Đề số 13 - Đề kiểm tra học kì 1 - Lịch sử 12

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 13 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Lịch sử 12

Đề bài

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM:

Câu 1: Sự kiện đánh dấu Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam là

A. đưa yêu sách đến Hội nghị Vécxai (18 - 6 - 1919).

B. đọc sơ thảo Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa (7 - 1920).

C. tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (12 - 1920).

D. thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (6 - 1925).

Câu 2: Nguyên nhân nào quan trọng nhất dẫn đến sự thắng lợi của cả hai chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947 và chiến dịch Biên giới thu – đông 1950?

A. Do sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

B. Tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân và dân ta.

C. Sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng đứng đầu là Hồ Chí Minh.

D. Do đường lối kháng chiến chống Pháp đúng đắn.

Câu 3: Đến nửa đầu những năm 70 của thế kỷ XX, Liên Xô là cường quốc công nghiệp

A. đứng thứ ba thế giới.

B. đứng đầu thế giới.

C. đứng thứ tư thế giới.

D. đứng thứ hai thế giới.

Câu 4: Nguyên nhân nào quan trọng nhất dẫn đến sự phát triển của phong trào công nhân trong giai đoạn 1926 - 1929?

A. Vai trò của hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đặc biệt phong trào “vô sản hóa”.

B. Ảnh hưởng của phong trào cách mạng thế giới.

C. Giai cấp công nhân giác ngộ về chính trị.

D. Tác động và ảnh hưởng của cách mạng Trung Quốc.

Câu 5: Việc có tới hơn 90% cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã thể hiện điều gì?

A. Phá vỡ âm mưu chống phá của kẻ thù.

B. Sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân vào Đảng, chính quyền mới, đồng thời phá vỡ âm mưu chống phá của kẻ thù.

C. Niềm tin của nhân dân còn hạn chế vì thiếu 10% cử tri.

D. Sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân vào Đảng, chính quyền mới.

Câu 6: Sau chiến tranh thế giới thứ hai Mỹ thực hiện chính sách đối ngoại như thế nào?

A. Hòa bình hợp tác với các nước trên thế giới.

B. Bắt tay với Trung Quốc.

C. Triển khai chiến lược toàn cầu với tham vọng làm bá chủ thế giới.

D. Dung dưỡng một số nước.

Câu 7: Góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Đó là ý nghĩa lịch sử của

A. chiến thắng Điện Biên Phủ.

B. cuộc kháng chiến chống Mĩ.

C. Hội nghị Giơnevơ.

D. cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mĩ.

Câu 8: Ba trung tâm kinh tế tài chính lớn của thế giới hình thành vào thập niên 70 của thế kỉ XX là

A. Mĩ - Liên Xô - Nhật Bản.

B. Mĩ - Tây Âu - Nhật Bản.

C. Mĩ - Anh - Pháp.

D. Mĩ - Đức - Nhật Bản.

Câu 9: Điểm khác nhau cơ bản của khoa học với kĩ thuật trong cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai là

A. Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

B. Khoa học cơ bản đi trước kĩ thuật.

C. Khoa học phát minh, phát hiện các quy luật trong các vĩnh vực Toán, Lý, Hóa, Sinh.

D. Khoa học tạo điều kiện để kĩ thuật phát triển.

Câu 10: Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập nước CHNDTrung Hoa là

A. hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của nhân dân Trung Quốc, đưa Trung Quốc bước vào kỉ nguyên độc lập, tự do, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

B. lật đổ chế độ phong kiến.

C. làm cho chủ nghĩa xã hội lan rộng khắp toàn cầu.

D. hoàn thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, kỉ nguyên xây dựng chủ nghĩa cộng sản bắt đầu.

Câu 11: Những nước ở Đông Nam Á tuyên bố độc lập vào năm 1945 là

A. Việt Nam, Lào, Campuchia.

B. Thái Lan. Việt Nam, Lào.

C. Việt Nam, Inđônêxia, Mianma.

D. Việt Nam, Inđônêxia, Lào.

Câu 12: Từ sau thế chiến thứ hai (1945), phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi nổ ra sớm nhất ở khu vực

A. Đông Phi.               B. Bắc Phi.

C. Nam Phi.                D. Tây Phi.

Câu 13: Mục tiêu lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 vào tháng 12/1946 nhằm

A. làm tiêu hao sinh lực địch, khai thông biên giới.

B. làm cho địch hoang mạng lo sợ, để cho ta có thời gian di chuyển cơ quan đầu não an toàn.

C. để cho ta có thời gian di chuyển kho tàng, công xưởng về chiến khu, bảo vệ Trung ương Đảng, chính phủ về căn cứ an toàn.

D. quyết tâm tiêu diệt địch ở các thành phố lớn.

Câu 14: Nguyên nhân cơ bản giúp kinh tế Tây Âu phát triển sau chiến tranh thế giới thứ 2 là

A. quá trình tập trung tư bản và tập trung lao động cao.

B. nguồn viện trợ của Mỹ thông qua kế hoạch Mácsan.

C. tài nguyên thiên nhiên giàu có, nhân lực lao động dồi dào.

D. tận dụng tốt cơ hội bên ngoài và áp dụng thành công khoa học kỹ thuật.

Câu 15: Một trong những mục đích của tổ chức Liên hợp quốc là

A. duy trì hòa bình và an ninh thế giới.

B. thúc đẩy quan hệ thương mại tự do.

C. trừng trị các hoạt động gây chiến tranh.

D. ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường.

Câu 16: Mục tiêu của Mĩ khi phát động “Chiến tranh lạnh” là

A. phá hoại phong trào cách mạng thế giới.

B. chống lại ảnh hưởng của Liên Xô.

C. Mĩ lôi kéo các nước Đồng Minh của mình chống Liên Xô.

D. ngăn chặn sự mở rộng của chủ nghĩa xã hội từ Liên Xô sang Đông Âu và thế giới.

II. PHẦN TỰ LUẬN

Câu 1. Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong Hội nghị thành lập Đảng (3/2/1930)?

Câu 2. Ý nghĩa lịch sử của cách mạng tháng Tám 1945?

Câu 3.  Những thuận lợi, khó khăn của nước ta sau Cách mạng tháng Tám 1945? Khó khăn nào lớn nhất, vì sao?

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM:

1

2

3

4

5

6

7

8

B

C

D

A

B

C

D

B

9

10

11

12

13

14

15

16

A

A

D

B

C

D

A

C

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 81.

Cách giải:

Giữa năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin đăng trên báo Nhân đạo. Luận cương đã giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định con đường giành độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam, đó là con đường cách mạng vô sản.

Chọn: B

Câu 2.

Phương pháp: Phân tích, đánh giá.

Cách giải:

Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự thắng lợi của cả hai chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947 và chiến dịch Biên giới thu – đông 1950 là sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng:

- Trong chiến dịch Việt Bắc thu-đông năm 1947:

+ Khi địch vừa tần công lên Việt Bắc, Đảng ta đã có chỉ thị: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

+ Chủ trương chủ động bao vây và tiến công địch ở Chợ Đồn, Chợ Mới, Chợ Rã + phục kích chặn đánh địch trên đường số 4 + Phục kích đánh địch ở Đoan Hùng, Khe Lau.

=> Chiến dịch Việt Bắc giành thắng lợi.

- Trong chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950:

+ Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới, đưa ra mục tiêu cụ thể của chiến dịch.

+ Chủ trương tấn công vào điểm đầu tiên là Đông Khê, lãnh đạo quân ta chủ động phục kích trên đường số 4 để phá vỡ yểm trợ của địch.

Chọn: C

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 11.

Cách giải:

Đến nửa đầu những năm 70 của thế kỷ XX, Liên Xô là cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới (sau Mĩ)

Chọn: D

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 84, suy luận.

Cách giải:

Với những hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đặc biệt phong trào “vô sản hóa” (1928), phong trào công nhân trong giai đoạn 1926 – 1929 ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành nòng cốt của phong trào dân tộc trong cả nước. Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra ở nhiều nơi. Những cuộc bãi công của công nhân không chỉ bó hẹp trong phạm vi một xưởng, một địa phương mà đã bắt đầu có sự liên kế thành phong trào chung.

Chọn: A

Câu 5.

Phương pháp: phân tích, nhận xét.  

Cách giải:

Ngày 6-1-1946, vượt qua mọi hành động chống phá của kẻ thù, 90% cử tri đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên. Điều này chứng tỏ sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân vào Đảng, chính quyền mới, đồng thời phá vỡ âm mưu chống phá của kẻ thù.

Chọn: B

Câu 6.

Phương pháp: sgk trang 44.

Cách giải:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ triển khai chiến lược toàn cầu với tham vọng bá chủ thế giới.

Chọn: C

Câu 7.

Phương pháp: Suy luận.

Cách giải:

- Đáp án A: chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa buộc Pháp phải kí hiệp định Giơnevơ (1954). Hiệp định này mới đánh dấu cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi.

- Đáp án B: Mĩ là thực dân kiểu mới.

- Đáp án C: Hội nghị Giơnevơ là tiền đề để kí Hiệp định Giơnevơ.

- Đáp án D: Kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mĩ góp phần làm sụp đổ hệ thống chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.

Chọn: D

Câu 8.

Phương pháp: suy luận.

Cách giải:

Ba trung tâm kinh tế tài chính lớn của thế giới hình thành vào thập niên 70 của thế kỉ XX là: Mĩ - Tây Âu - Nhật Bản.

Chọn: B

Câu 9.

Phương pháp: suy luận.

Cách giải:

Điểm khác nhau cơ bản của khoa học với kĩ thuật trong cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai là: Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Đây cũng chính là đặc điểm lớn nhất của cuộc cách mạng này.

Chọn: A

Câu 10.

Phương pháp: sgk trang 21.

Cách giải:

Ngày 1-10-1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập. Với thắng lợi này, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành, chấm dứt hơn 100 năm nô dịch và thống trị của đế quốc, xóa bỏ tàn dư phong kiến, đưa nước Trung Hoa bước vào kỉ nguyên độc lập, tự do tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Chọn: A

Câu 11.

Phương pháp: sgk trang 25.

Cách giải:

Nhân cơ hội Nhật đầu hàng đồng mình, ba nước Đông Nam Á đã chớp lấy cơ hội đấu tranh giành độc lập, đó là: Indonesia (17/8/1945); Việt Nam (2/9/1945); Lào (12.10/1945).

Chọn: D

Câu 12.

Phương pháp: sgk trang 35.

Cách giải:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đấu tranh giành độc lập ở Châu Phi đặc biệt phát triển từ những năm 50 của thế kỉ XX, trước hết là khu vực Bắc Phi, sau đó lan sang các khu vực khác.

Chọn: B

Câu 13.

Phương pháp: sgk trang 132, suy luận.

Cách giải:

Trong cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16, ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch trong thành phố một thời gian dài để hậu phương kịp thời huy động lực lượng kháng chiến, di chuyển kho tàng, công xưởng về chiến khu, bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ về căn cứ lãnh đạo kháng chiến. Kết quả này cũng đã phản ánh mục tiêu lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 vào tháng 12/1946

Chọn: C

Câu 14.

Phương pháp: sgk trang 47, suy luận.

Cách giải:

Nguyên nhân cơ bản giúp kinh tế Tây Âu phát triển sau chiến tranh thế giới thứ 2 là

- Tận dụng cơ hội bên ngoài: nhận viện trợ của Mĩ thông qua kế hoạch Mácsan, giá nguyên liệu rẻ từ các nước thuộc thể giới thứ ba, hợp tác có khuôn khổ trong Cộng đồng châu Âu (EC)

- Áp dụng các thành tựu khoa học – kĩ thuật để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm.

Chọn: D

Câu 15.

Phương pháp: sgk trang 7.

Cách giải:

Hiến chương Liên hợp quốc nêu rõ mục đích hoạt động của tổ chức này là: duy trì hòa bình và an ninh thế giới….

Chọn: A

Câu 16.

Phương pháp: sgk trang 58, 59, suy luận.

Cách giải:

Học thuyết Truman là một chính sách của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Harry S. Truman được thông qua vào tháng 3 năm 1947 với mục đích hỗ trợ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bằng viện trợ quân sự và kinh tế nhằm ngăn hai quốc gia này rơi vào vòng kiểm soát của các lực lượng cộng sản. Học thuyết này đã chính thức đánh dấu sự chuyển hướng chính sách của Mỹ từ hòa hoãn sang ngăn chặn đối với Liên Xô, trở thành một nền tảng quan trọng của chính sách đối ngoại Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

=> Mục tiêu của Mĩ khi phát động “Chiến tranh lạnh” là: lôi kéo các nước Đồng Minh của mình chống Liên Xô.

Chọn: C

II. PHẦN TỰ LUẬN

Câu 1.

Phương pháp: đánh giá, suy luận.

Cách giải:

- Năm 1930 Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm đến Hương Cảng (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản.

 - Thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập ra Đảng Cộng sản duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

 - Thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Người soạn thảo.

 - Là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam.

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 119, 120.

Cách giải:

- Mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc ta, phá tan xiềng xích nô lệ của Pháp – Nhật, lật nhào ngai vàng phong kiến, lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở đầu kỷ nguyên mới độc lập, tự do; nhân dân lao động nắm chính quyền, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh dân tộc; kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội.

- Đảng Cộng sản Đông Dương trở thành một Đảng cầm quyền, chuẩn bị những điều kiện tiên quyết cho những thắng lợi tiếp theo.

- Góp phần vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa đấu tranh tự giải phóng, có ảnh hưởng to lớn đến Miên và Lào.

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 121, 122, suy luận.

Cách giải:

* Thuận lợi:

-  Nhân dân làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi, tin tưởng, quyết tâm bảo vệ chế độ mới.

- Có sự lãnh đạo sáng suốt, dày dạn kinh nghiệm của đảng Cộng sản đông Dương và Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

- Phong trào cách mạng trên thế giới phát triển mạnh.

* Khó khăn:

- Nạn đói: Hậu quả nạn đói năm 1945 vẫn chưa khắc phục nổi...giá cả sinh hoạt đắt đỏ.

- Nạn dốt: Hơn 90% dân số không biết chữ. Các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc…tràn lan.

- Tài chính: Ngân sách cạn kiệt quân Tưởng đưa vào lưu hành đồng “Quốc tệ”, “Quan kim” làm rối loạn nền tài chính nước ta.

- Giặc ngoại xâm:  Miền Bắc (từ vĩ tuyến 16 trở ra) hơn 20 vạn quân Tưởng và các đảng phái tay sai của chúng tràn vào nước ta với mưu đồ tiêu diệt đảng Cộng Sản Đông Dương. Miền Nam (từ vĩ tuyến 16 trở vào) quân đội Anh đã dọn đường cho thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam. Các lực lượng phản động thân Pháp hoạt động trở lại và chống phá cách mạng.

- Khó khăn lớn nhất là giặc ngoại xâm vì đe dọa nền độc lập dân tộc.

Nguồn: Sưu tầm

HocTot.Nam.Name.Vn

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close