Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 5

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 5

Đề bài

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Một vụ đắm tàu (Trang 179 - TV5/ Tập 2)

2. Con gái (Trang 189 - TV5/Tập 2)

3. Thuần phục sư tử (Trang 198 - TV5/Tập 2)

4. Tà áo dài Việt Nam (Trang 207 - TV5/Tập 2)

5. Công việc đầu tiên (Trang 215 - TV5/Tập 2)

6. Út Vịnh (Trang 232 - TV5/Tập 2)

7. Những cánh buồm (Trang 241 - TV5/Tập 2)

8. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Trang 249 -TV5/Tập 2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Chim họa mi hót

       Chiều nào cũng vậy, con chim họa mi ấy không biết từ phương nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ở vườn nhà tôi mà hót.

      Hình như nó vui mừng vì suốt ngày đã được tha hồ rong ruổi bay chơi trong khắp trời mây gió, uống bao nhiêu nước suối mát lành trong khe núi. Cho nên những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tưởng như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây.

       Hót một lúc lâu, nhạc sĩ giang hồ không tên không tuổi ấy từ từ nhắm hai mắt lại, thu đầu vào lông cổ, im lặng ngủ, ngủ say sưa sau một cuộc viễn du trong bóng đêm dày.

       Rồi hôm sau, khi phương đông vừa vẫn bụi hồng, con họa mi ấy lại hót vang lừng chào nắng sớm. Nó kéo dài cổ ra mà hót, tựa hồ nó muốn các bạn xa gần đâu đó lắng nghe. Hót xong, nó xù lông rũ hết những giọt sương rồi nhanh nhẹn chuyền từ bụi nọ sang bụi kia, tìm vài con sâu ăn lót dạ, đoạn vỗ cánh bay vút đi.

 Theo NGỌC GIAO

1. Vào mỗi buổi chiều, chim họa mi thường bay đến đâu để hót? (0.5 điểm)

A. Bờ sông nơi có những bụi tầm xuân

B. Bụi tầm xuân trong vườn

C. Cành cây xanh lá

D. Khu rừng lá vàng

 

2. Theo tác giả, vì sao chim họa mi vui mừng? (0.5 điểm)

A. Vì nó vừa được hót bên bụi tầm xuân vừa nhặt nhạnh được rất nhiều đồ ăn

B. Vì nó được cất tiếng hót đem lại niềm vui cho cuộc đời

C. Vì được tự do bay lượn, uống nước mát lành trong khe suối.

D. Vì tìm thấy được khe suối đầy nước mát lành.

 

3. Trong câu sau, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì để miêu tả tiếng hót của chim họa mi? (0.5 điểm)

Cho nên những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tưởng như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây.

A. So sánh

B. Nhân hóa

C. Điệp từ

D. So sánh và điệp từ

 

4. Tìm trong bài những từ ngữ được sử dụng để thay thế khi gọi “chim họa mi”? (0.5 điểm)

A.

B. Nó, nhạc sĩ giang hồ không tên không tuổi

C. Nó, ca sĩ với giọng hát thánh thót

D. Chú chim non, chú chim yêu đời

 

5. Chim họa mi đã làm gì khi phương đông vẩn bụi hồng? (0.5 điểm)

A. Say ngủ trong một bụi tầm xuân

B. Tìm vài con sâu ăn lót dạ

C. Xù lông rũ hết những giọt sương

D. Hót vang lừng chào nắng sớm

 

6. Em hình dung gì về hình ảnh chú chim họa mi trong bài? (0.5 điểm)

A. Có giọng hót hay làm mọi người say mê

B. Tự do bay lượn, cất tiếng hót đem niềm vui cho cuộc đời.

C. Lười biếng ngủ vùi khi ngày mới đến

D. Còn nhỏ dại nên yêu thích dong chơi

 

7. Trong câu: “Nó xù lông rũ hết những giọt sương rồi nhanh nhẹn chuyển từ bụi nọ sáng bụi kia, tìm vài con sâu ăn lót dạ, đoạn vỗ cánh bay vút đi ” Có mấy vị ngữ ? (1 điểm)

 

8. Xác định tác dụng của dấu phẩy trong câu sau? (1 điểm)

          Hót một lúc lâu, nhạc sĩ giang hồ không tên không tuổi ấy từ từ nhắm mắt lại, thu đầu vào lông cổ, im lặng ngủ, ngủ say sưa sau một cuộc viễn du trong bóng đêm dày.

 

9. Tìm hai từ ghép có tiếng “truyền” với nghĩa “trao lại cho người khác”? (1 điểm)

 

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Cô gái của tuơng lai

     Qua một cuộc thi trên mạng In-tơ-nét, cô bé Lan Anh 15 tuổi được mời làm đại biểu của Nghị viện Thanh niên thế giới năm 2000 (tổ chức tại Ốt-xtrây-li-a). Em đã đặt chân tới 11 quốc gia khi chưa tròn 17 tuổi và đã viết hàng trăm bài báo. Trong mọi cuộc gặp gỡ quốc tế, Lan Anh đều trình bày trôi chảy những vấn đề mà em quan tâm bằng tiếng Anh.

     Nhìn vào những gì Lan Anh đã làm được hôm nay, có thể tin rằng em chính là một trong những mẫu người của tương lai.

Theo HOÀNG DUY

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Tả một ngày mới bắt đầu ở quê em

Lời giải chi tiết

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

1. (0.5 điểm) B. Bụi tầm xuân trong vườn

2. (0.5 điểm) C. Vì được tự do bay lượn, uống nước mát lành trong khe suối.

3. (0.5 điểm) D. So sánh và điệp từ

4. (0.5 điểm) B. Nó, nhạc sĩ giang hồ không tên không tuổi

5. (0.5 điểm) D. Hót vang lừng chào nắng sớm

6. (0.5 điểm) B. Tự do bay lượn, cất tiếng hót đem niềm vui cho cuộc đời.

7. (1 điểm)

“Nó xù lông rũ hết những giọt sương rồi nhanh nhẹn chuyển từ bụi nọ sáng bụi kia, tìm vài con sâu ăn lót dạ, đoạn vỗ cánh bay vút đi ”

Câu trên có 4 vị ngữ đó là:

- VN1: xù lông rũ hết những giọt sương

- VN2: rồi nhanh nhẹn chuyền từ bụi nọ sang bụi kia

- VN3: tìm vài con sâu ăn lót dạ

- VN4: đoạn vỗ cánh bay vút đi

8. (1 điểm)

Hót một lúc lâu, nhạc sĩ giang hồ không tên không tuổi ấy / từ từ nhắm mắt lại, thu đầu

  Trạng ngữ                          Chủ ngữ                                              VN1            VN2

vào lông cổ, im lặng ngủ, ngủ say sưa sau một cuộc viễn du trong bóng đêm dày.

                        VN3                                        VN4

- Dấu phẩy thứ nhất có tác dụng ngăn cách trạng ngữ với thành phần chính của câu

- Dấu phẩy thứ 2, 3, 4 có tác dụng ngăn cách các thành phần cùng chức vụ (vị ngữ) trong câu.

9. (1 điểm) Truyền ngôi, truyền nghề

 

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả (4 điểm)

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung: (4 điểm)

A. Mở bài: Giới thiệu về cảnh ngày mới ở quê em (0.75 điểm)

B. Thân bài

- Tả bao quát (1 điểm)

- Tả chi tiết sự thay đổi của cảnh vật và con người theo thời gian (1.5 điểm)

C. Kết bài: Cảm nghĩ của em về cảnh được tả (0.75 điểm)

* Về hình thức: (2 điểm)

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

Bài viết tham khảo:

         Vạn vật đang chìm trong giấc ngủ, bỗng từ đằng đông, một quả cầu lửa khổng lồ từ từ nhô lên. Rồi chẳng biết từ đâu, tiếng gà gáy te te vang khắp làng trên xóm dưới. Một ngày mới bắt đầu trên quê em.

         Ông mặt trời bị tiếng gà đánh thức bất ngờ nên chưa tỉnh hẳn. Ông vén tấm màn đêm, nhìn xuống trần gian bằng đôi mắt ngái ngủ, khuôn mặt tròn trĩnh, hồng hào trông thật ngộ. Cùng với sự thức tỉnh của mặt trời, vạn vật cũng bừng tỉnh giấc theo. Cây cối hả hê vươn tay đón chào ngày mới. Những giọt sương đêm còn đọng lại trên cành cây, ngọn cỏ long lanh như những hạt ngọc.

        Dưới ánh ban mai, chúng sáng bừng lên như những ngôi sao bé nhỏ, xinh xắn dưới trần gian. Cảnh vật dần thay đổi. Bóng tối đã bị ánh sáng đẩy lùi, phô ra vẻ đẹp của buổi sớm. Khi những tia nắng đầu tiên vừa đến mặt đất cả một không gian trong trẻo sáng sủa đã mở ra trước mắt ta. Mặt trời lúc này đã tươi cười rạng rỡ chứ không còn uể oải, ngái ngủ nữa.

         Những tia nắng sớm tinh nghịch chạy đuổi nhau trên bãi cỏ còn đẫm sương đêm. Làng quê lúc này đẹp như một bức tranh nhiều màu. Trên trời, những đám mây trắng, hồng trôi lững lờ. Dưới cánh đồng, lúa đã bắt đầu ngả vàng. Những bông lúa nặng hạt, uốn cong như chiếc cần câu, ngả đầu vào nhau thầm thì trò chuyện.

        Gió thổi vi vu, sóng lúa rập rờn. Hương lúa thoang thoảng lan tỏa khắp không gian đánh thức khứu giác của những người khó tính nhất. Thỉnh thoảng có cánh cò trắng bay lượn trên không càng làm tô điểm thêm cho cảnh đẹp quê hương. Trong làn gió nhẹ sớm mai, mặt sông lăn tăn gợn sóng. Những con sóng tinh nghịch nối đuôi nhau đùa giỡn xô vào bờ.

        Mấy cậu bé đồng quê đeo cái giỏ bé xinh bên mình lững thững đi dọc bờ sông tìm bắt cua còng. Khuôn mặt ánh lên niềm vui con trẻ. Con đường làng quanh co, uốn lượn như một dải lụa khổng lồ. Hai bên đường, hàng cây nghiêm trang đứng chào ngày mới. Tiếng chim hót líu lo hòa với tiếng ve râm ran trong vòm lá tạo thành bản nhạc du dương nghe thật vui nhộn.

       Trên đường làng, tiếng cười nói ồn ào, náo nhiệt hẳn lên. Mấy bác nông dân đã vác cuốc ra đồng. Theo sau chân họ là mấy chú trâu chăm chỉ vừa đi vừa kêu khe khẽ “ọ ọ”. Cái mặt hớn hớn, cái đuôi phe phẩy vẻ khoái chí vì sắp được làm công việc quen thuộc hàng ngày giúp nhà nông.

       Đám học trò tung tăng cắp sách tới trường. Trên vai, khăn quàng đỏ thắm tung bay. Chúng nói nói, cười cười làm rộn rã cả một đoạn đường. Mấy cô bác công nhân cũng vội vã đạp xe tới nơi làm việc. Màu áo xanh hòa với màu nắng sớm đang chan hòa khắp nơi. Tất cả đã sẵn sàng cho một ngày mới.

      Yêu quê hương, em yêu những nét đẹp của quê mình. Vào thời điểm nào trong ngày, dù bình minh hay hoàng hôn cũng đều để lại ấn tượng sâu đậm trong em. Sau này, dù đi đâu, về đâu, em cũng không bao giờ quên được miền quê yêu dấu ấy.

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close