Đề kiểm tra 15 phút chương 5 - phần 2 - Đề số 7

Đề kiểm tra 15 phút chương 5 phần 2 lịch sử 12 - Đề số 7 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề bài

Câu 1: Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919-1929) của thực dân Pháp ở Đông Dương đã có tác động như thế nào đến phong trào yêu nước Việt Nam?

A. Du nhập những luồng tư tưởng mới vào Việt Nam

B. Làm xuất hiện những giai cấp mới ở Việt Nam

C. Thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu độc lập

D. Làm cho phong trào yêu nước mang màu sắc mới

Câu 2: Trong những năm 20 của thế kỉ XX, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá lý luận cách mạng gì về Việt Nam?

A. Chủ nghĩa Mác- Lênin

B. Lý luận cách mạng vô sản

C. Lý luận cách mạng giải phóng dân tộc

D. Chủ nghĩa Mác

Câu 3: Sự kiện nào đánh dấu lịch sử Việt Nam khước từ khuynh hướng tư sản, lựa chọn đi theo khuynh hướng vô sản?

A. Khởi nghĩa Yên Bái thất bại và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam

B. Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập

C. Khởi nghĩa Yên Bái thất bại

D. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cách mạng 1930-1931

Câu 4: Sự du nhập sâu rộng lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam đã có tác động như thế nào đến phong trào yêu nước?

A. Làm cho phong trào yêu nước Việt Nam mang màu sắc mới

B. Làm cho phong trào yêu nước ngả dần sang quỹ đạo vô sản

C. Thúc đẩy phong trào công nhân phát triển trở thành nòng cốt của phong trào yêu nước

D. Đặt ra yêu cầu thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam

Câu 5: Yêu cầu cấp thiết đặt ra cho Việt Nam vào đầu năm 1930 là gì?

A. Đánh bại hoàn toàn khuynh hướng cứu nước dân chủ tư sản.

B. Thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản.

C. Giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối.

D. Thúc đẩy phong trào công nhân trở thành phong trào tự giác.

Câu 6: Đâu là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930-1945?

A. Giải phóng dân tộc           

B. Thổ địa cách mạng

C. Giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày

D. Tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ

Câu 7: Đặc điểm chung nhất của lịch sử Việt Nam 1919-1930 là gì?

A. Lâm vào cuộc khủng hoảng về đường lối đấu tranh

B. Cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam giữa 2 khuynh hướng tư sản và vô sản

C. Phong trào dân tộc dân chủ công khai phát triển mạnh

D. Quá trình vận động thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam

Câu 8: Tính chất điển hình của cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là

A. Dân chủ

B. Giai cấp

C. Giải phóng dân tộc           

D. Dân tộc dân chủ

Câu 9: Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã thực hiện thành công

A. Đánh đổ các giai cấp bóc lột, giành quyền tự do, dân chủ.

B. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước.

C. Lần lượt đánh đuổi các nước đế quốc, phát xít Nhật, Pháp và Mĩ.

D. Lật đổ chế độ phản động thuộc địa, giành quyền dân chủ.

Câu 10: Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945-1954 là

A. Kháng chiến chống Pháp

B. Xây dựng chế độ mới ở Việt Nam

C. Kháng chiến - kiến quốc

D. Bảo vệ thành quả cách mạng tháng Tám

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

1. D

2. C

3. A

4. B

5. B

6. A

7. B

8. C

9. B

10. C

Câu 1:

Phương pháp: Dựa vào nội dung về thời kì 1919-1930 (từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến khi Đảng ra đời năm 1930) để trả lời

Cách giải:

Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919-1929) của thực dân Pháp ở Đông Dương đã dẫn tới sự xuất hiện những giai cấp mới ở Việt Nam. Những giai cấp mới tiếp thu những tư tưởng mới sẽ làm cho phong trào yêu nước Việt Nam mang màu sắc mới.

Chọn: D

Câu 2:

Phương pháp: Dựa vào nội dung về thời kì 1919-1930 để trả lời.

Cách giải:

Trong những năm 20 của thế kỉ XX, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá lý luận cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Đây là một điểm sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc khi không trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin mà có sự biến đổi cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Qúa trình truyền bá này được thể hiện cụ thể thông qua hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.

Chọn: C

Câu 3:

Phương pháp: Dựa vào nội dung về thời kì 1919-1930 để trả lời.

Cách giải:

Khởi nghĩa Yên Bái thất bại và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 đánh dấu lịch sử Việt Nam khước từ khuynh hướng tư sản, lựa chọn đi theo khuynh hướng vô sản

Chọn: A

Câu 4:

Phương pháp: Dựa vào sự chuyển biến của phong trào yêu nước trong những năm 1919-1930 để suy luận trả lời

Cách giải:

Sự du nhập sâu rộng lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam đã làm cho phong trào yêu nước thoát dần khỏi quỹ đạo dân chủ tư sản, ngả dần sang quỹ đạo vô sản. Từ đó thúc đẩy phong trào yêu nước theo con đường vô sản phát triển (biểu hiện rõ nét là sự thành lập ba tổ chức cộng sản) và đặt ra yêu cầu phải thành lập một Đảng Cộng sản.

Chọn: B

Câu 5:

Phương pháp: Dựa vào tình hình Việt Nam trong những năm 1929-1930 để suy luận trả lời

Cách giải:

Do sự phát triển của phong trào dân tộc dân chủ, năm 1929, ở Việt Nam đã xuất hiện 3 tổ chức cộng sản. Tuy nhiên các tổ chức này lại hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng của nhau gây ra nguy cơ chia rẽ lớn. Trong bối cảnh đó, yêu cầu cấp thiết của lịch sử Việt Nam đầu năm 1930 là thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản để tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam

Chọn: B

Câu 6:

Phương pháp: Dựa vào hoàn cảnh lịch sử Việt Nam trong những năm 1930 - 1945 để suy luận trả lời.

Cách giải:

Trong bối cảnh mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Việt Nam thuộc địa là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và tay sai nên nhiệm vụ hàng đầu của lịch sử Việt Nam giai đoạn 1930-1945 là giải phóng dân tộc. Chính vì thế, khi xét tính chất của cách mạng tháng Tám năm 1945 thì cuộc cách mạng này được coi là cách mạng giải phóng dân tộc.

Chọn: A

Câu 7:

Phương pháp: Dựa vào ý nghĩa các phong trào đấu tranh từ năm 1919-1930 để đánh giá, nhận xét.

Cách giải:

Đặc điểm cơ bản nhất của lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919-1930 không phải là sự phát triển từ tư sản qua vô sản, hết tư sản rồi mới đến vô sản mà là sự tồn tại song song của cả 2 khuynh hướng. Đây thực chất là cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam giữa 2 khuynh hướng, đưa tới kết cục khuynh hướng vô sản thắng lợi (sự thất bại của khởi nghĩa Yên Bái và sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam đầu năm 1930)

Chọn: B

Câu 8:

Phương pháp: Dựa vào nhiệm vụ, lực lượng và hình thức chính quyền của cách mạng tháng Tám để đánh giá, nhận xét.

Cách giải:

Cách mạng tháng Tám tiến hành nhằm thực hiện mục tiêu số 1 của Việt Nam là giành độc lập dân tộc. Đây là một cuộc nổi dậy của toàn dân tộc Việt Nam với nòng cốt là liên minh công - nông, lập ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Do đó tính chất điển hình của cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là giải phóng dân tộc

Chọn: C

Câu 9:

Phương pháp: Dựa vào tiến trình lịch sử Việt Nam từ khi Đảng ra đời để nhận xét, đánh giá.

Lời giải:

Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh thực hiện hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước. Những dấu mốc thắng lợi quan trọng đó là: Cách mạng tháng Tám năm 1945, Kháng chiến chống Pháp thành công (1946 - 1954), Kháng chiến chống Mĩ thành công (1954 - 1975). Đặc biệt, thắng lợi của cuộc tổng tiến và nổi dậy xuân năm 1975 đã đánh dấu Việt Nam hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ.

Chọn: B

Câu 10:

Phương pháp: Dựa vào nội dung về thời kì 1930 - 1945 để trả lời.

Cách giải:

Hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945-1954 là kháng chiến- kiến quốc để bảo vệ và phát huy thành quả của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945- độc lập dân tộc và chính quyền nhà nước

Chọn: C

HocTot.Nam.Name.Vn

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close