Các cống hiến của Nhà văn hóa Hồ Chí MinhHồ Chí Minh được tổ chức Khoa học - Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là nhà văn hóa kiệt xuất (éminent homme de culture) là do cống hiến của Người: Câu hỏi. Các cống hiến của Nhà văn hóa Hồ Chí Minh Trả lời: Hồ Chí Minh được tổ chức Khoa học - Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là nhà văn hóa kiệt xuất (éminent homme de culture) là do cống hiến của Người: Thứ nhất Người đã khởi xướng phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc thuộc địa, giành lại độc lập, tự do. Đó không chỉ là một sự nghiệp chính trị phi thường mà còn là một sự nghiệp văn hóa cao cả. “Đổi người nô lệ thành người tự do", giải phóng con người khỏi thân phận nô lệ, khỏi cái đói, cái rét, cái dốt là một sự nghiệp văn hóa có ý nghĩa cao cả nhất, đầy đủ nhất, một ước mơ ngàn đời của nhân loại. Thứ hai, Người đã sớm thấy vai trò và sức mạnh của văn hóa, đã sớm đưa văn hóa vào chiến lược phát triển đất nước Việt Nam. Giành được độc lập là mở ngay chiến dịch chống giặc dốt. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người phát động Đời sống mới, xây dựng và phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân. Công lao to lớn của Hồ Chí Minh là đã đưa văn hóa đi sâu vào quần chúng, tác động như một sức mạnh vật chất, biến đổi phong hóa, cải tạo con người. Thứ ba, Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, xây dựng thế giới quan và phương pháp luận cho việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Người là kiến trúc sư vĩ đại của công cuộc “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa", cải cách và xây dựng nét văn hóa Việt Nam, tạo ra một cách nhìn mới, một ý thức chính trị,ý thức đạo đứ, ý thức pháp luật, ý thức nghệ thuật mới... chưa từng có trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Thứ tư, Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động và sáng tạo văn hóa lớn. Văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại. Bản thân Hồ Chí Minh là nhà thơ, nhà văn, nhà báo cách mạng vĩ đại. Theo Hồ Chí Minh viết bằng chữ Việt và chữ Hán. Văn thơ “vốn không ham”, nhưng những bài thơ ngẫu hứng, sản phẩm của một thời của Hồ Chí Minh, trong đó không ít bài ra đời trong cảnh tù đày, biệt xứ đã trở thành “thơ của muôn đời”, "xáo trộn cả tâm hồn nhân loại” bởi những giá trị nhân văn cao quý, tỏa sáng từ một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Hồ Chí Minh là nhà văn lớn. Người đã tìm tòi và viết, nhiều thể loại tiểu thuyết, du ký. truyện viễn tưởng, truyện ngắn, thư từ, ký, kịch, tiểu phẩm, văn chính luận, ở lĩnh vực nào Người cũng đạt được những thành tựu, có những yếu tố rất mới: hiện đại. Hiện vẫn giữ nguyên giá trị trong sự đổi mới văn học hôm nay. Hồ Chí Minh là một nhà báo, nhà báo bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Người không nhận mình là nhà thơ nhà văn, chỉ là “người có nhiều duyên nợ với báo chí. Người đã sáng lập và là linh hồn của nhiều tờ báo vô sản đầu tiên ở nước ta. Những bài báo của Người đã góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, chỉ đạo phong trào cách mạng ở thuộc địa, chứa đựng trung thực, hồn nhiên cái đẹp, cao quý của đạo đức, trí tuệ, tiêu biểu cho cái đẹp - cái thiện của con người. Thứ năm, Hồ Chí Minh là mẫu mực của tinh thần bao dung, khoan dung văn hóa. Đây là sự thể hiện tài tình quy luật tiếp biến của văn hóa. Văn hóa Hồ Chí Minh không tự bó mình trong chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thiển cận. Người trân trọng mọi giá trị văn hóa nhân loại, tôn trọng và chấp nhận những giá trị khác biệt, không hề bài bác hay phủ định tôn giáo, mà biết khéo hướng lý tưởng của các tôn giáo vào phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Thứ sáu. Hồ Chí Minh là hiện thân rực rỡ của văn hóa hòa bình, ngoại giao hòa bình, luôn chủ trương giải quyết tranh chấp, xung đột bằng thương lượng, đối thoại với thái độ hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau. Tóm lại, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hóa mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cũng là những giá trị đóng góp vào sự phát triển văn hóa của thế giới.
|