Đề số 11 - Đề kiểm tra học kì 1 - Lịch sử 12Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 11 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Lịch sử 12 Đề bài Câu 1: Ý nào không phản ánh đúng mục đích của cuộc chiến đấu ở các đô thị Bắc vĩ tuyến 16 từ ngày 19/12/1946 đến tháng 2/1947? A. Giam chân địch trong các đô thị. B. Tiêu diệt một bộ phận quân pháp. C. Kéo dài thời gian hoà hoãn với Pháp. D. Tạo điều kiện để tiếp tục chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Câu 2: Điểm mấu chốt của kế hoạch Nava là gì? A. Tập trung binh lực, xây dựng đội quân cơ động chiến lược mạnh, mở một số cuộc tiến công chiến lược. B. Phân tán quân để chủ động đối phó với các mũi tấn công của quân ta. C. Tập trung binh lực ở đồng bằng Bắc Bộ, mở mũi tiến công lên Tây Bắc và Bắc Lào. D. Tập trung binh lực, mở trận quyết chiến chiến lược, giành thắng lợi để kết thúc chiến tranh. Câu 3: Hai khẩu hiệu mà Đảng vận dụng trong phong trào cách mạng 1930-1931 là: A. “Tự do dân chủ” và “Cơm áo hoà bình”. B. “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc” và “Đả đảo phong kiến”. C. “Tịch thu ruộng đất của đế quốc Việt gian” và “Tịch thu ruộng đất của địa chủ phong kiến”. D. “Chống đế quốc” và “chống phong kiến”. Câu 4: Kết quả lớn nhất của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 là gì? A. Làm thất bại âm mưu kết thúc chiến tranh trong vòng 18 tháng của Pháp. B. Làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của Pháp- Mĩ. C. Làm phá sản bước đầu kế hoạch Na- va, buộc quân chủ lực của chúng phải bị động phân tán và giam chân ở vùng rừng núi. D. Làm thất bại âm mưu bình định, mở rộng địa bàn chiếm đóng giành thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ của Thực dân Pháp. Câu 5: Kết quả lớn nhất mà quân dân ta giành được thắng lợi trong chiến dịch Biên Giới - thu đông 1950 là? A. Ta đã giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ. B. Giải phóng biên giới Việt Trung từ Cao Bằng đến Đình Lập. C. Bộ đội ta phát triển với ba thứ quân. D. Tiêu diệt và bắt 8.300 tên địch, thu trên 3.000 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh. Câu 6: Hiệp ước Bali (2/1976) có nội dung cơ bản gì? A. Tuyên bố thành lập ASEAN. B. Xác định những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước. C. Thông qua những nội dung cơ bản của Hiến chương ASEAN. D. Tuyên bố thành lập cộng đồng ASEAN. Câu 7: Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản vào thời gian nào? A. 1920 B. 1918 C. 1917 D. 1919 Câu 8: Chiến thuật được sử dụng trong “Chiến tranh đặc biệt” là gì? A. Trực thăng vận, thiết xa vận. B. Dồn dân, lập ấp chiến lược. C. Càn quét tiêu diệt lực lượng cách mạng. D. Bình định toàn bộ miền Nam. Câu 9: Nava tập trung mọi cố gắng để xây dựng Điện Biên Phủ thành. A. cứ điểm bổ sung cho kế hoach Nava. B. trọng điểm đối phó với các cuộc tiến công của quân ta trong Đông-xuân 1953-1954. C. tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. D. trung tâm điểm của kế hoạch Na Va. Câu 10: Trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước”, Chế Lan viết “Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ Cười” đã phản ánh sự kiện nào trong cuộc đời hoạt động của Nguyễn Ái Quốc? A. Ra đi tìm đường cứu nước. B. Đọc tuyên ngôn độc lập. C. Đọc sơ thảo lần thứ nhất luận cương của Lê Nin. D. Đưa bản yêu sách của nhân dân An Nam tới hội nghị Vecxai. Câu 11: Để thực hiện bồi dưỡng sức dân, nhất là nông dân, năm 1953 Đảng và Chính phủ có chủ trương gì? A. Triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức và cải cách ruộng đất. B. Thực hành tiết kiệm. C. Thực hiện khai hoang với khẩu hiệu “Tấc đất tấc vàng”. D. Tất cả các chủ trương trên. Câu 12: Âm mưu cơ bản của “Chiến tranh đặc biệt” mà Mĩ áp dụng ở miền Nam Việt Nam là gì? A. Đưa quân Mĩ ào ạt vào miền Nam. B. Dùng người Việt đánh người Việt. C. Đưa quân chư hầu vào miền Nam Việt Nam. D. Đưa cố vấn Mĩ ào ạt vào miền Nam. Câu 13: Thay khẩu hiệu “thành lập chính quyền xô viết công nông” bằng khẩu hiệu “chính phủ cộng hoà dân chủ” là chủ trương của nghị quyết nào sau đây? A. hội nghị trung ương Đảng tháng 5/1941. B. hội nghị trung ương Đảng tháng 11/1940. C. hội nghị trung ương Đảng tháng 8/1945. D. hội nghi trung ương Đảng tháng 11/1939. Câu 14: Hình thức đấu tranh được Đảng ta sử dụng trong giai đoạn 1936-1939 là gì? A. đấu tranh vũ trang lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến. B. đấu tranh chính trị kết hợp khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. C. đấu tranh chính trị thoả hiệp, nhượng bộ với thực dân Pháp. D. đấu tranh hoà bình, hợp pháp, công khai, nửa công khai. Câu 15: Đâu là đặc điểm chung nhất của khu vực Đông Bắc Á? A. Là khu vưc rộng lớn, giàu có về tài nguyên thiên nhiên. B. Là khu vực rộng lớn, dân số đông, thị trường tiêu thụ rộng lớn. C. Là khu vưc rộng lớn nhất thế giới, dân số đông nhưng không giàu tài nguyên thiên nhiên. D. Là khu vực rộng lớn, đông dân nhất thế giới và có nguồn tài nguyên phong phú. Câu 16: Việt Nam ra nhập Liên hợp quốc vào thời gian nào và là thành viên thứ bao nhiêu của Liên hợp quốc? A. tháng 9/1977 và là thành viên thứ 148. B. tháng 8/1967 và là thành viên thứ 149. C. tháng 9/1977 và là thành viên thứ 149. D. tháng 10/1977 và là thành viên thứ 149. Câu 17: Quốc hội khóa I (6- 1- 1946) có bao nhiêu phần trăm cử tri trong cả nước đi bỏ phiếu và đã bầu được bao nhiêu đại biểu? A. 80% và 334 đại biểu. B. 80% và 333 đại biểu. C. 90% và 334 đại biểu. D. 90% và 333 đại biểu. Câu 18: “Chính sách thực lực” của Mĩ được hiểu là A. Chính sách thành lập các khối quân sự. B. Chính sách chạy đua vũ trang với Liên Xô. C. Chính sách xâm lược thuộc địa. D. Chính sách dựa vào sức mạnh của nước Mĩ. Câu 19: Ngày 15/10/2003, ở Trung Quốc đã diễn ra sự kiện gì? A. chính thức thực hiện chương trình thám hiểm không gian. B. phóng thành công 4 con tàu “Thần Châu” với chế độ tự động. C. phóng con tàu “Thần Châu 5” đưa con người bay vào vũ trụ. D. phóng thành công con tàu “Thần Châu 4”. Câu 20: Trên mặt trận quân sự chiến thắng nào của ta đã làm phá sản về cơ bản “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ? A. Bình Giã (Bà Rịa). B. Đồng Xoài (Biên Hòa). C. Ấp Bắc (Mĩ Tho). D. Ba Gia (Quảng Ngãi). Câu 21: Hoàn thiện nội dung sau đây: “Phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết - Nghệ Tĩnh là một sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng nước ta. Phong trào đã………….” A. đánh bại hoàn toàn bọn thực dân Pháp và bọn phong kiến. B. giáng một đòn quyết liệt vào bè lũ đế quốc, phong kiến tay sai. C. để lại bài học kinh nghiệm về chớp thời cơ cách mạng. D. là cuộc tập dượt thứ hai cho cách mạng tháng tám năm 1945. Câu 22: Câu văn nào được trích trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” thể hiện cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân? A. “Không! chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…” B. “…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập…” C. “…Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.”. D. “…Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu tổ quốc…” Câu 23: Ngay sau khi nghe tin Nhật đảo chính Pháp, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp ra chỉ thị: A. “Đánh đuổi phát xít Nhật và thực dân Pháp”. B. “Đánh đuổi phát xít Nhật”. C. “Đánh đuổi đế quốc Pháp”. D. “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Câu 24: Trong 7 anh hùng được chọn để biểu dương trong phong trào thi đua ái quốc (1- 5- 1952), có anh hùng nào tham gia trong chiến dịch Biên Giới thu - đông 1950? A. Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị. B. Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh. C. La Văn Cầu. D. Cù Chính Lan, Trần Đại Nghĩa. Câu 25: Nguyễn Ái Quốc thành lập hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6/1925) nhằm mục đích A. tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết, đấu tranh để chống đế quốc và tay sai. B. tổ chức quần chúng đoàn kết, đấu tranh để chống đế quốc và tay sai. C. tập hợp thanh niên yêu nước Việt Nam ở Quảng Châu-Trung Quốc. D. lãnh đạo quần chúng đoàn kết, đấu tranh để chống đế quốc và tay sai. Câu 26: Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, thực dân Pháp đầu tư vốn nhiều nhất vào các nghành A. nông nghiệp và khai thác mỏ. B. nông nghiệp và thương nghiệp C. công nghiệp chế biến. D. giao thông vận tải. Câu 27: “Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Nội dung trên được trích trong văn kiện của hội nghị nào dưới đây? A. Hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11/1939. B. Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5/1941. C. Hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11/1940 D. Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt nam. Câu 28: Cuộc tiến công chiến lược Đông - xuân 1953 - 1954 đã khoét sâu vào điểm yếu nào của kế hoạch Nava? A. không thể tăng thêm quân số để xây dựng lực lượng mạnh B. tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh Đông Dương của thực dân Pháp C. mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng D. thời gian để xây dựng lực lượng, chuyển bại thành thắng quá ngắn. Câu 29: Ngày 31/10/1947, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định lấy ngày nào hàng năm làm ngày “Liên hợp quốc”. A. 24/10 B. 31/10 C. 22/10 D. 25/10 Câu 30: Nội dung nào không phải là quyết định của hội nghị Ianta? A. Tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức và quân phiệt Nhật. B. Thành lập tổ chức Liên hợp quốc. C. Thoả thuận việc đóng quân và phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu và châu Á. D. Thành lập khối đồng minh chống phát xít. Câu 31: Lực lượng chủ yếu tham gia trong phong trào dân chủ 1936-1939 là? A. liên minh tư sản và địa chủ. B. chủ yếu là giai cấp công nhân và nông dân. C. mọi tầng lớp, giai cấp. D. binh lính và công nông. Câu 32: Nhà nước nào dưới đây được thành lập vào ngày 02/12/1975? A. Việt Nam dân chủ cộng hoà. B. Cộng hoà nhân dân Campuchia. C. Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. D. Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Câu 33: Bức tranh chung của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ngay sau ngày cách mạng tháng 8/1945 như thế nào? A. Được sự giúp đỡ cuả Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. B. Gặp muôn vàn khó khăn, như “ngàn cân treo sợi tóc”. C. Bị các nước bao vây cấm vận. D. Khủng hoảng nghiêm trọng do hậu quả của chế độ thực dân. Câu 34: Năm 1950, sản lượng công nghiệp của Liên xô tăng bao nhiêu phần trăm so với mức trước chiến tranh thế giới thứ hai? A. 75% B. 73% C. 77% D. 70% Câu 35: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2/1951) họp tại đâu? A. Ma Cao (Trung Quốc). B. Chiêm Hoá (Tuyên Quang). C. Pắc Bó (Cao Bằng). D. Hương Cảng (Trung Quốc). Câu 36: Ý nào không phải là biểu hiện sự phát triển “thần kì” của kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn 1960-1973? A. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm luôn đạt hai con số, xấp xỉ 11%. B. Vươn lên thành siêu cường tài chính số một thế giới, là chủ nợ lớn nhất thế giới. C. Năm 1968, kinh tế Nhật Bản vượt qua Anh, Pháp, Tây Đức, Italia và Canađa. D. Năm 1968, Nhật Bản trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới tư bản. Câu 37: Hậu quả nghiêm trọng nhất của chiến tranh lạnh đối với thế giới là: A. tình trạng đối đầu căng thẳng giữa hai cường quốc Liên Xô và Mĩ. B. đặt thế giới luôn trong tình trạng căng thẳng, đối đầu kéo dài gần nửa thế kỷ. C. các nước phải chi phí nhiều tiền của và sức người để chạy đua vũ trang. D. chiến tranh cục bộ đã xảy ra ở một số nơi trên thế giới. Câu 38: Một hệ quả quan trọng của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ là: A. xuất hiện xu thế toàn cầu hoá. B. sự bùng nổ dân số. C. nhu cầu, đòi hỏi của con người ngày càng cao. D. xuất hiện các loại dịch bệnh mới. Câu 39: Nguyên nhân có tính chất quyết định nhất đưa đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta? A. Sự quyết tâm đồng lòng của nhân dân ta. B. Nhân dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn. C. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. D. Có sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và tinh thần đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương. Câu 40: Hai hệ thống phòng ngự mà Pháp thiết lập ở Việt Nam năm 1950 là? A. Tất cả đều sai. B. Xây dựng hệ thống phòng ngự ở đồng bắng Bắc Bộ và Trung Du. C. Lập phòng tuyến Boong ke và vành đai trắng xung quanh trung du và đồng bắng Bắc bộ. D. Hệ thống phòng ngự trên đường số 4 và hành lang Đông Tây. Lời giải chi tiết ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Câu 1. Phương pháp: sgk trang 132, suy luận. Cách giải: Sau sự kiện pháp gửi tối hậu thư yêu cầu ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, để cho quân Pháp làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự ở Hà Nội. Đảng ta đã có chủ trương phát động cả nước kháng chiến (19-12-1946) cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt chu trương “hòa để tiến” đặt ra từ ngày 3-3-1946. => Mục đích của cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 không phải với mục đích để kéo dài thời gian hòa hoãn với Pháp. Chọn: C Câu 2. Phương pháp: sgk trang 146, suy luận. Cách giải: Điểm mấu chốt trong kế hoạch Nava của Pháp là giữ thế phòng ngự (tập trung binh lực ở Đồng bằng bắc bộ), đồng thời ra sức mở rộng ngụy quân, xây dựng đội quân cơ động chiến lược mạnh. Sau đó ở giai đoạn hai sẽ thực hiện tiến công chiến lược, cố giành thắng lợi quyết định, buộc ta phải đàm phán với những điều kiện có lợi cho Pháp để kết thúc chiến tranh. Chọn: A Câu 3. Phương pháp: sgk trang 91. Cách giải: Trong phong trào 1930 – 1931, bên cạnh các các cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân, cũng xuất hiện những khẩu hiệu hcinhs trị như “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc! Đả đảo phong kiến!”, “Thả tù chính trị”, …. Chọn: B Câu 4. Phương pháp: đánh giá, nhận xét. Cách giải: - Kế hoạch Nava có điểm mấu là tập trung lực lượng ở Đồng Bằng Bắc Bộ. - Các cuộc tiến công chiến lược của ta trong Đông – xuân 1953 – 1954 đã làm cho lực lượng địch bị phân tán thành 5 nơi tập trung quân khác nhau. Điều này chứng tỏ kế hoạch Nava đã bước đầu bị phá sản, điều này Pháp chưa hề có kế hoạch trước đó. Hơn nữa, vùng rừng núi địa hình hiểm trở không phải lợi thế của lính Pháp => ta giam chân địch ở vừng rừng núi sẽ gây khó khăn cho Pháp. Chọn: C Câu 5. Phương pháp: Nhận xét, đánh giá. Cách giải: Trong chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950, ta đã giành được thế chủ động trên chiến trường. Đây là trận chủ động tiến công đầu tiên của ta trong kháng chiến chống pháp giành thắng lợi. Đây là kết quả lớn nhất của chiến dịch Biên giới, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến giai đoạn sau của cuộc kháng chiến, buộc Pháp phải đề ra các kế hoạch mới nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường. Chọn: A Câu 6. Phương pháp: sgk trang 31. Cách giải: Hiệp ước Bali xác định nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước: + Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. + Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; + Không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực với nhau. + Giải quyết các tranh chấp bằng phương pháp hòa bình. + Hợp tác phát triển có hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Chọn: B Câu 7. Phương pháp: sgk trang 81. Cách giải: Giữa năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê nin đăng trên báo Nhân đạo. Luận cương của Lê nin đã giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định con đường giành độc lập dân tộc và tự do của nhân dân Việt Nam, đó là con đường: cách mạng vô sản. Chọn: A Câu 8. Phương pháp: sgk trang 169. Cách giải: Chiến thuật được sử dụng trong trong “Chiến tranh đặc biệt” là “trực thăng vận”, “thiết xa vận”. Chọn: A Câu 9. Phương pháp: sgk trang 149. Cách giải: Nava tập trung mọi cố gắng để xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Tổng số binh lực địch ở đây lúc cao nhất có tới 16 200 quân, được bố trí thành ba phân ku: phân khu Bắc gồm các cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo; phân khu Trung tâm ở ngay giữa Mường Thanh, nơi đặt sở chỉ huy, có trận địa pháo, kho hậu cần, sân bay, tập trung 2/3 lực lượng; phân khu Nam đặt tại Hồng Cúm, có trận địa pháo, sân bay. Tổng cộng cả ba phân khu có 49 cứ điểm. Chọn: C Câu 10. Phương pháp: Liên hệ. Cách giải: Đoạn thơ trên được trích trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” (nhà thơ Chế Lan Viên), đoạn thơ thể thiện niềm vui sướng của Bác khi đọc sơ thảo luận cương lần thứ nhất về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê nin (7/1920), tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản. Chọn: C Câu 11. Phương pháp: sgk trang 142. Cách giải: Để thực hiện bồi dưỡng sức dân, nhất là nông dân, năm 1953 Đảng và Chính phủ quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất. Chọn: A Câu 12. Phương pháp: sgk trang 169. Cách giải: Âu mưu cơ bản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” là “Dùng người Việt đánh người Việt”. Chọn: B Câu 13. Phương pháp: sgk trang 104. Cách giải: Hội nghị tháng 11- 1939 xác định: khẩu hiệu lập chính phủ công nông binh được thay thế bằng khẩu hiệu lập Chính phủ Dân chủ Cộng hòa. Chọn: D Câu 14. Phương pháp: sgk trang 100. Cách giải: Hội nghị tháng 7-1936 của Đảng xác định phương pháp đấu tranh trong giai đoạn 1936 – 1939 là kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Chọn: D Câu 15. Phương pháp: sgk trang 19. Cách giải: Đông Bắc Á là một khu vực rộng lớn (với tổng diện tích 10,2 triệu km^2), đông dân nhất thế giới (khoảng 1,47 tỉ người – năm 2000) và có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Chọn: D Câu 16. Phương pháp: sgk trang 7. Cách giải: Tháng 9-1977, Việt Nam là thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. Chọn: C Câu 17. Phương pháp: sgk trang 122. Cách giải: Ngày 6-1-1946, vượt qua mọi hành động chống phá của kẻ thù, hơn 90% cử tri trong cả nước đi bỏ phiếu, bầu được 333 đại biểu khắp Bắc – Trung – Nam vào Quốc hội. Chọn: D Câu 18. Phương pháp: suy luận. Cách giải: Chính sách thực lực là chính sách dựa vào sức mạnh của nước Mĩ. Đây là chính sách của Mĩ thực hiện nhằm đạt ba mục tiêu đề ra trong chiến lược toàn cầu. Chọn: D Câu 19. Phương pháp: sgk trang 24. Cách giải: Ngày 15-10-2003, con tàu “Thần Châu 5” cùng nhà Du hành vũ trụ Dương Lợi Vĩ bay vào không gian vũ trụ. Sự kiện này đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới (sau Nga, Mĩ) có tàu cùng với con người bay vào vũ trụ. Chọn: C Câu 20. Phương pháp: sgk trang 172. Cách giải: Trong đông – xuân 1964 – 1965, quân ta mở chiến dịch tiến công địch ở miền Đông Nam Bộ với trận mở màn đánh vào ấp Bình Giã (Bà Rịa, ngày 2-12-1964). Trong trận này, ta đã đánh thắng các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch; chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản về cơ bản. Chọn: A Câu 21. Phương pháp: điền từ. Cách giải: Phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết – Nghệ Tĩnh là một sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng nước ta. Phong trào đã Giáng một đòn quyết liệt vào bè lũ đế quốc, phong kiến tay sai. Chọn: B Câu 22. Phương pháp: sgk trang 131, suy luận. Cách giải: Câu văn: “…Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc…” thể hiện cuộc kháng chiến toàn dân vì nếu đã là người dân Việt Nam thì không cần phân biệt tôn giáo, đảng phái đều phải tham gia chống Pháp để cứu lấy tổ quốc mình. Đó là tinh thần đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc. Chọn: D Câu 23. Phương pháp: sgk trang 112. Cách giải: Đang lúc Nhật đảo chính Pháp, ngày 12-3-1945, Ban thường vụ trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chọn: D Câu 24. Phương pháp: liên hệ. Cách giải: Trong Trận Đông Khê thuộc Chiến dịch biên giới năm 1950, La Văn Cầu là chỉ huy tổ bộc phá hàng rào để đơn vị phía sau tiến công đồn. Ông Cầu bị trúng đạn dập nát một phần cánh tay phải. La Văn Cầu đã nghiến răng nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay bị thương và tiếp tục chiến đấu. Ông dùng tay trái ôm bọc phá đánh mở đường, tạo thời cơ cho các lực lượng khác tiếp đánh chiếm đồn quân đối phương. Chọn: C Câu 25. Phương pháp: sgk trang 83. Cách giải: Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên nhằm tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết, tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và tay sai, tự cứu lấy mình. Chọn: A Câu 26. Phương pháp: sgk trang 77. Cách giải: Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, Pháp đầu tư vốn nhiều nhất vào nông nghiệp, đặc biệt là cho đồn điền cao su. Tư bản Pháp cũng rất coi trọng việc khai mỏ, trước hết là mỏ than. Chọn: A Câu 27. Phương pháp: Liên hệ. Cách giải: Trung ương Đảng nhận định về tình hình cách mạng nước ta lúc đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, đòi hỏi Đảng ta phải tập hợp, đoàn kết được mọi lực lượng trong xã hội, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc vào một mặt trận dân tộc thống nhất. Ngày 19-5-1941, Mặt trân Việt Minh đã ra đời. Điều lệ của Mặt trận Việt Minh ghi rõ: liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước. Kết nạp từng đoàn thể không cứ đảng phái, đoàn thể nào của người Việt Nam hay của các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, để cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Chọn: B Câu 28. Phương pháp: Phân tích, đánh giá. Cách giải: Hạn chế cơ bản của kế hoạch Nava là mâu thuẫn giữa tập trung lực lượng để đánh và phân tán lực lượng để giữ. Cuộc tiến công chiến lược Đông - xuân 1953-1954 đã làm phân tán cao độ khối cơ động chiến lược của địch, khoét sâu vào điểm yếu của kế hoạch Nava. Từ kế hoạch ban đầu là tập trung quân đông ở Đồng bằng Bắc Bộ, Nava đã phải điều quân thành 5 nơi tập trung quân khác nhau => bước đầu kế hoạch Nava bị phá sản. Chọn: C Câu 29. Phương pháp: sgk trang 6. Cách giải: Ngày 31/10/1947, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định lấy ngày 24-10 hàng năm làm ngày “Liên hợp quốc”. Chọn: A Câu 30. Phương pháp: sgk trang 5, loại trừ. Cách giải: - Các đáp án A, B, C: là quyết định của Hội nghị Ianta. - Đáp án D: khối đồng minh chống phát xít hình thành vào năm 1942, không thuộc nội dung của Hội nghị Ianta. Chọn: D Câu 31. Phương pháp: sgk trang 100, 101, suy luận. Cách giải: Trong phong trào 1936 – 1939, lực lượng chủ yếu tham gia là: giai cấp công nhân và nông dân. Ngoài ra, có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân khác có tinh thần dân chủ chống phát xít, chống chiến tranh như tiểu tư sản, địa chủ vừa và nhỏ và cả ngoại kiều ở Đông Dương. Chọn: B Câu 32. Phương pháp: sgk trang 27. Cách giải: Ngày 2-12-1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chính thức được thành lập, do Hoàng thân Xuphanuvông làm chủ tịch. Chọn: C Câu 33. Phương pháp: sgk trang 121, 122, suy luận. Cách giải: Bức tranh chung của Việt Nam Dân chủ cộng hòa sau ngày cách mạng tháng Tám năm 1945 là gặp muôn vàn khó khăn như ngàn cân treo sợi tóc. Những khó khăn ấy bao gồm: - Ngoại xâm và nội phản. - Nạn đói, nạn dốt, khó khăn về tài chính. Trong đó, giặc ngoại xâm là khó khăn lớn nhất. Chọn: B Câu 34. Phương pháp: sgk trang 10. Cách giải: Đến năm 1950, tổng sản lượng công nghiệp Liên Xô tăng 73% so với mức trước chiến tranh Chọn: B Câu 35. Phương pháp: sgk trang 140. Cách giải: Từ ngày 11 đến này 19-2-1951, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại xã Vinh Quang (Chiêm Hóa – Tuyên Quang) Chọn: B Câu 36. Phương pháp: sgk trang 54, loại trừ. Cách giải: - Đáp án A, C, D: là biểu hiện minh chứng cho sự phát triển thần kì của Nhật Bản trong giai đoạn 1960 – 1973. - Đáp án B: là sự phát triển kinh tế của Nhật Bản từ nửa sau những năm 80 của thế kỉ XX. Chọn: B Câu 37. Phương pháp: Phân tích, đánh giá. Cách giải: Tuy không có một cuộc chiến tranh thế giới nào nổ ra, nhưng trong quá trình diễn ra chiến tranh lạnh, thế giới luôn ở trong tình trạng căng thẳng, nguy cơ nỏ ra chiến tranh thế giới mới. Chọn: B Câu 38. Phương pháp: sgk trang 69. Cách giải: Một hệ quả của cách mạng khoa học - công nghệ là từ đầu những năm 80 của thế kỉ XX, nhất là từ sau Chiến tranh lạnh, trên thế giới đã diễn ra xu thế toàn cầu hóa. Chọn: A Câu 39. Phương pháp: Đánh giá, nhận xét. Cách giải: Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì đây chính là ngọn cờ tập hợp, quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để đánh bại kẻ thù xâm lược. Chọn: C Câu 40. Phương pháp: sgk trang 136. Cách giải: Hai hệ thống phòng ngự mà Pháp thiết lập ở Việt Nam năm 1950 là: Tăng cường hệ thống phòng ngự trên đường số 4 và thiết lập "hành lang Đông Tây" (Hải Phòng, Hà Nội, Hoà Bình, Sơn La). Chọn: D Nguồn: Sưu tầm HocTot.Nam.Name.Vn
|