Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Lịch sử 9

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Lịch sử 9

Đề bài

I. Trắc nghiệm

Câu 1 (NB): Sự kiện nào đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin?

A. Gửi yêu sách đến Hội nghị Véc-xai.

B. Đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin.

C. Bỏ phiếu tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

D. Sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa, ra tờ báo Người cùng khổ.

Câu 2 (NB): Để giải quyết nạn đói trước mắt sau Cách mạng tháng Tám, Đảng, Chính phủ và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã có biện pháp gì dưới đây?

A. Kêu gọi sự cứu trợ của thế giới.

B. Xây dựng "Quỹ độc lập".

C. Nhường cơm sẻ ảo, hũ gạo cứu đói.

D. Tịch thu gạo của người giàu chia cho người nghèo.

Câu 3 (NB): Đâu không phải là tên của một tổ chức cộng sản được thành lập vào năm 1929?

A. Việt Nam Quốc dân đảng.

B. Đông Dương Cộng sản đảng.

C. An Nam Cộng sản đảng.

D. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Câu 4 (NB): Ai là người triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930)?

A. Lê Hồng Phong.

B. Trịnh Đình Cửu.

C. Trần Phú.

D. Nguyễn Ái Quốc.

Câu 5 (NB): Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 diễn ra ở đâu và trong thời gian nào?

A. Bà Điểm (Hóc Môn) vào tháng 11/1939.

B. Tân Trào (Tuyên Quang) vào tháng 5/1941.

C. Pác Bó (Cao Bằng) vào tháng 5/1941.

D. Pác Bó (Cao Bằng) vào tháng 11/1941.

Câu 6 (NB): Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định kẻ thù chính, cụ thể trước mắt là

A. phát xít Nhật.

B. thực dân Pháp.

C. bọn Pháp, Nhật.

D. phong kiến.

Câu 7 (VDC): Ý nghĩa quan trọng nhất mà quân và dân ta đạt được trong chiến dịch Việt Bắc Thu - đông năm 1947 là

A. làm thất bại hoàn toàn kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của địch.

B. tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

C. bảo vệ vững chắc căn cứ địa Việt Bắc.

D. giúp ta giành thế chủ động đánh địch trên chiến trường chính Bắc Bộ.

Câu 8 (NB): Hội nghị toàn quốc của Đảng (14, 15/8/1945) đã quyết định vấn đề gì?

A. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

B. Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, Sài Gòn.

C. Cả nước mít tinh, biểu tình có vũ trang.

D. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật.

Câu 9 (VDC): Ý nghĩa quan trọng nhất của phong trào “Đồng khởi” (1960) là gì?

A. Làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm.

B. Giáng một đòn nặng nề vào chính sách thực dân kiểu mới của Mĩ.

C. Đánh dấu bước nhảy vọt của cách mạng miền Nam từ thể giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

D. Khẳng định sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Câu 10 (NB): Âm mưu cơ bản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ tiến hành ở miền Nam Việt Nam là gì?

A. Dùng người Việt đánh người Việt.

B. Tiêu diệt lực lượng của ta.

C. Kết thúc chiến tranh.

D. Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.

Câu 11 (NB): Mục đích của Pháp khi đề ra kế hoạch Na-va là

A. buộc ta tuân theo những điều khoản có lợi cho Pháp.

B. xoay chuyền cục diện chiến tranh từ bại thành thắng.

C. khóa chặt biên giới Việt - Trung.

D. bình định vùng tạm chiếm.

Câu 12 (NB): Thắng lợi nào dưới đây chứng tỏ quân dân miền Nam có khả năng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ?

A. Chiến thắng Bình Giã.

B. Chiến thắng Ấp Bắc.

C. Chiến thắng Vạn Tường.

D. Chiến thắng Đồng Xoài.

II. Tự luận

Câu 1. Nêu ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930)?

Câu 2. Phong trào "Đồng khởi" nổ ra trong hoàn cảnh lịch sử nào? Diễn biến, kết quả và ý nghĩa của phong trào?

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

1. C

2. C

3. A

4. D

5. C

6. A

7. A

8. D

9. C

10. A

11. B

12. B

Câu 1.

Phương pháp: sgk Lịch sử 9, trang 62.

Cách giải:

Sự kiện bỏ phiếu tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin.

Chọn: C

Câu 2.

Phương pháp: sgk Lịch sử 9, trang 98.

Cách giải:

Để giải quyết nạn đói trước mắt sau Cách mạng tháng Tám, Đảng, Chính phủ và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân thực hiện nhường cơm sẻ áo, lập các hũ gạo cứu đói.

Chọn: C

Câu 3.

Phương pháp: sgk Lịch sử 9, trang 68.

Cách giải:

- Các đáp án B, C, D là tên của các tổ chức cộng sản.

- Đáp án A không phải tên của tổ chức cộng sản, đây là tên của 1 chính đảng theo con đường dân chủ tư sản ở Việt Nam.

Chọn: A

Câu 4.

Phương pháp: sgk Lịch sử 9, trang 69.

Cách giải:

Nguyễn Ái Quốc là người triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930).

Chọn: D

Câu 5.

Phương pháp: sgk Lịch sử 9, trang 86.

Cách giải:

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 diễn ra ở Pác Bó (Cao Bằng) vào tháng 5/1941.

Chọn: C

Câu 6.

Phương pháp: sgk Lịch sử 9, trang 90.

Cách giải:

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định kẻ thù chính, cụ thể trước mắt là phát xít Nhật.

Chọn: A

Câu 7.

Phương pháp: Đánh giá, nhận xét.

Cách giải:

Ý nghĩa quan trọng nhất mà quân và dân ta đạt được trong chiến dịch Việt Bắc Thu - đông năm 1947 là ta đã đánh bại hoàn toàn kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc Pháp phải chuyển sang đánh lâu dài với ta.

Chọn: A

Câu 8.

Phương pháp: sgk Lịch sử 9, trang 92.

Cách giải:

Hội nghị toàn quốc của Đảng (14, 15/8/1945) đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật.

Chọn: D

Câu 9.

Phương pháp: Đánh giá, nhận xét.

Cách giải:

Ý nghĩa quan trọng nhất của phong trào “Đồng khởi” (1960) là: Đánh dấu bước nhảy vọt của cách mạng miền Nam từ thể giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

Chọn: C

Câu 10.

Phương pháp: sgk Lịch sử 9, trang 139.

Cách giải:

Âm mưu cơ bản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ tiến hành ở miền Nam Việt Nam là: Dùng người Việt đánh người Việt.

Chọn: A

Câu 11.

Phương pháp: sgk Lịch sử 9, trang 119.

Cách giải:

Mục đích của Pháp khi đề ra kế hoạch Na-va là xoay chuyền cục diện chiến tranh từ bại thành thắng.

Chọn: B

Câu 12.

Phương pháp: sgk Lịch sử 9, trang 141.

Cách giải:

Chiến thắng Ấp Bắc ngày 2/1/1963 chứng tỏ quân dân miền Nam có khả năng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ.

Chọn: B

II. Tự luận

Câu 1.

Phương pháp: sgk Lịch sử 9, trang 71.

Cách giải:

Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập có ý nghĩa quan trọng:

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp ở Việt Nam, là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác -Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam:

+ Chấm dứt sự khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, khẳng định giai cấp công nhân Việt Nam từ đây đã nắm quyền tuyệt đối lãnh đạo cách mạng với đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ Từ đây, cách mạng Việt Nam đã có một đường lối lãnh đạo đúng đắn được nêu ra trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng.

- Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã gắn cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới.

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự chuẩn bị đầu tiên có tính tất yếu, quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt về sau của cách mạng và lịch sử dân tộc Việt Nam.

Câu 2.

Phương pháp: sgk Lịch sử 9, trang 133 – 135.

Cách giải:

* Hoàn cảnh:

- Trong những năm 1957 - 1959:

+ Mĩ - Diệm mở rộng chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”.

+ Tăng cường khủng bố, đàn áp.

+ Ra sắc lệnh “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, thực hiện đạo luật 10/59 (5-1959) lê máy chém khắp miền Nam, giết hại những người vô tội.

- Tháng 01-1959, Hội nghị Trung ương Đảng 15 xác định:

+ Cách mạng miền Nam không có con đường nào khác là sử dụng bạo lực cách mạng đánh đổ chính quyền Mĩ - Diệm.

+ Phương hướng cơ bản là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân bằng con đường đấu tranh chính trị là chủ yếu, kết hợp với đấu tranh vũ trang.

* Diễn biến:

- Lúc đầu phong trào nổ ra lẻ tẻ ở Vĩnh Thạnh, Bác Ái (2-1959), Trà Bồng (8-1959),… sau lan ra khắp miền Nam thành cao trào cách mạng, tiêu biểu là cuộc “Đồng khởi” ở Bến Tre.

- Ngày 17-1-1960, “Đồng khởi” nổ ra ở 3 xã Định Thuỷ, Phước Hiệp, Bình Khánh (huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre), từ đó lan khắp huyện Mỏ Cày và tỉnh Bến Tre.

- Quần chúng giải tán chính quyền địch, lập Ủy ban nhân dân tự quản, lập lực lượng vũ trang, tịch thu ruộng đất của địa chủ, cường hào chia cho dân cày nghèo.

- Phong trào lan khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở Trung Trung bộ.

* Kết quả: Cuối năm 1960, ta làm chủ được nhiều thôn, xã ở Nam Bộ, Tây Nguyên và cả Trung Trung Bộ.

* Ý nghĩa:

- Phong trào “Đồng khởi” đã giáng một đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mĩ, làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm.

- Đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

- Ngày 20-12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Mặt trận đoàn kết toàn dân chống Mỹ - Diệm, lập chính quyền cách mạng dưới hình thức Ủy ban nhân dân tự quản.

Nguồn: Sưu tầm

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close