Chuyện cũ trong phủ Chúa Trịnh .

Chuyện cũ trong phủ Chúa Trịnh .

Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh được trích từ Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ. Tác phẩm đã ghi lại một cách chân thực bức tranh trong phủ chúa Trịnh Sâm với thói ăn chơi xa xỉ, vô độ; sự hống hách ngang ngược của bọn quan lại, đồng thời cho thấy cuộc sống khốn khổ của nhân dân.

Trước hết tác giả phác họa bức tranh ăn chơi xa xỉ trong phủ chúa Trịnh và các quan lại hầu cận. Để chứng minh thói ăn chơi vô độ của chúa Trịnh Sâm, Phạm Đình Hổ đã liệt kê trên nhiều phương diện. Trước hết, chúa cho xây dựng nhiều đền đài, cung điện để thỏa mãn thú “đi chơi ngắm cảnh đẹp”, việc xây dựng triền miên hết năm này qua năm khác, không chỉ hao tiền tốn của mà còn bòn rút hết sức lực của người dân, khiến cuộc sống của họ cùng cực, đói khổ.

Không chỉ vậy, chúa Trịnh còn thường rong chơi, trong một tháng dạo chơi trên hồ đến ba bốn lần. Những cuộc dạo chơi đó còn phải huy động rất nhiều người hầu, kẻ hạ “binh lính dân hầu vòng quanh bốn mặt hồ” sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh của chúa. Chúa Trịnh còn bày ra nhiều trò giải trí lố lăng, tốn kém tiền bạc như cho các nội thần ăn mặc giả đàn bà bày hàng bán quanh hồ, thuyền ngự dạo trên hồ, thỉnh thoảng lại ghé vào mua bán.

Thực là một cảnh lố lăng, kệch cỡm chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Đến sự việc thứ ba thì càng đáng trách hơn nữa, không chỉ bày ra những trò chơi kệch cỡm, phủ chúa còn ngang nhiên cướp đoạt trắng trợn những “loài trân cầm dị thú, cổ mộc, quái thạch và chậu hoa cây cảnh” trong dân gian mang về phủ chúa. Để làm rõ hơn điều đó, tác giả lấy dẫn chứng hết sức chân thực về việc di chuyển một cây cổ thụ: “cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng, phải một cơ bình mới khiêng nổi” ấy vậy mà phủ chúa nhất quyết phải đem cho được cây cổ thụ ấy về.

Những việc làm, hành động đó càng cho thấy rõ hơn sự ngang ngược, lộng hành của chúa Trịnh Sâm. Cuối đoạn văn, tác giả đã khẳng định: “Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu, vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn, kẻ thức giả biết đó là triệu bất thường”. Đây là những suy nghĩ, cảm nhận được nhà văn trực tiếp bộc lộ.

Suốt cả đoạn văn phía trước ông chỉ kể lại, trần thuật lại bằng giọng đều đều bình bình, không nhấn nhá, không cảm xúc, nhưng đến đây ông cũng phải cất lên tiếng thở dài não nùng. Những kẻ thức giả, có hiểu biết sẽ nhận ra rằng đây là những dấu hiệu bất thường, báo hiệu sự suy yếu tất dẫn đến bại vong của một triều đại. Triều đại chỉ lo ăn chơi, hưởng lạc, chà đạp lên đời sống người dân ắt sẽ sụp đổ.

Người xưa vẫn thường nói rằng: “Thượng bất chính , hạ tắc loạn” tức để nói nếu bề trên làm việc không nghiêm túc, làm những điều sai trái thì tất yếu kẻ bề dưới cũng vì thế mà làm theo. Trong phủ chúa Trịnh, mọi việc đã diễn ra đúng như vậy. Chúa Trịnh tham lam, chỉ lo hưởng lạc nên tất yếu sinh ra những kẻ hầu cận, quan cấp dưới ỷ thế mà ức hiếp dân lành, chúng dùng nhiều thủ đoạn để nhũng nhiễu, vơ vét của nhân dân.

Bọn hoạn quan bày trò cướp đoạt, vu cáo, phá hoại tài sản của người dân trắng trợn. Chúng “dò xem” nhà nào có vật quý thì biên ngay vào hai chữ “phụng thủ”. Ở đoạn văn này tác giả sử dụng hàng loạt động từ, kết hợp với miêu tả cho thấy sự ngang ngược, bất nhân của chúng: “trèo qua tường thành lẻn ra” “lấy phăng đi” “buộc tội”,… đó là hành động của kẻ cướp, chúng vừa ăn cắp, vừa la làng.

Những người bị vu vạ phải chạy vạy tiền của hoặc tự tay phá đi “núi non bộ” “cây cảnh” để không rước tai vạ vào thân. Người dân phải chịu biết bao bất công, phi lí. Để làm cho đoạn văn tăng tính xác thực, Phạm Đình Hổ kể một chuyện xảy ra với chính gia đình mình. Gia đình nhà ông có cây lê cao lớn, đẹp đẽ, lúc hoa nở trắng xóa, thơm lừng; ngoài ra còn có trồng hai cây lựu trắng và lựa đỏ lúc ra quả rất đẹp nhưng bà cung nhân cũng phải sai chặt đi. Đoạn văn cuối tác phẩm đã góp phần tố cáo, tăng ý nghĩa phê phán với bọn quan lại lúc bấy giờ.

Tác phẩm không chỉ hấp dẫn ở nội dung đặc sắc mà còn gây hứng thú cho bạn đọc ở ngòi bút tài hoa. Phạm Đình Hổ đã ghi chép một cách chân thực những gì mình đã chứng kiến. Ngôn ngữ, giọng điệu tự nhiên, trôi chảy, không bị gò bó bởi cốt truyện. Kết hợp hài hòa giữa kể và tả vạch trần bộ mặt xấu xa, độc ác, bất nhân của chúa Trịnh và bè lũ tay sai.

Với thể tùy bút linh hoạt, phóng khoáng Phạm Đình Hổ đã ghi lại một cách chân thực, sinh động khung cảnh sinh hoạt sa đọa, lối sống xa hoa, vô độ trong phủ chúa và sự lộng hành, nhũng nhiễu của bọn quan lại dưới quyền. Đằng sau bức tranh đó còn cho thấy đời sống khổ cực, bị đè nén, áp bức của nhân dân.

Nguồn: Sưu tầm

HocTot.Nam.Name.Vn

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close