọng rau muống xào, ăn một lưng bát, ăn thêm một lưng nữa thì thôi. Tôi đã ăn cái bắp thứ hai, không phải vì muốn ăn mà muốn ngồi nghe thêm mấy bà cháu trò chuyện với nhau.

Câu 8. Đặt câu theo yêu cầu sau:

a. Tìm 2 – 3 từ thể hiện tình cảm với người thân trong gia đình.

b. Đặt 1 câu chứa từ vừa tìm được ở ý a.

B. Kiểm tra viết

Đề bài: Em hãy viết bài văn thuật lại một việc tốt mà em hoặc bạn bè, người thân đã làm.

Lời giải

  HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM

2. A

3. C

4. B

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

II. Đọc thầm văn bản sau:

Câu 1. Những câu nói nào trong bài thể hiện sự quan tâm của cháu đối với bà?

□ Bà ơi, cháu thương bà lắm.            

□ Ăn nhiều lắm. Mẹ cho chúng cháu ăn chán thì thôi.

□ Bà ơi, bà đói lắm phải không?       

□ Sao bà ăn ít thế? Bà ốm hả bà?

□ Chúng cháu ăn rồi.

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Những câu nói nào trong bài thể hiện sự quan tâm của cháu đối với bà:

- Bà ơi, cháu thương bà lắm.

- Bà ơi, bà đói lắm phải không?

- Sao bà ăn ít thế? Bà ốm hả bà?

Câu 2. Bà cụ chọn ăn những gì trong suất cơm của mình?

A. Lưng bát cơm với mấy cọng rau.                         

B. Một bát cơm đầy với một miếng thịt nạc to.

C. Phần cơm còn lại trong liễn sau khi hai đứa cháu đã ăn xong.

D. Lưng bát cơm với miếng thịt nạc và vài cọng rau.

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Bà cụ ăn lưng bát cơm với mấy cọng rau muống.

Đáp án A.

Câu 3. Vì sao bà cụ không ăn hết suất cơm hai đứa cháu mang đến?

A. Vì bà đã ăn quà rồi.

B. Vì bà bị ốm.

C. Vì bà muốn nhường cho hai cháu.

D. Vì bà không muốn ăn nữa.

Phương pháp giải:

Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Bà cụ không ăn hết suất cơm hai đứa cháu mang đến vì bà muốn nhường thịt cho hai cháu.

Đáp án C.

Câu 4. Vì sao tác giả trong câu chuyện lại khóc?

A. Vì trời lạnh giá.

B. Vì cảm động tình cảm bà cháu dành cho nhau.

C. Vì thương bà cụ vất vả.

D. Vì trông bà cụ tội nghiệp.

Phương pháp giải:

Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Tác giả trong câu chuyện khóc vì cảm động tình cảm bà cháu dành cho nhau.

Đáp án B.

Câu 5. Chi tiết nào khiến em thấy cảm động nhất? Vì sao?

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc, suy nghĩ và trả lời.

Lời giải chi tiết:

Chi tiết khiến em cảm động nhất là khoảnh khắc bà cụ cười và cố gắng giấu đi nỗi khổ của mình khi cho các cháu ăn phần thịt nạc to nhất. Câu nói của bà: "Bà ăn ngô no rồi, con ăn với bà một bát cho bà vui" thể hiện tấm lòng vị tha và sự yêu thương vô bờ bến của bà đối với các cháu. Dù bản thân đang thiếu thốn, bà vẫn muốn cho các cháu có bữa ăn đầy đủ hơn.

Câu 6. Từ câu chuyện này, em có suy nghĩ gì về tình cảm của mình với ông bà ở nhà?

Phương pháp giải:

Căn cứ kiến thức của bản thân, suy nghĩ và trả lời.

Lời giải chi tiết:

Từ câu chuyện này, em nhận ra tình cảm với ông bà ở nhà là rất quý giá và cần được trân trọng. Em cảm thấy cần phải thể hiện lòng biết ơn và yêu thương đối với ông bà nhiều hơn. Những điều nhỏ nhặt như hỏi thăm sức khỏe, dành thời gian trò chuyện hay giúp đỡ ông bà trong những công việc hàng ngày đều rất ý nghĩa. Khi còn có ông bà bên cạnh, mình cần tận dụng thời gian quý báu đó để tạo ra những kỷ niệm đẹp, bởi vì tình cảm gia đình là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống.

Câu 7. Em hãy gạch chân dưới các động từ trong câu sau:

            Bà cụ xới cơm ra bát, nhai nuốt nhệu nhạo với mấy cọng rau muống xào, ăn một lưng bát, ăn thêm một lưng nữa thì thôi. Tôi đã ăn cái bắp thứ hai, không phải vì muốn ăn mà muốn ngồi nghe thêm mấy bà cháu trò chuyện với nhau.

Phương pháp giải:

Căn cứ vào nội dung bài Động từ.

Lời giải chi tiết:

           Bà cụ xới cơm ra bát, nhai nuốt nhệu nhạo với mấy cọng rau muống xào, ăn một lưng bát, ăn thêm một lưng nữa thì thôi. Tôi đã ăn cái bắp thứ hai, không phải vì muốn ăn mà muốn ngồi nghe thêm mấy bà cháu trò chuyện với nhau.

Câu 8. Đặt câu theo yêu cầu sau:

a. Tìm 2 – 3 từ thể hiện tình cảm với người thân trong gia đình.

b. Đặt 1 câu chứa từ vừa tìm được ở ý a.

Phương pháp giải:

Căn cứ vào kiến thức bản thân, suy nghĩ và trả lời.

Lời giải chi tiết:

a. yêu thương, chia sẻ, quan tâm, chăm sóc, thấu hiểu, trân trọng,...

b. Mẹ luôn yêu thương em, mỗi buổi tối mẹ đều ôm em vào lòng và kể cho em nghe những câu chuyện cổ tích thật thú vị.

B. Kiểm tra viết

Phương pháp giải:

Phân tích, tổng hợp.

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo 1:

            Chẳng bao giờ em làm được một việc tốt đáng kể hay chỉ ít là làm người khác thấy vui, chỉ trừ có một lần khi em còn học lớp 2. Lần đó em đã nhặt được của rơi và trả lại cho người mất.

            Chiều hôm ấy, em trực nhật nên phải ở lại lớp một lúc để đổ rác. Lúc em đang đi trên sân trường thì bỗng em giẫm phải một vật gì cưng cứng. Em cúi xuống nhặt lên thì thấy: Ồ! Hoá ra là một cuốn tiểu thuyết khổ 18x7cm của nhà sách Trí Tuệ cuốn đầu giáo sư Powel của tác giả A.R Belger. Cuốn sách này được bọc ngoài bằng nilon trong nên có lẽ người mất mới mua về chưa đọc. Em cũng chưa đọc nó nhưng đã biết ít nhiều về nó qua lời nói của bố mẹ. Hình như nó là một cuốn tiểu thuyết rất hay. Em lật xem bìa sau của cuốn sách thì thấy một đoạn văn ngắn kể lại tóm tắt nội dung cuốn sách. Nó càng làm em chắc chắn về suy nghĩ của mình. Trong đầu em hiện lên ý nghĩ lấy luôn cuốn sách này. Thế là, em ngó xung quanh xem có ai không. Thôi chết! Còn bác bảo vệ. Em chờ bác bảo vệ để ý đi chỗ khác rồi nhanh tay đút luôn cuốn sách vào cặp tung tăng chạy ra khỏi cổng trường. Trên đường, em không thôi nghĩ về những tình tiết hấp dẫn, li kì của cuốn sách. Ôi! Thú vị biết bao! Nhưng cái đầu em không chỉ nghĩ đến một chuyện nó lái sang một chuyện khác. Chuyện về người bị mất. Vì có cái đầu ham nghĩ nên em không biết phải phân xử ra sao, mang về đọc và giữ của riêng hay trả lại cho người bị mất đây! Hai phương án cứ đánh nhau, xáo trộn trong đầu em. Vừa lúc đó, em về đến nhà. Em chào bố mẹ rồi đặt mình lên chiếc giường ở phòng riêng. Em lại tiếp tục suy nghĩ. Mà phải rồi! Mẹ là người có kinh nghiệm trong cuộc sống, mình nên hỏi mẹ xem sao! Em nghĩ, thế là em chạy xuống tầng một, đưa cuốn sách cho mẹ và kể đầu đuôi câu chuyện cho mẹ nghe. Nghe xong, mẹ cười và bảo:

            - Bây giờ, con hãy đặt mình vào tình huống như người mất mà xem. Chắc chắn con sẽ rất buồn và lo lắng vì bố mẹ sẽ mắng khi làm mất cuốn sách khá đắt: hai mươi lăm nghìn đồng cơ mà! Đấy, con hãy tự nghĩ và quyết định đi.

            Quả thật nếu em là người mất thì cũng sẽ có những cảm giác như mẹ nói. Mà nếu các bạn biết thì lòng tin của các bạn đối với em sẽ chẳng ra gì nữa! Em quyết định sẽ trả lại. Sáng hôm sau, em mang cuốn sách đưa cho cô Tổng phụ trách. Vừa lúc đó, có một chị lớp Năm hớt hơ hớt hải chạy đến. Khi cô Tổng phụ trách đưa chị cuốn sách và giới thiệu em với chị thì chị ấy cảm ơn em rối rít.

            Lúc em về lớp, các bạn xô đến quanh em và khen em. Khi đó em thực sự là rất vui. Bây giờ em mới biết giá trị của những việc làm tốt. Nó vô hình nhưng nó lại có thể mang niềm vui cho tất cả mọi người.

Bài tham khảo 2:

            Hôm đó, cô trả vở Toán cho cả lớp. Đó là môn yêu thích nhất của Linh. Nhưng không hiểu sao nhìn vẻ mặt của Linh rất lo lắng, và tôi còn thấy Linh cứ quay bên này, quay bên kia mãi.

            Cô vừa trả vở xong cho các bạn thì đến giờ ra chơi. Tôi liền đến bên Linh. Linh nó:

- Hôm nay, bố mẹ tớ đi làm sớm, tớ không kịp xin mẹ tiền để mua bút nét hoa viết vào vở Toán.

Nói rồi, Linh sực nhớ ra và reo lên:

- A! Đúng rồi! Cậu có hai cái bút Nét Hoa, cậu có thể cho tớ mượn một chiếc được không?

Tôi đứng ngẫm nghĩ một lúc rồi tự đặt câu hỏi cho chính mình: Có nên cho Linh mượn bút không nhỉ? Tôi hơi băn khoăn. Tiếng trống đã vang lên. Tôi liền về chỗ của mình. Cuối cùng, tôi cũng quyết định được và gọi nhỏ:

- Linh ơi! Tớ cho cậu mượn bút này.

Chiếc bút đó do mẹ tặng tôi nhân ngày sinh nhật. Màu mực của chiếc bút rất đẹp. Linh nhận được, vẻ mặt phấn khởi lắm. Mỗi khi viết xong mấy chữ, tôi lại ngẩng lên và cảm thấy mực cứ vơi dần đi theo dòng chữ, con số ngay ngắn, thẳng hàng nằm trên trang giấy của bạn. Hết giờ Toán, Linh trả cho tôi chiếc bút và nói:

- Cảm ơn cậu vì đã cho tớ mượn chiếc bút nhé!

Hôm sau, cô trả vở Toán, cả tôi và Linh đều được điểm 10. Tôi mừng lắm vì đã làm được một việc giúp bạn.

            Khi về đến nhà tôi kể lại cho mẹ nghe. Mẹ nói: Con hãy cố gắng giúp bạn nhiều hơn khi gặp khó khăn nhé! Tôi như thấm thía câu nói đấy của mẹ và tôi không bao giờ quên được câu chuyện xảy ra ngày hôm đó.

  • Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo - Đề số 2

    Hãy để tiền vào chỗ cũ Pu-ghi có một người láng giềng rất hay sang nhà vay tiền. – Pu-ghi, anh có thể cho tôi mượn tạm năm đồng được không ? – Sao lại không được ? – Pu-ghi đáp – Tiền để ở dưới gối ấy, anh cứ việc lấy.

  • Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo - Đề số 3

    Không có gì có thể ngăn bước anh ấy Sau một trận bỏng nặng ở cả hai chân khi mới lên năm, Glenn Cunningham được các bác sĩ chuẩn đoán rằng trường hợp của cậu là vô phương cứu chữa. Họ cho rằng cậu bé sẽ bị tàn tật và suốt đời phải ngồi xe lăn. “Cậu bé sẽ không bao giờ có thể đi lại được nữa”, họ khẳng định: “Không còn cơ hội nào nữa”.

Tham Gia Group Dành Cho 2K15 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close