Đề số 3 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi giữa học kì 2) – Tiếng Việt 3Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 3 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi học kì 2) – Tiếng Việt 3 Đề bài A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM) I/ Đọc thành tiếng (4 điểm) GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc. 1. Hai Bà Trưng (Trang 4 – TV3/T2) 2. Chú ở bên Bác Hồ (Trang 16 – TV3/T2) 3. Ông tổ nghề thêu (Trang 22 – TV3/T2) 4. Nhà bác học và bà cụ (Trang 31 – TV3/T2) 5. Nhà ảo thuật (Trang 40 – TV3/T2) 6. Mặt trời mọc ở đằng… tây! (Trang 52 – TV3/T2) 7. Hội vật (Trang 58 – TV3/T2) 8. Sự tích lễ hội Chử Đồng Tử (Trang 65 – TV3/T2) II/ Đọc hiểu (6 điểm) Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới: Chú dế sau lò sưởi Buổi tối ấy, nhà Mô-da thật yên tĩnh. Cậu bé thiu thiu ngủ trên ghế bành. Bỗng dưng! … Hình như có một cái gì đó đã xảy ra? Có một âm thanh kéo dài lạ lùng làm sao. Mô-da nghĩ: “Chắc hẳn ánh trăng mảnh dẻ bị giá lạnh, tan vỡ ra, đập vào cửa sổ…” Cậu bé đứng dậy tìm kiếm. Và đây… Đúng là có một chú dế sau lò sưởi với “cây vĩ cầm” của mình. Dế kéo đàn hay đến nỗi cậu bé không nén nổi phải kêu lên: - Chao ôi, hay quá! Ước gì tôi trở thành nhạc sĩ nhỉ? Rồi chỉ ít lâu sau, chú bé chinh phục được cả công chúng thủ đô nước Áo. Bản nhạc kết thúc mà giây phút im lặng vẫn còn kéo dài. Phải chăng tiếng vọng của âm thanh đang lịm dần trong mỗi trái tim? Nhưng kìa, gian phòng bỗng sống lại: “Thật là tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu!”. Sau này, nhạc sĩ Mô-da thường nhắc đến chú dế với tấm lòng biết ơn. (G.Xư-phe-rốp – Nam Cường dịch)
1. Buổi tối ấy, trong căn nhà yên tĩnh, Mô-da được chứng kiến sự việc gì? (0.5 điểm) A. Âm thanh của ánh trăng bị giá lạnh, tan vỡ ra, đập vào cửa sổ B. Âm thanh kéo dài từ cây đàn vĩ cầm của nhà bên cạnh C. Âm thanh kéo dài lạ lùng của chú dế kéo đàn sau lò sưởi
2. Sau khi nghe được âm thanh hấp dẫn, Mô-da mong muốn điều gì? (0.5 điểm) A. Trở thành người ca sĩ B. Trở thành người nhạc sĩ C. Trở thành người nhạc công
3. Chi tiết nào cho thấy tài năng chơi đàn tuyệt diệu của Mô- da trước công chúng thủ đô nước Áo? (0.5 điểm) A. Bản nhạc kết thúc mà giây phút im lặng vẫn còn kéo dài. B. Bao cánh tay vung cao, nhắc đi nhắc lại: “Thật là tuyệt diệu!” C. Cả hai chi tiết nói trên
4. Vì sao sau này, Mô-da thường nhắc đến chú dế với tấm lòng biết ơn? (0.5 điểm) A. Vì chú dế đã khơi dậy ước mơ trở thành người chơi vĩ cầm giỏi B. Vì chú dế đã khơi dậy ở Mô-da ước mơ trở thành người nhạc sĩ C. Vì chú dế đã đánh thức tài năng âm nhạc tuyệt vời ở Mô-da
5. Em hãy viết một câu trong đó có sử dụng biện pháp nhân hóa. (1 điểm)
6. Đặt câu hỏi cho bộ phận trả lời câu hỏi Ở đâu? trong mỗi câu sau: (1 điểm) a) Tuyết trắng đọng lại trên những cành cây như những bông hoa long lanh. b) Anh Kim Đồng sinh ra ở quê hương Cao Bằng.
7. Điền d hoặc r vào chỗ trống: (1 điểm) - Đường dài ...ằng ...ặc. - Mưa rơi ...ả ...ích. - Lửa cháy ...ừng ...ực.
8. Đặt dấu phẩy vào chỗ thích hợp trong mỗi câu sau. (1 điểm) a. Tính thỏ hiền lành nhân hậu còn gà trống nhanh nhẹnh thông minh. b. Tiếng cười nói xôn xao tiếng mái chèo khua nước ven sông người lên bến xuống thuyền nhộn nhịp.
B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM) I/ Chính tả (4 điểm) Người sáng tác Quốc ca Việt Nam Nhạc sĩ Văn Cao tham gia cách mạng từ khi còn trẻ. Ông sáng tác bài hát “Tiến quân ca” trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa. Bài ca đã nhanh chóng phổ biến trong cả nước và được Quốc hội đầu tiên của nước ta chọn làm Quốc ca. Không chỉ sáng tác nhạc, Văn Cao còn vẽ tranh và làm thơ.
II/ Tập làm văn (6 điểm) Hãy kể lại một buổi biểu diễn nghệ thuật mà em được xem theo gợi ý sau: a) Đó là buổi biểu diễn gì ? b) Buổi biểu diễn được tổ chức ở đâu ? Khi nào ? c) Em cùng xem với những ai ? d) Buổi diễn có những tiết mục gì ? e) Em thích tiết mục nào nhất ? Hãy nói cụ thể về tiết mục ấy. Lời giải chi tiết A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM) 1/Đọc thành tiếng: (4 điểm) - Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm. - Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm. - Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm. - Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm. II/ Đọc hiểu (6 điểm) 1. (0.5 điểm) C. Âm thanh kéo dài lạ lùng của chú dế kéo đàn sau lò sưởi 2. (0.5 điểm) B. Trở thành người nhạc sĩ 3. (0.5 điểm) C. Cả hai chi tiết nói trên 4. (0.5 điểm) B. Vì chú dế đã khơi dậy ở Mô-da ước mơ trở thành người nhạc sĩ 5. (1 điểm) Gợi ý: - Chiếc máy xúc đang dang cánh tay khổng lồ ra múc đất. - Chú cá vàng vừa uốn lượn, vừa vẫy chiếc vây xinh như đang nhảy múa. - Cây chuối mẹ dang rộng cánh tay để bảo vệ cho đàn con nhỏ. 6. (1 điểm) a) Tuyết trắng đọng lại như những bông hoa long lanh ở đâu? b) Anh Kim Đồng sinh ra ở đâu? 7. (1 điểm) - Đường dài dằng dặc. - Mưa rơi rả rích. - Lửa cháy rừng rực. 8. (1 điểm) a. Tính thỏ hiền lành, nhân hậu còn gà trống nhanh nhẹnh, thông minh. b. Tiếng cười nói xôn xao, tiếng mái chèo khua nước ven sông, người lên bến xuống thuyền nhộn nhịp.
B. KIỂM TRA VIẾT I/ Chính tả (4 điểm) - Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm - Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm - Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm - Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm II/ Tập làm văn (6 điểm) Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau: * Về nội dung: Trong bài viết đầy đủ các ý sau: a) Đó là buổi biểu diễn gì ?(0.5 điểm) b) Buổi biểu diễn được tổ chức ở đâu ? Khi nào ? (0.5 điểm) c) Em cùng xem với những ai ? (1 điểm) d) Buổi diễn có những tiết mục gì ? (1 điểm) e) Em thích tiết mục nào nhất ? Hãy nói cụ thể về tiết mục ấy. (1 điểm) * Về hình thức: - Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm - Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm - Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm Bài viết tham khảo: Tối thứ bảy tuần trước, em được bố mẹ cho đi xem biểu diễn ca múa nhạc tại Cung Văn hoá Thiếu nhi của thành phố. Đúng mười chín giờ ba mươi phút, buổi biểu diễn bắt đầu. Lúc này khán giả đã ngồi chật tất cả các hàng ghế. Trên sân khấu, đèn bật sáng trưng. Cô dẫn chương trình ra giới thiệu về buổi biểu diễn và sau đó là một bản đồng ca hùng tráng vang lên, mở đầu cho đêm diễn. Tiếp sau đó là các bài đơn ca, các tiết mục múa được trình diễn xen kẽ nhau. Tiếng đàn, tiếng hát khi thì êm ái, du dương, khi lại sôi nổi, rộn ràng. Em vô cùng thích thú khi được xem buổi biểu diễn. Về tới nhà mà em còn nhớ mãi hai ca sĩ hát bài Bà Rằng bà Rí, một bài dân ca Bắc Bộ nói về nỗi khổ của một cô gái bị ép duyên phải lấy một anh chồng bé tẹo. HocTot.Nam.Name.Vn
|