Đề kiểm tra học kì 1 sử 11 - Đề số 10 có lời giải chi tiếtĐề kiểm tra học kì 1 sử 11 - Đề số 10 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp Đề bài I. Phần trắc nghiệm (2,0 điểm) Câu 1: Từ sau cuộc cải cách năm 1892, tòa án, quân đội, trường học ở Xiêm đã được tổ chức lại theo mô hình của: A. Mĩ. B. Châu Âu. C. Đức. D. Nhật Bản. Câu 2: Đảng Quốc xã Đức lợi dụng điều gì để kích động chủ nghĩa phục thù, chủ nghĩa chống cộng, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc? A. Tâm lí bất mãn của người Đức đối với nền cộng hòa Vai-ma. B. Sự bất mãn của người Đức với cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933. C. Sự căm thù của người Đức đối với việc Đức bị thất bại trong chiến tranh thế giới thứ nhất. D. Tâm lí bất mãn của người Đức đối với Hòa ước Véc-xai. Câu 3: Biện pháp để giải quyết khủng hoảng kinh tế 1929-1933 của các nước Mĩ, Anh, Pháp là gì? A. Phát xít hóa bộ máy nhà nước. B. Tiến hành cải cách kinh tế - xã hội và đổi mới quy trình quản lí, tổ chức sản xuất. C. Tìm kiếm lối thoát bằng những hình thức thống trị mới. D. Gây chiến tranh xâm lược thuộc địa. Câu 4: Yếu tố nào đã làm thay đổi sâu sắc so sánh lực lượng giữa các nước đế quốc vào cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX? A. Chính sách huấn luyện quân đội. B. Hệ thống thuộc địa không đồng đều. C. Sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản. D. Việc sở hữu các loại vũ khí có tính sát thương cao. Câu 5: Thực chất Chính sách Kinh tế mới là: A. sự chuyển đổi từ nền sản xuất nhỏ sang nền sản xuất lớn XHCN. B. sự chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường hoàn toàn. C. chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp làm trọng tâm sang nền kinh tế công nghiệp là chủ yếu. D. sự chuyển đổi từ nền kinh tế do Nhà nước nắm độc quyền sang nền kinh tế nhiều thành phần đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Câu 6: Tính chất của cuộc cách mạng tháng Mười Nga là: A. cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu cũ. B. cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới. C. cuộc cách mạng vô sản. D. cách mạng giải phóng dân tộc. Câu 7: Ong Kẹo và Commađam đã lãnh đạo khởi nghĩa ở nơi nào? A. Xavanakhét B. Cao nguyên Bôlôven C. Châu Đốc, Hà Tiên D. Cao nguyên Lang Bian Câu 8: Minh Trị Thiên hoàng đã có hành động như thế nào đối với chế độ Mạc phủ? A. Duy trì Mạc phủ như là Bộ nội vụ trong chính phủ mới. B. Giải tán Mạc phủ nhưng cho Shogun làm Thủ tướng. C. Thủ tiêu chế độ Mạc phủ. D. Duy trì Mạc phủ về mặt hình thức, không có thực quyền. II. Phần tự luận (8,0 điểm) Câu 1: (4,0 điểm). Trình bày nội dung cơ bản của cuộc Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản. Vì sao Nhật Bản coi chính sách giáo dục là nhân tố chìa khóa cho công cuộc hiện đại hóa? Câu 2: (4,0 điểm). “Giống như mặt trời chói lọi,… chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái Đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghiã to lớn và sâu xa như thế.” (Hồ Chí Minh). a) Với nhận định trên, Hồ Chí Minh muốn khẳng định tầm vóc và giá trị to lớn của cuộc cách mạng nào? Nêu ý nghĩa tính chất của cuộc cách mạng đó? b) Cuộc cách mạng đó có ảnh hưởng gì tới Việt Nam? Lời giải chi tiết ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT I. Phần trắc nghiệm (2,0 điểm)
Câu 1. Phương pháp: sgk trang 25. Cách giải: Năm 1892, Ra-ma V đã tiến hành hàng loạt cải cách theo khuôn mẫu các nước phương Tây về hành chính, tài chính, quân sự, giáo dục,… tạo cho nước Xiêm một bộ mặt mới, phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa. Chọn đáp án: B Câu 2. Phương pháp: sgk trang 66, phân tích. Cách giải: Trong Hòa ước Véc – xai kí với Đức (28/6/1919), buộc Đức phải gánh chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh. Theo đó, Đức phải trả 2 tỉnh Andát và Loren cho Pháp, Đức bị hạn chế quân sự đến mức thấp nhất (chỉ giữ lại 100.000 bộ binh với vũ khí thông thường). Với hòa ước Véc – xai, Đức mất gần 1/8 đất đai, gần ½ dân số, gần 1.3 mỏ than, gần 1/3 sản lượng thép và gần 1/7 diện tích trồng trọt. Toàn bộ gánh nặng của Hòa ước Véc-xai đè nặng lên vai nhân dân Đức => Tâm lí bất mãn của người Đức đối với Hòa ước Véc-xai. Lợi dung tình thế này, đứng đầu Đảng Quốc xã là Hít-le đã ra sức tuyên truyền, kích động chủ nghĩa phục phù, chống chủ nghĩa cộng sản và phân biệt chủng tộc, chủ trương phát xít hóa bộ máy nhà nước, thiết lập chế độ độc tài khủng bố công khai. Chọn đáp án: D Câu 3. Phương pháp: sgk trang 62. Cách giải: Để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933, các nước Mĩ, Anh, Pháp tiến hành cải cách kinh tế - xã hội và đổi mới quá trình quản lí, tổ chức sản xuất. Chọn đáp án: B Câu 4. Phương pháp: sgk trang 31. Cách giải: Sự phát triển không đồng đều về kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX đã làm thay đổi sâu sắc so sánh lực lượng giữa các nước đế quốc. Chọn đáp án: C Câu 5. Phương pháp: sgk trang 54. Cách giải: Thực chất Chính sách kinh tế mới là sự chuyển đổi từ nền kinh tế do Nhà nước nắm độc quyền sang nền kinh tế nhiều thành phần đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Chọn đáp án: D Câu 6. Phương pháp: sgk trang 50, suy luận. Cách giải: Cách mạng tháng Hai đã đưa đến sự thành lập hai chính quyền song song. Tháng 4-1917, Lê – nin có bản báo cáo quan trọng trước Trung ương Đảng Bônsêvich (Luận cương tháng Tư) chi ra mục tiêu và đường lối chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. => Cách mạng tháng Mười do Đảng Bônsêvích đại diện cho giai cấp vô sản ở Nga mục đích lật đổ chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản => Cách mạng tháng Mười là cách mạng vô sản Chọn đáp án: C Câu 7. Phương pháp: sgk trang 24. Cách giải: Cuộc khởi nghãi của Ong Kẹo và Commađam nổ ra từ năm 1901 và kéo dài đến năm 1937 diễn ra trên cao nguyên Bô-lô-ven. Chọn đáp án: B Câu 8. Phương pháp: sgk trang 6. Cách giải: Trong cuộc cải cách Duy tân Minh Trị, về chính trị: Nhật hoàng tuyên bố thủ tiêu chế độ Mạc phủ, lập chính phủ mới. Chọn đáp án: C II. Phần tự luận (8,0 điểm) Câu 1. Phương pháp: Dựa vào nội dung của cuộc Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản (sgk trang 6) để trả lời, phân tích và đánh giá Cách giải: * Nội dung - Chính trị: + Thủ tiêu chế độ Mạc Phủ, thành lập chính phủ mới… + Ban hành Hiến pháp mới năm 1889, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến. +Chính phủ mới được tổ chức theo kiểu châu Âu gồm 12 bộ. Thực hiện quyền bình đẳng ban bố các quyền tự do… - Kinh tế: + Chính phủ thi hành nhiều chính sách cải cách như: thống nhất tiền tệ, thị trường, chú trọng phát triển công thương nghiệp TBCN… + Xóa bỏ độc quyền ruộng đất của phong kiến, cho phép mua bán ruộng đất. - Quân sự: + Quân đội được tổ chức theo kiểu phương Tây. + Chú trọng sản xuất vũ khí, đóng tàu chiến… - Văn hóa - giáo dục: + Thi hành chính sách giáo dục bắt buộc, chú trọng KHKT, tiếp thu trình độ phương Tây. + Cử học sinh giỏi đi du học phương Tây - Tính chất: Cuộc cải cách Minh Trị mang tính chất một cuộc cách mạng tư sản chưa triệt để. * Giáo dục được coi là nhân tố chìa khóa cho công cuộc hiện đại hóa nước Nhật vì: - Nâng cao dân trí, tạo cho con người có khả năng nắm bắt KHKT, tư tưởng văn hóa tiên tiến, để hội nhập vào thế giới TBCN. - Đưa Nhật tiến con đường hiện đại hóa chỉ có thế đạt được từ sự đổi mới từ giáo dụC. Giáo dục sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế và đổi mới xã hội. Câu 2: a) Phương pháp: Dựa vào kiến thức đã học về Cách mạng tháng Mười Nga và hiểu biết thực tế để suy luận trả lời. Cách giải: Hồ Chí Minh muốn khẳng định tầm vóc và giá trị to lớn của cuộc cách mạng tháng Mười năm 1917 ở Nga. - Ý nghĩa lịch sử của cách mạng tháng Mười Nga: Đối với nước Nga: + Đập tan ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến tồn tại lâu đời ở nước NgA. + Mở ra kỷ nguyên mới, lần đầu tiên trong lịch sử, cách mạng đã đưa công nhân, nông dân lên nắm quyền, xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa. Đối với thế giới: + Làm thay đổi cục diện thế giới. Đánh đổ chủ nghĩa tư bản ở một khâu quan trọng của nó là chủ nghĩa đế quốc, làm cho chủ nghĩa tư bản không còn là hệ thống duy nhất trên thế giới. + Cổ vũ và để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cách mạng thế giới. - Tính chất: là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (cách mạng vô sản). b) Phương pháp: Liên hệ với lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919 – 1930 và những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn này để trả lời. Cách giải: - Dưới tác động và ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào đấu tranh của công nhân các nước tư bản phương Tây phát trển mạnh mẽ và gắn bó mật thiết với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. - Cách mạng tháng Mười Nga và sự phát triển của phong trào Cách mạng vô sản thế giới đã tác động mạnh mẽ đến sự lựa chọn con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc. Năm 1920, sau khi đọc bản “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, NAQ đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam con đường cách mạng vô sản mở đường giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Nguồn: Sưu tầm HocTot.Nam.Name.Vn
|