Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 2 Chân trời sáng tạo - Đề số 3Người lính cứu hỏa Ngọn lửa bao trùm tòa nhà, tiếng cháy bên trong lộp độp, hòa lẫn tiếng kêu cứu thất thanh của người dân đang mắc kẹt bên trong. Mẹ và tôi cùng các cô, chú hàng xóm đều lo và sợ hãi, chỉ mong không có thiệt hại về người. Rất nhanh, xe cứu hoa đã xuất hiện.
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Đề bài A. Kiểm tra đọc I. Đọc thành tiếng GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định. II. Đọc thầm văn bản sau: Người lính cứu hỏa Ngọn lửa bao trùm tòa nhà, tiếng cháy bên trong lộp độp, hòa lẫn tiếng kêu cứu thất thanh của người dân đang mắc kẹt bên trong. Mẹ và tôi cùng các cô, chú hàng xóm đều lo và sợ hãi, chỉ mong không có thiệt hại về người. Rất nhanh, xe cứu hoa đã xuất hiện. Các anh lính nhanh chóng chuẩn bị đồ, gấp gáp vào dập lửa. Tác phong các anh nhanh nhẹn, ai nấy đều sẵn sàng lao vào ngọn lửa lớn cứu người, chẳng màng đến cả tính mạng của bản thân. Trong lúc đang đứng đó, tôi thấy một anh lính cứu hỏa người ướt đẫm, thở gấp, chân đi khập khiễng, khuôn mặt anh ám màu đen của khói lửa, tay bế một cô gái. Có lẽ anh bị thương khi đang làm nhiệm vụ nhưng vẫn ưu tiên việc giải cứu người dân, không hề tỏ ra mệt mới hay kêu than gì. Theo Uyển Ly Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu: Câu 1. Bài đọc trên miêu tả khung cảnh gì? A. Bão ập đến, mọi người đang sơ tán để tránh bão. B. Tòa nhà bị cháy, người dân mắc kẹt bên trong. C. Động đất khiến nhiều tòa nhà bị đổ. D. Lũ lụt khiến nhà cửa bị ngập lụt. Câu 2. Tác phong của những người lính cứu hỏa như thế nào? A. Nhanh nhẹn, gấp gáp chuẩn bị đồ, sẵn sàng lao vào ngọn lửa cứu người. B. Cẩn thận, chu đáo, quan tâm mọi người. C. Tích cục, nhiệt huyết, tỉ mỉ. D. Chậm chạp, lề mề. Câu 3. Anh lính cứu hỏa được miêu tả như thế nào? A. Nhút nhát, lười biếng. B. Đẹp trai, cao ráo, sáng sủa. C. Dũng cảm, không sợ bắt cứ thứ gì. D. Người ướt đẫm, thở gấp, chân đi khập khiễng, mặt ám màu đen của khói lửa. Câu 4. Tình cảm của nhân vật tôi đối với những người lính cứu hỏa là gì? A. Sợ hãi B. Quý mến C. Ngưỡng mộ D. Thấu hiểu Câu 5. Qua bài đọc, em có cảm nhận gì về những người lính cứu hỏa? Câu 6. Em hãy đặt dấu phẩy vào vị trí thích hợp trong các câu sau: a) Ong bướm sơn ca chuồn chuồn đang tập hát để chuẩn bị cho “Lễ hội rừng xanh”. b) Ánh trăng soi rọi xuống vườn cây xuống vạt cỏ non xanh và xuống cả dòng sông đang lững lờ trôi. Câu 7. Gạch chân dưới từ chỉ đặc điểm có trong câu sau: Mỗi chiếc chong chóng có một cái cán nhỏ và dài, một đầu gắn bốn cánh giấy mỏng, xinh như một bông hoa. Câu 8: Hãy đặt một câu nêu hoạt động em giúp đỡ người khác. B. Kiểm tra viết 1. Nghe viết Bác Lâm làng tôi Dưới gốc si cạnh cổng làng, một người đàn ông ngồi ở quán nước, vừa ngắm cảnh đàn vịt đùa nghịch dưới ao, vừa nhâm nhi cốc chè xanh. Đi từ xa, tôi đã nhận ra ngay bác Lâm. Ở làng tôi, không ai là không biết bác. Theo Thư Linh 2. Viết đoạn văn từ 4-5 câu về một bạn ở trường em. -------- Hết -------- Lời giải HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM
A. Kiểm tra đọc I. Đọc thành tiếng II. Đọc thầm văn bản sau: Câu 1. Bài đọc trên miêu tả khung cảnh gì? A. Bão ập đến, mọi người đang sơ tán để tránh bão. B. Tòa nhà bị cháy, người dân mắc kẹt bên trong. C. Động đất khiến nhiều tòa nhà bị đổ. D. Lũ lụt khiến nhà cửa bị ngập lụt. Phương pháp giải: Em đọc câu văn đầu tiên của bài đọc. Lời giải chi tiết: Bài đọc trên miêu tả khung cảnh tòa nhà bị cháy, người dân mắc kẹt bên trong. Đáp án B. Câu 2. Tác phong của những người lính cứu hỏa như thế nào? A. Nhanh nhẹn, gấp gáp chuẩn bị đồ, sẵn sàng lao vào ngọn lửa cứu người. B. Cẩn thận, chu đáo, quan tâm mọi người. C. Tích cục, nhiệt huyết, tỉ mỉ. D. Chậm chạp, lề mề. Phương pháp giải: Em đọc từ “Các anh lính nhanh chóng…” đến “…tính mạng của bản thân.”. Lời giải chi tiết: Tác phong của những người lính cứu hỏa nhanh nhẹn, gấp gáp chuẩn bị đồ, sẵn sàng lao vào ngọn lửa cứu người. Đáp án A. Câu 3. Anh lính cứu hỏa được miêu tả như thế nào? A. Nhút nhát, lười biếng. B. Đẹp trai, cao ráo, sáng sủa. C. Dũng cảm, không sợ bắt cứ thứ gì. D. Người ướt đẫm, thở gấp, chân đi khập khiễng, mặt ám màu đen của khói lửa. Phương pháp giải: Em đọc từ “Trong lúc đang đứng đó…” đến hết bài. Lời giải chi tiết: Anh lính cứu hỏa được miêu tả người ướt đẫm, thở gấp, chân đi khập khiễng, mặt ám màu đen của khói lửa. Đáp án D. Câu 4. Tình cảm của nhân vật tôi đối với những người lính cứu hỏa là gì? A. Sợ hãi B. Quý mến C. Ngưỡng mộ D. Thấu hiểu Phương pháp giải: Em đọc từ “Các anh lính nhanh chóng…” đến hết bài. Lời giải chi tiết: Nhân vật tôi ngưỡng mộ những người lính cứu hỏa. Đáp án C. Câu 5. Qua bài đọc, em có cảm nhận gì về những người lính cứu hỏa? Phương pháp giải: Em đọc lại bài đọc và nêu ra tình cảm, suy nghĩ của em về những người lính cứu hỏa. Lời giải chi tiết: Qua bài đọc, em cảm nhận những người lính cứu hỏa rất dũng cảm và tận tụy. Họ không ngại hiểm nguy, sẵn sàng lao vào cứu người, dù có phải hy sinh tính mạng. Em rất kính trọng và biết ơn họ vì những việc làm cao cả và sự hy sinh thầm lặng của họ để bảo vệ mọi người. Câu 6. Em hãy đặt dấu phẩy vào vị trí thích hợp trong các câu sau: a) Ong bướm sơn ca chuồn chuồn đang tập hát để chuẩn bị cho “Lễ hội rừng xanh”. b) Ánh trăng soi rọi xuống vườn cây xuống vạt cỏ non xanh và xuống cả dòng sông đang lững lờ trôi. Phương pháp giải: Em nhớ lại tác dụng của dấu phẩy. Lời giải chi tiết: a) Ong bướm, sơn ca, chuồn chuồn đang tập hát để chuẩn bị cho “Lễ hội rừng xanh”. b) Ánh trăng soi rọi xuống vườn cây xuống vạt cỏ non xanh và xuống cả dòng sông đang lững lờ trôi. Câu 7. Gạch chân dưới từ chỉ đặc điểm có trong câu sau: Mỗi chiếc chong chóng có một cái cán nhỏ và dài, một đầu gắn bốn cánh giấy mỏng, xinh như một bông hoa. Phương pháp giải: Em đọc kĩ câu văn, tìm các từ chỉ đặc điểm của chiếc chong chóng. Lời giải chi tiết: Mỗi chiếc chong chóng có một cái cán nhỏ và dài, một đầu gắn bốn cánh giấy mỏng, xinh như một bông hoa. Câu 8: Hãy đặt một câu nêu hoạt động em giúp đỡ người khác. Phương pháp giải: Em nhớ lại kiểu câu nêu hoạt động và đặt câu về hành động em giúp đỡ người khác. Lời giải chi tiết: Em giúp mẹ rửa bát sau bữa cơm để mẹ đỡ vất vả. B. Kiểm tra viết 1. Nghe viết HS viết khoảng 60 chữ - Đúng kiểu chữ, cỡ chữ - Đúng tốc độ, đúng chính tả - Trình bày sạch đẹp 2. Viết đoạn văn từ 4-5 câu về một bạn ở trường em. Phương pháp giải: Em hãy trả lời các câu hỏi sau để tìm ý viết đoạn văn: - Ở trường, em chơi thân với bạn nào? - Hình dáng, tính nết bạn đó thế nào? - Em thích điều gì ở bạn? - Tình cảm giữa bạn ấy với em như thế nào? Lời giải chi tiết: Bài tham khảo 1: Ở lớp, người bạn thân nhất của em là Thắng. Thắng là một học sinh giỏi toàn diện được thầy cô yêu quý, bạn bè ngưỡng mộ. Nhưng không vì thế mà cậu ấy kênh kiệu hay xa cách với mọi người. Lúc nào Thắng cũng hòa đồng và sẵn sàng giúp đỡ bạn bè. Chính vì thế, em rất yêu quý Thắng, và luôn cảm thấy hãnh diện khi được là bạn thân của cậu ấy. Bài tham khảo 2: Hà Anh là người bạn thân nhất của em. Cậu ấy có vẻ ngoài rất đáng yêu, như là búp bê vậy. Tuy không học giỏi xuất sắc, nhưng Hà Anh vẫn được mọi người quý mến vì đức tính chăm chỉ, hòa đồng. Em và cậu ấy cùng có chung sở thích là đọc truyện tranh, nên thường ngồi trò chuyện cùng nhau vào giờ ra chơi. Mỗi ngày đến trường, em luôn cảm thấy thật tuyệt vời khi được trở thành bạn thân của Hà Anh. Bài tham khảo 3: Hùng là lớp trưởng của lớp 2G - lớp bên cạnh lớp em. Chỉ mới gặp vài lần nhưng em đã rất ấn tượng về vẻ ngoài mũm mĩm, trắng trẻo rất đáng yêu của cậu ấy. Hùng có khuôn mặt rất phúc hậu, lúc nào cũng tươi cười nên rất được bạn bè yêu mến. Không chỉ vậy, cậu ấy còn là học sinh chăm ngoan, học giỏi, lúc nào cũng nằm trong top đầu thành tích của cả khối. Em rất ngưỡng mộ Hùng và luôn lấy cậu ấy làm tấm gương để học hỏi.
|