Bài 5. Một số vấn đề an ninh toàn cầu - SGK Địa lí 11 Cánh diềuĐọc thông tin, hãy lựa chọn và trình bày ít nhất một vấn đề an ninh toàn cầu hiện nay.
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
? mục I Đọc thông tin, hãy lựa chọn và trình bày ít nhất một vấn đề an ninh toàn cầu hiện nay. Phương pháp giải: Đọc thông tin mục I để lựa chọn và trình bày vấn đề. Lời giải chi tiết: Vấn đề an ninh nguồn nước - An ninh nguồn nước là sự đảm bảo về số lượng nước, chất lượng nước để phục vụ cho sức khỏe, kinh tế, hoạt động sản xuất, môi trường sinh thái đối với cộng đòng dân cư; đồng thời cũng là sự đảm bảo được bảo vệ trước các loại dịch bệnh, thiên tai liên quan đến nước. - Đây là một vấn đề toàn cầu, đang đứng trước nhiều thách thức: nguồn nước bị ô nhiễm, tình trạng khan hiếm nước do biến đổi khí hậu, sử dụng nước kém hiệu quả, lãng phí nước, tranh chấp nguồn nước của các quốc gia có chung lưu vực sông. - Đảm bảo an ninh nguồn nước là trách nhiệm của tất cả mọi người, đặt dưới cơ chế quản lí thống nhất của từng quốc gia, khu vực. Một số giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước: + Mỗi quốc gia chủ động xây dựng các giải pháp (hệ thống thủy lợi, công nghệ xử lí nước…) để bảo vệ nguồn nước và khắc phục tình trạng ô nhiễm nước. + Mỗi cá nhân có ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm, góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước chính nơi mình sống. ? mục II Đọc thông tin, hãy cho biết tại sao cần phải bảo vệ hòa bình thế giới. Phương pháp giải: Đọc thông tin mục II. Lời giải chi tiết: - Cần phải bảo vệ hòa bình thế giới vì: + Bảo vệ hòa bình thế giới có ý nghĩa to lớn, hạn chế các xung đột, phát triển kinh tế, tạo ra sự thịnh vượng chung. + Hòa bình là điều kiện tốt nhất cho cuộc sống của mỗi con người. + Một đất nước hòa bình thì mới đảm bảo đầy đủ các quyền của con người, bảo vệ con người trước sự bất công và bất bình đẳng. Luyện tập Lập sơ đồ thể hiện một số vấn đề an ninh toàn cầu Phương pháp giải: Dựa vào kiến thức đã học về một số vấn đề an ninh toàn cầu để lập sơ đồ. Lời giải chi tiết:
Vận dụng Hãy tìm hiểu và nêu một số hoạt động của Việt Nam trong việc tham gia vào lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc. Phương pháp giải: Dựa vào hiểu biết thực tế của bản thân kết hợp tìm kiếm thông tin từ các nguồn khác nhau Lời giải chi tiết: - Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc từ tháng 6/2014. Đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, được Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế đánh giá cao; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế. Hoạt động của lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam tại địa bàn phái bộ đã để lại dấu ấn tích cực về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới. - Theo Thông tin từ Cục giữ gìn hòa bình Việt Nam, từ tháng 6/2014 đến tháng 8/2022, Quân đội đã cử 512 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc. Các lực lượng của Việt Nam đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ; được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đóng góp vào sự thành công trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 của Việt Nam với tỷ lệ phiếu bầu rất cao (192/193 phiếu tán thành). Đồng thời, lực lượng Quân đội tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc đã thể hiện tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết quốc tế, đặc biệt là khả năng thích ứng nhanh trong môi trường làm việc khắc nghiệt tại các phái bộ. Một điểm nổi bật nữa trong việc tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam là đã phát huy và khẳng định được vai trò của quân nhân nữ trong hoạt động giữ gìn hòa bình. Thực hiện Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong 8 năm qua, Việt Nam đã cử tổng số 74 nữ quân nhân tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình, trong đó, có 8 sĩ quan nữ tham gia theo hình thức cá nhân, hoạt động độc lập (chiếm 20% so với tỷ lệ trung bình của Liên hợp quốc là dưới 10%); 45 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 (chiếm 16-21% so với tỷ lệ trung bình của Liên hợp quốc là 12%); còn Đội công binh Việt Nam có 21 nữ quân nhân (chiếm gần 12%), trong khi các Đội công binh giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc của các nước khác không có nữ quân nhân tham gia. Điều này được Liên hợp quốc đánh giá cao và ghi nhận. - Việc tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc đã khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên đối với lĩnh vực giữ gìn hòa bình sẽ góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới; đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, nâng cao uy tín, vị thế của Quân đội và tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. - Có 19/53 lượt sĩ quan tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình theo hình thức cá nhân, hoạt động độc lập đã kết thúc nhiệm kỳ công tác được Liên hợp quốc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 30%, trong khi tỷ lệ trung bình của các nước là 2%). Đáng chú ý, năm 2020, 4 sĩ quan của Cục giữ gìn hòa bình Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các bài kiểm tra và được Liên hợp quốc tuyển dụng (3 sĩ quan làm việc tại Cục Các hoạt động hòa bình, Trụ sở Liên hợp quốc và 1 sĩ quan làm việc tại Phái bộ giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc, điều phối các hoạt động quân sự với Chính phủ Cộng hòa Trung Phi).
|